Nối dài yêu thương
“Bếp tình thương” của điểm trường thôn Đắk Ka (Trường PTDTBT Tiểu học – THCS Tu Mơ Rông) và điểm trường Ty Tu (Trường Tiểu học xã ĐắK Hà của huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) vừa được nhận nguồn hỗ trợ ý nghĩa.
Tấm lòng những người giáo viên vùng cao được thể hiện qua bếp ăn tình thương.
Đó là kinh phí để các thầy cô giáo duy trì bữa ăn bán trú cho HS.
Thầy Nguyễn Ngọc Huynh – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học – THCS Tu Mơ Rông chia sẻ, sự quan tâm, những lời thăm hỏi cùng sự hỗ trợ của Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác thực sự có ý nghĩa khích lệ, động viên với thầy cô và HS của nhà trường. Những phần quà không chỉ giúp nhà trường duy trì và tổ chức bếp ăn bán trú tốt hơn cho HS tại thôn Đắk Ka, mà còn giúp cho các em giảm bớt khó khăn, yên tâm học tập, vươn lên trong cuộc sống.
Tu Mơ Rông là huyện có địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên xảy ra thiên tai, giao thông thường bị chia cắt do sạt lở vào mùa mưa. Công tác giáo dục vì vậy cũng gặp rất nhiều khó khăn. Xuất phát từ tình cảm, sự tận tâm, tận tụy và trách nhiệm, nhiều thầy cô giáo ở Tu Mơ Rông đã vượt qua khó khăn, có nhiều sáng kiến giữ chân HS ở lại trường để duy trì sĩ số và nâng cao chất lượng giáo dục.
Điển hình như câu chuyện của thầy A Phiên (GV Trường TPDTBT Tiểu học – THCS Tu Mơ Rông) hàng ngày ra trường chính nhận thức ăn rồi đem về điểm trường thôn Đắk Ka vừa dạy học vừa làm đầu bếp, chăm chút từng bữa ăn cho HS để các em không nghỉ học vào buổi chiều.
Hay tập thể GV Trường Tiểu học Đắk Hà do cô Hồ Thị Thùy Vân làm “thuyền trưởng” đã tự nguyện đóng góp 100.000 đồng/tháng để tổ chức bữa cơm tình thương tại điểm trường thôn Ty Tu. Những chia sẻ của thầy A Phiên và cô Hồ Thị Thùy Vân trong chương trình “Thay lời tri ân” nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 mới đây đã khiến nhiều khán giả xúc động.
Trước đây, khi chưa có bữa ăn tại trường, do gia đình khó khăn nên có nhiều em phải nhịn bữa trưa khi đi học về. Buổi chiều, HS thường vắng rất nhiều. Bữa cơm trưa cho các em là nỗ lực và tình yêu lớn của các thầy cô dành cho học trò nghèo, để các em có thêm động lực tới trường, bám trụ với con chữ.
Video đang HOT
Cô Nguyễn Dương Quý luyện chữ cho HS Đắk Ka.
Những tấm lòng kết nối những tấm lòng để nối dài thương yêu, chăm chút cho những mầm non ở nơi vùng đất khó. “Bếp ăn tình thương” Đắk Hà và Ty Tu được tiếp thêm nhiều ngọn lửa ấm khi được hỗ trợ gạo, tiền để tiếp tục duy trì.
Trong lễ cúng đặt viên gạch đầu tiên cho ngôi trường mới trên đỉnh Ngọc Linh, già làng Nguyễn Đình Nớ báo cáo với các thần linh, các Yang núi, Yang sông rằng “đây là món quà của người miền xuôi, các thầy cô giáo mang lên để tặng cho con cháu trong làng Tắk Pổ” (xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, Quảng Nam). Dù không còn dạy học ở điểm trường Tắk Pổ, nhưng hơn ai hết, cô giáo Trà Thị Thu không giấu được xúc động: “Em rất hạnh phúc và không nghĩ là điểm trường được xúc tiến xây dựng nhanh như vậy. Đây là câu chuyện có một cái kết đẹp như cổ tích”.
