Leo thang căng thẳng Ba Lan Belarus
Vụ việc Ba Lan cáo buộc hai trực thăng của Belarus xâm phạm không phận trong bối cảnh Warsaw và Minsk thời gian qua thường xuyên lời qua tiếng lại vì sự hiện diện của lực lượng lính đánh thuê Wagner gần biên giới Ba Lan, đã làm leo thang căng thẳng giữa hai bên.
Bộ Quốc phòng nước này hiện điều thêm quân đội tới biên giới phía Đông, trong khi Belarus ngay lập tức phản bác, nhấn mạnh rằng Warsaw cáo buộc vô căn cứ, tạo cớ để biện minh cho việc tập hợp lực lượng.
The Guardian ngày 2/8 đưa tin, Bộ Quốc phòng Ba Lan thông báo, họ đang điều lực lượng và nguồn lực bổ sung, bao gồm cả trực thăng chiến đấu tới biên giới phía Đông, giáp với Belarus, sau khi cáo buộc hai máy bay trực thăng của quân đội quốc gia láng giềng vi phạm không phận nước này.
Tổng thống Belarus Lukashenko bác bỏ hoàn toàn thông tin máy bay quân sự của Minsk vi phạm không phận Ba Lan. Nguồn: AP
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak đã lập tức triệu tập một cuộc họp của Ủy ban An ninh và Quốc phòng để thảo luận các biện pháp ứng phó, đồng thời triệu đại biện lâm thời của Belarus tại Warsaw, đề nghị đưa ra lời giải thích.
Warsaw cũng thông báo lên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về vụ vi phạm. Theo các báo địa phương, sáng 1/8, quân đội Ba Lan thông tin rằng các hệ thống radar không ghi nhận trường hợp xâm phạm không phận nào. Tuy nhiên, chiều tối cùng ngày, Warsaw đã thay đổi nhận định và cáo buộc các trực thăng Belarus bay “ở độ cao rất thấp, vì vậy các hệ thống radar không phát hiện được”.
Thông báo của Bộ Quốc phòng Ba Lan nêu rõ: “Hai máy bay trực thăng của Belarus gồm Mi-8 và Mi-24, vốn đang huấn luyện gần biên giới, đã vi phạm không phận của Ba Lan ở khu vực TP Bialowieza”. Về phần mình, trong một tuyên bố đăng trên Telegram, Bộ Quốc phòng Belarus cho rằng dường như Ba Lan đã thay đổi đánh giá vụ việc một cách chóng vánh, không đưa ra được bằng chứng, tạo cớ để biện minh cho việc tập hợp lực lượng. Bộ Quốc phòng Belarus nhấn mạnh, các máy bay trực thăng Mi-8 và Mi-24 không vi phạm biên giới Ba Lan.
Được biết, biên giới giữa hai nước trở nên căng thẳng gần đây sau khi lực lượng quân sự tư nhân Nga Wagner đưa quân đến một căn cứ ở Tsel của Belarus, gần biên giới Ba Lan. Sau cuộc binh biến của Wagner ở Nga, Belarus đã đứng ra trung gian hòa giải và tiếp nhận nhiều lính Wagner. Hồi tuần trước, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cảnh báo tình hình có thể trở nên nguy hiểm hơn nữa khi lính Wagner được cho là đang áp sát biên giới nước này.
Video đang HOT
Theo ông, Wagner dường như đã đưa khoảng 100 quân đến gần hành lang Suwalki – khu vực thuộc Ba Lan, dài khoảng 65km, chạy dọc theo biên giới Lithuania – Ba Lan. Suwalki được xem một “tử huyệt” của khối NATO, vì nơi đây có một đầu giáp với vùng Kaliningrad, lãnh thổ của Nga ở vùng Baltic, trong khi đầu còn lại giáp với Belarus. Bộ trưởng Quốc phòng Mariusz Blaszczak hồi cuối tháng 7 cũng cho biết, Warsaw có kế hoạch tăng gấp đôi quy mô quân đội từ 3 lên 6 sư đoàn, tăng số quân nhân nhập ngũ từ 172.000 lên 300.000 người.
Theo ông Blaszczak, Ba Lan đang thảo luận các biện pháp nhằm tăng cường an ninh ở biên giới với Belarus, bằng việc xây dựng hàng rào, triển khai các thiết bị điện tử, đề phòng một cuộc tấn công từ Belarus. Tuy vậy, Tổng thống Alexander Lukashenko hôm 1/8 đã nêu lên lý do mà Ba Lan nên cảm ơn Belarus.
