Vị ngọt của măng… đắng
Vào những ngày đầu Xuân, khi mặt đất đón những “giọt nước trời” đầu tiên của năm mới là lúc măng đắng ( măng vầu) bắt đầu “vỡ đất” tìm ánh sáng, khởi nguồn cho một mùa sinh sôi mới.
Gọi là măng đắng nhưng thời điểm này lại có vị ngọt khiến nhiều người thích thú, coi đó là một món đặc sản của núi rừng ban tặng.
Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng núi, nơi được coi là “xứ sở” của măng đắng. Và đây cũng là món ăn khoái khẩu của tôi suốt bao năm qua. Vậy nhưng, hồi còn nhỏ, điều mà tôi thích thú hơn cả là việc được cùng người lớn vào rừng tìm măng. Khác với măng nứa mọc theo bụi thì măng vầu lại mọc lan khắp ngả theo rễ cây.
Có búp nhú lên trong đám lá khô, có búp nép trong bụi cỏ, có búp khi dẫm chân lên thì con người mới phát hiện… Nhiều người có kinh nghiệm còn biết chỗ nào đất nứt ra sẽ có búp măng chuẩn bị đâm lên khỏi mặt đất mà lấy dao, thuổng đào xuống để “tóm” lấy.
Những lúc vào rừng vầu sau cơn mưa đêm trước, nhìn những “tai măng” đua nhau đâm lên khỏi mặt đất rất thích mắt. Bởi vậy, đi tìm măng không chỉ là công việc mà còn là thú vui của tôi và không ít người.
Video đang HOT
Cũng có thời điểm, rừng không được quản lý tốt, mọi người đua nhau khai thác dẫn đến nguồn tài nguyên này có nguy cơ bị cạn kiệt. Từ khi thực hiện chính sách giao đất, giao rừng cho người dân quản lý, khai thác có mục đích dưới sự quản lý của Nhà nước và chính quyền, cơ quan chức năng, rừng và măng cũng dần hồi sinh. Măng đắng vẫn được khai thác và trở thành hàng hóa cho nguồn thu nhập khá của nhiều gia đình ở miền núi.
Nhiều năm nay, người dân Thái Nguyên phần lớn tiếp nhận nguồn cung măng đắng từ huyện miền núi Định Hoá và tỉnh Bắc Kạn. Trên thực tế, măng đắng đầu mùa được bắt đầu từ tháng Chạp Âm lịch, khi đất trời dần bước vào thời điểm giao mùa.
Có những năm thời tiết ẩm ướt, có mưa trước Tết, măng đã mọc nhiều và được khai thác sớm. Cũng có năm thời tiết khô hạn, đất cằn, măng ít mọc phải đợi ra Giêng mới đồng loạt “phất cờ” trỗi dậy.
Đầu mùa là thời điểm măng có vị ngọt và giòn nhất nhưng vì có ít do thường chỉ mọc ở vùng rừng già nên giá bán khá đắt đỏ. Vậy nhưng, rất nhiều người vẫn tìm mua để thưởng thức. Nó trở thành món đặc sản trong mâm cỗ đầy thịt trong những ngày Tết của không ít gia đình.
Khi trời vào Xuân, măng vào mùa, trên khắp các ngả đường của huyện Định Hóa cũng như các chợ ở trung tâm thành phố Thái Nguyên, người dùng có thể dễ dàng tìm mua để thưởng thức hoặc làm quà. Măng đắng giờ đây không chỉ là món ăn dân dã của các dân tộc miền núi mà còn là món ăn yêu thích của nhiều người.
Điều thú vị hơn là măng đắng có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau tùy vào sở thích và cách thưởng thức của mỗi người. Với người dân vùng xuôi, có lẽ quen thuộc nhất là món măng xào cháy cạnh cùng tỏi hoặc chút lá chanh thái sợi. Có người lại thích măng củ được luộc chín mềm, bóc bỏ phần già, thái miếng chấm mẻ, tương hoặc mắm tôm, cà chua sốt… tùy khẩu vị.
