Trường tiểu học “bê” nguyên thời khóa biểu ở lớp vào dạy online, phụ huynh sợ con căng não, hại mắt vì ngồi máy tính quá nhiều
Nhiều trường cho học sinh học một ngày 9 tiết học, có đầy đủ các môn như Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục…
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến ngày 5/9, thường là ngày rộn ràng của lễ khai giảng năm học mới. Năm nay dịch Covid-19 bùng phát khiến nhiều tỉnh thành chưa thể xác định được ngày tựu trường. Tuy nhiên, một số trường tư đã bắt đầu lên kế hoạch cho học sinh học online từ đầu tháng 8. Việc này khiến phụ huynh lo ngại trẻ bị ảnh hưởng sức khỏe vì phải ngồi trước máy tính quá nhiều.
Một ngày 9 tiết học, âm nhạc, thể dục… không thiếu “món” gì
Trên những hội nhóm, câu chuyện học online lại trở thành chủ đề bàn luận rôm rả, nhất là khi một phụ huynh “khoe” thời khóa biểu học online của con mình – năm nay vào lớp 1 từ một trường tư ở Hà Nội.
Thời khóa biểu học online của học sinh lớp 1 của một trường tư ở Hà Nội.
Theo thời khóa biểu này, học sinh lớp 1 sẽ học trung bình 1 tiết 35 phút, nghỉ giữa tiết 10 phút, giờ trưa nghỉ từ 11h05 đến 13h05, học từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Số tiết trong ngày cũng như khi học ở lớp, từ 8 đến 9 tiết học 1 ngày.
Trong đó, thứ hai và thứ 6 có 9 tiết học (tiết 9 của ngày thứ 6 là tiết chào cờ), các ngày còn lại 8 tiết học. Một ngày học sinh sẽ học từ 7h15 và kết thúc vào 15h55.
Video đang HOT
Nhìn số tiết học, mốc thời gian hàng ngày, quả thực ai nấy đều thấy… choáng. Lớp 1, lớp 2 phần lớn các con học online, bố mẹ phải ngồi bên cạnh hướng dẫn và không hiệu quả. Nhưng lo lắng nhất chính là trẻ sẽ căng não, ảnh hưởng mắt, cột sống nếu ngồi máy tính liên tục hàng ngày.
“Học thế kia thì mắt con chắc chắn hư mà không biết được chữ nào không, kèm theo đó là một ông bố hoặc một chị mẹ chỉ ngồi không ở nhà canh con với tinh thần vừa phải nhẫn vừa phải thép mới có thể giữ được con ngồi yên trên ghế. Nghĩ đến là thấy ù hết đầu rồi ạ” , một phụ huynh nêu ý kiến.
Luồng ý kiến khác cho rằng, thời khóa biểu này không phản ánh chính xác vì nửa thời gian của một số giờ học, con sẽ có khoảng 10 phút để tự học và trả lời kiểm tra nội dung đã học. Tuy vậy nhiều phụ huynh phản biện, yêu cầu tự học đối với lớp 1 là quá khả năng khi ở lứa tuổi này, độ tự giác và tập trung không thể như anh chị lớp lớn.
Chuyện không của riêng ai
Đáng nói, đây không chỉ là vấn đề của riêng ai. Nhiều phụ huynh khác cho biết, họ cũng nhận được lịch học dày đặc như thế ở trường con mình và cực kỳ lo lắng: “Thực sự em bức xúc mà không biết làm thế nào, trường con em học online 2 tuần như thời khóa biểu offline trên lớp, chưa kể 3 môn Toán, Anh, Văn các cô tự dạy phụ đạo thêm 3 buổi sáng như học ở lớp, tưởng là chỉ sau 2 tuần thi xong là thôi. Giờ cô thông báo là không học chính khóa online nữa nhưng phụ đạo vẫn tiếp tục và thông báo thu học phí phụ đạo luôn”.
Thời gian học online được quy định ở 1 nước được phụ huynh chia sẻ. Theo đó, thời gian phân chia tùy theo cấp học nhưng không quá 4h/ngày.
Ngày 3/8, một trường tư khác ở Hà Nội cũng thông báo tựu trường online và trong tuần đầu tiên, theo bản tin phụ huynh nhận được, các con đã học chương trình năm học mới. Thông tin này gửi chỉ sau một ngày tổ chức bế giảng năm học 2020-2021.
“Tôi nghĩ trong tình hình hiện nay, trường nên cho trẻ nghỉ hè đủ 3 tháng, đâu cần vội vàng bước vào năm học” , phụ huynh trường nói. Phụ huynh này cho rằng việc học online không hiệu quả dù học sinh vất vả khi phải học đủ 2 buổi/ngày như bình thường.
Nhiều người cho rằng, thời điểm đầu năm ngoái dịch mới bùng phát, học online đều như học offline có thể chấp nhận, nhưng kéo dài suốt 2 năm và cũng chưa biết bao giờ kết thúc thì nên xem xét lại để có chỉ thị về thời gian học online cho hợp lý. Nếu cứ giữ thời khóa biểu từ thứ 2 đến thứ 6 với đủ 2 ca sáng/chiều thì chưa nói về sự mệt mỏi của phụ huynh mà còn lo cả vấn đề sức khỏe của các con, tỷ lệ bệnh khúc xạ sẽ tăng vọt.
