Phương pháp điều trị tăng huyết áp độ 3 (nặng): Cao huyết áp độ 3 có nguy hiểm không?
Tăng huyết áp độ 3 là mức độ trầm trọng nhất của tăng huyết áp, có nguy cơ gây biến chứng rất cao. Do đó, điều trị tăng huyết áp độ 3 cần phải được tiến hành sớm để kiểm soát huyết áp và dự phòng các biến chứng xảy ra.
Theo định nghĩa, bệnh nhân được chẩn đoán tăng huyết áp độ 3 khi có huyết áp tâm thu trên 180mmHg và huyết áp tâm trương trên 110mmHg. Đây là mức độ nặng nhất của bệnh tăng huyết áp, có nguy cơ cao xuất hiện các biến chứng nguy hiểm của tăng huyết áp. Chính vì thế, điều trị tăng huyết áp độ 3 cần phải tiến hành khẩn trương, tích cực và đúng phương pháp ngay khi người bệnh được chẩn đoán xác định.
1. Chiến lược, phác đồ điều trị tăng huyết áp độ 3
Như đã nói, ngay khi bệnh nhân được xác định bị mắc tăng huyết áp độ 3 thì vấn đề điều trị cho bệnh nhân cần phải được đặt ra ngay lập tức nhằm mục đích kiểm soát huyết áp và phòng tránh hoặc điều trị các biến chứng do tăng huyết áp gây nên.
Các bác sĩ đã chỉ ra Những biến chứng thường gặp do bệnh cao huyết áp.
Điều trị tăng huyết áp độ 3 gồm hai nội dung chính gồm có điều trị dùng thuốc và điều trị không sử dụng thuốc (các biện pháp thay đổi lối sống).
Nếu như ở các bệnh nhân tăng huyết áp mức độ nhẹ, vấn đề điều trị thuốc thường chỉ được đặt ra nếu các biện pháp thay đổi lối sống được áp dụng tích cực và đúng cách trong từ 3-6 tháng nhưng không có hiệu quả. Thì hiện nay đối với điều trị tăng huyết áp độ 3, các khuyến cáo đều cho rằng vấn đề sử dụng thuốc hạ huyết áp nên được sử dụng đồng thời ngay lập tức với các biện pháp thay đổi lối sống ngay khi xác nhận chẩn đoán.
Bên cạnh đó, bệnh nhân tăng huyết áp độ 3 thường có các biến chứng do tăng huyết áp nặng gây nên, chẳng hạn suy tim, suy thận,… Những biến chứng này đôi khi có thể lại chính là yếu tố làm cho tăng huyết áp trở nên nặng nề hơn.
Vì thế, ngoài việc áp dụng các biện pháp kiểm soát huyết áp thì vấn đề điều trị biến chứng cho bệnh nhân, các biện pháp điều trị biến chứng cũng cần phải được áp dụng phù hợp.
Điều trị tăng huyết áp độ 3 cần phải được tiến hành đúng cách (Ảnh: Internet)
2. Điều trị tăng huyết áp độ 3 cụ thể
2.1. Thay đổi lối sống điều trị tăng huyết áp độ 3
Thay đổi lối sống luôn là một nội dung bắt buộc trong điều trị tăng huyết áp nói chung và tăng huyết áp độ 3 nói riêng. Người ta thấy rằng, các biện pháp thay đổi lối sống có thể đem lại hiệu quả hạ huyết áp tích cực, nó có thể giúp giảm chỉ số huyết áp lên đến hơn 10mmHg là hiệu quả tương đương với việc sử dụng một loại thuốc hạ huyết áp để điều trị.
Ngoài ra, các biện pháp thay đổi lối sống lại không hề gây ra tác dụng phụ như việc sử dụng thuốc và còn có thể giúp giảm nguy cơ tim mạch tổng thể của bệnh nhân một cách rất rõ ràng.
Các biện pháp thay đổi lối sống trong điều trị tăng huyết áp độ 3 bao gồm:
- Chế độ ăn giảm muối (nhỏ hơn 6g/ngày), ăn nhiều chất xơ, ít chất béo bão hòa và tăng cường các vitamin, muối khoáng,…
Trong đó, Chế độ ăn DASH – chế độ ăn kiêng giúp kiểm soát bệnh cao huyết áp được nhiều người tìm hiểu và áp dụng.
