Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021 tiếc nuối vì không thể về Thủ đô họp mặt
Vì lý do bất khả kháng, một số nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021 đã không thể về Thủ đô Hà Nội để tham dự chuỗi sự kiện Chương trình Tự hào nông dân Việt Nam 2021.
Tiếc nuối vì không thể về Thủ đô
Lễ tôn vinh Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021 là một phần trong chuỗi sự kiện Chương trình Tự hào nông dân Việt Nam 2021.
Đây là buổi lễ quan trọng nhằm ghi nhận, động viên cho nỗ lực không mệt mỏi của những cá nhân đã ngày đêm đóng góp công sức, trí tuệ vào phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Không chỉ vậy, từng nông dân xuất sắc khi tề tựu về Thủ đô còn mang theo trong mình những tâm tư, gửi gắm của rất nhiều bà con nông dân ngay tại địa phương mình.
Vì thế, tiếc nuối là cảm giác chung của nhiều nông dân Việt Nam xuất sắc từ các tỉnh thành ở phía Nam khi không thể trực tiếp góp mặt trong ngày hội lớn.
Ông Nguyễn Văn Khải, nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021 của tỉnh Long An. Ảnh: Trần Đáng
Ông Nguyễn Văn Khải, Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021 là người tiên phong ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm ở miệt hạ tỉnh Long An.
Ông Khải đang sở hữu diện tích nuôi tôm gần 4ha với 10 ao nuôi. Các mô hình nuôi tôm từ 1 – 3 giai đoạn, mỗi năm đem lại nguồn thu hoạch hàng tỉ đồng cho ông Khải.
Theo kế hoạch, ngày 30/11 là ngày các Nông dân Việt Nam xuất sắc khởi hành về Hà Nội, chuẩn bị cho ngày hội lớn nhất trong năm của người làm nông.
Ông Khải cũng đã đi xét nghiệm Covid-19, cũng gói gém xong đồ đạc cũng như ghi nhận nhiều tâm tư của bà con nuôi tôm trong vùng.
Thế nhưng, ngày 28/11, ông bất ngờ bị tai nạn. Vết thương trên đầu gối ảnh hưởng đến dây chằng đã không cho phép ông Khải di chuyển nhiều.
“Tiếc lắm nhưng đành bó gối, ngồi im một chỗ”, ông Khải chia sẻ.
Theo lời ông kể, sau khi cơn đại dịch Covid-19 lần tư bùng phát, đời sống của nông dân còn gặp rất nhiều khó khăn.
Căng thẳng nhất là giá thức ăn chăn nuôi đang tăng cao quá, ảnh hưởng nhiều đến sản xuất.
Vụ thả nuôi tôm cho mùa Tết đã bắt đầu. Nhiều nông dân cũng đang âm ỉ thả con giống. Thế nhưng giá cả đầu ra phập phồng mà chi phí đầu tư cao đang khiến nhiều nông dân ưu tư.
Ông Khải bày tỏ mong muốn, ngành chức năng sớm có giải pháp bình ổn thị trường vật tư nông nghiệp cũng như hỗ trợ đầu ra bền vững cho người nuôi tôm.
Dịch bệnh đã ảnh hưởng nhiều đến đời sống bà con. Sau dịch vẫn chưa hết khó khăn, dễ nảy sinh tâm lý chán nản với ruộng đồng.
Video đang HOT
“Chúng tôi mong ngành chức năng quan tâm hơn đến những khu vực nông thôn còn khó khăn như vùng hạ miệt Long An quê tôi”, ông Khải chia sẻ.
Dịch Covid-19 cản đường
Tại tỉnh Trà Vinh, HTX Phú Mỹ Châu đạt doanh thu từ 23-24 tỷ đồng/năm. Nhiều năm qua, HTX Phú Mỹ Châu nhận được nhiều Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì đã đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”.
Ông Trần Văn Công – Giám đốc HTX, Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021 của tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Huỳnh Xây
Riêng ông Trần Văn Công – Giám đốc HTX, Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021 của tỉnh còn nhận được Bằng khen của Bộ trưởng Bộ NNPTNT vì thành tích phát triển kinh tế HTX.
Hiện dịch Covid-19 ở tỉnh Trà Vinh đang diễn biến phức tạp. Vùng sản xuất lúa rộng hơn 200ha của HTX nằm trong vùng vàng trên bản đồ dịch tễ của địa phương.
