Những ‘phiên khúc’ cá chuồn
Ở những làng ven biển tỉnh Quảng Ngãi, mùa cá chuồn nào cũng mang lại ấm no cho ngư dân bởi loài cá này “đông như kiến”, không khó đánh bắt, tiêu thụ nhanh, dễ kho nấu, lại “biến tấu” được nhiều món ngon.
Ai muốn… thăng tiến thì ăn cá chuồn
Về thăm những làng chài Quảng Ngãi lúc này, bạn sẽ gặp một “miền” cá chuồn trên bãi biển. Có người nói vui rằng, ai muốn… thăng tiến thì cứ ăn cá chuồn, vì loài cá này có cánh, sẽ giúp bạn bay lên. Có người “phiêu” hơn còn nói vợ chồng nào… hiếm muộn nên ăn cá chuồn, vì trong bụng cá chứa cơ man nào là trứng. Với giá tầm 25.000 đồng/kg, cá chuồn xưa nay không làm xót túi tiền của ai cả.
Không chỉ món cá chuồn kho với mít non được in đậm trong sổ tay ẩm thực Quảng Ngãi, cá chuồn còn có những món khác, có hương vị riêng. Thi vị hóa một chút thì gọi là những “phiên khúc” cá chuồn.
Trước hết là món cá chuồn chiên gập được nhiều người biết đến. Giã giập các loại gia vị, cho vào bụng cá, bẻ gập lại rồi chiên mặn thì ngon hết chỗ chê. Miếng cá chuồn được cả “tiểu đội” gia vị hành tỏi ớt tiêu đường mắm làm cho thăng hoa, có thể “đánh tan” cả một nồi cơm to tướng.
Những ‘phiên khúc’ say lòng thực khách
Video đang HOT
Gỏi cá chuồn cũng là món tạo điểm nhấn trong những chiều… chợt thấy rỗng không. Làm cá sạch sẽ, dùng dao sắc lạn lấy thịt hai bên xương sống cá, xắt miếng xeo xéo rồi nhồi với chanh, rắc đậu phộng rang, hành tím, tiêu, ớt, tỏi và trộn đều. Trải miếng bánh tráng mỏng ra, cho một lớp rau sống lên, đặt 4 – 5 miếng gỏi vào giữa rồi cuốn lại chấm với nước mắm cá cơm hay nước mắm chua ngọt sẽ nghe vị cá ngọt ngào hòa quyện trong hương chanh thơm ngát.
Cả hai món nướng và gỏi được dân chài kêu là món “bằng hữu” vì anh em bè bạn xúm xít ngồi bên nhau thật vui. Để “nghệ sĩ hóa” cá chuồn, nhóm bạn hay “dàn trận” dưới bóng dừa khi chiều chưa muộn. Lãng mạn hơn, có nhóm bê nguyên đồ mồi xuống chiếc xuồng con neo bên chân sóng để thưởng thức cá chuồn trong cái bồng bềnh của biển. Không thể không nói đến vài ly “cao gạo” khi ăn những món này. Thật vậy, ăn cá chuồn nướng phải nhâm nhi vài ly cay cay để thêm phần phiêu diêu trong những “phiên khúc” của mùa cá chuồn.
Theo Thanhnien
Nhớ da diết cá hấp cuốn bánh tráng
Ngày Tết càng gần là nỗi nhớ quê của những người viễn xứ lại càng khắc khoải. Đoán chắc lúc này, không ít những người con của miền Trung đang nhớ da diết dĩa cá hấp, chén nước mắm với mấy cọng rau muống xanh tươi trong bữa cơm sum vầy.
Đó là những nguyên liệu đơn giản của món cá biển hấp cuốn bánh tráng. Nghe ra thì thấy "mấy thứ này ở đâu chả có, việc chi phải nhớ?". Vâng, chỉ có người từng trải qua những buổi trưa hè gắn bó với những thớ cá tươi ngon vừa xa biển thì mới thấm thía nỗi nhớ này.
Tết còn cách vài mươi ngày, biển quê nhà thì xa ngàn cây số, mà nỗi nhớ đã... cồn cào bao tử. Thôi thì hãy xắn tay vào bếp cho đỡ thèm.
Linh hồn của món cá biển hấp bánh tráng tất nhiên là cá biển, mà chính xác phải là cá nục và cá bạc má - 2 loại cá mềm thịt mềm cả xương đã làm nên tên tuổi cho món ăn này. Ở Sài Gòn, nếu chẳng thể tìm được loại cá biển mới đánh bắt, bạn cũng nên lựa bằng được những con cá tươi ngon nhất chợ.
Ngoài ra, hãy chọn những con cá nục nhỏ bằng hai ngón tay, vừa đủ để nằm gọn trong cuốn bánh tráng. Còn với cá bạc má, bạn cũng phải chọn cá có độ lớn vừa phải thì cá hấp lên mới ngọt.
