Những người kẹt lại thành phố mùa dịch
Không việc làm, không thu nhập, cũng không thể về quê, nhiều lao động tự do đang mắc kẹt ở thủ đô, sống lay lắt trong những ngày đại dịch căng thẳng.
Chị Nguyễn Thị Sáu mở tủ lạnh, kiểm lại chỗ thực phẩm của hai mẹ con. “Một mớ rau muống và mấy quả trứng, chắc là đủ cho hai ngày nữa”, người phụ nữ 47 tuổi nói. Mấy tháng nay, chị và con gái 12 tuổi sống nhờ vào sự trợ giúp của các Mạnh Thường Quân và hàng xóm.
Trừ lúc ăn cơm và ngủ, những ngày bị giãn cách chỉ ở nhà, Yến Nhi thường chỉ ngồi ôm chân, mỏi quá mới nằm ra sàn nhà. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Nhiều năm nay, người phụ nữ quê Hưng Yên thuê căn phòng 15 m2 ở cổng sau bệnh viện K Tam Hiệp, Thanh Trì để ở và kết hợp bán đồ ăn, duy trì cuộc sống cũng như lấy tiền chữa ung thư mắt cho con. Điều trị hơn 10 năm, Yến Nhi – con gái chị – không còn đáp ứng phác đồ nào. Để kéo dài sự sống, cô bé sử dụng một loại thuốc từ Sài Gòn gửi ra, mỗi tháng hết 6 triệu đồng. Đó là khoản chị Sáu có thể lo được trong thời điểm còn bán hàng.
Đầu tháng 5, Hà Nội yêu cầu quán ăn vỉa hè dừng hoạt động khi ghi nhận 3 ca Covid-19. Cũng từ đó, chị Sáu không kiếm nổi một đồng. Nhi cũng không được dùng thuốc, những cơn đau bắt đầu ập đến. Mỗi khi lên cơn, cô bé thường tự đấm vào mắt, cào cấu khắp người, dùng kéo tự cắt tóc. Những lúc như vậy, chị Sáu lại sang hàng xóm vay nóng 2 triệu đồng đưa con vào viện tiêm morphine giảm đau, nhưng chỉ được vài bữa. Túng quá, có lần chị lén lút bán hàng, bị phát hiện và phạt 3 triệu đồng. Chị lại chạy đi vay. Đến hạn, chủ nợ đến đòi nợ nhưng thấy hoàn cảnh hai mẹ con, họ lại bỏ về.
Suốt hai đợt Hà Nội giãn cách theo Chỉ thị 16, con bé Yến Nhi gần như “mọc rễ” ở xó nhà gần cái máy giặt, không nói, không cười cũng không cho ai đụng vào người. Hàng xóm nhiều lần hỏi có quê sao không về, chị Sáu nói giờ về không có việc, cũng chẳng còn tiền, hơn nữa ở lại, con gái đau quá còn chạy được vào viện. “Các bác sĩ đã nhẵn mặt hai mẹ con, nên biết con cần thuốc gì”, chị nói.
Nhóm của chị Lý có 15 người, cùng trọ trong căn phòng rộng 30m2, nam ở một góc, nữ ở một góc. Ảnh: Lê Thanh Tùng.
Không có ý bám trụ thành phố nhưng chị Lê Thị Lý, 39 tuổi, cùng chồng và 13 người cùng quê Thiệu Phú, Thiệu Hóa, Thanh Hóa vẫn phải ở lại vì phòng trọ nằm đúng vùng phong tỏa.
Họ lên Hà Nội làm thợ xây và phụ hồ. Cả nhóm, người trẻ nhất 17 tuổi, già nhất 51 tuổi thuê chung một phòng trọ 30 m2. Mới làm năm ngày, chưa được chủ thầu trả đồng nào thì Hà Nội giãn cách. Không được ra ngoài, 15 người cả ngày quanh quẩn trong phòng trọ lợp hoàn toàn bằng tôn, bỏng rát khi nắng chiếu xuống. Mấy ngày này, những chiếc quạt không đủ sức xua đi cái nóng phòng trọ khiến tất cả đều bơ phờ như cá ngạt nước. Nhưng nóng không phải nỗi lo duy nhất. Không làm việc, không có thu nhập, vẫn phải chi tiền ăn uống. Ban đầu, mỗi người đóng cho chị Lý 60.000 đồng một ngày. Dần dà, tiền ăn giảm còn nửa, rút xuống còn hai bữa nhưng đã có người xin nợ mấy ngày.
