Suy thận cấp vì một sai lầm khi uống nước
Người đàn ông liên tục làm việc ngoài đồng từ sáng sớm đến giữa trưa nhưng chỉ uống 500 ml nước.
Bệnh nhân hồi phục ổn định sau khi có dấu hiệu suy thận vì làm việc trong thời gian dài ngoài trời quá lâu. Ảnh: BVCC.
Ông T.T.A. (71 tuổi, sống tại Hà Nội) được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Đức Giang trong tình trạng mệt mỏi, nôn ói.
Trước nhập viện 3 ngày, ông A. đi làm ruộng từ 7h đến trưa, giữa trời nắng nóng. Trong suốt thời gian này, người đàn ông chỉ mang theo 500 ml nước để uống.
Ngày hôm sau, ông A. bắt đầu thấy mệt mỏi, khó chịu, nôn khi ăn và uống nước. Ông được gia đình đưa vào cơ sở y tế gần nhà để theo dõi điều trị. Tại đây, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân có tình trạng tăng ure, creatinin máu và được chẩn đoán suy thận cấp do thiếu nước.
Tuy nhiên, sau một ngày điều trị, người bệnh xuất hiện biến chứng của suy thận cấp với nồng độ kali máu tăng, tiên lượng phải lọc máu. Ông được chuyển đến khoa Nội thận – Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, để tiếp tục điều trị.
Tại thời điểm nhập viện, chỉ số creatinin của bệnh nhân lên tới gần 800 mol/l, chỉ số kali máu là 6,7 mmol/l. Sau khi được đánh giá toàn diện và làm các cận lâm sàng, người bệnh được chỉ định bù nước, điện giải tích cực.
“Nếu chỉ làm việc trong điều kiện bình thường, không quá nặng nhọc, mỗi người đã phải uống 3-4 lít nước/ngày. Với người phải làm việc trong môi trường nắng nóng khắc nghiệt như bệnh nhân trên, mức bù nước phải nhiều hơn. Trong khi đó, người bệnh lại chỉ uống 500 ml nước xuyên suốt buổi sáng”, TS Nguyễn Văn Tuyên, Trưởng khoa Nội thận – Tiết niệu, cho biết.
May mắn, sau 2 ngày điều trị, tình trạng của ông A. dần ổn định, chức năng thận có dấu hiệu phục hồi, kali máu về trong giới hạn bình thường, creatinine máu giảm xuống khoảng 400 mol/l, không cần lọc máu.
TS Nguyễn Văn Tuyên cho hay bệnh nhân suy thận cấp trong giai đoạn phục hồi sẽ tiểu nhiều hơn. Trong giai đoạn này, các bác sĩ phải theo dõi sát việc tiểu tiện của người bệnh để có kế hoạch bù nước và điện giải phù hợp.
“Hiện tại, người bệnh bài tiết được 5 lít nước tiểu trong một ngày. Chúng tôi phải theo dõi và bù lượng dịch tương đương. Nếu tình trạng vẫn tiến triển tốt, dự kiện bệnh nhân sẽ xuất viện trong vài ngày tới”, bác sĩ cho hay.
Từ trường hợp của ông A., TS Tuyên cho hay thời tiết nắng nóng dễ gây ra tình trạng mất nước, mất điện giải. Việc không được bù nước đúng mức sẽ dẫn tới giảm thể tích tuần hoàn. Điều này đồng nghĩa với việc giảm cung lượng máu đến mô và các cơ quan, đặc biệt là thận, gây ra tình trạng suy thận cấp.
Video đang HOT
Trước đó, chỉ trong 2 tháng cao điểm nắng nóng của năm 2023, khoa Nội thận – Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, đã tiếp nhận 5 bệnh nhân suy thận cấp do mất nước.
Từ thực trạng này, TS Tuyên khuyến cáo người dân nên lưu ý đảm bảo bổ sung đủ nước và điện giải để tránh các vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là suy thận cấp.
Ai có nguy cơ bị suy thận cấp?
Suy thận cấp là hội chứng gây ra bởi nhiều nguyên nhân, có thể là do ngoài thận hoặc tại thận, làm suy sụp hoặc mất chức năng tạm thời của cả hai thận, ngừng hoặc suy giảm nhanh chóng mức lọc cầu thận.
Suy thận cấp có tỉ lệ tử vong cao, nhưng nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời thì chức năng thận có thể hồi phục hoàn toàn hoặc gần hoàn toàn.
Những đối tượng có nguy cơ bị suy thận cấp
Người cao tuổi
Tuổi càng cao thì chức năng của thận càng giảm. Vì vậy, khi có một yếu tố tác động vào cũng dễ xảy ra suy thận.
Người có lối sống không lành mạnh
Nếu người có lối sống không lành mạnh như ăn quá nhiều muối, đường, chất đạm, chất mỡ hoặc ăn ít rau quả, ít vận động, stress... thì sẽ có nguy cơ bị suy thận. Ngoài ra, những người hút thuốc lá hoặc dùng thực phẩm không an toàn cũng có ảnh hưởng nhiều đến thận.
Người mắc bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường được xem là nguyên nhân hàng đầu gây suy thận ở các nước đã phát triển và đang có xu hướng tăng nhanh ở Việt Nam. Ngoài ra, tiểu đường còn gây nhiều biến chứng lên các hệ cơ quan khác như tim mạch, mắt, thần kinh... Số người mắc bệnh tiểu đường ngày càng tăng thì tỷ lệ người bị tiểu đường có biến chứng thận (suy thận) ngày càng tăng cao.
