Sum vầy ăn quả cọ om ngày đông
Ở xa quê, nhận được một bọc quả cọ mẹ gửi, những đứa con như chúng tôi như được tìm về ký ức tuổi thơ, rất quen thuộc và rất đỗi thân thương.
Cùi cọ vàng ươm bày trên đĩa cho mọi người cùng sum vầy
Còn nhớ ngày bé, vào những ngày cuối tháng 11 (Âm lịch), khi cái rét đã len lỏi vào tận góc nhà, cùng với củ khoai, củ sắn vùi trong đống than rực lửa thì một nồi quả cọ om luôn được mẹ làm như để xua đi cái lạnh cắt da cắt thịt ngày đông.
Quả cọ thường có từ khoảng giữa tháng 10 (Âm lịch) đến đầu tháng Chạp hàng năm. Tuy có hai loại là cọ nếp và cọ thường nhưng hương vị của cả hai đều giống nhau, và chỉ khác nhau ở độ mềm, dẻo ở cùi. Và dĩ nhiên, như tên gọi của chúng, cọ nếp dẻo hơn cọ thường một chút và chỉ những người “sành ăn” mới có thể nhận ra sự khác biệt.
Khâu sơ chế món cọ mất khá nhiều thời gian bởi phải làm thế nào để bong hết lớp vỏ bên ngoài. Đổ mớ cọ vào rổ, nhặt thêm vào hòn đá nhỏ vào trộn, sau đó xóc lên nhiều lần, đó là “bí kíp” sơ chế món cọ nhanh nhất mà tôi học lỏm từ mẹ.
Ăn cọ om xuýt xoa với vị cay của ớt trong mắm tôm
Om cọ không quá khó khi chỉ cần một nồi nước thật sôi, sau đó đổ cả mớ cọ vào và đậy chặt vung nồi. Lúc này, lửa không cần quá lớn mà chỉ cần đều, trong vòng khoảng 20 phút, nồi cọ om đã chín hoàn toàn.
Ăn cọ om phải thưởng thức khi còn nóng mới có thể cảm nhận được hương vị của chúng. Thưởng thức món ăn “cây nhà lá vườn” này cũng không thể không có mắm tôm trộn ớt cay. Nhẹ nhàng bẻ đôi quả om, quệt qua chút mắm tôm và bỏ vào miệng, một hương vị thơm thơm, bùi bùi của cùi cọ vàng óng khiến ai cũng nghĩ thầm… ăn nhanh kẻo hết.
Những đứa con như chúng tôi vì đi học, đi làm xa nên không có nhiều dịp để ăn cọ om mà mẹ làm như ngày bé. Thỉnh thoảng, nhận được một bọc quả cọ mẹ gửi từ quê, đứa nào cũng mừng hết đỗi.
Ăn cọ om, nhớ bếp than hồng, nhớ cảnh sum vầy ngày đông và nhớ tuổi thơ lông bông chờ mẹ gọi.
Video đang HOT
Theo PNO
3 món rim mặn ngọt ngon cơm ngày đông
Nước sốt sền sệt của những món rim chan cùng cơm thôi đã đủ ngon lắm rồi, là món tủ của nhiều gia đình trong mùa đông đấy.
1. Sườn non rim mặn ngọt
Miếng sườn thấm gia vị, ăn cùng cơm thì ngon tuyệt, chẳng có ai chối từ được cả.
Nguyên liệu:- 500g sườn non chặt nhỏ- Muối, đường, nước mắm, tỏi, hành khô, hành lá, hạt tiêu.
Cách làm:
- Sườn non chặt nhỏ, rửa sạch, đun nồi nước sôi cho sườn vào chần sơ khoảng 3 phút, sau đó đổ ra rửa lại cho thật sạch, để ráo.
- Cho sườn vào âu sạch, thêm hành khô, hạt tiêu, một thìa canh nước mắm, một thìa nhỏ đường, một thìa nhỏ muối, trộn đều, ướp khoảng 1 - 2 tiếng.
- Sau khi ướp thì cho sườn vào nồi, đặt lên bếp, đun sôi lửa nhỏ khoảng 3 phút thì đổ thêm nước lạnh xâm xấp với mặt sườn, đậy kín nắp tiếp tục đun tiếp từ 30 đến 35 phút.
