Sự nguy hiểm của hút thuốc lá thụ động
Mặc dù tỉ lệ phơi nhiễm khói thuốc lá đã giảm đáng kể nhưng hút thuốc lá thụ động vẫn đang là nguyên nhân liên quan đến khoảng 18.800 ca tử vong
Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết trong hơn 10 năm qua, tỉ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động đã giảm tại hầu hết các địa điểm.
Kết quả điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2023 đã giảm đáng kể so với năm 2010, như tại nơi làm việc (giảm từ 55,9% xuống 23%); trên phương tiện giao thông công cộng (giảm từ 34,4% xuống 19%); tại gia đình (giảm từ 73,1% xuống 45,6%)…
Dù đã có quy định cấm nhưng nhiều người vẫn hút thuốc lá trong khuôn viên bệnh viện
Nhiều giải pháp phòng chống tác hại thuốc lá
Kết quả này cho thấy ý thức tuân thủ quy định cấm hút thuốc trong cộng đồng đã có chuyển biến tích cực, đây cũng là một trong những kết quả bền vững trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá tại nước ta.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Việt Nam là một trong số các quốc gia thể hiện sự cam kết mạnh mẽ trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá thông qua việc ký kết tham gia Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào ngày 11-11-2004 và thông qua Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) vào ngày 18-6-2012.
“Sau khi Luật PCTHTL có hiệu lực, các nhóm giải pháp về PCTHTL được triển khai đồng bộ trên toàn quốc như truyền thông, giáo dục về PCTHTL; thực hiện môi trường không khói thuốc lá; chính sách về thuế thuốc lá; cảnh bảo sức khỏe; cấm quảng cáo, khuyến mại, tài trợ các sản phẩm thuốc lá, cai nghiện thuốc lá… “- Thứ trưởng Thuấn nói.
Tuy nhiên, theo ông Thuấn, tỉ lệ sử dụng thuốc lá ở Việt Nam vẫn còn rất cao, đặc biệt là nam giới. Trong khi đó, các sản phẩm thuốc lá mới xuất hiện (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Shisha) đang làm gia tăng tỉ lệ sử dụng các sản phẩm này ở đối tượng thanh thiếu niên và phụ nữ trẻ.
Video đang HOT
Cùng đó, việc tiếp cận với các sản phẩm thuốc lá rất dễ dàng, thuốc lá được bán ở khắp mọi nơi làm cho công tác PCTHTL tại Việt Nam gặp không ít khó khăn.
Hút thuốc lá thụ động gây nhiều nguy cơ về sức khỏe
Đến nay, tại nước ta, tỉ lệ hút thuốc cũng như phơi nhiễm với khói thuốc thụ động còn cao đang tạo ra những gánh nặng bệnh tật và kinh tế. Việc sử dụng thuốc lá liên quan đến 25 căn bệnh: Đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi… là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam.
Hút thuốc lá thụ động gây ra 18.800 ca tử vong mỗi năm
PGS-TS Phan Thu Phương, Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết hầu hết mọi người đều nghĩ rằng hút thuốc lá chỉ gây hại cho chính người hút thuốc lá, không gây hại đối với những người xung quanh. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy thuốc lá không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người sử dụng mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của những người xung quanh, khiến cho họ cũng hít phải khói thuốc lá và sẽ mắc các bệnh như người hút thuốc.
Hút thuốc lá thụ động (hay hít khói thuốc lá thụ động) là hình thức hít khói thuốc trong không khí, khói thuốc này do người trực tiếp hút thuốc lá thải ra. Các chuyên gia cảnh báo ở người lớn không hút thuốc, việc tiếp xúc với khói thuốc thụ động có thể gây ra bệnh tim mạch vành, đột quỵ, ung thư phổi và các bệnh khác.
Đối với phụ nữ, hút thuốc thụ động có thể gây ra những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe sinh sản, bao gồm cả việc sinh con nhẹ cân. Nếu chị em phụ nữ trong thai kỳ tiếp xúc với khói thuốc lá sẽ có khả năng sinh non cao, có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu, tăng huyết áp, vỡ ối sớm… Bên cạnh đó, thai nhi cũng có nguy cơ kém phát triển về thể chất và trí não.
