Vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Toà án sẽ xử lý tài sản của 3 người qua đời
Quá trình giải quyết vụ việc có 3 cá nhân đã chết. Một lượng lớn vàng, tiền cùng nhiều giấy tờ nhà đất của họ đã được CQĐT chuyển toà án quyết định.
Quá trình rà soát, xác minh, thu giữ, tạm giữ các tài sản liên quan đến Chủ tịch Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã kê biên, phong tỏa một số tài sản liên quan đến bà và chuyển theo vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1.
Vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1 đã được TAND TP.HCM phán quyết tại bản án sơ thẩm số 157/2024/HS-ST ngày 11/4/2024 và kiến nghị CQĐT tiếp tục điều tra làm rõ một số nội dung liên quan đến tài sản.
HĐXX kiến nghị CQĐT tiếp tục điều tra, truy hồi dòng tiền nhằm xác định nghĩa vụ hoàn trả tài sản (nếu có) đối với các cá nhân Nguyễn Phương Hồng, Nguyễn Tiến Thành và Nguyễn Ngọc Dương.
Kết quả điều tra vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2 xác định: có 3 cá nhân đã chết là các ông Nguyễn Phương Hồng (thành viên HĐQT, nguyên Phó TGĐ Ngân hàng SCB, nguyên giám đốc SCB Chi nhánh Sài Gòn), Nguyễn Tiến Thành (thành viên HĐQT Ngân hàng SCB, nguyên Chủ tịch HĐQT, kiêm TGĐ Công ty Chứng khoán TVSI) và Nguyễn Ngọc Dương (TGĐ Công ty SPG) phạm vào tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, CQĐT đã rà soát và áp dụng các biện pháp đối với tài sản của 3 cá nhân trên.
Đối với ông Nguyễn Ngọc Dương, CQĐT đã ngăn chặn giao dịch số dư hơn 9,1 tỷ đồng trong 3 tài khoản ngân hàng đứng tên ông. CQĐT cũng đã ngăn chặn giao dịch số dư hơn 50 tỷ đồng trong các tài khoản ngân hàng mang tên con trai ông Dương.
Quá trình giải quyết vụ việc ông Dương chết, Công an quận 4, TP.HCM đã thu giữ 216 miếng kim loại màu vàng; 6 sổ tiết kiệm đứng tên ông Dương trị giá 132 tỷ đồng cùng các giấy tờ liên quan đến 3 nhà đất tại TP.HCM và Long An; thu giữ 100 triệu đồng tiền mặt và một số đồ vật tài liệu cá nhân khác.
Video đang HOT
Quá trình làm việc, người nhà (hàng thừa kế thứ nhất) của ông Nguyễn Ngọc Dương không đưa ra được căn cứ xác định rõ nguồn gốc các khoản tiền, tài sản nêu trên của ông Dương và có ý kiến đồng ý để CQĐT duy trì các biện pháp đối với các tài sản nêu trên và chuyển cho Tòa án quyết định.
CQĐT đã có văn bản đề nghị Công an TP.HCM, Công an quận 4 phối hợp xử lý các đồ vật, tài liệu, tài sản nêu trên theo quy định của pháp luật.
Đối với ông Nguyễn Phương Hồng, CQĐT đã kê biên 2,5 triệu cổ phần tại Công ty chứng khoán TVSI. Quá trình khám xét, CQĐT đã thu giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở đứng tên Nguyễn Phương Hồng tại thửa đất số 85, quận 4, TP HCM, có diện tích 6.227,9 m2.
CQĐT cũng ngăn chặn giao dịch số dư 85 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng. Qua làm việc, người nhà ông Hồng có ý kiến đồng ý để CQĐT duy trì các biện pháp đối với tài sản nêu trên và chuyển cho Tòa án quyết định.
Đối với ông Nguyễn Tiến Thành, CQĐT đã ngăn chặn giao dịch hơn 8 triệu cổ phần Công ty chứng khoán TVSI của ông Thành; ngăn chặn giao dịch tổng số dư hơn 386 triệu đồng trong 2 tài khoản ngân hàng.
Qua làm việc với người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông Thành, người nhà đã có ý kiến đồng ý để CQĐT duy trì các biện pháp đối với tài sản nêu trên và chuyển cho Tòa án quyết định.
Chồng bà Trương Mỹ Lan giúp vợ rửa tiền như thế nào?
Ở giai đoạn 1 vụ Vạn Thịnh Phát, ông Chu Lập Cơ, chồng bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 9.116 tỷ đồng.
Ở giai đoạn 2, CQĐT tiếp tục làm rõ việc chồng bà Trương Mỹ Lan là đồng phạm trong vụ án rửa tiền.
Như VietNamNet đã đưa, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố 34 bị can trong vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2. Trong số 34 bị can, ông Chu Lập Cơ (Chu Nap Kee Eric), chồng bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Vạn Thịnh Phát) bị đề nghị truy tố về tội Rửa tiền.