Ông Lukashenko tuyên bố: “Warsaw nên cầu nguyện vì chúng tôi đã kiểm soát và chu cấp cho Wagner. Vì vậy, Ba Lan không nên trách móc, mà nên cảm ơn tôi”. Trước đó, ông Lukashenko từng nói đùa rằng Wagner muốn đưa quân tiến vào Rzeszow và Warsaw vì Ba Lan bị coi là đầu mối trung chuyển hàng hóa quân sự do phương Tây viện trợ cho Ukraine. Rzeszow là thành phố ở Đông Nam Ba Lan, gần biên giới với Ukraine
Trước những lo ngại của Ba Lan và các nước phương Tây về sự hiện diện của Wagner ở Belarus, cơ quan tình báo Bộ Quốc phòng Anh nhận định rằng, hiện tại Wagner chưa thể gây ra mối đe dọa đáng kể nào với Ba Lan hay các thành viên NATO.
Cơ quan này giải thích, lính Wagner chuyển đến Belarus hầu như không có hoặc có rất ít vũ khí hạng nặng, do vậy khả năng tác chiến của lực lượng này rất thấp. Theo các ảnh chụp vệ tinh, có khoảng 300 lều bạt và 200 phương tiện quân sự được cho là của Wagner tại một căn cứ ở Tsel, Belarus. Mặc dù hàng trăm phương tiện đã đến đây, nhưng chủ yếu là xe tải, xe buýt, trong khi chỉ có rất ít xe bọc thép.
“Mức độ sở hữu vũ khí hạng nặng và các phương tiện trên không được cho là những yếu tố then chốt quyết định năng lực tác chiến trong tương lai của Wagner”, Bộ Quốc phòng Anh đánh giá. Hồi giữa tháng 7, Bộ Quốc phòng Nga từng ra thông báo, nêu rõ rằng Wagner đã hoàn tất việc bàn giao vũ khí hạng nặng cho quân đội Nga sau khi quyết định rút khỏi chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Trong một diễn biến khác, The Guardian ngày 2/8 dẫn lời Tổng thống Belarus Lukashenko tuyên bố, ông có kế hoạch đẩy nhanh việc thành lập một quân đội hợp đồng, trong đó sử dụng các chiến binh Wagner đang tá túc tại Belarus làm nòng cốt.
Hãng thông tấn Belarus BelTA, dẫn lời ông Lukashenko cho hay: “Đó là sáng kiến của tôi. Tôi muốn những người này ở lại trong lực lượng vũ trang nước chúng tôi. Và chúng tôi sẽ dựa vào họ để chủ động thiết lập một quân đội hợp đồng”.
Nhà lãnh đạo Belarus nhấn mạnh rằng nước ông sẽ không phát động chiến tranh: “Chúng tôi không muốn bất cứ cuộc chiến tranh nào. Nếu đối phương thấy rằng chúng tôi có năng lực trả đũa khiến họ hứng chịu tổn thất không thể phục hồi, họ sẽ không dám tấn công”. Theo một nguồn thạo tin, Bộ Quốc phòng Belarus và ban chỉ huy của tập đoàn quân sự tư nhân Wagner đã vạch kế hoạch tỉ mỉ về hợp tác trong tương lai.
Thủ tướng Ba Lan nói về bước tiến nguy hiểm của Wagner nhằm vào lãnh thổ Ba Lan
Theo Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki, hơn 100 thành viên của tập đoàn quân sự tư nhân Wagner đã được triển khai ở phía biên giới Belarus, đang chuẩn bị một "cuộc tấn công hỗn hợp" vào lãnh thổ Ba Lan.
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki. Ảnh: AFP
Đài RT của Nga ngày 29/7 cho hay trong một cuộc họp báo cùng ngày, người đứng đầu chính phủ Ba Lan, ông Mateusz Morawiecki nói là có hơn 100 thành viên tập đoàn quân sự tư nhân Wagner (có trụ sở ở Liên bang Nga) đã di chuyển về phía Suwalki Gap gần Grodno ở Belarus.
Theo ông Morawiecki, động thái nêu trên của Wagner "không nghi ngờ gì là một bước tiến tới một cuộc tấn công hỗn hợp sắp tới vào lãnh thổ Ba Lan".
