Vợ nhắn tin cho bệnh viện xin cứu chồng đang nguy kịch
Nhận được cuộc gọi từ bệnh viện báo tin chồng nguy kịch, có thể tử vong, chị Nguyễn Thị Quế 27 tuổi sau cơn sốc đánh liều nhắn tin đến fanpage Bệnh viện Chợ Rẫy “xin các bác sĩ cứu chồng”.
Chồng chị Quế là anh Trần Văn An, 28 tuổi. Gia đình 6 người từ quê Hà Tĩnh vào TP HCM thuê trọ, làm công nhân. Không may tất cả đều dương tính Covid-19. Anh An bệnh nặng nhất, sốt cao, đau họng, khó thở, kiệt sức, được đưa đến một bệnh viện tại TP Thủ Đức điều trị ngày 24/7.
Những ngày đầu anh An nhập viện, hai vợ chồng vẫn gọi điện, nhắn tin cho nhau thường xuyên. Ngày 29/7, chị Quế mất liên lạc với chồng. Mỗi ngày chị gọi hàng chục lần vào số máy của anh, chỉ nhận được những tiếng tút tút vô vọng.
“Tôi đã trải qua những ngày cực kỳ lo lắng và sợ hãi, sợ chồng đã gặp chuyện xấu nhất”, chị Quế chia sẻ với VnExpress chiều 17/8.
Gần 10 ngày sau, chị Quế nhận được một cuộc gọi từ bệnh viện, thông báo anh An phải đặt nội khí quản, tình trạng rất nguy kịch, có “nguy cơ tử vong trong nay mai”. Người vợ sốc. Gia đình chị đêm đó thức trắng, cố gắng tìm cách liên lạc khắp nơi tìm một cơ hội sống cho anh An.
Những dòng tin nhắn vợ bệnh nhân Trần Văn An gửi đến fanpage Bệnh viện Chợ Rẫy, ngày 7/8. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Biết Bệnh viện Chợ Rẫy, tuyến cuối điều trị bệnh nhân Covid-19 tại TP HCM, chị Quế “rải tin nhắn” khắp các bài đăng trên trang cá nhân, nhắn tin riêng trên fanpage của bệnh viện, phòng Công tác xã hội, mong các bác sĩ sẽ đọc được.
“Mẹ con em ở đây không biết phải làm sao để cứu được chồng. Mười ngày rồi giờ nghe tin đau lòng mà đứt ruột gan. Cầu xin các bác sĩ giúp đỡ cứu chồng em với”, tin nhắn người vợ viết.
Video đang HOT
Ngay trong chiều 7/8, người phụ nữ nhận được phản hồi từ bệnh viện “sẽ cố gắng hết sức”.
Cùng lúc đó, tại Bệnh viện Chợ Rẫy, những thông tin trên được chuyển tới bác sĩ Trần Thanh Linh, phó khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm phó giám đốc Bệnh viện hồi sức Covid-19. Tại đây, các bác sĩ đã nhanh chóng liên hệ với bệnh viện bạn để tìm hiểu về tình trạng của bệnh nhân An.
Từ những thông tin được cung cấp, các bác sĩ Chợ Rẫy đánh giá tình trạng của bệnh nhân phù hợp với tiêu chí nhận bệnh của Bệnh viện hồi sức Covid-19, đồng thời có khả năng an toàn trên đường chuyển viện. Vì vậy, bệnh viện đã đồng ý tiếp nhận bệnh nhân An, bác sĩ Phạm Minh Huy, khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy đang tham gia điều trị tại Bệnh viện hồi sức Covid-19 (TP Thủ Đức) cho biết.
21h ngày 7/8, anh An được chuyển đến Bệnh viện hồi sức Covid-19, nhập khoa 2A trong tình trạng rất nguy kịch, mê man, đang dùng thuốc an thần, thở máy hỗ trợ gần như ở mức cao nhất… Sau ba ngày được các y bác sĩ nỗ lực cứu chữa, bệnh nhân đã dần cải thiện sức khỏe, được rút nội khí quản, thở oxy dòng cao. Năm ngày kể từ lúc chuyển viện, tình trạng bệnh nhân đã ổn định hơn, được chuyển sang khoa 7A (chăm sóc sau Hồi sức tích cực).
Trải qua cuộc chiến sinh tử căng thẳng, anh An cho biết mình “được cứu sống như một kỳ tích”, nhờ lời cầu cứu của vợ và sự nỗ lực của các y bác sĩ. Ngay khi tỉnh lại, anh đã nhờ bác sĩ Linh gọi điện thoại về cho vợ giúp mình.
