Sóng ngầm căng thẳng mới ở Biển Đông
Không quá ồn ào, nhưng căng thẳng giữa Mỹ cùng các đồng minh với Trung Quốc ở Biển Đông đang có nhiều diễn biến đáng quan ngại.
Tối qua, tờ The Japan Times dẫn lời phát ngôn viên của hải quân Úc cho hay tàu chiến của nước này tham gia một cuộc tập trận chung cùng lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản khi hai bên đang trên đường đến Philippines.
Tập trận răn đe
Cuộc tập trận có sự tham gia của tàu hộ tống lớp Anzac và đổ bộ tấn công HMAS Canberra (L02). Trong đó, HMAS Canberra là chiến hạm lớn nhất của Úc hiện nay. Dự kiến, hải quân Úc còn có thêm hoạt động tập trận khác cùng Philippines khi đến thăm nước này. Cụ thể, Úc và Philippines sắp điều động tàu chiến và máy bay cùng khoảng 2.000 quân nhân tham gia cuộc tập trận Alon. Cuộc tập trận còn có thêm sự tham gia của khoảng 150 binh sĩ thủy quân lục chiến Mỹ.
Tàu HMAS Canberra của hải quân Úc. Ảnh Reuters
Tuy nhiên, đến hôm qua, cuộc tập trận của 3 nước Mỹ – Nhật – Úc ở Biển Đông vẫn chưa diễn ra. Trước đó, AP dẫn nguồn tin từ một quan chức an ninh Philippines tiết lộ Mỹ – Nhật – Úc sẽ điều động nhiều tàu chiến tham gia tập trận ở Biển Đông. Cuộc tập trận có thể diễn ra vào ngày 23.8, có sự tham gia của tàu HMAS Canberra cùng tàu đổ bộ tấn công USS America của Mỹ, tàu khu trục chở máy bay trực thăng lớp Izumo của Nhật. Tàu lớp Izumo đang được nâng cấp để có thể triển khai máy bay tiêm kích F-35 để tổ chức tác chiến như tàu sân bay. Còn tàu USS America tuy là tàu đổ bộ tấn công nhưng cũng có thể mang theo chiến đấu cơ F-35 để tác chiến tàu sân bay.
Video đang HOT
Chính vì thế, sự tập trung của các tàu chiến trên từ Mỹ, Nhật và Úc khi tham gia tập trận ở Biển Đông không những mang tính thị uy sức mạnh mà còn thể hiện mức độ phối hợp với sự tăng cường nguồn lực từ các đồng minh Tokyo và Canberra, chứ không phải chỉ dựa vào nguồn lực chính yếu của Washington.
Nhận xét về kế hoạch triển khai 3 chiến hạm trên tập trận ở Biển Đông khi trả lời Thanh Niên, TS Satoru Nagao (Viện nghiên cứu Hudson, Mỹ) cho rằng điều này mang 3 thông điệp. Thứ nhất, Mỹ – Nhật và Úc muốn gửi thông điệp răn đe nhằm vào Trung Quốc; Thứ hai là thông điệp dành cho các nước trong khu vực rằng Mỹ cùng các đồng minh sẽ sử dụng những nguồn lực mạnh nhất để hỗ trợ các bên trong khu vực; Thứ ba là thông điệp của Mỹ gửi tới Nhật Bản và Úc về việc cần chia sẻ gánh nặng cùng Washington.
TS Nagao nói thêm: “Các phương tiện truyền thông cho biết cuộc tập trận chung đã được lên kế hoạch từ vài tháng trước. Nếu đúng thì thời gian chuẩn bị tương đối ngắn. Bài tập này có thể là một ví dụ điển hình về quá trình chia sẻ gánh nặng an ninh và có sự phối hợp nhanh hơn.
Tương tự, TS James Holmes (chuyên gia chiến lược hàng hải – Đại học Hải chiến Mỹ) đánh giá: “Kế hoạch tập trận trên là cách thức truyền thông điệp với cả đối thủ lẫn đồng minh thông qua triển khai quân sự. Cuộc tập trận gửi thông điệp đến Trung Quốc rằng lực lượng vũ trang của 3 nước có thể hoạt động cùng nhau một cách gắn kết và hiệu quả ở khu vực lân cận các chiến trường tiềm năng ở quần đảo Trường Sa. Cả Tokyo, Canberra và Washington cùng Manila đang thể hiện khả năng quân sự và quyết tâm chính trị để sát cánh cùng nhau và sử dụng khả năng đó trong những hoàn cảnh mà họ nói rằng họ sẽ làm”.
“Nếu cuộc biểu dương lực lượng đủ ấn tượng, các đối tác tiềm năng khác sẽ an tâm hơn với cam kết của Mỹ cùng các đồng minh đối với khu vực”, TS Holmes nhận định thêm khi trả lời Thanh Niên.