- Tăng cường luyện tập thể dục thể thao ít nhất 30 phút mỗi ngày và 150 phút mỗi tuần.
- Giảm cân về mức cân nặng hợp lý.
- Hạn chế sử dụng rượu bia, bỏ hút thuốc lá, thuốc lào,…
- Giữ tinh thần ổn định, tránh lo âu, căng thẳng,…
Thay đổi lối sống có vai trò tích cực trong điều trị tăng huyết áp độ 3 (Ảnh: Internet)
2.2. Thuốc điều trị tăng huyết áp độ 3
2.2.1. Khởi đầu sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp độ 3 như thế nào?
Khi khởi đầu sử dụng thuốc để điều trị tăng huyết áp độ 3, người bệnh nên được sử dụng hai loại thuốc thuộc hai nhóm thuốc hạ huyết áp khác nhau. Người ta thấy rằng, sự phối hợp hai thuốc hạ huyết áp ở hai nhóm khác nhau dù ở liều thấp chẳng những đem lại hiệu quả hạ huyết áp tốt hơn so với việc chỉ sử dụng một thuốc hạ huyết áp ở liều cao mà còn làm giảm đáng kể các tác dụng phụ do thuốc gây nên.
Tuy nhiên, nhóm thuốc ức chế men chuyển và nhóm thuốc ức chế thụ thể Angiotensin 2 không nên được sử dụng chung với nhau, bởi việc phối hợp hai loại thuốc này không làm tăng hiệu quả hạ huyết áp nhưng lại làm gia tăng đáng kể các tác dụng phụ do thuốc gây nên.
Nếu sau thời gian đã áp dụng tích cực phác đồ điều trị tăng huyết áp độ 3 với hai thuốc nhưng huyết áp của bệnh nhân vẫn không được kiểm soát thì người bệnh có thể được cho sử dụng 3 loại thuốc hạ huyết áp cùng lúc để kiểm soát huyết áp.
2.2.2. Các nhóm thuốc hạ huyết áp trong điều trị tăng huyết áp độ 3
Hiện nay, có nhiều nhóm thuốc khác nhau có thể được sử dụng trong điều trị tăng huyết áp độ 3. Tuy nhiên, một số nhóm thuốc hạ huyết áp hay được sử dụng trên lâm sàng điều trị tăng huyết áp độ 3 bao gồm:
Video đang HOT
- Thuốc lợi tiểu: Thuốc lợi tiểu tác động vào cơ chế tái hấp thu ở thận, làm tăng đào thải nước tiểu, giảm thể tích tuần hoàn nên gây hạ huyết áp. Nhóm lợi tiểu thường được sử dụng để kiểm soát huyết áp hằng ngày cho bệnh nhân là lợi tiểu Thiazid. Lợi tiểu quai thường hay được sử dụng hơn trong các trường hợp tăng huyết áp khẩn cấp hoặc tăng huyết áp cấp cứu.
- Thuốc tác động lên hệ Renin- Angiotensin- Aldosterol: Hệ Renin- Angiotensin- Aldosterol là một hệ nội tiết quan trọng tham gia vào cơ chế làm tăng huyết áp. Các thuốc tác động vào hệ này bao gồm thuốc ức chế men chuyển (ức chế Angiotensin Converting-Enzym ngăn tạo Angiotesin 2 – là chất gây co mạch mạnh) và các thuốc ức chế thụ thể (gây bất hoạt thụ thể cảm nhân Agiotensin 2 khiến Angiotensin 2 dù được tạo nên nhưng không thể tác động).
- Thuốc chẹn kênh Calci: Trên hệ tim mạch, thuốc gây ức chế hoạt động của các kênh Calci ở mạch máu, tim,… nên khiến mạch máu giãn ra, giảm sức co bóp cơ tim và làm giảm nhịp tim,… từ đó gây hạ huyết áp cho bệnh nhân. Thuốc chẹn kênh Calci hay được dùng để hạ huyết áp cho bệnh nhân thường thuộc nhóm Dyhidropyridin (Amlodipin, Nifedipin, Nicardipin,…) bởi chúng có tác dụng chủ yếu trên mạch máu nên giảm bớt các tác dụng phụ do thuốc so với các thuốc chẹn kênh Calci tác dụng lên tim.
