Đem đất sét về nặn chơi, quyết không bán dù khách “đòi” mua
Người đàn ông này đã chi khoảng 5 triệu đồng để mua đất sét về làm thành các “món ăn”, nhưng khi có khách hỏi mua anh nhất định không bán.
“Đang trong quá trình hoàn thiện 20 món ăn thông dụng nhất của cả 3 miền, một số khách có liên hệ hỏi mua nhưng tôi nhất quyết không bán. Vì mấy người khách đó muốn mua về trưng bày do bán hàng ế ẩm. Mà thực tế, hàng không bán được là do chiến lược kinh doanh của họ. Tôi có ngồi phân tích cho họ hiểu nhưng họ vẫn muốn mua. Nên tôi mới nhất quyết không bán cho các vị khách này”, anh Nguyễn Tất Đạt (TP.HCM)
Theo anh, một lý do nữa khiến anh chưa muốn bán cho những khách hàng tìm đến mua là vì giá thành các sản phẩm này khá cao, bán đúng giá thì không nỡ mà để giá thấp lại làm mất công. Anh cho biết những sản phẩm này tiền đầu tư thì ít nhưng công sức mất rất nhiều nên mỗi sản phẩm bán thấp nhất phải 800.000 đồng. Vì mới bắt tay vào làm, anh chưa biết cách nào tiết kiệm thời gian nhanh nhất để hạ giá thành sản phẩm.
Các sản phẩm từ đất sét được anh Đạt trưng bày trong căn phòng của mình.
Bộ sản phẩm gồm 20 bát món ăn từ đất sét được anh làm trong khoảng 7-10 ngày.
Bộ sản phẩm này gồm 20 bát món ăn từ đất sét như phở, bún bò, hủ tiếu nam vang , bánh đa cua , mì vịt tiềm , bún dọc mùng , bún cá, hủ tiếu gõ, mì quảng… (các món ăn quen thuộc của cả 3 miền) mất khoảng 10 ngày. Kinh phí anh bỏ ra làm khoảng 5 triệu đồng.
Thời gian đầu khi làm các sợi bún, anh chưa có kinh nghiệm nên làm rất lâu và đau tay. “Tôi sử dụng các ống tiêm để làm sợi bún, mỗi khi làm xong tay đau nhừ và số lượng làm ra rất ít”, anh cho hay.
Không chỉ bún, các sản phẩm khác như đùi vịt, các loại rau… đều có những cái khó riêng khiến anh tốn nhiều thời gian để làm. Mỗi ngày làm, anh đều rút ra kinh nghiệm và có cách làm nhanh nhất, bớt mất công sức nhiều hơn.
Thời gian đầu làm rất tốn thời gian và công sức, anh đã rút kinh nghiệm dần qua các lần làm.
Một mâm cơm được anh làm từ đất sét.
“Tùy công đoạn mà sản phẩm có phải phơi hay không. Nếu sợi bún thì phải để khô, còn cá phải sơn lớp áo mỏng để đất bên trong khô lại, lớp bên ngoài nhăn theo, tạo độ tự nhiên cho da cá. Tuy nhiên, người làm còn phải thêm công đoạn đổ keo resin mất 16 tiếng mới hoàn thiện sản phẩm. Tính ra, trung bình mỗi sản phẩm phải mất 2 ngày mới hoàn thiện”, anh nói.
Các sản phẩm này anh làm hoàn toàn bằng đất sét Việt Đất kết hợp với bột mì, cát, keo epoxy, giấy carton, keo nến… Mỗi bát này dùng gần 1kg đất nặn. Những sản phẩm này sẽ được người Việt ở nước ngoài rất thích, họ muốn trưng bày để gợi nhớ về quê hương của mình.
Cái khó khi làm các sản phẩm này là làm sao kích thích vị giác người xem.
Theo anh Đạt, cái khó trong cách làm mô hình thực phẩm này không phải là làm cho thật giống mà làm sao để người ta nhìn vào phải thấy thèm, phải kích thích vị giác bằng cách sắp xếp bố cục hài hòa cho một món ăn. Điều này đòi hỏi rất nhiều về kỹ thuật cũng như con mắt nghệ thuật của người làm.