Ở trẻ em, tiếp xúc với khói thuốc thụ động có thể gây nhiễm trùng đường hô hấp, nhiễm trùng tai và là yếu tố thúc đẩy cơn hen phế quản. Chỉ cần 1 giờ trong phòng có người hút thuốc lá cũng khiến trẻ em hấp thụ số lượng hóa chất độc hại tương đương với người hút 10 điếu thuốc một ngày.
Khói thuốc lá là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Các trường hợp hút thuốc lá thụ động là người lớn sẽ có khả năng cao đối mặt với bệnh lao phổi, suy tim, xơ vữa động mạch, các căn bệnh ung thư (ung thư phổi, ung thư vú, ung thư vòm họng,…). Từ đó, gây đe dọa đến sự sống còn và có nguy cơ tử vong.
Theo bà Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), mỗi năm Việt Nam có 104.300 ca tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Trong đó, hút thuốc lá thụ động gây ra 18.800 ca tử vong.
Do đó, các chuyên gia cho rằng bên cạnh triển khai các giải pháp giảm tỉ lệ người hút thuốc lá, ngăn chặn người mới hút thuốc cần tiếp tục thực thi các biện pháp bảo đảm môi trường không khói thuốc; tăng thuế thuốc lá… để giảm tình trạng hút thuốc lá và hút thuốc lá thụ động.
Cấm thuốc lá điện tử: Quyết định quan trọng vì sức khỏe người dân
Tại Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển và sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng từ năm 2025, nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là thanh, thiếu niên.
Đây là một quyết định quan trọng, nhận được sự hoan nghênh, ủng hộ của xã hội.
Thời gian qua, thuốc lá nung nóng và thuốc lá điện tử luôn là nỗi lo của rất nhiều phụ huynh. Chị Hoàng Thị Mai (phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) như bỏ đi được gánh nặng khi nghe thông tin cấm thuốc lá điện tử từ năm 2025. Chị Mai tâm sự: "Con trai tôi đang học lớp 11, mặc dù cháu chưa hút thuốc lá điện tử nhưng nghe cháu chia sẻ trong lớp có mấy bạn hút thuốc lá điện tử nhìn "ngầu" lắm. Tôi đã phân tích cho cháu nghe về tác hại của thuốc lá điện tử, cháu cũng vâng lời không thử, nhưng tôi biết nếu không cấm thì việc con tôi tiếp xúc với thuốc lá điện tử cũng chỉ là vấn đề thời gian".
Chia sẻ về những tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: Có 25 căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá, như: Đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi... là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá. Đáng lo ngại là tình hình sử dụng thuốc lá điện tử tại Việt Nam đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng, nhất là trong giới trẻ.
Cụ thể: Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh từ 13 tuổi đến 15 tuổi đã tăng nhanh từ 3,5% (năm 2022) lên 8% (năm 2023); ở nhóm từ 15 tuổi đến 24 tuổi là 7,3%; nhóm từ 25 tuổi đến 44 tuổi là 3,2%; nhóm từ 45 tuổi đến 64 tuổi là 1,4%. Qua tổng hợp báo cáo của gần 700 cơ sở khám, chữa bệnh cho thấy, chỉ tính riêng năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, với các triệu chứng khi nhập viện chủ yếu do dị ứng, ngộ độc, tổn thương phổi. Theo ước tính sơ bộ của Hội Khoa học kinh tế y tế Việt Nam năm 2022, tổng chi phí liên quan đến khám, chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá ở Việt Nam là 108.000 tỷ đồng/năm.
Bác sĩ Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) điều trị cho bệnh nhân rối loạn tâm thần do hút thuốc lá điện tử. Ảnh minh họa: qdnd.vn
Ông Hồ Hồng Hải, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, qua báo cáo kết quả giám sát, khảo sát của các ủy ban của Quốc hội và các nghiên cứu cho thấy: Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tại Việt Nam ngày càng tăng, nhất là trong giới trẻ, học sinh, sinh viên; có tình trạng lợi dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để lưu hành, sử dụng ma túy trái phép. Quý I-2024, công an cả nước đã phát hiện, xử lý 111 vụ, 152 đối tượng liên quan đến thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Trong đó, có 33 vụ, với 73 đối tượng bị khởi tố do phạm tội về ma túy, còn lại bị xử lý hành chính về hành vi kinh doanh hàng hóa không có nguồn gốc, xuất xứ.