- Thuốc chẹn Beta giao cảm: Thuốc tác động lên hệ thần kinh giao cảm, ức chế các thụ thể Beta nên làm giãn mạch máu, giảm co bóp cơ tim và giảm nhịp tim. Tuy nhiên thuốc chỉ thường được chỉ định điều trị tăng huyết áp độ 3 kèm khi có kèm theo các bệnh lý đặc biệt như suy tim,…
Ngoài ra, một số nhóm thuốc khác cũng có thể được vận dụng để điều trị tăng huyết áp độ 3 cho bệnh nhân như thuốc tác động trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương, thuốc kháng Aldosterol, thuốc giãn mạch trực tiếp,…
Nhiều nhóm thuốc khác nhau có thể được sử dụng để điều trị tăng huyết áp độ 3 (Ảnh: Internet)
2.3. Điều trị biến chứng tăng huyết áp
Với nhiều khả năng gây biến chứng, do đó khi điều trị tăng huyết áp độ 3 cần quan tâm đặc biệt đến các biến chứng của tăng huyết áp như biến chứng tim, biến chứng thận,…
Tuy nhiên, khó có thể đưa ra công thức chung để điều trị cho các biến chứng mà tăng huyết áp gây nên. Tùy thuộc vào biến chứng do tăng huyết áp mà bệnh nhân đã mắc phải là gì mà bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị thích hợp nhất cho bệnh nhân, ngăn không cho biến chứng trở nên nặng nề hơn.
3. Các lưu ý khi điều trị tăng huyết áp độ 3
Để quá trình điều trị tăng huyết áp độ 3 trở nên hiệu quả và an toàn hơn, bệnh nhân nên lưu ý một số điều sau đây:
- Tăng huyết áp là bệnh lý mãn tính, chưa có biện pháp chữa khỏi hoàn toàn. Do đó, người bệnh cần xác định điều trị tăng huyết áp là điều trị suốt đời.
- Quá trình điều trị tăng huyết áp độ 3 cần phải có sự phối hợp cả hai phương pháp sử dụng thuốc và không sử dụng thuốc.
- Không tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc hạ huyết áp nào nếu chưa có sự chỉ định của bác sĩ.
- Đảm bảo sử dụng thuốc hạ huyết áp theo nguyên tắc đúng thuốc, đúng liều, đúng đường dùng và đúng thời gian sử dụng.
- Không tự ý ngưng thuốc khi huyết áp đã trở về mức ổn định, ngưng thuốc đột ngột làm gia tăng nguy cơ bùng phát các cơn tăng huyết áp cấp cứu.
- Trong quá trình điều trị, luôn theo dõi sát các phản ứng của cơ thể nhằm phát hiện các dấu hiệu tác dụng phụ do điều trị gây nên.
- Theo dõi huyết áp tại nhà và ghi chú huyết áp hằng ngày để đánh giá hiệu quả điều trị và diễn tiến của tăng huyết áp. Thực hiện tốt lịch thăm khám định kỳ mà bác sĩ đã đề ra.
Có thể thấy rằng, tăng huyết áp độ 3 là một tình trạng bệnh lý nguy hiểm, nguy cơ biến chứng cao. Do đó, người bệnh cần tiến hành điều trị tăng huyết áp độ 3 sớm bằng các biện pháp thích hợp để kiểm soát huyết áp và tránh các biến chứng nguy hiểm xảy ra.
Cần lưu ý gì khi điều trị tăng huyết áp tại nhà?
Điều trị tăng huyết áp là một quá trình lâu dài, suốt đời. Do đó, trong phần lớn thời gian, bệnh nhân sẽ điều trị tăng huyết áp tại nhà.
Các biện pháp điều trị tăng huyết áp tại nhà là sự kết hợp giữa việc sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp cùng với các biện pháp điều trị tăng huyết áp không dùng thuốc.
Tăng huyết áp là một căn bệnh mãn tính, chưa có biện pháp để chữa khỏi bệnh hoàn toàn. Việc điều trị tăng huyết áp gần như sẽ gắn liền với bệnh nhân trong suốt cuộc đời.
Vì thế, hầu hết phần lớn thời gian thì tình trạng tăng huyết áp của bệnh nhân sẽ được tiến hành điều trị tại nhà. Vậy làm thế nào để bệnh nhân có thể điều trị tăng huyết áp tại nhà hiệu quả hơn?