Từ câu chuyện tiếp lửa cho bếp ăn tình thương của HS vùng khó và “ngôi trường cổ tích” Tắk Pổ cho thấy, những yêu thương, chăm chút, sự tận tâm, tận hiến của thầy cô giáo với HS chính là sợi chỉ đỏ để kết nối những tấm lòng cho sự nghiệp giáo dục.
Ở nơi giáo viên kiêm "xe ôm" đón trò đến lớp
Để có được con chữ, hàng trăm HS ở làng Kon Pia, Ngọc Leang... phải thức dậy từ tờ mờ sáng đến trường.
Cô học trò Y Yong ước mơ lớn lên làm thợ mộc như bố.
Khi lũ trẻ băng qua 4 quả đồi với những con dốc cheo leo cũng là lúc người mệt lả vì đói. Những hôm mưa gió, GV kiêm nhiệm vụ "xe ôm" đón các em đến lớp.
Đến trường từ tờ mờ sớm
Hơn 4 giờ sáng, hàng chục nóc nhà ở làng Kon Pia (xã Đắk Hà, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) đã sáng đèn. Tiếng cười đùa, nói chuyện rôm rả, vang vọng khắp nẻo đường. A Thái (HS lớp 5C, Trường Tiểu học xã Đắk Hà, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) ăn cơm nguội còn sót lại từ đêm qua trước khi lên đường đi tìm con chữ.
Nhà cách trường hơn 7km, đều đặn mỗi ngày cứ 5 giờ sáng, A Thái cùng các bạn hẹn nhau ở đầu làng để vượt dốc đến trường tìm con chữ. Lũ trẻ ra khỏi nhà khi trời vẫn còn chưa sáng tỏ. Cả nhóm hơn chục em chỉ có chiếc đèn pin đội đầu le lói sáng. Một số em thức dậy trễ vừa đi vừa ăn vội chiếc bánh mì khô khốc trên tay.
A Thái cho hay: "Cứ 5 giờ sáng mỗi ngày, em cùng các bạn đi bộ đến trường. Hôm nào không có đèn đội đầu, cả nhóm lò dò tìm đường trong bóng tối. Chúng em đi mãi cũng thành quen nên không sợ lạc đường. Những ngày mưa, chúng em mặc áo mưa đi bộ đến lớp. Có hôm đến trường người em ướt hết, thầy cô đưa chiếc áo để khoác rồi học bài".
Gương mặt tái đi vì cái lạnh của cơn mưa rừng, cô bé Y Kiệt (lớp 4D) chỉ mặc trên mình chiếc áo mỏng và khoác chiếc áo mưa. Nói là áo mưa, nhưng nó được cắt từ túi nilong đã cũ mà bố mẹ em xin được. Y Kiệt cho biết: Hơn 5 giờ sáng, em cùng các bạn lội bộ hơn 7km từ làng Kon Pia để đến trường học con chữ. Chặng đường đến trường xa nên nhiều hôm em lả đi vì đói và lạnh.
Con đường dốc cheo leo mà học sinh phải "chinh phục" mỗi ngày để đi tìm con chữ.
"Bố mẹ bận đi làm nên trời mưa hay nắng em cũng tự đến trường. Nhà nghèo nên sáng đi học em ăn cơm nguội hoặc nhịn đói đến lớp. Hôm nay nhà không còn gì ăn nên em nhịn. Mệt quá, em đi được một đoạn rồi lại phải dừng chân nghỉ. Mỗi ngày đến lớp em vượt qua 4 con dốc cao nên có hôm đến lớp trễ. Dù có trễ giờ đến lớp, có đói, lạnh em vẫn muốn đi học để sau này đỡ nghèo, khổ", Y Kiệt vừa nói vừa gạt giọt nước mưa đang lăn dài trên gò má.
Đến lớp với với bộ quần áo lấm lem, Y Yong (lớp 3B) co ro ngồi trong góc lớp. Y Yong kể: Em cùng anh trai đang học lớp 5 đi bộ gần 8km để đến trường. Nhà Y Yong có 6 anh chị em, em là con thứ 3 trong gia đình. Bố mẹ làm nông quanh năm nên kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn.
