Sáng 2/5: Người mắc COVID-19 sau tiêm vaccine mũi 3 sẽ tiêm mũi 4 khi nào?
Theo hướng dẫn của Hội đồng tư vấn sử dụng vaccine Bộ Y tế người đã mắc COVID-19 sau tiêm mũi 3 sẽ tiêm mũi 4 sau đó 3 tháng.
Hiện nay cả nước đang điều trị, giám sát 1.346.119 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 475 ca nặng đang điều trị…
Người đã mắc COVID-19 sau tiêm mũi 3 sẽ tiêm mũi 4 sau đó 3 tháng
Tại văn bản mới đây của Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương về việc xây dựng kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 4 cho biết Hội đồng tư vấn sử dụng vaccine Bộ Y tế đã họp để xem xét các nội dung về việc triển khai tiêm vaccine trong đó có việc tiêm vaccine phòng COVID-19 nhắc lại lần 2 (mũi 4).
Theo đó, Hội đồng đã thống nhất kết luận đối với việc tiêm mũi 4 gồm: Đối tượng tiêm: Người từ 50 tuổi trở lên, người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng, người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với COVID-19: cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu, công nhân các khu công nghiệp.
Khoảng cách: Ít nhất là 4 tháng sau mũi 3.
Người đã mắc COVID-19 sau tiêm mũi 3: Hoãn 3 tháng sau khi mắc COVID-19.
Theo hướng dẫn của Hội đồng tư vấn sử dụng vaccine Bộ Y tế người đã mắc COVID-19 sau tiêm mũi 3 sẽ tiêm mũi 4 sau đó 3 tháng. Ảnh minh hoạ.
Đến nay cả nước đã có khoảng gần 60% người trên 18 tuổi tiêm mũi 3 vaccine phòng COVID-19, với khoảng gần 56 triệu liều.
Video đang HOT
Trước đó, Bộ Y tế cũng hướng dẫn với trẻ em từ 5- dưới 12 tuổi đã mắc COVID-19 trì hoãn tiêm chủng vaccine phòng COVD-19 sau 3 tháng kể từ ngày mắc.
Chỉ còn 475 ca COVID-19 nặng đang điều trị
Theo thống kê của Bộ Y tế, ngày 01/5, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 3.717 ca nhiễm mới đều ở trong nước (giảm 1.392 ca so với ngày trước đó) tại 53 tỉnh, thành phố (có 2.597 ca trong cộng đồng).
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.653.526 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 104/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 107.686 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.645.777 ca. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.586.929), TP. Hồ Chí Minh (608.450), Nghệ An (481.726), Bắc Giang (385.296), Bình Dương (383.403).
Tổng số người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh ở nước ta là 9.264.366 ca. Hiện nay đang điều trị, giám sát 1.346.119 trường hợp, trong đó có 475 trường hợp nặng đang điều trị, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 376 Thở ô xy dòng cao HFNC: 50; Thở máy không xâm lấn: 11; Thở máy xâm lấn: 36; ECMO 2.
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 4 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.042 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể xảy ra làm cho diễn biến dịch COVID-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại
Theo Bộ Y tế, tại nước ta, dịch bệnh vẫn được kiểm soát trên phạm vi cả nước, tuy nhiên dự báo thời gian tới dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường trên thế giới, Tổ chức Y tế thế giới vẫn đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể xảy ra làm cho diễn biến dịch COVID-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại.
Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện hiệu quả, đồng bộ Nghị quyết số 38/NQ-CP về Chương trình phòng, chống dịch COVID-19, Nghị quyết số 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19;
Bám sát tình hình dịch bệnh, chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm đến tận cấp cơ sở; tiếp tục rà soát các quy định hiện hành để điều chỉnh kịp thời, triển khai thống nhất.
Về phía Bộ Y tế đang tiếp tục tổng hợp ý kiến của các Thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia và các cơ quan quan liên quan để hoàn thiện xây dựng Phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch COVID-19 năm 2022 – 2023 trên cơ sở Kế hoạch đáp ứng và phòng chống nhằm kết thúc tình trạng khẩn cấp của đại dịch COVID-19 trong năm 2022 được Tổ chức Y tế Thế giới ban hành ngày 31/3/2022, tham khảo kế hoạch đáp ứng của một số quốc gia và thực tiễn tình hình dịch bệnh tại Việt Nam.
Bộ Y tế đang tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, rà soát các quy định pháp luật và căn cứ tình hình dịch để chuyển biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B và trước mắt xem xét tạm dừng thực hiện khai báo y tế nội địa để tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân.
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 284.000 ca mắc COVID-19 và 834 ca tử vong, giảm so với những ngày trước đó. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã là 513 triệu ca, trong đó trên 6,26 triệu ca tử vong.
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Italy (40.757 ca), Hàn Quốc (37.771 ca) và Pháp (36.726 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (147 ca), Italy (105 ca) và Thái Lan (91 ca).
Tính từ đầu đại dịch, Mỹ là quốc gia có tổng số ca mắc nhiều nhất thế giới với trên 83 triệu ca mắc COVID-19 và trên 1,02 triệu ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 43 triệu ca mắc và trên 523.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 30 triệu ca mắc và trên 663.000 ca tử vong.