Căng thẳng dền dứ
Trong khi đó, căng thẳng giữa Philippines với Trung Quốc vẫn chưa có hồi kết. Đầu tuần này, Manila tuyên bố đã hoàn thành việc tiếp tế cho lực lượng của nước này ở một thực thể trên Biển Đông. Trước đó, hồi đầu tháng, Manila tố tàu hải cảnh Trung Quốc đã ngăn cản việc tàu Philippines tiếp tế đến thực thể trên. Một trong những lý do mà Bắc Kinh đưa ra để lý giải việc ngăn cản là vì Manila còn mang theo vật liệu xây dựng để tôn tạo, nâng cấp thực thể.
Từ sự ngăn cản của Bắc Kinh, sứ mệnh tiếp tế đầu tiên của Manila đã thất bại. Sau đó, Mỹ cùng các đồng minh đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc, đồng thời rò rỉ một số thông tin về kế hoạch tập trận. Sau đó, đến ngày 22.8, Philippines tổ chức tiếp tế lần 2 và công bố đã thành công. Trong khi đó, phía Trung Quốc tuyên bố việc tiếp tế thành công là do 2 bên có một thỏa thuận tạm thời và Manila đã không chuyển vật liệu xây dựng, theo tờ South China Morning Post. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng căng thẳng giữa 2 bên sẽ còn bùng phát trong các sự kiện tương tự.
Tàu chiến lớn nhất của Úc tham gia tập trận với Mỹ, Philippines ở Biển Đông
Tàu chiến lớn nhất của Úc đã tham gia cuộc tập trận chung với Philippines và Mỹ ở Biển Đông trong hôm nay 21.8, theo AFP.
Tàu đổ bộ trực thăng của Úc HMAS Canberra là một trong số tàu tham gia cuộc tập trận Alon ở Philippines, diễn ra từ ngày 14-31.8. Tham gia cuộc tập trận có hơn 2.000 binh sĩ từ Úc và Philippines, cùng khoảng 150 lính thủy đánh bộ Mỹ. Phần tập trận hôm nay ở Biển Đông là một cuộc xung kích đường không mô phỏng ở phía nam đảo Palawan của Philippines.
Tàu đổ bộ HMAS Canberra của Úc ngoài khơi đảo Palawan của Philippines trong cuộc tập trận vào ngày 21.8. Ảnh AFP
"Giống như Philippines, Úc muốn một khu vực hòa bình, ổn định và thịnh vượng, tôn trọng chủ quyền và được hướng dẫn bởi trật tự dựa trên luật lệ", Đại sứ Úc tại Manila Hae Kyong Yu cho hay. Bà Yu cho biết thêm những cuộc tập trận như trên là "quan trọng" bởi vì "thông qua những cuộc diễn tập này, chúng tôi đang biến lời nói của mình thành hành động".
Binh sĩ tham gia huấn luyện chiến đấu trên tàu HMAS Canberra ngoài khơi đảo Palawan vào ngày 21.8. Ảnh AFP
Mỹ, Nhật Bản và Úc cũng sẽ tổ chức tập trận chung ngoài khơi bờ biển Philippines trong tuần này, theo AFP. "Việc đó luôn nằm trong kế hoạch", đại úy Phillipa Hay, Chỉ huy Lực lượng Đặc nhiệm đổ bộ Úc, nói với các phóng viên trên tàu HMAS Canberra.
Trong một diễn biến khác, Đài Loan hôm nay cáo buộc Trung Quốc "làm gián đoạn thương mại một cách tùy tiện" sau khi Bắc Kinh đưa ra lệnh cấm nhập khẩu đối với xoài của Đài Loan, theo AFP.
Bắc Kinh cho hay lệnh cấm nói trên có hiệu lực từ hôm nay, sau khi tuyên bố họ tìm thấy sâu bệnh trong xoài nhập khẩu từ Đài Loan.
Trong khi đó, Cơ quan Nông nghiệp Đài Loan nói rằng lệnh cấm vi phạm các quy tắc quốc tế và kêu gọi Bắc Kinh tìm ra "giải pháp hợp lý" thông qua đối thoại.
"Chúng tôi vô cùng lấy làm tiếc về việc Trung Quốc lặp đi lặp lại hành vi tự ý làm gián đoạn thương mại mà không có đối thoại khoa học, vốn không phù hợp với thông lệ quốc tế", Cơ quan Nông nghiệp Đài Loan nhấn mạnh trong một tuyên bố.
Trung Quốc đã áp đặt lệnh cấm nhập khẩu đối với nhiều sản phẩm nông nghiệp của Đài Loan trong những năm gần đây.
Lệnh cấm nhập khẩu mới được đưa ra sau khi Bắc Kinh tiến hành các cuộc tập trận quanh Đài Loan vào ngày 19.8, một ngày sau khi phó lãnh đạo Đài Loan Lại Thanh Đức trở về sau chuyến thăm Paraguay với hai chặng dừng chân tại Mỹ.
Con đường hướng tới thế giới không hạt nhân ngày càng khó khăn hơn Phát biểu tại lễ tưởng niệm 78 năm ngày thành phố Hiroshima bị ném bom nguyên tử, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida bày tỏ lo ngại rằng, những tác động từ căng thẳng và xung đột đang ngày càng gia tăng, AP ngày 6/8 đưa tin. Lễ tưởng niệm diễn ra tại thành phố Hiroshima. Ảnh: AP Lễ tưởng niệm diễn ra...