Vị non ngọt, dìu dịu mát ruột của măng hòa với vị nước chấm hơi cay kèm chút đắng sẽ khiến nhiều người dù chỉ thưởng thức một lần cũng khó quên. Nhưng với người miền núi, ngoài 2 cách chế biến trên thì món măng cuốn mới là được ưa chuộng nhất. Để làm món này, măng được chọn phải là măng đã mọc cao, có nhiều bẹ non. Sau khi luộc, lọc lấy phần lá non ấy, cuốn lấy nhân (gồm thịt lợn xay, trứng trộn với các loại gia vị khác) thành miếng rồi đem hấp chín. Măng đắng khiến người ăn say mê ở vị ngon, giòn, hơi đắng nhưng ngọt hậu giống người thích uống trà mạn. Càng ăn càng thấy khoái khẩu, ăn một mà muốn thưởng hai.
Sau tháng Giêng – Hai, khi những cơn mưa rào xuất hiện cùng tiếng sấm rung chuyển đại ngàn là lúc măng bắt đầu chuyển sang vị đắng. Càng về cuối vụ, vị đắng càng đậm cũng như măng càng nhô cao khỏi mặt đất thì độ đắng càng tăng lên.
Ấy vậy nhưng nhiều người ưa vị đắng, sành ăn lại càng thích măng vào cuối vụ vì nhận thấy sức hấp dẫn lạ kỳ của nó. Bởi lúc đầu ăn thì măng có vị đắng nhưng sau đó ngọt nhẹ, rất thú vị. Chính vị đắng – ngọt rất lạ này mà măng đắng được nhiều người ưa thích giống như sự tự nhiên, hoang dã của núi rừng – nơi chúng đã mọc lên.
Về rừng thưởng thức đặc sản đọt mây
Có lẽ những chuyến du lịch về rừng ngoài việc trải nghiệm không gian rừng núi, đạp xe xuyên rừng, khám phá nền văn hóa bản địa... thì du khách còn cảm thấy thích thú khi được thưởng thức đặc sản núi rừng.
Đọt mây là một trong những đặc sản rừng mà du khách được thưởng thức trong mỗi chuyến đi của mình.
Mây thường mọc ở các khu rừng sâu thành bụi, có dây mọc dài đến vài chục mét. Muốn lấy đọt phải rút sợi mây xuống, có khi phải huy động nhiều người mới rút nổi sợi mây để lấy đọt. Mây thường được người dân dùng để đan lát các vật dụng trong gia đình, phần ngọn của cây dùng để chế biến các món ăn ngon và bổ dưỡng.
Có thể chế biến đọt mây thành nhiều món ăn khác nhau, nhưng ngon nhất vẫn là đọt mây nướng ống lồ ô. Phải chọn ống lồ ô có nhiều nước, khi nướng trộn đều đọt mây với gia vị sẽ tạo nên hương vị đặc trưng. Vị đắng của mây, vị mặn của muối, vị cay của ớt và vị ngọt từ thịt, tất cả hòa quyện tạo nên một món ăn vô cùng độc đáo. Đặc biệt, món ăn càng trở nên ngon hơn khi chấm thêm một chút muối é và ăn cùng cơm lam.
Ngoài món nướng, đọt mây còn có thể luộc, xào, làm gỏi, nấu canh với tôm, thịt hoặc nấu với ốc đá, cá suối... tùy vào sở thích của mỗi người. Ngày nay đọt mây càng trở nên ít đi, theo đó giá trị càng tăng cao nên đối với dân làng món ăn này chỉ được thưởng thức vào những dịp quan trọng như làm nhà, đãi khách hoặc ngày lễ, ngày Tết...
Giữa không gian bao quanh núi rừng, ngồi quây quần bên bếp lửa hồng kể cho nhau nghe những câu chuyện của dân làng và thưởng thức đặc sản núi rừng cảm nhận được vị cay của ớt, vị bùi, béo mà đăng đắng của đọt mây hòa quyện lại thành một dư vị ngon khó tả, khiến những lữ khách phương xa không thể nào quên.
Măng vầu nhồi thịt Yên Bái là tỉnh miền núi do đó có rất nhiều đặc sản về măng rừng: Măng nứa, măng vầu, măng sặt, măng lay, măng trúc, măng giang, măng mai, măng tre... Mỗi loại đều có hương vị riêng rất độc đáo, du khách dù chỉ mới được thưởng thức một lần cũng không thể nào quên, một trong những món ăn ngon...