Cá được ướp với hành tỏi ớt, cà chua, nước mắm và gia vị
Thời tiết vốn không ưu ái cho mảnh đất khúc ruột đất nước nên người miền Trung từ xưa đã rất giỏi tận dụng các nguyên liệu sẵn có vào món ăn. Có khi, nhờ vậy mà miền Trung mới trở thành "vùng đất thần kinh" của những đặc sản. Cũng vì lẽ đó nên món cá hấp của nơi này cũng rất "dễ tính". Bạn có thể hấp cá với hành lá, hành tây, ớt, thơm, cà chua,... tùy theo sở thích và những nguyên liệu có sẵn trong nhà. Riêng người viết thì thích mùi tanh của cá được "khử" bởi hành tây, dùng cà chua để cá thơm mềm hơn và thêm ớt theo sở thích ăn cay. Nếu cùng sở thích, bạn có thể ướp cá khoảng 15 phút với tỏi, nước mắm nhĩ, bột ngọt, đường và muối. Nhớ là dùng ít gia vị thôi để không lấn át mùi cá và cũng để chén nước chấm của bạn có dịp "trổ tài".
Những cọng rau muống tươi xanh đã sẵn sàng hòa vị cùng cá hấp
Loại rau truyền thống của cá hấp cuốn bánh tráng là rau muống, mà phải là loại rau muống xứ biển thì mới đỉnh. Nếu ở xa biển thì bạn có thể dùng tạm rau muống thủy canh hoặc chọn rau muống tươi, giòn, xanh mướt và có độ lớn vừa phải. Lặt rau muống thành từng khúc sao cho vừa vặn để cuốn, nhặt bớt lá và rửa sạch. Đừng quên ngâm rau với một ít nước đá để giữ độ giòn.
Khi cá đã ngấm gia vị, bạn xếp cá vào dĩa, cho thêm một ít hành tây và cà chua cắt múi. Sau đó, cho dĩa cá vào nồi hấp cách thủy hoặc cho vào lò vi sóng hấp độ 10-15 phút là cá chín. Lưu ý là nên canh cho cá vừa chín tới, nếu hấp lâu cá sẽ bị nứt, nát và mất ngọt.
Trong lúc chờ đợi thì ta chuẩn bị nước chấm với chanh, tỏi, ớt, đường và nước mắm. Khi cá chín, cho thêm vào chén nước chấm một ít nước cá (tiết ra trong quá trình hấp), để nước chấm thêm phần đậm đà.
Với bánh tráng, nếu không có bánh tráng bột sắn đặc sản của miền Trung, bạn có thể dùng bánh tráng bột gạo để thay thế, tuy hương vị có hơi khác nhưng độ ngon thì cũng một chín, một mười.
Sự tham gia của xúc giác trong món cuốn làm cho quá trình thưởng ẩm thêm phần thăng hoa
Xong xuôi hết rồi thì đến giai đoạn... ăn. Người miền Trung ăn cá hấp cuốn bánh tráng đơn giản lắm: Nhúng sơ bánh tráng qua nước, cho cá và rau muống lên, dùng tay cuốn lại, chấm nước mắm là thưởng thức. Với cá bạc má, họ cho từng thớ cá chắc ngọt vào cuốn. Còn với cá nục, nhiều người còn gắp nguyên con lên "thảm" rau muống xanh tươi. Họ bảo, xương cá mềm lắm, ăn vậy mới thấm thía thế nào là "ngon từ thịt, ngọt từ xương".
Cá biển vừa thơm ngọt lại vừa mềm bùi, rau muống vừa tươi vừa giòn, bánh tráng dai dai mặn mặn, nước mắm thì đủ vị ngọt mặn chua cay - chỉ đơn giản vậy thôi mà đã làm nức lòng bao thế hệ.
Phần cá hấp biển cuốn bánh tráng được "nam hóa" với bún và nhiều loại rau
Thiết nghĩ ngon hay không là tùy khẩu vị, món ăn có đúng điệu đúng chất mà bản thân người thưởng thức không thấy ngon miệng thì cũng vô nghĩa. Nếu đã quen với các món cuốn miền Nam, bạn có thể biến tấu một chút, cuốn cá với bún và nhiều loại rau khác như xà lách, xoài, dưa leo, rau thơm, rau quế, húng lủi, diếp cá... Sự tổng hòa hương vị của các loại rau sẽ tạo nên một trải nghiệm rất khác biệt cho món cá hấp cuốn bánh tráng mà ngay cả những người "bảo thủ" nhất cũng muốn thử qua.
Theo Amthuc365
Cá chuồn kho măng nức lòng người thưởng thức Cá chuồn là một đặc sản nổi tiếng của các tỉnh ven biển miền Trung, trong khoảng từ tháng 5 đến tháng 7 chính là mùa cá chuồn rộ nhất. Cá chuồn có thể kết hợp chế biến với nhiều loại thực phẩm khác nhau trong đó cá chuồn kho măng có lẽ là món ăn ghi lòng người thưởng thức nhất bởi...