Sở dĩ anh lựa chọn làm các món ăn này từ đất sét là nhờ ý tưởng từ một người bạn nước ngoài của anh. “Người bạn đó mong muốn mua những mô hình các món ăn của nước ta đem về nước nhằm giáo dục con cháu người Việt ở nước ngoài. Họ đã chuyển tiền ngay lập tức cho tôi để tôi làm ổ bánh mỳ kẹp cho họ bằng đất sét. Từ đó, tôi mới tiếp tục học hỏi, tham khảo thêm trên mạng và tự nghĩ ra để làm ra các sản phẩm tiếp theo”, anh chia sẻ thêm.
Theo anh, mô hình món ăn từ đất sét Việt không chỉ riêng mục đích trưng bày cho các cửa hàng ăn uống mà còn là một tác phẩm nghệ thuật bằng tay từ các nguyên liệu dễ kiếm của Việt Nam, mang thông điệp giáo dục, bảo tồn văn hóa Việt.
Anh Đạt cắm cúi làm các sản phẩm.
Các sản phẩm làm từ đất sét của anh Đạt.
Anh cho rằng hiện tại anh làm để trải nghiệm và thỏa mãn sự tìm tòi, muốn chinh phục thử thách của chính bản thân trước nên chưa muốn kinh doanh. “Trong thời gian tới, để thương mại sản phẩm, tôi phải nghiên cứu thêm quy trình, cách làm mới để sản xuất ra nhiều hơn. Lúc đó, người tiêu dùng mới có thể mua giá rẻ hơn”, anh chia sẻ.
Tuy nhiên, anh cho rằng đó là đang nói về những mô hình thực phẩm trưng bày trong các nhà hàng. Còn những sản phẩm độc đáo hơn, nhiều công sức hơn sẽ là tác phẩm nghệ thuật mang nhiều ý nghĩa khác thì sẽ có giá rất cao.
Vợ đảm 8X chia sẻ cách làm hủ tiếu ngon và bí quyết để hương vị đúng chuẩn
Theo chị Kim Ngân chia sẻ, để món ăn này ngon thì khâu làm nước dùng là quan trọng nhất.
Thời đại hiện nay, những người phụ nữ giỏi việc xã hội, nhưng vẫn đảm việc nhà luôn là hình tượng được nhiều chị em ngưỡng mộ.
Mới đây, khi chia sẻ công thức làm món hủ tiếu Nam Vang trên hội yêu bếp, chị Huỳnh Kim Ngân, 37 tuổi, sống tại Đà Nẵng đã được các chị em nội trợ xuýt xoa khen ngợi vì độ ngon mắt và cầu kỳ của món ăn này.
Món hủ tiếu Nam Vang do chị Huỳnh Kim Ngân thực hiện nhận được nhiều lời khen ngợi của hội chị em Yêu Bếp.
Chị Huỳnh Kim Ngân, 37 tuổi, sống tại Đà Nẵng. Chị hiện tại là nhà sáng lập thương hiệu ngũ cốc.
Thích chăm lo cho gia đình, người thân nên chị Kim Ngân thường xuyên vào bếp nấu ăn cho cả nhà. Mỗi khi nấu xong món ăn, nhìn cả nhà ăn ngon miệng chị lại càng vui.
Khi được hỏi về ý tưởng thực hiện món hủ tiếu Nam Vang, chị Kim Ngân cho biết đó là cả bầu trời kỉ niệm. " Hai vợ chồng mình quen nhau cách đây 15 năm, lúc đó 2 đứa đều nghèo. Đi làm về khuya, đói bụng thì chỉ có món hủ tiếu lề đường, rẻ tiền đủ cho 2 đứa ăn. Ăn hủ tiếu cũng không no, nên 2 đứa hay mua thêm ổ bánh mì ăn cùng. Sau này có dịp đi Sài Gòn chơi, 2 đứa được ăn hủ tiếu Nam Vang ngon lắm, ở Đà Nẵng mình sống thì không ai bán kiểu ngon như vậy nên mình bắt tay vô nấu. Ban đầu mình cũng học theo trên mạng, cộng thêm cách nấu nước dùng theo cách của mình nên cả nhà ăn ai cũng khen ngon. Mỗi lần nấu là chồng mình lại khen, làm mình càng có động lực nấu" - chị chia sẻ.