Ở giai đoạn 1 vụ án, ông Chu Lập Cơ bị cáo buộc phạm tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng. CQĐT làm rõ, ông Chu Lập Cơ khi còn là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Times Square đã nắm giữ tới 99,26% cổ phần tại công ty này.
Năm 2012, dưới sự chỉ đạo của vợ, ông Chu Lập Cơ đã lập hồ sơ vay vốn tại SCB nhằm cơ cấu các khoản nợ xấu. Khi đó, vợ chồng bà Trương Mỹ Lan thống nhất việc dùng tài sản dự án Times Square để đảm bảo cho các khoản vay.
Ngày 10/12/2012, ông Chu Lập Cơ đã ký biên bản họp Đại hội đồng cổ đông Công ty Times Square, chấp thuận thế chấp tài sản bảo lãnh nợ vay cho các cá nhân, tổ chức do bà Trương Mỹ Lan chỉ định.
Từ tháng 12/2012 -12/2014, ông Chu Lập Cơ đã giúp bà Trương Mỹ Lan hợp thức hóa hồ sơ vay vốn khống, giải ngân tiền vay tại SCB cho 73 khoản vay của 67 khách hàng. Tổng số tiền ngân hàng giải ngân là gần 30.000 tỷ đồng, thời hạn vay vốn 5 năm. Toàn bộ số tiền này được sử dụng cho mục đích riêng của bà Lan.
Đến năm 2017, do phương án vay vốn là lập "khống", các khoản vay chỉ dùng trả nợ xấu, không có nguồn để thu hồi gốc và lãi nên các khoản nợ đến hạn không thể trả.
Bà Trương Mỹ Lan tiếp tục thuyết phục chồng ký biên bản họp HĐQT Công ty Cổ phần Times Square để tiếp tục sử dụng tài sản của công ty thế chấp đảm bảo nghĩa vụ thanh toán nợ vay cho 54 khách hàng. Việc này nhằm gia hạn nợ đang vay SCB.
Cơ quan điều tra xác định, ông Chu Lập Cơ đã giúp sức cho vợ rút tiền, gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB hơn 9.116 tỷ đồng.
Ở giai đoạn 2 của vụ án, CQĐT tiếp tục làm rõ: Từ ngày 1/1/2018- 10/10/2022, bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo nhân viên nộp tổng số hơn 225 tỷ đồng vào thẻ Visa, Master của chồng là ông Chu Lập Cơ.
Trong đó có hơn 113 tỷ đồng có nguồn gốc lấy từ các khoản vay khống tại Ngân hàng SCB; hơn 81 tỷ đồng có từ các khoản vay đã được tất toán tại Ngân hàng SCB bởi các khoản vay khống khác (các khoản vay sau trả cho các khoản vay trước); hơn 31 tỷ đồng có từ các khoản vay chưa được tất toán tại SCB đến thời điểm 17/10/2022, đã bị xử lý về tội Tham ô tài sản.
Có hơn 1,3 tỷ đồng có nguồn gốc từ tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong việc phát hành, bán trái phiếu cho Công ty An Đông.
Trong tổng số hơn 225 tỷ đồng, ông Chu Lập Cơ đã sử dụng hơn 33 tỷ đồng có nguồn gốc từ tiền tham ô của Ngân hàng SCB và lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ việc phát hành, bán trái phiếu Công ty An Đông vào các hoạt động như đã nêu trên.
Tại CQĐT, ông Chu Lập Cơ thừa nhận có biết vợ là bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo nhân viên nộp tiền vào tài khoản đứng tên ông để ông sử dụng thanh toán các hoạt động, dịch vụ trên.
CQĐT cho rằng, hành vi của ông Chu Lập Cơ đã phạm vào tội Rửa tiền đối với số tiền hơn 33 tỷ đồng từ nguồn tiền phạm tội Tham ô tài sản của Ngân hàng SCB và lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ việc phát hành trái phiếu của Công ty An Đông. Ông Chu Lập Cơ giữ vai trò đồng phạm, giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan.
Xét thấy, xuyên suốt vụ án từ giai đoạn 1 đến giai đoạn 2, ông Chu Lập Cơ đã nhận thức được hành vi phạm tội của mình, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, có nhân thân tốt nên CQĐT đề nghị xem xét khi lượng hình đối với chồng bà Trương Mỹ Lan.
Vụ Vạn Thịnh Phát: Thu hàng nghìn tỷ đồng và loạt bất động sản của các bị cáo Liên quan đến vụ Vạn Thịnh Phát, để đảm bảo thi hành án, tòa buộc các bị cáo nộp lại hàng nghìn tỷ đồng và nhiều bất động sản. Ở giai đoạn 2, CQĐT đang làm rõ hành vi phát hành 25 gói trái phiếu để chiếm đoạt tài sản. Thu loạt bất động sản, tiền mặt của các bị cáo để đảm...