Chị Quế nói rằng “vẫn nhớ tay đã run lên” khi thấy số điện thoại lạ hiện trên màn hình điện thoại. Chị vừa nghe vừa sợ sẽ là cuộc gọi báo chồng đã mất. Không ngờ, phía bên kia đầu dây bên kia là giọng anh An: “Vợ ơi, ở nhà cố gắng nhé. Chồng được bác sĩ Linh cứu sống đây rồi. Bữa giờ không gọi được vợ lo lắm đúng không?”. Giọng anh còn yếu, nói ngắt quãng, nhưng đã trút hết nỗi lo bao nhiêu ngày qua của người vợ.
Ngày 17/8, anh An đã cai được máy oxy dòng cao để chuyển sang thở oxy qua mặt nạ.
“Hy vọng trong vài ngày tới, bệnh nhân sẽ cai được oxy mặt nạ, thở qua gọng kính và có thể xuất viện”, bác sĩ Huy nói.
Bác sĩ Huy trò chuyện với bệnh nhân An sau khi anh cai máy thở, đã tỉnh táo. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Trước đó, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã cứu sống một trường hợp bác sĩ là sản phụ mang thai 31 tuần tuổi, mắc Covid-19 rất nguy kịch, được đồng nghiệp tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố nhờ can thiệp. Sản phụ vừa mổ cấp cứu lấy thai, vừa đặt ECMO (hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể).
Bé trai đang được chăm sóc tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Em đã tăng từ 1,8 kg lên 1,9 kg, sức khỏe tốt, lanh lẹ, thở khí trời, khống chế nhiễm trùng tốt. Bé âm tính liên tục qua hai lần xét nghiệm RT-PCR. Riêng người mẹ đã cai ECMO thành công, hồi phục tốt, sắp được xuất viện đoàn tụ cùng con.
Hơn 2.000 F0 ở TP HCM phải hỗ trợ hô hấp
2.070 người bệnh cần được hỗ trợ hô hấp, 1.331 ca nặng, trong số hơn 33.300 F0 đang điều trị tại các bệnh viện TP HCM, ngày 5/8.
Thông tin được Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Hữu Hưng cho biết tại họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng chống Covid-19, chiều 5/8.
Trong số 1.331 bệnh nhân nặng, có 1.277 trường hợp thở máy, 39 người bệnh cần lọc máu và 15 ca can thiệp ECMO. Số ca tử vong tại TPHCM tính đến nay là 2.105 (tỷ lệ 1,94%).
Theo ông Hưng, thành phố đang có 193 cơ sở cách ly F0, tại TP Thủ Đức và các quận huyện. Các cơ sở này đảm nhận nhiệm vụ cách ly và điều trị F0 tại tầng một trong mô hình điều trị tháp 5 tầng, với 53.617 giường. "Những cơ sở này góp phần giảm tải cho các bệnh viện dã chiến và bệnh viện điều trị Covid-19", bác sĩ Hưng nói.
Bốn tầng còn lại gồm 55 cơ sở, bao gồm các bệnh viện ngoài công lập đã chuyển đổi công năng một phần hoặc toàn bộ sang điều trị Covid-19). Cụ thể, tầng hai có 16 bệnh viện dã chiến thu dung (đang tiếp nhận 23.305 người bệnh), tầng ba gồm 20 bệnh viện (4.385 người bệnh), tầng 4 có 15 bệnh viện (4.238 F0) và tầng 5 gồm 4 bệnh viện (1.450 F0).
Hôm 3/8, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Phan Văn Mãi trong cuộc họp báo nhìn nhận F0 nặng, tử vong là vấn đề của thành phố, hệ thống y tế đang quá tải và khâu tiếp nhận, xử lý ở tầng 3 trong tháp 5 tầng điều trị đang gặp nhiều khó khăn do hạn chế cơ sở vật chất, đội ngũ, thiết bị.
Để liên thông chuyển bệnh giữa các tầng điều trị, Sở Y tế TP HCM đã ban hành văn bản hướng dẫn quy trình trong các trường hợp mắc Covid-19 đến bệnh viện. Theo đó, tầng một chăm sóc và theo dõi sức khỏe các F0 không có triệu chứng, không bệnh nền. Tầng hai điều trị F0 có triệu chứng và điều trị các bệnh lý nền kèm theo. Tầng ba điều trị ở mức cơ bản đối với các trường hợp có triệu chứng trung bình và nặng. Tầng 4 điều trị F0 có kèm bệnh lý nền nặng hoặc bệnh lý đi kèm như bệnh thận, viêm gan, tai biến mạch máu não. Tầng 5 có nhiệm vụ hồi sức chuyên sâu cho các trường hợp Covid-19 nguy kịch.