Johnson & Johnson khẳng định vaccine của hãng đem lại hiệu quả 94%
Công ty Johnson & Johnson ngày 21/9 cho biết việc tiêm hai liều vaccine Janssen ngừa COVID-19 của hãng có thể đem lại hiệu quả 94% bảo vệ bệnh nhân khỏi các triệu chứng nặng của bệnh, tương đương với mức độ hiệu quả của vaccine của các hãng Moderna và Pfizer/BioNTech.
Vaccine ngừa COVID-19 của Johnson & Johnson. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo Johnson & Johnson, việc tiêm một liều bổ sung cho loại vaccine một liều duy nhất này của hãng cũng giúp tăng miễn dịch, bảo vệ mạnh mẽ khỏi nguy cơ lây nhiễm virus. Đó là kết quả của 3 nghiên cứu mà hãng đã thực hiện để xem xét các mặt khác nhau của vaccine Janssen. Cụ thể, vaccine này đã chứng tỏ khả năng bảo vệ lâu dài nếu tiêm liều tăng cường.
Bác sĩ Mathai Mammen, người phụ trách mảng nghiên cứu và phát triển vaccine Janssen trên toàn cầu, cho biết: "Bằng chứng thực trên quy mô toàn thế giới và các nghiên cứu trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 đã xác nhận vaccine một liều duy nhất của hãng tạo ra sự bảo vệ mạnh mẽ và kéo dài đối với các trường hợp nhập viện liên quan đến COVID-19". Theo ông Mammen, vaccine Janssen tạo phản ứng miễn dịch mạnh và kéo dài, và khi tiêm thêm một liều tăng cường, mức độ bảo vệ tăng thêm.
Vaccine một mũi duy nhất của Johnson & Johnson đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại Mỹ từ ngày 27/2 và đến nay đã được tiêm cho khoảng 14,8 triệu người Mỹ.
Cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn hai đang diễn ra đối với cơ chế tiêm hai mũi cho thấy 56 ngày sau khi tiêm đủ, vaccine có thể cung cấp miễn dịch 100% và có thể bảo vệ 95% đối với thể nặng và vừa tại Mỹ. Trên toàn cầu, mức độ bảo vệ của hai liều là 75% đối với bệnh nhân thể nặng và vừa.
Một nghiên cứu thứ hai cho thấy lượng kháng thể tăng gấp 12 lần ở những người được tiêm mũi tăng cường sau 6 tháng trở lên kể từ khi tiêm mũi đầu tiên. Trong khi đó, đối với những người tiêm mũi tăng cường 2 tháng sau mũi đầu tiên, mức tăng này là 4 lần.
Trong nghiên cứu thứ ba với thông qua dữ liệu bảo hiểm y tế của trên 390.000 người đến tháng 7 (tức là thời điểm đã xuất hiện biến thể Delta), Johnson & Johnson cho biết vaccine một mũi duy nhất của hãng có hiệu quả 81% trong việc tránh phải nhập viện. Cụ thể con số này là 86% đối với người dưới 60 tuổi, 78% đối với người trên 60 tuổi.
Nhóm nghiên cứu vaccine Janssen cho biết: "Trong số 390.517 người đã được tiêm, vaccine Janssen hiệu quả 79% trong việc ngăn lây nhiễm virus và 81% trong việc ngăn phải nhập viện". Họ cũng nói thêm rằng trong giai đoạn biến thể Deltal hoành hành cao điểm, các tỷ lệ trên được quan sát thấy cao hơn ở cả hai nhóm trên quy mô quốc gia, cụ thể là 79%, riêng trong tháng 6-7 (cao điểm của Delta) là 78%.
Bác sĩ Barouch khẳng định người đã tiêm vaccine của Johnson & Johnson được có thể an tâm nhờ các dữ liệu trên. Tất cả các vaccine của Mỹ đã chứng tỏ khả năng bảo vệ mạnh mẽ và kéo dài đối với bệnh nặng và nguy cơ nhập viện. Ông nói: "Rốt cuộc, việc tiêm một loại vaccine giúp bạn không mắc bệnh và không phải nhập viện, giúp bạn sống sót qua dịch và tất cả các vaccine đều làm tốt điều này".
Các dữ liệu trên của Johnson & Johnson được công bố chậm hơn các hãng Moderna và Pfizer/BioNTech vì Johnson & Johnson được cấp phép chậm hơn 2 tháng. Hãng cho biết sẽ trình toàn bộ dữ liệu này lên Cơ quan quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) để xem xét khả năng tiêm mũi bổ sung và có thể cân nhắc cấp phép sử dụng cơ chế tiêm liều hai mũi.
Vì sao cần xem xét kỹ hiệu lực bảo vệ của vaccine trước khi phê duyệt? Thử nghiệm lâm sàng trên người chỉ là một giai đoạn nhỏ trong quá trình phát triển, sản xuất vaccine. Trong đó, hiệu lực bảo vệ quyết định vaccine có được phê duyệt hay không. Phê duyệt bất kỳ vaccine nào cũng là bước quan trọng. Bởi nó sẽ quyết định vaccine đó đã đạt yêu cầu về tính an toàn, hiệu lực...