Ông Công tâm sự, dịch dã lại hoành hành trong khi công việc cuối năm bề bộn, ông đành phải hủy chuyến đi và chờ đợi theo dõi Chương trình Tự hào nông dân Việt Nam 2021 qua truyền hình.
Điều mà ông Công trăn trở nhất hiện nay là vốn cho đầu tư sản xuất nông nghiệp còn hạn chế.
HTX đang tập trung sản xuất lúa hữu cơ, tiến tới xay xát gạo để phát triển sản phẩm gạo sạch.
Đồng thời, xây dựng phương án phát triển bền vững chuỗi sản phẩm, đầu tư máy móc thiết bị vào sản xuất, nhanh chóng để mở rộng thị trường.
Có như vậy, HTX mới góp phần mạnh mẽ vào đổi mới tư duy, nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân.
Thế nhưng, theo ông Công, cơ sở hạ tầng của HTX còn nhiều hạn chế. Việc huy động vốn từ nội lực HTX còn nhiều khó khăn.
“Chúng tôi mong ngành chức năng tạo điều kiện hơn nữa để nông dân và HTX được tiếp cận các nguồn vốn đầu tư”, ông Công bày tỏ.
Chị Trần Thị Ngọc Thảo, nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021 đến từ TP.HCM cũng cho rằng, làm nông nghiệp thì lúc nào cũng có nhu cầu vốn đầu tư, nhất là làm nông nghiệp công nghệ cao.
Chị Ngọc Thảo là trường hợp khá đáng tiếc khi trước ngày ra Hà Nội, chị bị nhiễm dịch Covid-19.
Những ngày đầu, bệnh trở nặng, gia đình phải đưa chị đi cấp cứu. Nay sức khỏe đã tạm ổn, chị Thảo tạm thời cách ly tại vườn lan của mình.
Chị Trần Thị Ngọc Thảo, chủ vườn lan Sơn Hà, huyện Bình Chánh, TP.HCM được bình chọn là 1 trong 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021. Ảnh: Nguyên Vỹ
Trở lại với câu chuyện, chị Thảo cho biết, làm nông nghiệp công nghệ cao ở TP.HCM còn vướng thêm khó khăn nữa do chính sách chưa được phép xây dựng công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp.
Tuy nhiên khó khăn lớn nhất chính là công tác phát triển giống hoa lan trong nước còn nhiều hạn chế.
Bản thân là kỹ sư sinh học, xuất thân từ ngành nghiên cứu phát triển giống cây trồng nhưng chị Thảo chỉ mới đáp ứng được 20% cây giống cho chính vườn lan mình. Số còn lại phải nhập hầu hết từ Thái Lan.
Mùa dịch vừa qua, máy bay không vận chuyển hàng về Việt Nam được. Đến khi ngành hàng không hoạt động trở lại, các đơn hàng đặt mua giống từ trước đổ dồn về ồ ạt, nhưng hầu hết đã… quá lứa, sụt giảm chất lượng.
Theo chị Thảo, chuỗi cung ứng bị đứt gãy vì Covid-19 càng làm bộc lộ sự thua thiệt cho nông dân do phụ thuộc quá nhiều vào nguồn giống từ nước ngoài.
Chuyển đổi số nông nghiệp: Câu chuyện thực tế của nữ tỷ phú Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021 trồng đông trùng hạ thảo
Trong sản xuất nông nghiệp, càng áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào thì sức người càng được giải phóng.
Khi đó, chúng ta sẽ tiết kiệm được công lao động, tỷ lệ rủi ro sẽ ít đi. Hiệu quả kinh tế cũng được nhân lên...
Đó là những chia sẻ của Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021- Nguyễn Thị Hồng (xã Dân Hoà, huyện Thanh Oai, Hà Nội) khi được hỏi về áp dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp.
Dây chuyền tự động hóa
Xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai từ lâu đã "thay da đổi thịt". Những con đường đất xa xưa nay đã được bê tông hóa. Cùng với đó là lớp lớp nhà mái ngói, cao tầng mọc lên san sát. Ở đây, có không ít những tỷ phú nông dân đang ngày đêm miệt mài hăng say sản xuất làm đẹp cho đời.
Nổi bật lên trong đó có thể kể đến tỷ phú nông dân Nguyễn Thị Hồng- Giám đốc Công ty cổ phần dược thảo Thiên Phúc. Chị Hồng là một trong 63 gương mặt nông dân tiêu biểu của cả nước được bình chọn nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021.