Bộ Y tế đang cùng TP HCM thiết lập nhiều trung tâm hồi sức bệnh nhân nguy kịch, do các bệnh viện lớn tuyến trung ương như Chợ Rẫy, Bạch Mai, Việt Đức, Trung ương Huế... phụ trách, với mục tiêu lớn nhất là giảm số tử vong.
Giám đốc Sở Y tế TP HCM hôm nay cũng gửi văn bản hỏa tốc, đề nghị các bệnh viện không được yêu cầu người bệnh phải có xét nghiệm test nhanh hoặc PCR dương tính nCoV mới tiếp nhận bệnh. "Tuyệt đối không vì thủ tục hành chính mà làm chậm trễ việc cấp cứu người bệnh", ông Bỉnh nêu. Tùy tình trạng người bệnh mà bệnh viện quyết định việc tiếp tục điều trị hay cần chuyển tuyến.
Ông Bỉnh yêu cầu các cơ sở y tế luôn sẵn sàng tiếp nhận người bệnh đến khám và cấp cứu 24/7, khẩn trương đánh giá tình trạng người bệnh, sơ cấp cứu ban đầu; đồng thời đảm bảo trực 24/7, luôn mở cổng bệnh viện để sẵn sàng tiếp nhận khi người dân đến khám hoặc cấp cứu, đặc biệt vào ban đêm.
Lãnh đạo Sở Y tế cũng đề nghị bệnh viện chủ động bố trí thêm giường, băng ca, bình oxy dự trữ tại khu vực tiếp nhận và cấp cứu, không để người bệnh diễn biến nặng hơn do phải chờ đợi lâu.
"Những việc này nhằm đến mục tiêu giảm thấp tỷ lệ tử vong, không để người bệnh tử vong tại nhà do chậm trễ hoặc từ chối tiếp nhận người bệnh", ông Bỉnh nêu. Người đứng đầu các đơn vị chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng chậm trễ hoặc từ chối tiếp nhận người bệnh.
Tại cuộc họp báo, Phó chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết, thành phố đang tiêm chủng cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi, bao gồm cả công dân nước ngoài. Theo thống kê chưa đầy đủ, kể từ đầu đợt tiêm thứ 5 cho tới nay (không bao gồm số lượng tiêm tại các cơ quan y tế trung ương trên địa bàn thành phố, được cấp vaccine trực tiếp từ Bộ Y tế), thành phố đã tiêm hơn 1,3 triệu người. Trong đó, 207.297 người trong nhóm 65 tuổi trở lên và có bệnh lý nền.
Theo ông Đức, số lượng tiêm chủng liên tục tăng dần trong những ngày qua. Riêng trong ngày 4/8, có 184.256 người được tiêm, ghi nhận 501 trường hợp phản ứng nhẹ, không có trường hợp phản ứng nặng.
"Các loại vaccine đang cấp phép sử dụng tại TP HCM gồm AstraZeneca, Moderna, Pfizer, Vero Cell đều ghi nhận tỷ lệ hiệu quả bảo vệ khá giống nhau", ông Đức cho biết. Theo đó, những người tiêm đủ hai liều có thể có tỷ lệ nhỏ mắc Covid-19 nhưng tỷ lệ trở nặng rất thấp, tỷ lệ tử vong gần như bằng 0 . Đây là lý do quan trọng để thành phố đẩy mạnh tiêm vaccine.
Nhân viên y tế điều trị các bệnh nhân nặng, nguy kịch tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19, TP Thủ Đức, TP HCM. Ảnh: Thành Nguyễn.
Căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao hơn ung thư, cứ 21 giây giết chết 1 người nhưng có thể phòng ngừa chỉ bằng 5 thói quen ăn uống đơn giản Khi nhắc đến nguyên nhân tử vong hàng đầu, đa số chúng ta đều nghĩ ngay đến căn bệnh ung thư, nhưng ít ai biết rằng đây mới là căn bệnh đang giết chết nhiều người nhất, đặc biệt số người trẻ mắc phải ngày một gia tăng. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y khoa The Lancet (Mỹ) cho...