Hai ngày nay, nhóm lao động mắc kẹt ở thành phố này được phường hỗ trợ ít rau và gạo, nhưng nỗi lo của chị Lý không giảm. “Nếu giãn cách kéo dài, vài bữa nữa chẳng ai còn tiền mua thức ăn. Chưa kể tiền trọ, điện, nước…”, chị Lý kiểm đếm những khoản phải trả thời gian tới, giọng lí nhí.
Video đang HOT
Kể từ đầu đợt dịch đến nay, ngày nào Nguyễn Thị Thanh, ở quận Thanh Xuân cũng gọi điện cho bố mẹ. Chỉ cần nghe hai từ “bình thường”, cô mới dám thở mạnh.
Thanh là gia sư, chồng làm tự do, dịch bệnh khiến công việc của cả hai bị đình trệ, thu nhập giảm đến ba phần tư. “Mấy tháng nay, tôi không còn tiền gửi về cho bố mẹ”, bà mẹ hai con nói. Bố Thanh bị tâm thần, mẹ hở van tim, phẫu thuật cách đây không lâu. Bố chồng cũng bị tai biến cần người phục vụ. Ở Hà Nội nhưng tâm trí cô chia hai nơi, một quê đẻ ở Nam Định, một quê chồng ở Hà Tĩnh.
Từ ba năm trước, những biến cố về sức khỏe của bố mẹ hai bên cùng việc hai đứa con liên tiếp chào đời khiến khoản tích cóp của hai vợ chồng trở về số 0.
Thanh bên cô con gái được 6 tháng tuổi. Gia đình 4 người của cô đang thuê trọ tại Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Chăm người chồng bệnh tật, mẹ Thanh mỗi tháng được trợ cấp 800.000 đồng. Trước khỏe bà còn làm ruộng, sau mổ tim chỉ ngồi cắt cá khô tại nhà, ngày thêm 50.000 đồng tiền rau dưa, giờ dịch cũng nghỉ. Biết bố mẹ không đủ chi tiêu, con gái hàng tháng gửi về 1,5- 2 triệu đồng, chủ yếu để ông bà mua thức ăn bồi dưỡng và hỗ trợ tiền thuốc. Nhưng dịch bệnh, giờ số tiền đó cô cũng không xoay đủ.
Hai tuần Thanh mắc kẹt Hà Nội, bố đẻ có lần nuốt dao lam nhưng may khạc ra được. Đôi lần ông lên cơn, phá làng xóm bị người ta đến tận nhà bắt đền. Nhận thông báo từ người chú, cô gọi về chỉ nghe tiếng mẹ thở hắt: “Mẹ vẫn lo được, không cần gửi tiền”. Tắt máy, Thanh òa khóc.
Mấy ngày trước, có người bạn đang ở khu cách ly, bố mất không về được khiến Thanh cả đêm lo lắng, sợ việc đó xảy ra với mình. Giờ cô ngồi đếm từng ngày Hà Nội hết giãn cách để về quê. “Nhỡ một trong hai người ốm thì còn có con bên cạnh”, cô nói.
Thông tin dịch bệnh tại Hà Nội gần đây khả quan hơn khiến hy vọng ngày trở về của Thanh càng thêm gần. “Mẹ tôi đang yếu dần, lại phải chăm bố phá phách suốt ngày khiến bà càng thêm mệt”. Cô con gái duy nhất chỉ sợ mẹ không đủ sức, nằm xuống trước khi cô trở về thì cả nhà ai cũng khổ.
Bốn tháng trước, khi vẫn bận rộn bán hàng, chị Sáu nghĩ có ngày mình sẽ kiệt sức vì làm việc. Ngày chị bán hàng, nấu ăn, chăm sóc con gái, tối muộn vẫn chuẩn bị nguyên liệu cho ngày hôm sau. Từ khi quán đóng cửa, quanh quẩn trong căn phòng 15 m2, chị thấy mệt hơn. “Giờ mới hiểu, không có tiền khiến tôi kiệt sức nhanh nhất”.
Trước những khó khăn của lao động tự do, TP Hà Nội đã có chính sách hỗ trợ (Nghị quyết 68 – gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng), mỗi người 1,5 triệu đồng. Đến ngày 12/8, hơn 5.100 người đã nhận được tiền. Tuy nhiên, việc hỗ trợ cho nhóm này chưa thể tiến hành do giãn cách xã hội. Nhiều lao động gặp khó bởi thủ tục quy định chặt chẽ, yêu cầu xin xác nhận không hưởng tại nơi thường trú để hưởng tại nơi tạm trú và ngược lại. Nhiều lao động tự do cũng không có đăng ký tạm trú để được vào danh sách hỗ trợ.
