Thái Nguyên: Thầy cô đồng hành, nâng bước học trò khuyết tật
Bằng tình yêu thương và sự tận tâm, nhiều thầy cô giáo đang đồng hành và nâng bước các học trò khuyết tật, giúp các em vơi bớt thiệt thòi, cải thiện bản thân và hòa nhập với bạn bè, trường lớp.
Cô giáo trường Tiểu học Khe Mo (Đồng Hỷ) hỗ trợ thêm ngoài giờ học cho một học sinh khuyết tật
Những khó khăn đặc thù
Hiện nay, trong các trường học trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có khoảng trên 1.500 học sinh khuyết tật đang theo học. Không may mắn có được sức khỏe tinh thần và thể trạng bình thường như bao bạn bè cùng trang lứa, những học sinh khuyết tật gặp khá nhiều khó khăn trong quá trình sinh hoạt, học tập cùng mọi người. Thầy cô giáo trực tiếp đứng lớp phải thực sự thấu hiểu, kiên nhẫn mới có thể giúp các em dần phát triển.
Cô giáo trường Tiểu học Tân Thành (Phú Bình) đang trao đổi riêng để hỗ trợ thêm cho một học sinh chậm phát triển trí tuệ
Quá trình dạy học học sinh khuyết tật, các nhà trường đã gặp không ít khó khăn đặc thù. Đa số phụ huynh đều cảm thấy “khó thừa nhận” việc con cái mình mắc các khuyết tật, dẫn đến tâm lí lo ngại và căng thẳng, thậm chí tìm cách gây áp lực đổi giáo viên, chuyển lớp, chuyển trường.
Nhiều giáo viên phụ trách lớp có học sinh khuyết tật thường phải đến thăm gia đình các em, tìm hiểu hoàn cảnh và tâm tư học trò cũng như người nhà, cùng động viên, chia sẻ những khó khăn trong giáo dục, nên dần dần đã tạo được sự tin cậy và hợp tác tốt của phụ huynh. Sau mỗi kỳ và mỗi năm học, các em biết đọc, biết viết, biết làm toán, không chỉ thầy cô giáo vui mừng, mà gia đình cũng từ đó thêm niềm tin với nhà trường với giáo viên.
“Hằng năm, theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT Thái Nguyên, chúng tôi tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, trang bị chuyên môn nghiệp vụ cho đại diện giáo viên các nhà trường, từ đó củng cố và nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật”.
Video đang HOT
Cô giáo Nguyễn Thị Kim Nhung, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Thái Nguyên
Khó khăn nhất là giáo viên phải gần gũi và dành nhiều thời gian nắm bắt diễn biến tâm lý để hỗ trợ học sinh, giúp các em chủ động hòa nhập, theo kịp các hoạt động của bạn bè, không bị đơn độc, xa lánh. Có lẽ chính sự tương tác giữa bạn bè với nhau sẽ tạo nên những động lực tích cực cho học sinh khuyết tật cải thiện nhanh những hạn chế của bản thân.
Mỗi em một dạng khuyết tật, việc dạy học đã khó khăn thì công việc chăm sóc các em còn khó khăn hơn. Nếu như đưa các em về môi trường giáo dục khuyết tật chuyên biệt khi bệnh trạng chưa quá nặng, thì cơ hội hòa nhập cộng đồng cho các em sẽ khó hơn. Chính vì vậy, các trường luôn xác định giáo dục gắn liền với nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe học sinh, để các em phải đạt mức độ phổ cập giáo dục tiểu học.
Đồng hành và nâng bước
Trường Tiểu học Tân Thành (Phú Bình) năm học này đang có 6 học sinh khuyết tật, trong đó có thiểu năng trí tuệ, hạn chế vận động, nghe nói. Các gia đình hiểu sự khó khăn của con, sự vất vả của thầy cô, cho nên thường có tâm lí ngại ngần, phải qua sự trao đổi và động viên của nhà trường thì mới đưa con đến lớp. Nhà trường đã chọn giáo viên để bồi dưỡng, tập huấn về giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật, rồi chia sẻ lại cho các giáo viên từng lớp.