Ông Morawiecki gợi ý rằng các chiến binh Wagner có thể đóng giả làm lính biên phòng Belarus và giúp đỡ những người nhập cư bất hợp pháp vào Ba Lan, nhằm gây bất ổn cho Ba Lan.
Bên cạnh đó, các chiến binh của Wagner cũng có thể tự mình xâm nhập vào lãnh thổ Ba Lan bằng cách giả làm người nhập cư bất hợp pháp, "tạo thêm rủi ro" cho Ba Lan.
Người đứng đầu chính phủ Ba Lan lưu ý rằng Warsaw đã phải đối phó với "các cuộc tấn công" vào biên giới của những người nhập cư bất hợp pháp trong hai năm qua và chỉ từ đầu năm tới nay đã có 16 nỗ lực vượt biên như vậy.
Sau vụ nổi loạn bất thành chống lại quân đội Nga vào cuối tháng 6/2023, thủ lĩnh Yevgeny Prigozhin cùng các thành viên Wagner đã được Liên bang Nga cho phép sang Belarus.
Theo tờ Newsweek ngày 29/7, sự hiện diện của các thành viên Wagner tại Belarus đã làm dấy lên lo ngại rằng họ có thể tấn công Ba Lan để giành quyền kiểm soát Suwałki Gap, một hành lang nhỏ nhưng quan trọng nằm dọc biên giới phía Đông Bắc của Ba Lan.
Newsweek cho rằng trong trường hợp Wagner và Nga kiểm soát Suwałki Gap, họ sẽ cô lập các quốc gia Baltic với phần còn lại của châu Âu, có khả năng cho phép Moskva gây ảnh hưởng lớn hơn đối với các quốc gia này.
Để đáp lại sự xuất hiện của Wagner ở Belarus, hôm 28/7, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak cho biết ông đã ký văn kiện tăng số lượng quân nhân tại ngũ trong uân đội từ 172.000 lên 300.000 và tăng chi tiêu quốc phòng lên 4% GDP.
Hãng thông tấn Mehr ngày 28/7 của Iran dẫn lời ông Blaszczak cho biết thêm Warsaw đang nỗ lực củng cố biên giới với Belarus bằng cách xây dựng hàng rào và triển khai "nhiều loại thiết bị điện tử để tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo vệ biên giới".
Trong khi đó, theo hãng tin Reuters (Anh), Bộ trưởng Nội vụ Ba Lan Mariusz Kaminski đã tuyên bố rằng "nếu có sự cố nghiêm trọng liên quan đến nhóm Wagner xảy ra ở biên giới của thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) - chẳng hạn Ba Lan, Litva hoặc Latvia - chúng tôi chắc chắn sẽ cùng nhau hành động".
Vị quan chức này cho hay ông không loại trừ khả năng quyết định này sẽ dẫn đến việc Belarus bị cô lập hoàn toàn.
Hồi đầu tháng 7, Ba Lan đã thông báo sẽ điều động 500 nhân viên cảnh sát đến củng cố an ninh khu vực ven biên giới Ba Lan - Belarus. Động thái này được cho là vừa nhằm đối phó với lượng người di cư qua biên giới tăng cao, vừa để đề phòng những nguy cơ khi Wagner hiện diện ở Belarus.
Ba Lan là thành viên NATO có chung đường biên giới với cả Ukraine và Belarus. Đây cũng là một trong những quốc gia viện trợ cho Kiev lớn nhất kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào cuối tháng 2/2022.
Giao thông đường bộ giữa Ba Lan và Belarus đã bị hạn chế kể từ tháng 2 năm nay, trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước xấu đi. Ba Lan cáo buộc Belarus cố tình tạo ra cuộc khủng hoảng người di cư ở biên giới, bằng cách đưa người từ Trung Đông và châu Phi qua biên giới châu Âu. Song Belarus đã nhiều lần bác bỏ điều này.
Ba Lan thành lập đơn vị quân đội tại hành lang chiến lược với Kaliningrad Tiểu đoàn mới dự kiến làm nhiệm vụ bảo vệ khoảng trống Suwalki, được đặt tên theo thị trấn Suwalki của Ba Lan, dài chưa tới 100km chạy dọc theo biên giới Ba Lan - Litva, nối vùng lãnh thổ hải ngoại Kalingingrad của Nga với Belarus. Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak. Ảnh: Global Look Press Theo kênh truyền hình...