Trẻ mắc cúm, khi nào cần đến bệnh viện?
Trời lạnh trẻ rất dễ bị cúm. Nếu cha mẹ không biết cách phòng tránh và chăm sóc, trẻ dễ bị bội nhiễm dẫn đến các biến chứng viêm đường hô hấp nặng như: Viêm phổi, suy hô hấp…
Trẻ cần được tiêm vaccine phòng cúm mùa. Ảnh: TTXVN
TS.BS Đỗ Thiện Hải, Trưởng khoa Nội nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Thời tiết lạnh như hiện tại rất thuận lợi cho các loại virus, đặc biệt là virus cúm phát triển. Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây qua đường hô hấp. Với trẻ mắc cúm, hệ thống miễn dịch bị giảm, nếu cha mẹ không biết cách phòng tránh và chăm sóc, trẻ dễ bị bội nhiễm dẫn đến các biến chứng khác.
Biểu hiện chung của bệnh nhân cúm là: Sốt cao, có thể liên tục 39-40 độ, chảy nước mũi, ho, họng viêm đỏ, một số trẻ có viêm phế quản…
Theo TS.BS Đỗ Thiện Hải, thông thường trẻ mắc cúm sẽ tự khỏi sau 3-5 ngày, không cần phải nhập viện điều trị. Khi chăm sóc tại nhà, cha mẹ dùng thuốc hạ sốt cho trẻ và chỉ dùng thuốc paracetamol, nếu dùng các loại thuốc khác phải có chỉ định của nhân viên y tế. Hàng ngày cần vệ sinh mũi, họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý để tránh bội nhiễm thêm các vi khuẩn khác.
Video đang HOT
Trẻ chỉ phải nhập viện trong trường hợp cúm gây các biến chứng như: Viêm phổi, có tình trạng suy hô hấp, khó thở, mệt mỏi, viêm nhiễm đường hô hấp nặng; hoặc mắc cúm trên nền bệnh lý mạn tính; Với những trẻ có bệnh mạn tính như: Hen phế quản, viêm phế quản co thắt, tim mạch, khi nhiễm cúm có thể làm khởi phát một đợt bệnh mới.
Để phòng và chăm sóc tốt trẻ mắc cúm, BS. Đỗ Thiện Hải khuyến cáo: Khi trẻ mắc cúm, cha mẹ chỉ cần chăm sóc trẻ tại nhà, điều trị triệu chứng bằng cách uống nhiều nước, dùng thuốc hạ sốt đúng cách. Nếu thấy trẻ có dấu hiệu nặng lên như: Sốt cao liên tục không hạ, mệt mỏi, bứt rứt, khó chịu, đau đầu, buồn nôn… cần đưa trẻ đến bệnh viện để được theo dõi.
Đặc biệt, cha mẹ không nên tự tìm mua thuốc Tamiflu để điều trị cúm cho con. Tamiflu không phải là thuốc bắt buộc dùng điều trị cúm mà chỉ làm giảm sự nhân lên của virus; sau khi đủ liệu trình vẫn có thể còn virus trong đường hô hấp. Vì vậy, thuốc Tamiflu chỉ dùng cho ca đặc biệt nặng và dùng tại bệnh viện.
Để phòng cúm mùa, cha mẹ cần cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng.
Trẻ cần được tiêm vaccine phòng bệnh cúm, đây là cách phòng bệnh hữu hiệu. Bên cạnh đó, cần tránh đưa trẻ đến những nơi đông người, tránh tiếp xúc với những người có biểu hiện cúm để phòng bệnh.
Khi mang thai mắc cúm chớ chủ quan
Thời điểm giao mùa như hiện nay là điều kiện để virus cúm phát triển, lây lan gây bệnh và phụ nữ mang thai là đối tượng dễ bị lây nhiễm cúm hơn so với người bình thường.
Để tránh những biến chứng có thể xảy ra khi mắc ở phụ nữ mang thai, Ts.Bs Đào Thị Hoa, Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương khuyến cáo: Trước hoặc trong thai kỳ, phụ nữ mang thai nên đi tiêm vaccine phòng cúm, không nên chủ quan trước tình trạng bệnh, đi khám để có phương pháp điều trị phù hợp. Tuyệt đối không tự ý điều trị gây nguy hiểm cho sản phụ và thai nhi.