Đề xuất gỡ 'rào cản' thủ tục hỗ trợ lao động tự do
Chuyên gia đề xuất bỏ quy định yêu cầu lao động tự do phải về quê xin xác nhận khi làm thủ tục hưởng chính sách hỗ trợ 1,5 triệu đồng.
Ngày 12/8, Hội liên hiệp phụ nữ TP Hà Nội và Viện phát triển sức khỏe cộng đồng (Light) cùng Oxfam tại Việt Nam tổ chức tọa đàm trực tuyến về triển khai chính sách an sinh cho lao động gặp khó khăn do Covid-19.
Bác sĩ Nguyễn Thu Giang, Viện phó phát triển sức khỏe cộng đồng, cho hay Viện đã khảo sát các nhóm lao động di cư và họ cho biết chưa nhận được hỗ trợ trong khi không còn tiền tích lũy. Nhiều người sống nhờ vào nhu yếu phẩm thiện nguyện và thậm chí không có smartphone để cập nhật chính sách.
Một trong những rào cản khiến lao động tự do khó tiếp cận chính sách từ gói 26.000 tỷ đồng, theo bà Giang, là "các thủ tục như yêu cầu về quê, nơi thường trú để xin xác nhận nếu thụ hưởng tại nơi tạm trú và ngược lại".
Chuyên gia này băn khoăn đúng là cần chống trục lợi chính sách (một lao động hưởng hỗ trợ cả hai nơi thường trú và tạm trú), song "đây là thời điểm họ khó khăn nhất, cần được hỗ trợ ngay".
Bà Nguyễn Thu Giang đề xuất Hà Nội thay đổi cách xác nhận, thay vì yêu cầu người lao động tự xin ở quê thì chính quyền sở tại thực hiện. Ảnh: Chụp lại màn hình tọa đàm
Bà Giang đề xuất Hà Nội xem xét bỏ hoặc thay đổi thủ tục. Lao động tự do khi nhận hỗ trợ 1,5 triệu đồng có thể làm cam kết (kèm giấy tờ tùy thân) chỉ nhận một lần, nếu nhận hai lần sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Xã, phường Hà Nội chi tiền hỗ trợ, sau đó gửi xác nhận về quê lao động để chính quyền địa phương nắm thông tin, không chi trả thêm lần nữa.
"Thay vì bắt người lao động đang khó khăn phải xác minh nhân thân, thì chính quyền nên chủ động thực hiện và hoàn toàn có thể làm được", bà nói.
Ông Nguyễn Hồng Dân, cho biết việc chi trả hỗ trợ cho lao động tự do như chưa kỳ vọng nguyên nhân sâu xa từ giãn cách xã hội. Ảnh: Chụp lại màn hình tọa đàm
Ông Nguyễn Hồng Dân, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội, nói thành phố đã đôn đốc các quận, huyện nhanh chóng triển khai nghị quyết 68 (gói 26.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, một số nơi báo cáo lại là thành phố đang giãn cách xã hội nên người lao động chưa ra khỏi nhà để làm hồ sơ. Sở cũng đã nhận được nhiều phản ánh về vướng mắc khi triển khai hỗ trợ cho nhóm lao động tự do.
Lấy ví dụ một người ngoại tỉnh tạm trú ở Hà Nội, đã nhận hỗ trợ 1,5 triệu đồng rồi vẫn có thể về quê hưởng tiếp nếu không có xác nhận, ông Dân giải thích Hà Nội đề ra thủ tục "xác nhận của nơi thường trú" nhằm thực hiện chủ trương tiền phải đến đúng người.
"Chúng tôi đề nghị cấp cơ sở lập hội đồng xét duyệt, công khai để người dân giám sát xem có đúng người hưởng không", ông Dân nói.
Trước phản ánh do giãn cách nên lao động khó về quê xin xác nhận, ông Dân nói Sở sẽ nghiên cứu phương thức xét duyệt bằng cách để người dân viết cam kết bằng tay. Lao động thường trú hay tạm trú trên địa bàn do công an phường xác định. Trên cơ sở đó, xã phường tập hợp danh sách, lao động ở nơi nào thì gửi thông báo về nơi ấy với nội dung "đã chi trả khoản này". Song việc bãi bỏ hoặc thay đổi thủ tục không thuộc thẩm quyền, Sở sẽ ghi nhận, tiếp thu đề xuất và trình lại với UBND TP Hà Nội để tháo gỡ kịp thời.