Một số biện pháp hỗ trợ điều trị tăng huyết áp tại nhà:
1. Có chế độ ăn hợp lý khi điều trị tăng huyết áp tại nhà
Chế độ ăn là một trong các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số huyết áp của bệnh nhân. Một chế độ dinh dưỡng không thích hợp có thể là nguyên nhân thúc đẩy tăng huyết áp diễn tiến nhanh chóng hơn, kém đáp ứng hơn với các biện pháp điều trị,...
Chính vì vậy, trong quá trình điều trị tăng huyết áp tại nhà thì bệnh nhân tăng huyết áp cần phải có chế độ dinh dưỡng riêng, thích hợp với tình trạng sức khỏe.
Chế độ ăn uống lành mạnh có vai trò quan trọng trong điều trị tăng huyết áp tại nhà (Ảnh: Internet)
1.1. Hạn chế sử dụng muối trong chế độ ăn
Hạn chế sử dụng muối trong bữa ăn là một lưu ý quan trọng khi thiết lập khẩu phần cho người bị tăng huyết áp. Sử dụng nhiều muối trong bữa ăn có thể khiến huyết áp của bệnh nhân tăng lên và khó có thể được kiểm soát hơn.
Lượng muối được khuyến cáo mà bệnh nhân tăng huyết áp nên sử dụng là dưới 6g/ngày. Nếu bệnh nhân có thể duy trì chế độ ăn muối dưới 6g/ngày (tương đương với một muỗng nhỏ muối) thì mức huyết áp của bệnh nhân có thể được cải thiện tới 7mmHg.
1.2. Giảm lượng đường sử dụng ở bệnh nhân tăng huyết áp
Người bệnh tăng huyết áp cũng được khuyên nên giảm sử dụng đường trong bữa ăn hàng ngày, đặc biệt là các loại đường tinh chế. Việc làm này có thể giúp chỉ số huyết áp của bệnh nhân được cải thiện đáng kể và góp phần giảm cân cho người bệnh.
Người ta thấy rằng, với một chế độ ăn chứa ít đường thì huyết áp của bệnh nhân có thể giảm đi từ 4,5 đến 5,9mmHg. Tuy nhiên, khi áp dụng chế độ ăn ít đường trong điều trị tăng huyết áp tại nhà thì người bệnh thường sẽ cảm thấy no lâu hơn, điều này gây nên do việc chủ yếu sử dụng các thực phẩm nhóm protid, lipid để cung cấp năng lượng và chúng cần thời gian dài hơn để tiêu hóa.
1.3. Tăng cường sử dụng các loại vi chất
Đối với bệnh nhân tăng huyết áp, kali đã được chứng minh vai trò trong việc giúp thư giãn các mạch máu, giảm nguy cơ biến chứng do tăng huyết áp (đặc biệt là đột quỵ não),... Do đó, trong chế độ ăn của bệnh nhân tăng huyết áp tại nhà thì người bệnh nên tăng cường sử dụng các loại thực phẩm chứa kali như chuối, rau xanh,...
Tuy nhiên, đối với các bệnh nhân mắc bệnh lý về thận thì việc bổ sung kali nhiều có thể gây hại cho sức khỏe bệnh nhân, do đó cần tham khảo kỹ ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng kali cho các bệnh nhân này.
Ngoài ra, các vi chất khác như magie, canxi,... mặc dù chưa có các bằng chứng cụ thể và đủ chắc chắn để xác định hiệu quả của chúng trong điều trị tăng huyết áp tại nhà. Tuy nhiên chúng vẫn được tin rằng có khả năng hỗ trợ hạ huyết áp ở người bệnh tăng huyết áp.
Vì thế người bệnh cũng có thể sử dụng thêm các thực phẩm giàu canxi, magie,... để hỗ trợ quá trình điều trị tăng huyết áp tại nhà hiệu quả hơn.
1.4. Tăng cường sử dụng protein trong bữa ăn
Người ta nhận thấy rằng, một chế độ ăn giàu protein (trên 100g protein/ngày) sẽ giúp giảm thiểu đến 40% nguy cơ mắc tăng huyết áp so với những người ít sử dụng protein trong bữa ăn. Còn đối với các trường hợp bệnh nhân đã bị tăng huyết áp thì chế độ ăn giàu protein cũng có thể góp phần quan trọng giúp kiểm soát huyết áp cho bệnh nhân.
Người bệnh tăng huyết áp có thể bổ sung protein trong bữa ăn khi điều trị tăng huyết áp tại nhà bằng các loại thực phẩm như cá, trứng, thịt bò, thịt gia cầm, các loại hạt, bơ đậu phộng, sữa hoặc các sản phẩm từ sữa,...