Khu nhà xưởng rộng lớn hàng chục ngàn m2 của Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021- Nguyễn Thị Hồng- Giám đốc Công ty cổ phần dược thảo Thiên Phúc. Ảnh: NC
Từ lâu, chị Hồng không chỉ được biết đến là người nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, mà còn được biết đến là một người phụ nữ nhạy bén, nhanh nhạy khi áp dụng thành công máy móc, khoa học kỹ thuật, công nghệ vào trong sản xuất nông nghiệp.
Đưa chúng tôi đi thăm khu sản xuất đông trùng hạ thảo rộng hàng ngàn m2, chị Hồng cho hay, ngoài công đoạn chọn lọc con nhộng khỏe, tốt để nuôi tằm và cấy bào tử nấm vào trong con nhộng tằm là làm thủ công thì hầu hết tất cả các công đoạn nuôi, cấy đông trùng hạ thảo, nấm dược liệu ở Công ty cổ phần dược thảo Thiên Phúc đều được tự động hóa.
Nhờ áp dụng tốt khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, sản phẩm Đông trùng hạ thảo của Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021 Nguyễn Thị Hồng (xã Dân Hoà, huyện Thanh Oai, Hà Nội) luôn được người tiêu dùng lựa chọn. Ảnh: NC
"Việc nuôi, cấy nấm dược liệu, đông trùng hạ thảo đòi hỏi người nuôi phải rất tỉ mỉ, chi tiết, rất nhiều quy trình phải tiến hành thủ công. Nhưng từ khi áp dụng dây chuyền tự động từ năm 2014 đến nay sức lao động chân tay được giải phóng, hiệu quả công việc mang lại rất cao", chị Hồng nói.
Theo chị Hồng, trước đây hầu hết các công đoạn tưới nước, thắp ánh sáng, đến sấy khô... cho nấm đều phải làm thủ công. Hàng ngày, công nhân phải dùng bình nước tưới cho nấm bằng tay, nhiều lúc độ ẩm không đều. Nhưng từ khi áp dụng hệ thống phun sương của Hàn Quốc, tất cả lại được làm tự động. Công nhân chỉ cần cài đặt độ ẩm, khi độ ẩm giảm, máy sẽ tự động phun sương và ngược lại khi độ ẩm đủ, máy sẽ tự ngắt.
Say mê, tâm huyết với nghề, nên phần lớn thời gian Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021 Nguyễn Thị Hồng (xã Dân Hoà, huyện Thanh Oai, Hà Nội) lại giành cho việc trồng nấm, nuôi đông trùng hạ thảo.
Tương tự, khâu ánh sáng cũng được tự động hóa. Trước đó, để chiếu sáng cho nấm, công nhân phải thắp đèn từ sớm, hết giờ lại rút điện ra. Dù thắp đèn đúng giờ, nhưng đôi lúc cường độ ánh sáng lại không đủ cho cây nấm phát triển. Trước những bất cập này, chị Hồng đã nghiên cứu lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng tự động. Toàn bộ giờ chiếu sáng cho nấm được cài đặt qua hệ thống điện tử, đến giờ thắp sáng hệ thống này sẽ tự bật. Trường hợp nếu dòng diện yếu thì hệ thống chiếu sáng này sẽ tự điều chỉnh bật thêm đèn để đảm bảo cường độ ánh sáng cho nấm phát triển...
"Quy trình thủ công phải dùng bình tưới cho nấm bằng tay. Công nhân cầm vòi nước, nhưng nó vẫn không đều được. Sau khi áp dụng hệ thống phun sương của Hàn Quốc độ ẩm của cây nấm luôn được đảm bảo. Mình cài độ ẩm 70, nếu độ ẩm đến 68 thì máy sẽ tự động phun. Khi 70 máy sẽ tự dừng. Ánh sáng mình cài đặt nó 12 tiếng 1 ngày nó sẽ tự chiếu sáng, mình sẽ không phải động đến. Cường độ ánh sáng nếu nó không đủ thì nó sẽ tự bật thêm đèn nếu nó đủ rồi thì nó sẽ thôi...", chị Hồng nói.
Cũng theo chị Hồng, từ khi áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sức người đã được giải phóng đáng kể. Thay vì 3- 4 người tưới tắn, chăm sóc thì đến nay chỉ cần 1 người đã quán xuyến được hết mọi việc.