Để làm được món hủ tiếu Nam Vang thành công như hiện tại, chị Kim Ngân cũng đã gặp những khó khăn như không biết nấu nước dùng, nên mua xương bò, làm hôi bò, cũng không biết luộc sợi hủ tiếu khiến nó mềm nhũn.
Theo chị chia sẻ, để món ăn này ngon thì khâu làm nước dùng là quan trọng nhất. Nước phải trong, ngả màu vàng nhạt, mới là chuẩn ngon. Để nước dùng trong thì trong suốt quá trình hầm xương không được đảo xương lên. Và nước hầm xương phải là nước lạnh, khồng để nước nóng lên mới cho xương vào mà phải cho xương vào ngay từ đầu.
Sau đây là công thức làm hủ tiếu của chị Kim Ngân, các chị em nội trợ có thể tham khảo và làm cho cả nhà cùng thưởng thức nhé .
B1: Đầu tiên rửa sạch xương với chút muối. Sau đó luộc xương trong 5 phút và đổ nước đi. Rửa lại xương lần nữa cho thật sạch lớp bọt bẩn dính trên xương.
B2: Cho nước vào nồi, sau đó thả xương vào rồi mới bật lửa lên. Chú ý một điều là trong suốt quá trình hầm không đảo xương lên, không động gì đến xương trong nồi, thấy bọt nổi lên thì tiến hành vớt bọt.
Khi thấy nước trong nồi bắt đầu sôi thì hạ lửa nhỏ vừa xuống. Lửa lớn nước sẽ sôi mạnh làm cho nước dùng bị đục, mà lửa nhỏ quá thì xương không ra hết độ ngọt.
B3: Khi nước sôi cho nhánh gừng vào, gừng này phải nướng qua, sau đó gọt bỏ vỏ đi và cho vào nồi.
B4: Sau khi hầm được 1 tiếng, cho vào 1/2 củ đậu ( sắn dây) 1 củ cải trắng 1 -2 con mực khô cỡ nhỏ (đã nướng) nhúm tôm khô đã ngâm mềm rửa sạch, hầm tiếp.
B5: Sau khi hầm được 2 tiếng thì bắt đầu cho gia vị vào nồi. Gồm mì chính, muối, đường phèn, hạt nêm, mắm. Sau khi hầm đủ 3 tiếng thì vớt sắn dây, củ đậu ra. Nêm lại lần nữa cho vị vừa dùng là hoàn hảo nồi nước dùng. Chú ý để lửa vừa đủ nước trong nồi sôi liu riu nhẹ, không sôi bùng lên.
Về phần nhân của hủ tiếu gồm có:
Tôm (tôm sú, tôm tươi rửa sạch, luộc chín, bóc vỏ, chừa lại phần đuôi cho đẹp).
Tim, gan heo, bổ ra rửa thật sạch phần máu, luộc sơ đổ nước đi. Rồi cho vào luộc chín, cắt lát.
Trứng cút luộc chín.
Thịt băm nhuyễn, ướp chút xíu muối, mì chính, hành tỏi, tiêu, hạt nêm.
Phi thơm dầu hành, cho thịt xào lửa lớn, thịt vừa săn lại cho 1 vá nước dùng vào xào vừa chín cho thịt không bị khô.
Tóp mỡ rán giòn, cho lên trên tô hũ tiếu.
Phi hành cho vàng giòn để rắc lên trên.
Phần sợi hủ tiếu thì ngâm qua nước lạnh, sau đó cho vào nồi nước sôi trụng cho vừa mềm.
Cho hũ tiếu và giá trụng vào tô, xếp tôm, trứng, sườn, tim gan lên trên. Tưới nước dùng đang nóng lên. Tóp mỡ, dầu phi màu đỏ, hành khô, hành lá rắc lên trên.
Hàng quán mở khuya ở quận 1 Ăn đêm từ lâu đã trở thành nét đặc trưng của người dân Sài thành. Nằm ở ngay trung tâm quận 1, các quán ăn dưới đây thường xuyên được hội "cú đêm" lui tới để thưởng thức ẩm thực. Nhịp sống về đêm tại TP.HCM luôn sôi động với những tụ điểm giải trí và hàng quán tấp nập. Sau các cuộc...