"Bữa ăn của gia đình chỉ có cơm trắng và rau. Đến mùa nhổ mì cả nhà mới có một bữa thịt để ăn. Có nhiều hôm đến trường chúng em phải nhịn đói. Em muốn cố gắng học thật giỏi, sau này làm nghề thợ mộc như bố", Y Yong hồn nhiên chia sẻ.
Đón học trò ra lớp
Giáo viên Trường Tiểu học xã Đắk Hà đi vận động học sinh ra lớp.
Cô Nguyễn Thị Mỹ Liên, GV cụm Ngọc Leang- Trường Tiểu học xã Đắk Hà cho hay: HS nơi đây đa số là người Xê Đăng. Kinh tế của người dân phụ thuộc vào rẫy mì nên còn nhiều khó khăn. Phụ huynh cũng ít chú trọng đến việc học của con em.
Theo cô Liên, HS lớp 1 và 2 theo học ở điểm trường tại thôn. Tuy nhiên, từ lớp 3 trở đi các em phải ra điểm trường chính để học tập. Do đó, quãng đường đến trường của các em từ 4 - 8km. Hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ bận làm nương rẫy nên đa số các em đi bộ đến trường. Những hôm mưa lớn, các em đến lớp với bộ quần áo ướt sũng, lấm lem bùn đất.
Trời nắng hay mưa, Y Kiệt cũng vượt hơn 7km để đến trường. - Ảnh: TG
"Nhìn học trò ngồi co ro trong lớp chúng tôi thấy thương vô cùng, vội lấy chiếc áo ấm cho các em khoác để có thể học con chữ", cô Liên chia sẻ.
Nghĩ đến học trò, cô Dương Thị Anh chực trào nước mắt. Cô tâm sự: Các em chủ yếu đi bộ đến trường nên ngày mưa vắng học rất nhiều. Do đó, chúng tôi thường xuyên đến nhà vận động các em đến lớp để học con chữ. Những hôm mưa lớn, chúng tôi tranh thủ vào làng từ sáng sớm để chở các em ra lớp. Cuộc sống của bố mẹ các em đã khổ nên tôi mong các em được đi học đến nơi đến chốn. Có học các em mới có hy vọng thoát khỏi cái đói nghèo. Do đó, nếu có thể làm được điều gì giúp ích các em trong học tập, chúng tôi luôn sẵn lòng.
Cô Hồ Thị Thùy Vân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Đắk Hà thông tin: Năm học 2020 - 2021 trường có 622 HS. Để đến trường, hơn 200 HS của trường ở các làng Kon Pia, Ngọc Leang, Đắk Hà, Đắk Pơ Trang phải vượt chặng đường từ 4 - 8km. Có những em không có áo ấm để đến lớp, mặt tái nhợt, đói lả người. Thương học trò, GV lại mang áo, bánh mì cho các em ăn để lấy sức học bài.
GV trong trường đang lên kế hoạch góp tiền lập quỹ nấu cơm trưa cho học trò ở các cụm trong làng. Bữa cơm trưa sẽ giúp các em đỡ vất vả hơn trên con đường tìm con chữ. Qua đó, sĩ số các lớp được bảo đảm và chất lượng học tập được nâng cao. Tuy nhiên, số lượng HS đông nên kinh phí còn hạn chế. Do đó, nhà trường cũng mong muốn các mạnh thường quân quan tâm, hỗ trợ để tiếp thêm động lực giúp học trò đến lớp. Cô Hồ Thị Thùy Vân
Thầy cô, những người 'bình thường vĩ đại' Giáo viên còn phải "gồng mình" trước áp lực thành tích; nhiều người ra trường không có việc làm hay chịu mức lương dạy hợp đồng thấp không thể thấp hơn, rất nhiều thầy cô đằng đẵng xa gia đình bám bản, bám trường... Vượt qua vô vàn khó khăn, nhiều giáo viên vẫn quyết sinh nghề tử nghiệp, bất chấp hiểm nguy...