Thất bại, trả giá bằng... tiền bạc
Câu chuyện áp dụng máy móc hiện đại hóa vào sản xuất trong nông nghiệp không phải là chuyện dễ dàng. Để đi đến được thành công, chị Hồng cũng phải "trả giá" không ít.
Chỉ tay về phía hệ thống máy sấy tự động chị Hồng cho hay, máy móc giải phóng sức lao động, nhưng vận hành máy, áp dụng vào sản xuất thì không phải là dễ. Có những sai lầm phải trả giá bằng tiền mặt.
Theo đó, khi mới bắt tay vào trồng nấm dược liệu, chị đặt mua máy sấy đối lưu trong nước của một đơn vị. Cứ ngỡ máy sấy này sẽ cho ra lò những mẻ nấm ngon lành, nhưng càng sấy sản phẩm của chị càng xấu đi. Sản phẩm sấy ra bị quắt lại, xấu xí, nhiều khách hàng e dè, không lấy nấm. Nhiều mẻ chị phải bán cắt lỗ với giá rẻ mạt. "Không ai dạy mình, mình sấy bằng cách thử thôi. Sấy hỏng nhiều, bởi lúc đầu mình không biết. Nấm sấy ra xấu, khó bán, không phù hợp với mặt hàng nấm dược liệu. Tất cả phải trả giá bằng thực tế luôn mồ hôi nước mắt luôn", chị Hồng nói.
Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021 Nguyễn Thị Hồng (xã Dân Hoà, huyện Thanh Oai, Hà Nội) đam mê nghiên cứu nhiều khi quên cả ăn.
Những lần nhìn sản phẩm thất bại, chị Hồng luôn đau đáu suy nghĩ ở trong đầu. Nhiều lúc chán nản chị thức trắng đêm để tìm phương pháp sấy nấm. Thế rồi, qua tìm tòi, chị biết đến phương thức sấy "thăng hoa", chị đã đầu tư tiền bạc nhập máy sấy "thăng hoa" để sấy cho sản phẩm.
"Ngày xưa gần như sấy bằng nhiệt, ở nhiệt độ thấp. Nhưng, bây giờ nhà chị sấy "thăng hoa", sấy nhiệt độ lạnh sâu, âm 35- 65 độ. Hệ thống máy rất hiện đại mấy tỉ 1 máy, sản phẩm sấy ra đáp ứng được chất lượng và yêu cầu về thẩm mỹ...", chị Hồng cho hay.
... Hiệu quả của kênh bán hàng online
Nói về bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, chị Hồng cho hay, từ lâu Công ty chị đã thành lập các gian hàng trên các sàn thương mại điện tử. Trên các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Lazada, Tiki và Sendo... luôn đầy ắp hàng hóa của Công ty. Sản phẩm đăng tải trên các sàn thương mại này bán rất chạy.
Chị Hồng phấn khởi cho biết, đến nay sản phẩm của chị đã đi "khắp năm châu", góp phần vào cải thiện đời sống sức khỏe cho người dân.
"Chị đưa sản phẩm lên Shopee, Lazada, nói chung tất cả các trang thương mại điện tử bên chị đều có mặt. Bán hàng trên đó rất hiệu quả. Thời buổi công nghệ mình phải thay đổi. Thương mại điện tử trong bán hàng chị đã áp dụng từ lâu, nếu không ảnh hưởng của dịch covid mình đã chết sặc. Mình đẩy mạnh quảng cáo, hàng hóa trên sàn bán rất chạy", chị Hồng cho biết.
Cũng theo chị Hồng, từ lâu Công ty chị đã áp dụng chuyển đổi số không dùng tiền mặt. Khách hàng đến với Công ty có nhiều hình thức thanh toán, chuyển khoản, dùng thẻ quẹt, và ví điện tử.
"Siêu" nông dân sôi nổi bàn cách vượt khó trong đại dịch giữa Thủ đô Ngày 30/11, nhiều nông dân Việt Nam xuất sắc (NDVNXS) 2021 tại các tỉnh, thành đã về Thủ đô để chuẩn bị dự chuỗi sự kiện Chương trình Tự hào nông dân Việt Nam 2021. Vừa gặp nhau, các "siêu"nông dân đã tay bắt, mặt mừng và sôi nổi trao đổi các câu chuyện làm ăn, vượt khó trong đại dịch. Anh Hoàng...