Với trường Tiểu học Khe Mo (Đồng Hỷ), nhà trường đang có 7 học sinh khuyết tật, cả về trí tuệ lẫn vận động, đặc biệt trong đó có học sinh T.A mới vào lớp 1 vừa nghe kém, vừa khó phát âm, trí tuệ lại chậm phát triển. “Giờ ra chơi tôi phải ngồi kèm riêng, giờ ăn cũng phải ngồi cạnh, rất tỉ mỉ. Mừng là sau khoảng hơn một tháng đầu, bây giờ T.A đã biết đưa bút viết, mạnh dạn hơn trong giao tiếp với bạn bè” – cô giáo Nguyễn Thị Thanh Ngà, giáo viên chủ nhiệm lớp cho biết.
“Giáo viên đứng lớp có thêm nội dung hoạt động riêng cho học sinh khuyết tật, tăng cường lời khen để khích lệ, nội dung hay hoạt động gì cũng cho lặp lại nhiều lần để các em tiếp nhận tốt hơn. Đồng thời, thầy cô cũng thường xuyên nhắc nhở học trò trong lớp không phân biệt, không kì thị, tích cực hỗ trợ các bạn bị thiệt thòi. Chúng tôi thống nhất quan niệm không coi các em bị khuyết tật là học sinh khuyết tật, có như vậy mới giúp các em vượt lên”.
Cô giáo Đào Thị Lâm, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tân Thành (Phú Bình)
Thực tế cho thấy, các thầy cô giáo gặp khó nhất với trường hợp trẻ bị tăng động, bởi các em này thiếu kiểm soát hành vi, hay nổi loạn, đánh bạn, đập đồ đạc. Mỗi khi phải giải quyết các tình huống không mong muốn, gần như mọi thứ trật tự bị đảo lộn. Chính vì vậy, giáo viên trực tiếp đứng lớp luôn căng thẳng và phải biết tiết chế cảm xúc, kết hợp các phương pháp giáo dục tâm lý và dùng tình cảm yêu thương gần gũi với trẻ để giúp các em trở lại trạng thái cân bằng tâm lý.
Khó khăn, vất vả là vậy, nhưng các thầy cô giáo cũng vô cùng hạnh phúc khi nhìn thấy học sinh được hòa nhập, có cơ hội tốt để phát huy năng lực của mình, từ đó rèn luyện thêm để làm cơ sở cải thiện, phát triển bản thân.
Thái Nguyên mở rộng mạng lưới giáo dục mầm non ngoài công lập
Mạng lưới được mở rộng, các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập tại Thái Nguyên đang ngày càng khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong hệ thống giáo dục của địa phương.
Niềm vui của trẻ tại Trường Mầm non Bon Bee (TP Thái Nguyên)
Chú trọng đầu tư nguồn lực
Thái Nguyên hiện có tổng số 118 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, trong đó có 29 trường và 89 nhóm trẻ/lớp mẫu giáo độc lập. Tổng số trẻ đang học tại mầm non ngoài công lập là hơn 7.200 em, chiếm tỷ lệ gần 9%.
Với quy mô mạng lưới trường, lớp của cấp học mầm non ở thời điểm hiện tại, các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đã góp phần đáp ứng tốt nhu cầu gửi trẻ của nhân dân, nhất là đối với công nhân ở các khu công nghiệp tại các địa bàn như thành phố Sông Công, thị xã Phổ Yên và các khu đông dân cư của thành phố Thái Nguyên.
Hàng năm, Sở GD&ĐT Thái Nguyên đã phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho chủ nhóm trẻ, giáo viên/bảo mẫu tại các nhóm/lớp mẫu giáo độc lập tư thục về thực hiện chương trình giáo dục mầm non.