“Không hiểu sao các trường tư vẫn cứ cố bắt các con học online đúng bắt đầu từ tháng 8, trong khi trường công dịch thế này chưa biết bao giờ mới có lịch học, thậm chí nhiều trường còn chưa thi học kỳ 2 năm trước” , một người thắc mắc.
Trên các diễn đàn dành cho cha mẹ học sinh, một số người thậm chí đặt câu hỏi phải chăng trường cho học sinh học từ sớm để cố thu đủ 10 tháng học phí. Họ cho rằng nếu quan tâm đến sức khỏe học sinh, trường sẽ không bắt những đứa trẻ ngồi trước máy tính liên tục cả ngày.
Bên cạnh đó, quan trọng khi tổ chức dạy học online, trường cần sắp xếp phù hợp để đảm bảo sức khỏe học sinh, nên xem xét cắt giảm các nội dung không cần thiết nhằm giảm thời lượng học online. Đồng thời, trường và gia đình thỏa thuận, thống nhất để hai bên cùng san sẻ trong thời kỳ khó khăn về vấn đề học phí.
Ngành giáo dục Thủ đô đáp ứng đủ nhu cầu học tập của học sinh
Trước những lo ngại của dư luận về việc thiếu trường học, phòng học cho học sinh đầu năm học mới, đặc biệt khi những khu đô thị đông đúc, quá tải dân cư ngày càng nhiều thì Phó Giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Văn Đại cho biết, với quy mô 2.800 trường học, ngành giáo dục Thủ đô cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.
Năm học 2021-2022, các trường học trên địa bàn Hà Nội tuyển sinh khoảng 158.000 trẻ mẫu giáo 5 tuổi; 159.000 học sinh lớp 1 và 131.000 học sinh lớp 6. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, sau khi hết thời hạn đăng ký trực tuyến (giai đoạn 1), số hồ sơ đã đăng ký thành công với trẻ vào lớp 1 là 128.879; số hồ sơ đăng ký cho trẻ 5 tuổi vào trường mầm non cũng đạt tỷ lệ rất cao; số hồ sơ đăng ký vào lớp 6 là 107.108.
Cũng theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm học 2020-2021, trên địa bàn TP có 786 trường tiểu học với gần 20.000 lớp. Cấp tiểu học của Hà Nội thường có sĩ số bình quân là 40 học sinh/lớp. Trong đó, có những lớp ở khu vực đông dân cư, đặc biệt là khu vực nội thành, mỗi lớp thường có sĩ số học sinh vượt quá 50 học sinh/lớp.
Học sinh lớp 1 trường Tiểu học Giang Biên (Long Biên) háo hức trong ngày khai giảng năm học 2020-2021
Tuy nhiên, theo Điều lệ trường học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cấp tiểu học có sĩ số không quá 35 học sinh/lớp. Đây là sĩ số hợp lý để đảm bảo chất lượng trong việc học tập của học sinh cũng như công tác giảng dạy của giáo viên.
Tỷ lệ 35 học sinh/lớp đặt ra thách thức lớn cho ngành giáo dục, đó là nhu cầu về chỗ học cho học sinh. Tất nhiên, một mình ngành giáo dục không thể giải quyết được thách thức này, mà cần sự vào cuộc quyết liệt, nhanh chóng của các cơ quan chức năng khác.
Khi Hà Nội ngày càng có nhiều khu đô thị mới được xây dựng thì việc quy hoạch đô thị mới phải đi kèm với trường học là giải pháp cốt lõi để không phá vỡ quy hoạch mạng lưới trường học trên các địa bàn dân cư, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục trong giai đoạn mới.
Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Văn Đại, với quy mô 2.800 trường học, ngành giáo dục Thủ đô cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Hiện tượng quá tải chỉ xảy ra cục bộ. Sở cũng yêu cầu các phòng Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tham mưu chính quyền địa phương tăng cường đầu tư xây dựng trường, phòng học, ưu tiên những nơi có khu công nghiệp, nơi tập trung đông dân cư...
Ông Đại nhấn mạnh mục tiêu của TP là bảo đảm phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, huy động 100% trẻ 6 tuổi đủ sức khỏe vào lớp 1, 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6 nên phụ huynh hoàn toàn yên tâm về chỗ học cho học sinh.
Lào Cai dồn lực cho giáo dục vùng cao Tại các huyện vùng cao Lào Cai, thời điểm này, bên cạnh hỗ trợ đồng bào gặp khó do thiên tai bão lũ, dịch COVID-19 phức tạp, tỉnh còn ban hành một số chính sách hỗ trợ ngành Giáo dục cùng chính quyền địa phương từng bước tháo gỡ khó khăn, vận động các gia đình đưa học sinh đến trường đảm bảo...