Với thai nhi, ở giai đoạn đầu của thai kỳ, khi thai nhi mới hình thành. Lúc này thai nhi khó có thể tiếp ứng được với sự tăng thân nhiệt của mẹ. với một số chủng virus cúm có thể khiến bé bị dị tật bẩm sinh như sứt môi, đục thủy tinh thể, sinh non, hoặc thai chết lưu...
TS.BS Đào Thị Hoa cho biết: Cúm là bệnh phổ biến, đa phần người mắc thường tự mua thuốc để uống. Tuy nhiên, đối với phụ nữ mang thai, việc điều trị cúm không đơn giản và cần đặc biệt chú ý vì nếu phương pháp điều trị không phù hợp có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ.
Với thai nhi, đặc biệt trong 3 tháng đầu, bệnh cúm có thể gây ảnh hưởng đến bất thường cấu trúc não, cấu trúc hệ thần kinh. Với người phụ nữ mang thai, khi nhiễm cúm mà không điều trị kịp thời, bệnh sẽ nặng lên rất nhiều, có thể dẫn đến viêm phổi, suy hô hấp, bệnh lý nhiễm trùng toàn thân. Tăng nguy cơ dọa sẩy thai, thai lưu, dọa đẻ non, đẻ non.
Tuy nhiên, một số sản phụ lại cho rằng cúm là bệnh dễ khỏi nên có thể tự điều trị tại nhà. "Khi có triệu chứng cúm, nhiều phụ nữ mang thai chỉ nghĩ là cúm đơn thuần, có thể sau vài ngày là tự khỏi. Hoặc đi mua những loại thuốc thông thường để điều trị. Còn có những trường hợp được bác sĩ kê thuốc nhưng không uống vì sợ ảnh hưởng đến em bé" - Ts.Bs Đào Thị Hoa cho hay.
Bị cúm khi mang thai có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé.
Với thai phụ khi bị cúm dễ gây biến chứng hơn so với người thường. Trong đó biến chứng dễ gặp nhất là viêm phế quản và viêm phổi. Các biến chứng nguy hiểm khác bao gồm tụt huyết áp, viêm tai giữa, viêm não, viêm màng não, viêm nội tâm mạc...
Nếu bị cúm trong khi mang thai, đặc biệt là những tuần đầu của thai kỳ các mẹ bầu cần liên hệ ngay với bác sĩ để bác sĩ tư vấn và có hướng giải quyết kịp thời.
Bệnh cúm mùa là bệnh phổ biến xảy ra hàng năm, tại Việt Nam cúm mùa thường diễn ra vào mùa đông, xuân. Đây là loại bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp do virus cúm gây nên, bị cúm khi mang thai có thể ảnh hưởng đến cả người mẹ và thai nhi.
Cúm là một bệnh về đường hô hấp truyền nhiễm do virus gây nhiễm trùng mũi, họng và đôi khi là phổi. Nó có thể gây bệnh từ nhẹ đến nặng, và thậm chí có thể dẫn tới tử vong.
Triệu chứng của bệnh cúm có thể là sốt, ớn lạnh, ho, đau họng, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, đau đầu, mệt mỏi... Một số người có thể bị nôn mửa và tiêu chảy.
Cúm lây lan qua chủ yếu bởi những giọt nhỏ được tạo ra khi người nhiễm bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Những giọt này có thể rơi vào miệng hoặc mũi của những người khỏe ở gần. Cách lây truyền ít thường xuyên hơn, đó là người bị cúm chạm tay vào các bề mặt hay vật dụng và sau đó người khỏe mạnh không biết chạm tay vào các vị trí đó rồi chạm vào miệng, mũi hoặc mắt của họ.
Tay chân miệng tăng nhanh, rửa tay là cách phòng bệnh quan trọng Hiện đã vào năm học mới, học sinh đến trường, dự báo số mắc tay chân miệng sẽ gia tăng tại các tỉnh, thành phố trọng điểm. Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, qua hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2020, cả nước ghi nhận 38.704 trường hợp mắc tay chân miệng...