Người mắc bệnh tăng huyết áp
Bệnh tăng huyết áp nếu không được kiểm soát, điều trị tốt sẽ gây biến chứng suy thận. Đầu tiên sẽ gây ra tiểu đạm (đạm niệu), sau đó sẽ gây ra suy thận.
Người mắc bệnh phải dùng thuốc điều trị dài ngày
Một số người sử dụng thuốc điều trị dài ngày có thể gây tổn thương thận, đặc biệt là khi dùng dài ngày và liều dùng không thích hợp.
Việc sử dụng các thuốc này cần được hướng dẫn, kê đơn của bác sĩ. Một số thuốc thường gặp có thể gây ngộ độc cho thận là: Thuốc kháng viêm không Steroid; Kháng sinh nhóm Aminoglycoside; Thuốc kháng lao; Thuốc, hóa chất điều trị ung thư; Thuốc cản quang; Một số thuốc đông y không rõ nguồn gốc...
Do đó, khi sử dụng bất kì loại thuốc nào cũng cần phải cẩn trọng, tham khảo ý kiến của bác sĩ, không nên tự ý dùng thuốc bừa bãi, vì sẽ có khả năng gây tổn thương thận cấp hoặc mạn tính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe về sau.
Người mắc bệnh lý thận tiết niệu
Nếu mắc một số bệnh như sỏi thận, trướng nước thận, viêm bể thận... mà không điều trị tốt sẽ ảnh hưởng đến chức năng của cơ quan này, dần dần gây biến chứng suy thận. Các bệnh lý như hội chứng thận hư, viêm cầu thận... nếu không được điều trị tốt cũng sẽ gây suy thận
Người mắc bệnh lý nhiễm trùng
Nếu mắc bệnh lý nhiễm trùng có thể gây biến chứng và suy thận. Ví dụ viêm cầu thận sau nhiễm khuẩn liên cầu, nhiễm khuẩn nặng do các vi khuẩn có độc lực cao, có thể gây sốc nhiễm khuẩn và suy thận cấp.
Suy thận cấp là hội chứng gây ra bởi nhiều nguyên nhân.
Biểu hiện của suy thận cấp
Suy thận cấp tiến triển qua 4 giai đoạn:
- Giai đoạn 1:
Giai đoạn khởi đầu: Đây là giai đoạn tấn công của các tác nhân gây bệnh. Diễn biến dài ngắn tùy theo từng nguyên nhân.
- Giai đoạn 2:
Đây là giai đoạn tiểu ít, vô niệu: Vô niệu có thể diễn biến từ từ, bệnh nhân có thể tiểu ít dần rồi vô niệu, nhưng nguyên nhân vô niệu có thể xảy ra đột ngột, nhất là trong trường hợp ngộ độc hoặc do các nguyên nhân cơ giới.
- Giai đoạn 3:
Giai đoạn tiểu trở lại với số lượng nước tiểu tăng nhanh dần, có trường hợp tiểu 4 - 5 lít/ngày hoặc hơn, kéo dài 5 - 7 ngày. Urê, Creatinin máu giảm dần, Urê và Creatinin niệu tăng dần, suy thận chuyển sang giai đoạn hồi phục.
- Giai đoạn 4:
Giai đoạn hồi phục: Khả năng cô đặc nước tiểu của ống thận tốn rất nhiều thời gian, có khi tới hàng năm mới hồi phục hoàn toàn, mức lọc cầu thận hồi phục nhanh hơn. Thường sang tháng thứ hai đã có thể bình thường, sự hồi phục nhanh, chậm tùy thuộc vào từng nguyên nhân, chế độ điều trị trung bình khoảng 4 tuần.
Lời khuyên thầy thuốc
Để phòng ngừa suy thận cần có lối sống lành mạnh, khoa học: Ăn uống đủ chất, hạn chế muối, chất béo, bia rượu, kiêng thuốc lá, uống đủ nước hàng ngày và tập thể dục đều đặn.
Cần khám sức khỏe định kỳ, hoặc đi khám khi bản thân có các dấu hiệu sức khỏe bất thường, việc phát hiện và điều trị sớm có thể giúp thận phục hồi được hoàn toàn.
Nếu mắc các bệnh lý mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, suy tim, u xơ tuyến tiền liệt... thì cần điều trị tốt các bệnh này, vì các bệnh lý này có nguy cơ ảnh hưởng đến chức năng thận, do đó kiểm soát tốt các bệnh mạn tính là cách giúp phòng ngừa bệnh thận.
Ngoài ra, cần sử dụng các thuốc đúng liều lượng theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Thông báo cho thầy thuốc nếu có các vấn đề về sức khỏe ở gan, thận để được điều chỉnh liều dùng, tránh nguy cơ quá liều làm tăng tác dụng phụ của thuốc.
Ở các bệnh nhân lớn tuổi có bệnh thận từ trước và có bệnh mạn tính kèm theo như đái đường, suy gan, tăng huyết áp, suy đa tạng, chấn thương... khi bị suy thận cấp thì tiên lượng bệnh sẽ nặng và khó điều trị hơn. Do đó, trước khi phẫu thuật cần phải dự phòng suy thận cấp cho bệnh nhân, bù đủ dịch và kiểm soát tốt huyết áp khi phẫu thuật.
Mẹo bù nước nhanh chóng trong những ngày nắng nóng Nếu bạn cảm thấy khô rát hoặc mệt mỏi sau khi tập luyện hoặc bất cứ lúc nào trong sinh hoạt bình thường hàng ngày đặc biệt vào những ngày nắng nóng, rất có thể bạn đang bị mất nước. Việc không bù nước kịp thời có thể làm thay đổi nghiêm trọng đến trạng thái tinh thần và sức khỏe của bạn....