Nhưng để thực hiện được, ông Dân kiến nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cần liên thông dữ liệu để tránh trùng lặp. Nếu lao động thường trú cùng địa bàn Hà Nội thì dễ kiểm tra, nhưng nếu quê quán và tạm trú khác nhau, Bộ phải chỉ đạo các tỉnh cùng làm để dữ liệu thống nhất.
Người lao động chen chân chờ nhận nhu yếu phẩm từ thiện tại đường Mỹ Đình, sáng 7/8. Ảnh: Tùng Đinh
Chia sẻ về cách đẩy nhanh hỗ trợ lao động tự do , bà Nguyễn Thị Hồng Loan, cán bộ phụ trách công tác giảm nghèo phường 15, Quận Gò Vấp (TP HCM) nói phường làm hết sức đơn giản. Theo đó, việc yêu cầu người lao động cần có xác nhận không thụ hưởng tại nơi thường trú là bất cập từ thời gói 62.000 tỷ đồng (năm 2020). Năm nay, thành phố bãi bỏ quy định này và cởi mở trong hỗ trợ, không phân biệt thường trú, tạm trú, qua đó giúp phường mạnh dạn hơn trong khâu thủ tục.
"Ngay từ ban đầu, chúng tôi đã phổ biến cho tổ dân phố, các Tổ Covid cộng đồng linh hoạt trong cách xác minh. Ví như người ta đi bán dạo khắp nơi, ngành nghề đa dạng lắm, nên chỉ cần xác minh rằng họ bán dạo đúng như vậy là được hỗ trợ rồi", bà Loan chia sẻ.
Lao động tự do đang khó khăn chỉ cần liên hệ với tổ trưởng dân phố, kê khai ngành nghề cụ thể, cung cấp chứng minh thư/căn cước kèm đăng ký tạm trú (nếu có). Nếu người dân không có tạm trú thì tổ trưởng dân phố lập danh sách, chuyển cho cảnh sát khu vực xác nhận đây là những người đang cư trú tại phường, rồi chuyển lên phường xét duyệt. Phường cũng không sợ bị trùng lặp hoặc một người được hưởng nhiều lần, bởi khi nhập dữ liệu, hệ thống báo số chứng minh thư hoặc thông tin của người này đã có, phường bỏ ra là xong.
Tại tọa đàm, đại diện Hội Liên hiệp phụ nữ TP Hà Nội và Viện phát triển sức khỏe cộng đồng khuyến nghị ngoài gói hỗ trợ chung, thành phố cần đẩy mạnh nhiều chính sách khác, như công bằng trong tiếp cận vaccine, dinh dưỡng cho phụ nữ, trẻ em nghèo...
Hà Nội hỗ trợ lao động tự do 1,5 triệu đồng. Điều kiện người nhận hỗ trợ phải đủ 15 tuổi trở lên, cư trú hợp pháp và bị mất việc làm do tạm dừng hoạt động theo quyết định chống dịch của thành phố, từ 1/5 đến 31/12.
Lao động tự do bị cách ly, cư trú trong khu vực bị phong tỏa theo quyết định của cấp có thẩm quyền (trừ người hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng) cũng trong diện hưởng hỗ trợ.
Lao động lập hồ sơ theo mẫu gửi đến UBND cấp xã, phường nơi cư trú hợp pháp sau ngày 15 hàng tháng. Hồ sơ gồm có đơn đề nghị hỗ trợ; bản photo sổ hộ khẩu hoặc giấy xác nhận tình trạng cư trú do công an xã, phường cấp; nếu nơi thường trú và tạm trú khác nhau, người lao động muốn hưởng trợ cấp tại nơi tạm trú phải xin giấy xác nhận không hưởng tại nơi thường trú và ngược lại.
Tối đa 10 ngày sau khi nhận được hồ sơ, chính quyền hai cấp xã, huyện phải rà soát, thẩm định và chi trả tiền tới tay người lao động. Danh sách người đủ điều kiện được niêm yết công khai. Thời gian xét duyệt hồ sơ chậm nhất ngày 31/1/2022.
Nhiều lao động gặp khó khi làm thủ tục nhận 1,5 triệu đồng Nhìn thấy tờ kê khai các thủ tục tổ trưởng dân phố đưa cho, anh Hòa hoa mắt, muốn bỏ ngay ý định xin hỗ trợ dành cho lao động tự do bị ảnh hưởng bởi Covid-19. 9h sáng 11/8, anh Vũ Thái Hòa ra UBND phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, xin mẫu đơn, hỏi về thủ tục hỗ trợ lao...