Một số người có quan niệm sai lầm là sử dụng thuốc lá điện tử để cai nghiện thuốc lá điếu thông thường. Nhưng tại công bố mới nhất của Bộ Y tế về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đã chỉ rõ, không đủ bằng chứng để kết luận sử dụng thuốc lá điện tử để cai nghiện thuốc lá điếu thông thường có hiệu quả hơn so với các phương pháp khác. Chưa có bằng chứng về hiệu quả của các sản phẩm muối nicotine để hỗ trợ cai thuốc lá.
Trong khi đó, có bằng chứng rằng việc hút thuốc lá điện tử có thể kéo dài tình trạng nghiện nicotine và cản trở việc cai thuốc. Hút thuốc lá điện tử có liên quan đến giãn phế quản ở trẻ sơ sinh-yếu tố nguy cơ dẫn đến các biến chứng ở trẻ sơ sinh-nên đó không thể là biện pháp thay thế an toàn hơn cho việc hút thuốc lá điếu trong thai kỳ. Ngoài ra, việc khuyến khích người hút thuốc lá điếu chuyển sang thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng không làm cho họ có thể bỏ thuốc lá, mà ngược lại tiếp tục duy trì tình trạng nghiện nicotine và phơi nhiễm với nhiều hóa chất độc hại khi sử dụng đồng thời nhiều loại thuốc lá.
Hút thuốc lá điện tử có nguy cơ dẫn đến tổn thương phổi cấp có thể dẫn đến tử vong (EVALI), bị thương và bỏng do nổ pin, cháy thiết bị, ngộ độc do quá liều nicotine, ngộ độc các chất ma túy được pha trộn vào dung dịch thuốc lá điện tử.
Thuốc lá điện tử chứa nicotine, chất gây nghiện mạnh, có hại cho sự phát triển não bộ thanh, thiếu niên dưới 25 tuổi. Nicotine ảnh hưởng xấu đến sự hình thành các khớp thần kinh (synapse), gây ra vấn đề về trí nhớ, khả năng tập trung, học tập, tự chủ và rối loạn tâm trạng. Hậu quả lâu dài nghiêm trọng bao gồm nghiện, có thể dẫn đến rối loạn nhận thức, cảm xúc, giảm khả năng tập trung, học tập, liên quan đến các rối loạn tâm thần.
Một quyết định đúng đắn
Những nỗ lực không ngừng nghỉ của Bộ Y tế, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá và các tổ chức, đơn vị liên quan, Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm gánh nặng cho hệ thống y tế. Nghị quyết của Quốc hội cho thấy sự quyết liệt của Đảng, Nhà nước ta trong việc bảo vệ sức khỏe người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trước những nguy cơ từ thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá mới. Bà Phan Thị Hải, Phó giám đốc phụ trách Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá khẳng định, đây là một quyết định đúng đắn và kịp thời. Việc cấm các sản phẩm này không chỉ giúp bảo vệ người sử dụng mà còn góp phần tạo môi trường trong lành hơn cho cộng đồng.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hai năm qua, Trung tâm đã tiếp nhận điều trị cho hơn 130 trường hợp nhập viện sau khi sử dụng thuốc lá điện tử. Trong đó, xét nghiệm nhiều mẫu thuốc lá điện tử của bệnh nhân cho kết quả dương tính với ma túy. Chi phí điều trị cho những ca ngộ độc thuốc lá điện tử trộn ma túy từ cấp tính nhẹ đến những ca nặng tiêu tốn hàng chục đến hàng trăm triệu đồng.
Thuốc lá điện tử đang khởi đầu cho trào lưu và xu hướng lạm dụng các hóa chất nhân tạo tổng hợp của con người. Với vai trò của các chất gây nghiện như nicotine và các chất ma túy, trào lưu lạm dụng và tiếp xúc với các hóa chất không an toàn này sẽ ngày càng liên tục lan rộng và không có điểm dừng. Do đó, việc cấm toàn bộ sản phẩm thuốc lá mới là phù hợp với xu hướng của các nước trên thế giới và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.
Người Việt hút thuốc 49.000 tỷ đồng/năm, chữa bệnh liên quan tốn 108.000 tỷ Trong một năm, người Việt chi 49.000 tỷ đồng để tiêu thụ thuốc lá, nhưng tổng chi phí liên quan đến khám chữa bệnh, tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá lên đến 108.000 tỷ đồng. Ngày 17/10, tại TPHCM đã diễn ra hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng, chống tác...