Nhưng đối với các bệnh nhân có các vấn đề bệnh lý về thận thì tăng cường sử dụng protein có thể gây hại. Do đó, không nên tự ý tăng lượng protein trong khẩu phần đối với nhóm bệnh nhân này.
1.5. Tăng cường sử dụng rau xanh
Khi điều trị tăng huyết áp tại nhà, chế độ ăn của người bệnh cần phải được tăng cường sử dụng các loại rau xanh. Việc sử dụng nhiều rau xanh hơn vừa giúp cung cấp chất xơ, vừa giúp cung cấp các vitamin và các khoáng chất thiết yếu như kali, magie,...
Lượng rau xanh mà người bệnh tăng huyết áp sử dụng nên đạt mức ít nhất 400g/ngày và nên đa dạng về chủng loại, màu sắc.
Tăng cường sử dụng rau xanh trong khẩu phần ăn khi điều trị tăng huyết áp tại nhà (Ảnh: Internet)
1.6. Một lượng nhỏ socola đen có thể giúp hạ huyết áp
Các flavonoid trong ca cao, thành phần chủ yếu của socola đen có thể giúp làm giãn mạch máu và hỗ trợ hạ huyết áp cho người bệnh, từ đó làm giảm các nguy cơ tim mạch tổng thể ở bệnh nhân. Chính vì thế, bệnh nhân tăng huyết áp được khuyên rằng nên sử dụng một lượng nhỏ socola đen từ 1 đến 2 ô để giúp kiểm soát huyết áp tốt hơn.
Nhưng cũng không vì thế mà người bệnh lạm dụng socola đen. Sử dụng quá nhiều socola đen chẳng những không làm tăng hiệu quả tích cực của nó đối với tăng huyết áp mà ngược lại còn khiến bệnh nhân bị béo phì, gia tăng các nguy cơ tim mạch.
1.7. Hạn chế sử dụng thực phẩm chế biến sẵn
Các loại thực phẩm chế biến sẵn thường chứa nhiều muối, nhiều chất béo và nhiều đường tinh chế để giúp chúng trở nên ngon hơn, đậm đà hơn. Khi sử dụng quá nhiều các thực phẩm này đồng nghĩa với việc bệnh nhân đang dung nạp quá nhiều thành phần không tốt cho tình trạng tăng huyết áp của bản thân.
Do vậy, nên giảm sử dụng hoặc nếu có thể thì nên loại bỏ hẳn các loại thực phẩm chế biến sẵn ra khỏi bữa ăn hằng ngày. Thay vào đó hãy sử dụng những thức ăn được chế biến từ các thực phẩm tươi. Điều này sẽ tốt hơn cho quá trình điều trị tăng huyết áp tại nhà của bệnh nhân.
1.8. Sử dụng đồ uống có cồn hợp lý
Các loại đồ uống có cồn nên được sử dụng hợp lý ở bệnh nhân tăng huyết áp. Sử dụng quá nhiều các loại đồ uống này có thể khiến huyết áp của bệnh nhân tăng cao hơn và gây suy giảm hiệu quả của các loại thuốc điều trị tăng huyết áp.
Bệnh nhân tăng huyết áp chỉ nên sử dụng dưới 2 đơn vị đồ uống có cồn/ngày đối với nam và dưới 1 đơn vị/ngày đối với nữ. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân sử dụng một lượng vừa phải rượu vang thì lại có thể giảm thiểu nguy cơ nhồi máu cơ tim, đây là một tình trạng hiệu ứng ngược khi sử dụng đồ uống có cồn.
Do đó, vấn đề lợi hay hại khi sử dụng đồ uống có cồn được quyết định dựa trên sự kiểm soát số lượng và loại đồ uống mà bệnh nhân sử dụng.
2. Giảm cân nếu đang bị thừa cân, béo phì
Thừa cân, béo phì được xem là một trong các yếu tố nguy cơ tim mạch cơ bản, nhưng lại có thể thay đổi được. Chính vì thế, giảm cân ở bệnh nhân tăng huyết áp có vai trò quan trọng trong kiểm soát, ngăn ngừa các biến chứng xảy ra.
Nếu cân nặng được kiểm soát ở mức hợp lý, chỉ số huyết áp của bệnh nhân có thể sẽ được cải thiện từ 3,2 đến 4,5mmHg.