- Dùng đũa xiên nhẹ qua phần thịt mềm và phần nước cạn bớt thì tắt bếp.
- Dùng chảo khác, đun sôi khoảng 1 thìa canh đường với một thìa canh nước, đun đến khi đường chuyển màu vàng cánh gián.
- Cho sườn đã đun vào, dùng đũa đảo đều để phần đường bám đều quanh miếng thịt, tiếp tục đậy kín nắp nồi.
- Thêm nước mắm, muối cho vừa ăn, đun sôi tiếp khoảng 5-10 phút đến khi cạn bớt nước thì tắt bếp, thêm hành lá thái nhỏ, múc ra đĩa dùng làm món mặn ăn với cơm. Vì phần sườn đã đun trước và có sẵn thấm gia vị nên khi bạn rim như vậy phần thịt sẽ nhanh thấm, mềm và phần thịt không bị khô.
2. Sườn cốt lết rim mặn ngọt
Từng miếng sườn thấm mềm, pha lẫn vị đậm đà của gia vị, phần nước sốt thịt, bạn có thể chan với cơm ăn cũng rất ngon.
Nguyên liệu:- 2-3 lát thịt cốt lết- Muối, đường, xì dầu, nước mắm, ớt màu hay ớt bột cay- Tỏi, hành lá.
Cách làm:
- Thịt cốt lết rửa sạch, lau khô, cho vào thịt một thìa nhỏ muối, một ít hạt tiêu, ướp khoảng 1-2 tiếng.
- Đun nóng chảo, rưới một ít dầu ăn, cho sườn cốt lết vào áp chảo hai mặt đến khi xém vàng.
- Cho thêm hai thìa canh nước mắm, một thìa nhỏ xì dầu, một thìa canh đường, một ít ớt màu hay ớt bột cay và một ít nước lọc xâm xấp với mặt thịt, đun sôi, đậy kín nắp nồi.
- Đun đến khi miếng thịt mềm, và nước sốt thịt dẻo lại, bạn tắt bếp, thêm hành lá đã thái nhỏ vào, múc ra đĩa dùng làm món mặn ăn với cơm.
3. Chả cá rim mặn ngọt
Chả cá dai, quyện lẫn với gia vị thấm mặn mà dùng kèm với cơm nóng sốt thật ngon.
Nguyên liệu:- 300g thịt phi lê, có thể dùng cá lóc, hay cá rô phi- Hành khô, muối, đường, hạt nêm, hạt tiêu, dầu ăn- Dầu hào, đường, xì dầu (nước tương).
Cách làm:
- Cá mua về rửa sạch, để ráo, xay nhuyễn cá, trộn với hành khô thái nhỏ, ba thìa nhỏ dầu ăn, một thìa nhỏ muối, nửa thìa nhỏ hạt nêm, nửa thìa nhỏ đường, dùng thìa quết thật nhuyễn để cá được dai.
- Dùng màng thực phẩm bọc kín, cho vào tủ đông đá khoảng 30 - 45 phút.
- Sau đó lấy ra nặn thành những miếng chả cá nhỏ, đun nóng chảo, thả chả cá vào rán vàng.
- Chả cá sau khi rán, vớt ra đĩa cho thấm bớt dầu ăn.
- Đun nóng chảo nhỏ khác, phi hành thơm, thêm một thìa canh xì dầu, một thìa canh đường, một thìa nhỏ dầu hào, nửa thìa nhỏ muối và hai thìa canh nước lọc, đun sôi.
- Thì cho chả cá đã rán ở vào chảo, tiếp tục đun sôi để hỗn hợp nước sốt bám đều quanh miếng chả cá, đậy kín nắp đun thêm từ 5 đến 10 phút, nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn.
- Tắt bếp, rắc một ít hạt tiêu lên bề mặt, múc ra đĩa dùng làm món mặn ăn với cơm.
Theo Ngoisao
Quây quần bên nồi lẩu bò ấm nóng ngày đông Quán phở kiêm lẩu bò thập cẩm là địa chỉ lý tưởng cho các tín đồ ẩm thực Hà Nội. Cứ mỗi khi đông về là các nhóm bạn, người thân trong gia đình hay tình nhân lại tìm tới quán lẩu để quây quần, lai rai và "buôn chuyện" rôm rả. Có nhiều biến tấu lẩu khác nhau như lẩu thập cẩm...