Một giờ học tập, làm quen tiếng Anh tại Trường Mầm non quốc tế Anh Việt (TP Thái Nguyên)
Phòng GD&ĐT các huyện/thành đã chủ động hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ để cho doanh nghiệp, cá nhân thuê mặt bằng, thủ tục thành lập, cấp phép xây dựng, hoạt động giáo dục (TP Thái Nguyên, TP Sông Công, huyện Đồng Hỷ...); Nâng cấp, mở rộng quy mô các trường mầm non, nhất là trên địa bàn xung quanh các khu công nghiệp, các khu ở tập trung công nhân; Tạo điều kiện, hỗ trợ thành lập, hoạt động giáo dục cho các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục.
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục mầm non công lập đã chỉ đạo, phân công cán bộ quản lý tại trường hỗ trợ về chuyên môn đối với các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục trên địa bàn nhằm nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ đối với các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục.
Những biện pháp này đã góp phần giải quyết tình trạng quá tải ở các trường mầm non công lập trên địa bàn, tăng tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ ra lớp, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi, đáp ứng nhu cầu gửi nhân dân, đặc biệt là nhu cầu gửi trẻ của công nhân nữ đang làm việc tại các khu công nghiệp.
Nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục
Nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ, các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập tại Thái Nguyên không chỉ đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị mà còn chú trọng vào nội dung chương trình giáo dục, triển khai các phương pháp mới theo xu thế giáo dục quốc tế.
"Trẻ được phát triển tự nhiên và toàn diện, trong điều kiện đảm bảo phát huy tối đa khả năng, sở trường. Các cháu được tiếp cận với góc vui chơi học tập như toán học, văn hóa, nghệ thuật, ngôn ngữ, đời sống. Nhờ đó, các phẩm chất như tập trung, tự chủ, sáng tạo của trẻ được khích lệ và phát huy ngay từ nhỏ".
Bà Nguyễn Thị Hồng, Hiệu trưởng trường Mầm non quốc tế Anh Việt (TP Thái Nguyên)
Tại trường mầm non Bon Bee (TP Thái Nguyên), không gian phòng học, hệ thống giáo cụ, sân chơi bãi tập, tất cả đều được đầu tư một cách hệ thống, hiện đại, khoa học. Nhờ đó, các giáo viên rất thuận lợi trong việc triển khai chương trình giáo dục, xây dựng môi trường thân thiện, giúp trẻ hình thành được những kỹ năng, phẩm chất quan trọng như tính tự lập, khả năng tập trung, ý thức yêu thương chia sẻ...
Đối với trường mầm non quốc tế Anh Việt (TP Thái Nguyên), các chương trình tiên tiến như Montessori, Giáo dục sớm chất lượng cao được triển khai với sự đón nhận tích cực của trẻ nhỏ cũng như từ phía phụ huynh.
Thực tế cho thấy , ưu điểm cơ bản của các cơ sở mầm non ngoài công lập là điều kiện cơ sở vật chất trang thiết bị giáo cụ hiện đại, chương trình tiên tiến, lượng học sinh trong một lớp thấp, cho nên việc chăm sóc và giáo dục trẻ thuận lợi. Tất nhiên, nếu so sánh với các trường công lập, có thể thấy các cơ sở mầm non tư thục có mức thu phí cao hơn, đồng thời quy mô số lượng lớp học và học sinh cũng hạn chế hơn, khó đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của xã hội.
"Mở rộng, phát triển các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập là giải pháp then chốt để trẻ mầm non được tiếp cận chương trình giáo dục mầm non với các hoạt động giáo dục tiên tiến, qua đó giúp cho chất lượng giáo dục mầm non của tỉnh được duy trì và nâng cao" - bà Trần Thị Thúy, Phó trưởng phòng Giáo dục Mầm non và Tiểu học, Sở GD&ĐT Thái Nguyên.
Thái Nguyên không để học sinh nào thiếu thiết bị học tập Thái Nguyên có gần 400 nghìn người là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm gần 30% dân số toàn tỉnh, trong đó có nhiều thôn, xóm ở vùng sâu vùng xa. Trong đại dịch Covid-19, không có internet, không có máy tính, điện thoại, học tập của con em đồng bào gặp khó khăn. Khắc phục vấn đề này, Thái Nguyên không...