Mức cân nặng của bệnh nhân được khuyên nên kiểm soát để duy trì chỉ số khối cơ thể (chỉ số BMI) nhỏ hơn 23, vòng bụng nên nhỏ hơn 90cm đối với nam và nhỏ hơn 80cm đối với nữ.
Giảm cân giúp tăng hiệu quả của quá trình điều trị tăng huyết áp tại nhà (Ảnh: Internet)
3. Tránh xa khói thuốc lá
Một điều rất quan trọng mà bệnh nhân cần nhớ khi điều trị tăng huyết áp tại nhà đó chính là nên tránh xa khói thuốc lá ngay lập tức.
Khói thuốc lá với những loại hóa chất độc hại có thể đi vào cơ thể và khiến nhịp tim của bệnh nhân tăng lên, các mạch máu của bệnh nhân bị xơ cứng nên kém đàn hồi hơn, thành mạch máu bị viêm khiến cho kích thước lòng mạch thu nhỏ lại,...
Tất cả những tác động tiêu cực này lên bệnh nhân tăng huyết áp sẽ khiến huyết áp của bệnh nhân tăng cao hơn và nhiều nguy cơ biến chứng hơn. Những tác hại này không chỉ xảy ra đối với người hút thuốc trực tiếp, mà nó cũng gây hại kể cả khi bạn chỉ hít phải khói thuốc do người khác hút thuốc và thải ra.
4. Ngủ đủ giấc và thoải mái để kiểm soát huyết áp tốt hơn
Huyết áp của cơ thể chúng ta thường sẽ giảm nhẹ vào ban đêm khi chúng ta ngủ và bắt đầu tăng trở lại vào ngày hôm sau. Một giấc ngủ ngon và thoải mái sẽ giúp huyết áp được điều chỉnh giảm theo chu kỳ bình thường một cách thuận lợi. Còn nếu bệnh nhân tăng huyết áp ngủ không sâu giấc, ngủ không ngon hoặc mất ngủ thì có thể khiến cho huyết áp tăng cao hơn so với bình thường.
Các nghiên cứu cho thấy rằng, ngủ ít hơn 7h/ngày hoặc nhiều hơn 9h/ngày đều có thể làm gia tăng nguy cơ tăng huyết áp. Vì thế, bệnh nhân tăng huyết áp cần phải đảm bảo bản thân ngủ đủ giấc và thoải mái, không nên ngủ quá ít hoặc quá nhiều.
Nếu cảm thấy khó ngủ hoặc ngủ không sâu giấc thì có thể đặt lịch ngủ cố định để tạo thói quen cho cơ thể, cố gắng thư giãn trước khi ngủ, luyện tập thể dục, ngủ trưa ít hơn,... Những điều này có thể giúp bệnh nhân đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn và sâu giấc hơn.
5. Tránh bị căng thẳng khi điều trị tăng huyết áp tại nhà
Trong quá trình điều trị tăng huyết áp tại nhà, bệnh nhân cần tránh tình trạng bị căng thẳng xảy ra, thay vào đó hãy giữ cho tâm trạng ở trong trạng thái thư giãn và thoải mái nhất. Tâm trạng căng thẳng sẽ khiến cho huyết áp của bệnh nhân dễ tăng cao, khó kiểm soát hơn và đôi khi các cảm xúc mạnh, đột ngột có thể gây nên những cơn tăng huyết áp cấp cứu hết sức nguy hiểm.
Có rất nhiều cách mà bệnh nhân có thể thử để giảm căng thẳng khi điều trị tăng huyết áp tại nhà chẳng hạn như đọc sách, đi dạo, tập thở sâu, nghe nhạc, xem phim hài, đi xông hơi, giảm cường độ công việc,...
Đặc biệt, bệnh nhân tăng huyết áp có thể tập thiền khi điều trị tăng huyết áp, nó rất hiệu quả cho việc giảm căng thẳng và hạ huyết áp. Các thống kê cho thấy, huyết áp có thể giảm 3,62-4,17mmHg nếu luyện tập thiền đúng cách.
Bệnh nhân tăng huyết áp cần giữ tâm trạng thoải mái, tránh căng thẳng (Ảnh: Internet)
6. Tập luyện thể dục hỗ trợ điều trị tăng huyết áp tại nhà
Các nghiên cứu cho thấy, tập thể dục đúng cách ở bệnh nhân tăng huyết áp có thể giúp giảm huyết áp từ 3,9 đến 4,5mmHg. Đây là một hiệu quả rất đáng kể, thậm chí tương đương với khả năng hạ huyết áp của một số nhóm thuốc.
