Quảng Nam: Vườn trồng “lung tung”, trái bưởi lạ to bất thường, cây quýt đường thấp tè đã trĩu quả, ông nông dân khá giả
Tám Râu là danh xưng mộc mạc của ông nông dân Phan Quang Tám (67 tuổi, trú thôn Nông Sơn 1, xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).
Ông nổi tiếng khắp vùng nhờ giỏi trồng cây ăn trái đặc sản. Vườn trồng “lung tung” của ông có nhiều loài cây ăn trái đặc sản, có trái bưởi to bự bất thường, cây quýt đường trĩu quả.
Vườn cây ăn trái đặc sản “hoàn hồn” sau bão lũ
Trò chuyện cùng phóng viên , ông Phan Quang Tám bày tỏ sự vui mừng khi nhìn vườn sinh thái rộng 1ha của mình đã tạm thời “hoàn hồn” sau nhiều đợt bão lũ vừa qua.
Không còn cảnh nào là cây trái trôi theo dòng nước, những gốc mít đang sai quả thì bị bão quật ngã, đàn gà vịt chết còn vài con…
Ai nhìn vào cũng tiếc đứt ruột, ngẫm chắc cũng phải 2 năm sau thì vườn cây mới ổn định lại.
Ông Phan Quang Tám bên cây bưởi Điện Bàn được lai tạo từ nhiều giống bưởi khác nhau.
Thời trẻ, ông Tám làm quản lý xây dựng với những công trình ra Bắc vào Nam. Trong những lần công tác tại miền Tây, ông hiếu kì với cách làm của các nhà vườn ở nơi đây nên chủ động mày mò học hỏi.
Đến năm 1990, ông quyết định nghỉ việc để về quê hương đất Quảng đào ao nuôi cá cảnh. Khi đó, ông Tám là người đầu tiên khởi nghiệp nuôi cá cảnh làm giàu tại khu vực miền Trung.
Ông Tám tự hào nói: “Nhiều năm làm xây dựng, tôi thấy kinh tế gia đình không ổn định. Đồng thời, tôi nhận ra làm vườn mới là niềm đam mê của mình nên dốc hết tâm huyết để gầy dựng. Khi gặp phải những khó khăn, thất bại thì tôi không nản lòng mà tiếp tục cố gắng, nghiên cứu để phát triển…”.
Giống ổi lê Đài Loan cho trái 3 vụ/năm, giúp ông Tám thu lãi 500.000 đồng/cây/năm.
Ông Tám chia sẻ thêm: “Yêu nông nghiệp nên loại nào tôi cũng thử, từ nuôi cá Koi, cá kiểng, cá đồng đến nuôi cá giống như: cá diếc, cá leo đều rất thành công. Với tôi tấc đất là tấc vàng, nên tận dụng dưới ao nuôi cá thì trên bờ tôi trồng chuối, trồng hoa, cây kiểng và nhiều loại cây ăn quả khác”.
Dù nuôi cá cảnh có siêu lợi nhuận nhưng hai năm nay ông Tám đã ngừng hẳn, tập trung vào phát triển kinh tế vườn cây ăn quả. Bởi ông quan niệm chỉ làm trong giới hạn sức khỏe của mình, chỉ chọn một mô hình cho lợi nhuận cao để sản xuất.
Những kiến thức và bài học kinh nghiệm mà ông tích lũy nhiều năm được truyền lại cho những người trẻ muốn khởi nghiệp làm giàu.
Video đang HOT
Chậu cây quýt đường kiểng được ông Tám chăm sóc kỹ lưỡng cho trĩu trái.
Nhờ bàn tay cần mẫn và khối óc nhạy bén, ông Tám đã xây dựng được vườn cây có khoảng 10 loại quả như: xoài, thanh long, bưởi, cam, quýt, vú sữa…trong đó cây kinh tế chủ lực là ổi (giống ổi lê Đài Loan) và mít (giống mít Thái, mít Mã Lai, và mít Việt Nam).
Với niềm đam mê nghiên cứu và sáng tạo, ông đã lai ghép thành công một số giống cây mới và nắm bí quyết để cây ăn quả ra trái quanh năm.
Ngoài ra, ông Tám còn có “thú vui nghệ sĩ” khi chăm nom các chậu mai kiểng, hoa quỳnh, hoa hồng và giàn phong lan rực rỡ khiến ai cũng mê tít.
“Trao cần câu chứ đừng cho cá”
Hiện nay, trang trại Tám Râu có 120 cây mít, 500 cây ổi, 40 cây bưởi… Trong đó, giống bưởi Điện Bàn do ông Tám đặt tên và trồng thử nghiệm được lai tạo từ bưởi da xanh, bưởi Năm Roi, bưởi Diễn nên cho năng suất cao, trọng lượng lớn lên đến 5kg/trái.
Sau bão lũ dồn dập, vườn cây ăn quả của ông Tám đã “hồi sinh” trở lại.
Theo ông Tám, chọn được giống cây tốt là điều quan trọng nhất, nhưng nếu biết cách quản lý vườn và chăm sóc cây đúng cách thì mới đạt lợi nhuận cao.
Phải tuyệt đối tuân thủ biện pháp canh tác hữu cơ để vừa tiết kiệm chi phí vừa đảm bảo sản phẩm sạch. Sử dụng phân chuồng ủ sinh học để bón cho vườn cây mỗi tháng một lần và nên tưới nước bằng hệ thống tự động.
“Cây ăn quả thường bị sâu đục thân, cắn trái, rệp trắng nên tôi phòng ngừa bằng cách bọc quả bằng bao ni lông, thường xuyên ngắt lá và bấm tỉa cành. Thêm vào đó, tôi cung cấp dinh dưỡng cho cây đầy đủ và phun vi sinh kích trái sẽ giúp vườn luôn sai quả, ra trái quanh năm”, ông Tám chia sẻ.
Ông Tám bán các loại giống cây ăn trái và tư vấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây, nuôi cá miễn phí.
Nhờ canh tác khoa học nên vườn cây của ông cho sản lượng gấp 2-3 lần bình thường. Trái cây thơm ngon, an toàn nên thương lái nhiều nơi tự tìm đến trang trại để mua. Đặc biệt, nhờ tiếng lành đồn xa nên trái cây Tám Râu bán online rất chạy và có mặt tại các cửa hàng thực phẩm sạch.
Từ vườn cây ăn quả và bán giống cây trồng các loại, mỗi năm ông Tám lãi ròng 400 triệu đồng sau khi trừ mọi chi phí. Bên cạnh đó, trang trại của ông tạo việc làm ổn định cho 3 lao động địa phương với mức lương từ 5.500.000-8.000.000 đồng/người/tháng.
Dự kiến sang năm, vườn sinh thái Tám Râu sẽ đón khách đến tham quan, vui chơi, ăn uống dã ngoại.
Ông Tám tâm sự: “Mọi người hay nói vui là tôi ở ngoài đường chứ không ở nhà, bởi vì cứ ở đâu bà con nông dân cần tư vấn, giúp đỡ là ở đó có tôi. Với tâm niệm là “trao cần câu chứ đừng cho cá”, nên tôi hỗ trợ tư vấn kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi cá, trồng và chăm sóc cây ăn trái miễn phí cho những ai cần. Đó là cách làm từ thiện mà tôi tâm đắc và thực hiện nhiều năm nay”.
Trên diện tích trang trại 1ha thuê của địa phương, ông Tám sẽ tiếp tục thử nghiệm thêm nhiều loại giống mới, phát triển nơi đây thành vườn sinh thái miền Tây thu nhỏ.
Qua đó ông Tám tạo nên một địa điểm vui chơi bổ ích để mọi người vừa thư giãn, vừa chia sẻ kinh nghiệm. Đồng thời, ông dự định sẽ liên kết hình thành một vựa trái cây lớn nhất khu vực.
Bến Tre: Trồng bưởi da xanh hữu cơ theo nguyên tắc "4 khỏe" thu nhập của nông dân có "khỏe" hơn không?
Xã Tân Trung, huyện Mỏ Cày Nam (tỉnh Bến Tre) là địa phương đầu tiên trong tỉnh có 5ha bưởi da xanh của 11 hộ dân trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ.
Chỉ sau 8 tháng, bưởi da xanh hữu cơ xã Tân Trung đã có doanh nghiệp đến ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Giá bán bưởi da xanh cao hơn giá thị trường từ 5 - 10%.
Trồng bưởi da xanh hữu cơ
Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỏ Cày Nam (tỉnh Bến Tre), trong những năm gần đây, diện tích trồng cây ăn trái của huyện phát triển khá nhanh với 1.892ha.
Đa phần cây ăn trái được trồng xen, tập trung nhiều nhất là cây bưởi da xanh. Bên cạnh đó, cây dừa bao phủ toàn huyện, với diện tích 16.920ha.
Tham quan vườn bưởi trồng bưởi da xanh theo tiêu chuẩn hữu cơ tại xã Tân Trung, huyện Mỏ Cày Nam (tỉnh Bến Tre).
Huyện Mỏ Cày Nam đưa ra mục tiêu thời gian tới, toàn huyện có 30% diện tích vườn dừa thực hiện quy trình canh tác hữa cơ, trong đó có 10% được chứng nhận thực hiện liên kết tiêu thụ hiệu quả và bền vững. 70% diện tích còn lại được đầu tư thâm canh, phát triển trồng xen, nuôi xen để tăng thu nhập.
Cây bưởi da xanh dần trở thành cây ăn trái thế mạnh của huyện Mỏ Cày Nam. Để sản phẩm bưởi da xanh của huyện có thể phát triển bền vững, phù hợp với xu hướng canh tác dừa hữu cơ đang diễn ra trên toàn địa bàn huyện, Hội Nông dân huyện phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bến Tre triển khai mô hình liên kết trồng bưởi da xanh xen trong vườn dừa theo tiêu chuẩn hữu cơ PGS tại xã Tân Trung.
Tại xã Tân Trung, bưởi da xanh có diện tích 45/125ha diện tích trồng cây ăn trái toàn xã. Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bến Tre, đây là mô hình trồng bưởi da xanh hữu cơ đầu tiên trên địa bàn tỉnh được thực hiện 5ha.
Khi triển khai mô hình, cái khó nhất là nông dân phải thật sự "đoạn tuyệt" với phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, điều mà theo thói quen sản xuất, người dân vẫn sử dụng bấy lâu nay.
Địa bàn xã được đánh giá là nơi thích hợp, bởi có ít các cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật, lại có nguồn phân hữu cơ dồi dào từ hoạt động chăn nuôi heo, gà.
Về lâu dài, trồng bưởi da xanh hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS không đơn giản chỉ là sử dụng đầu vào hữu cơ thay thế đầu vào vô cơ.
Nông nghiệp hữu cơ chú trọng tới việc tạo ra sản phẩm có chất lượng, đảm bảo các mối quan hệ công bằng giữa con người với con người, con người với thiên nhiên, với môi trường sinh thái, với vật nuôi và vạn vật có liên quan.
Trồng bưởi da xanh hữu cơ được nhiều cái lợi
Mô hình liên kết trồng bưởi da xanh xen trong vườn dừa theo tiêu chuẩn hữu cơ PGS tại xã Tân Trung được chia làm hai nhóm: Nhóm Hồng Phước và nhóm Trường Tiến.
Tham quan vườn bưởi nhà ông Nguyễn Văn Phước, ấp Tân Hậu 1, xã Tân Trung, thuộc nhóm Hồng Phước, có 4 công bưởi da xanh trồng theo tiêu chuẩn PGS, 6 công trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Sau 8 tháng trồng bưởi theo tiêu chuẩn hữu cơ PGS, cây bưởi vườn nhà ông xanh tươi. Ông Phước cũng phấn khởi về sức khỏe của mình ngày càng dễ chịu hơn.
Ông Nguyễn Văn Phước, ấp Tân Hậu 1, xã Tân Trung, huyện Mỏ Cày Nam (tỉnh Bến Tre) bón phân hữu cơ cho bưởi da xanh.
Ông Nguyễn Văn Phước so sánh: "Tính trên 1ha đất trồng dừa xen bưởi da xanh, bình quân trồng được khoảng 300 gốc bưởi. Mỗi tháng, nông dân phải bón khoảng 250 gram phân vô cơ/gốc, tương đương 75kg phân. Cứ 10 ngày xịt 1 lần thuốc bảo vệ thực vật (nhiều loại) với khoảng 600ml, tốn vài trăm ngàn mua thuốc bảo vệ thực vật.
Khi sản xuất bưởi theo tiêu chuẩn PGS, chúng tôi được dự án (của Sở Khoa học và Công nghệ) tài trợ phân hữu cơ, được hướng dẫn ủ phân hữu cơ từ phân chuồng có sẵn tại địa phương. 1 tháng xịt 1 lần dung dịch dinh dưỡng bằng thảo mộc".
Để trị sâu hại trên cây có múi, vườn bưởi da xanh hữu cơ sử dụng thiên địch là kiến vàng khống chế dịch hại. Đối với bệnh dưới đất như xì mủ, thối rễ dùng các chế phẩm vi sinh để quản lý nấm hại.
Ông Phước mừng vì mấy tháng nay sức khỏe của ông ngày càng tốt lên: "Bây giờ tôi mê sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Đúng là nó cực thiệt nhưng sức khỏe tôi được đảm bảo, không còn lo sợ. Trước đây, khi xịt thuốc bảo vệ thực vật dù có dụng cụ bảo hộ lao động đầy đủ như khẩu trang, kính che mắt nhưng tôi vẫn bị hóc cổ, có khi đau rát mắt do thuốc rớt từ trên lá vào kẽ mắt. Tôi vào nhà uống mấy ly nước chanh cũng không hết hóc cổ, qua mấy ngày mới ăn uống nổi".
Khi nghe mô hình trồng bưởi da xanh hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS, đa số nông dân Tân Trung chưa nghe biết. Thời gian đầu thực hiện theo tiêu chuẩn PGS, hộ trồng bưởi cũng gặp không ít hoang mang, lo lắng.
Cụ thể, nhận xét của nhiều hộ trong thời gian chuyển đổi từ canh tác truyền thống, hoặc VietGAP qua tiêu chuẩn hữu cơ PGS, khoảng 2 tháng đầu cây bưởi da xanh bị "khựng" lại, lá nhỏ, không xanh tốt.
Bà Nguyễn Thị Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Trung (huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) cho hay: "Tại Tân Trung, mỗi nông dân tự chọn cho mình hướng đi riêng. Xã có 35ha bưởi đang trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Số còn lại canh tác truyền thống. Riêng 5ha bưởi da xanh hữu cơ theo tiêu chuẩn hữu cơ PGS, qua 8 tháng trồng, bà con nông dân đánh giá cao mô hình này. Một số hộ đã bán sản phẩm theo giá ký kết bao tiêu với doanh nghiệp. năng suất bưởi được nâng cao và bán ra dễ dàng hơn".
Dự án đã thành lập 2 nhóm sản xuất, có sự hỗ trợ của kỹ thuật, tập huấn và đã liên kết tiêu thụ sản phẩm ra thị trường thông qua ký kết với doanh nghiệp. Giá bán bưởi da xanh hữu cơ cao hơn giá thị trường 5%. Vườn bưởi da xanh hữu cơ cho trái đẹp thưởng 10%. Liên kết Công ty Điền Trang cung cấp các sản phẩm ủ phân hữu cơ, còn lại nông dân tự ủ phân hữu cơ bổ sung cho vườn mình.
Theo bà Nguyễn Thị Xuân Hồng, 10 năm trở lại đây, người dân Tân Trung đã biết tự ủ phân hữu cơ bón cho cây trồng, không còn tình trạng xả chất thải chăn nuôi ra môi trường tràn lan như trước đây. Phân chuồng hiện giờ đối với người dân rất quý.
Hiện huyện Mỏ Cày Nam (tỉnh Bến Tre) đang định hướng xây dựng vùng cây ăn trái (vùng liên xã) với diện tích trên 500ha, tập trung ở 5 xã: An Định, An Thới, Tân Trung, Minh Đức và Hương Mỹ.
Nông nghiệp hữu cơ có 4 nguyên tắc về sức khỏe, sinh thái, công bằng và cẩn trọng. Nguyên tắc sức khỏe chỉ rõ rằng, sức khỏe của mỗi cá thể và quần thể không thể tách rời khỏi sức khỏe của hệ sinh thái. Đất "khỏe" tạo ra cây trồng khỏe, để nuôi dưỡng sức khỏe của vật nuôi và con người.
Bắc Giang: Trồng cây vỏ đầy tinh dầu, ruột cho múi thơm ngọt, nông dân thu hơn 2.000 tỷ đồng/năm Nhiều người dân huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã đổi đời nhờ trồng các loại cây có múi, vỏ chứa đầy tinh dầu như cam, bưởi. Mỗi năm, riêng cây có múi đã mang về giá trị hàng nghìn tỷ đồng cho người dân ở huyện này. Ông Trương Văn Năm - Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) cho...