Khi bệnh nhân tập thể dục sẽ đem lại rất nhiều lợi ích khác nhau như cải thiện sức khỏe tim và khả năng bơm máu của tim, đồng thời nó cũng khiến cho mạch máu của bệnh nhân trở nên dẻo dai hơn và đàn hồi hơn.
Điều này khiến cho huyết áp của bệnh nhân được cải thiện hiệu quả. Ngoài ra, tập thể dục khi điều trị tăng huyết áp tại nhà cũng còn nhiều tác dụng khác như hỗ trợ bệnh nhân giảm cân, kiểm soát lipid máu, giúp tinh thần thoải mái hơn,...
Vì thế, bệnh nhân tăng huyết áp nên đảm bảo tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày và ít nhất 5 ngày trong tuần. Khi mới bắt đầu có thể lựa chọn các bài tập nhẹ nhàng với thời gian luyện tập ngắn, sau đó khi cơ thể đã thích nghi thì có thể tăng thời gian và cường độ luyện tập.
7. Sử dụng các thảo dược hỗ trợ hạ huyết áp
Vấn đề sử dụng các loại thảo dược để hỗ trợ điều trị tăng huyết áp có thể sẽ cần thêm nhiều nghiên cứu khác để đánh giá chính xác tác dụng và cơ chế tác động của nó. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần công nhận rằng có rất nhiều loại thảo dược đã được sử dụng rất lâu từ trước kia để hạ huyết áp cho bệnh nhân.
Các loại thảo dược có thể được sử dụng trong quá trình điều trị tăng huyết áp kể đến như tỏi và các sản phẩm chiết xuất từ tỏi, đậu đen, hoa súng, trà, nước ép cần tây,...
Tuy nhiên, do vấn đề khó xác định hàm lượng các chất chứa trong thảo dược nên việc sử dụng các loại thảo dược để điều trị tăng huyết áp tại nhà chỉ nên được diễn ra sau khi đã tham khảo đầy đủ ý kiến của bác sĩ.
Một số loại thảo dược có thể được sử dụng để hỗ trợ điều trị tăng huyết áp tại nhà (Ảnh: Internet)
8. Sử dụng các loại thuốc điều trị tăng huyết áp
Bên cạnh các biện pháp thay đổi lối sống như đã kể trên, sử dụng các loại thuốc hạ điều trị tăng huyết áp cũng là một nội dung quan trọng trong chiến lược điều trị tăng huyết áp tại nhà cho bệnh nhân.
Các loại thuốc có tác dụng hạ huyết áp như thuốc lợi niệu, thuốc chẹn kênh calci, thuốc ức chế men chuyển, thuốc ức chế thụ thể,... có thể được kê đơn sử dụng cho bệnh nhân khi cần thiết. Vì thế, người bệnh cần tuân thủ các chỉ định của bác sĩ về sử dụng thuốc để đảm bảo quá trình điều trị diễn ra an toàn và hiệu quả.
Việc sử dụng thuốc cần đảm bảo tuân thủ đúng chỉ định về loại thuốc, liều lượng và thời gian sử dụng. Trong quá trình sử dụng các loại thuốc điều trị tăng huyết áp, nếu có phát hiện bất kỳ tác dụng phụ nào do thuốc gây nên hãy thông báo ngay với bác sĩ để được xử trí kịp thời bằng các biện pháp thích hợp.
Trên đây là một số các phương pháp điều trị tăng huyết áp tại nhà mà bệnh nhân có thể tham khảo. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi điều trị tăng huyết áp, bệnh nhân cần tham khảo kỹ ý kiến của bác sĩ trước khi áp dụng bất kỳ phương pháp điều trị nào.
Hiểu đúng về DASH - chế độ ăn kiêng giúp kiểm soát bệnh cao huyết áp DASH là chế độ ăn kiêng giúp kiểm soát bệnh cao huyết áp được nhiều người áp dụng. Chế độ ăn DASH khuyến khích giảm muối trong khẩu phần ăn và ăn những thực phẩm hỗ trợ làm giảm huyết áp như kali, canxi và magie. Vì chế độ ăn uống được cho là đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá...