Những món ăn đặc trưng cho ẩm thực ngày Tết Việt Nam
Mâm cỗ đặc trưng ngày Tết không chỉ đơn thuần là những món ăn, đồ uống mà còn thể hiện rất nhiều ý nghĩa tâm linh mang đậm nét truyền thống của người Việt nói riêng và người Á Đông nói chung.
Bánh chưng, món ăn truyền thống trong mỗi gia đình nhân dịp Tết Cổ truyền.
Tết là dịp để gia đình sum họp, con cháu thể hiện lòng thành kính tri ân, để vui vẻ hưởng thụ sau một năm làm việc vất vả và nguyện ước cho năm mới suôn sẻ, hạnh phúc, thành công. Tất cả những ý nghĩa này được thể hiện qua nhiều phương diện như cách trang trí, sắp xếp nhà cửa… và thể hiện qua cả những món ăn đặc trưng cho ẩm thực ngày Tết Việt Nam.
Có lẽ vì vậy mà người Việt ta xưa nay thường gọi là ăn Tết, hiếm ai lại gọi là lễ Tết. Mâm cỗ đặc trưng ngày Tết chính vì thế không chỉ đơn thuần là những món ăn, đồ uống mà còn thể hiện rất nhiều ý nghĩa tâm linh mang đậm nét truyền thống của người Việt nói riêng và người Á Đông nói chung.
Bên cạnh câu đối đỏ, hoa mai, hoa đào nở rộ khắp nẻo đường, ẩm thực ngày Tết với bánh chưng, bánh tét, dưa hành cũng là nét văn hoá đa dạng, phong phú và mang đậm dấu ấn Việt.
Bánh chưng, bánh Tét
Bánh chưng: Nhắc đến Tết là người ta nhắc đến bánh chưng xanh. Một món ăn truyền thống mà trong mỗi gia đình đều có, không phân địa vị, không kể giàu nghèo cứ đến Tết là mỗi nhà đều có bánh chưng. Từ xa xưa, thời vua Hùng dựng nước, bánh chưng xanh đã là món ăn không thể thiếu được trong dịp Tết cổ truyền của người Việt ta.
Ở miền Bắc, từ khoảng giữa tháng Chạp, nhiều nhà đã chuẩn bị đậu xanh, lá dong, gạo nếp, ống giang để chẻ lạt gói bánh chưng. Ai nấy đều cố gắng chuẩn bị những nguyên liệu tốt nhất để bánh chưng nhà mình Tết đó được thơm ngon nhất.
Nguyên liệu làm bánh chưng khá cầu kỳ, tùy thuộc mỗi nơi và có thể tăng giảm những nguyên liệu khác nhưng nhất định phải có là gạo nếp cái hoa vàng, đậu xanh, lá dong, thịt ba chỉ và các loại gia vị khác. Nguyên liệu phải sạch, chuẩn bị kỹ lưỡng thì bánh chưng gói xong mới xanh, mới dẻo và thơm lại bảo quản được lâu mà không bị hư hỏng.
Thường thì mỗi nhà vẫn tự gói bánh chưng trong mỗi dịp xuân về. Gói bánh chưng không chỉ là chế biến một món ăn trong dịp Tết mà đó còn là một dịp để gia đình sum họp, quây quần bên nhau. Bên bếp lửa hồng, bên nồi bánh chưng đang sôi trên bếp, mỗi thành viên trong gia đình kể cho nhau nghe về những điều đã qua, những dự định tương lai và bao câu chuyện khác. Từ đó tình cảm gia đình thêm gắn kết, bền chặt hơn.
Bánh tét: Nếu ở miền bắc đón Tết bằng bánh chưng xanh thì miền Nam cũng đón Tết bằng những cặp bánh tét. Dù gia đình có khó khăn đến mấy, cuối năm người Nam Bộ vẫn gói được năm bảy đòn bánh tét để đặt lên bàn thờ cúng tổ tiên, biếu cha mẹ, anh em, họ hàng rồi xóm giềng thân thiết.
Video đang HOT
Nguyên liệu cũng không khác gì bánh chưng nhưng bánh tét không vuông mà lại dài hình trụ, nhìn giống cây giò lụa, bánh được gói bằng lá chuối chứ không phải lá dong như bánh chưng. Bánh thường đi theo đôi, theo cặp để khi bày bàn thờ cúng tổ tiên hay đem biếu tặng người thân mang ý nghĩa may mắn, tốt lành.
Không chỉ nguyên liệu truyền thống là lá chuối, gạo nếp, đậu xanh, thịt ba chỉ mà tùy vào khẩu vị mỗi gia đình lại có những cách chế biến sáng tạo như bánh tét nhân chuối, nhân đậu đen, nhân thập cẩm…
Như một nét văn hóa của người Nam Bộ từ thuở khai hoang, lập cõi đến nay, gói bánh tét như một món ăn chắt chiu những gì tinh túy mà gần gũi nhất trong nông nghiệp để tạ ơn thần đất, ông bà tổ tiên…
Dưa hành, dưa món và củ kiệu muối
Dưa hành: Món ăn dân giã cũng không thể thiếu trong dịp Tết. Câu ca xưa truyền bao đời nay về Tết Việt đó là “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.” Dưa hành ăn cùng bánh chưng, thịt đông, thịt luộc… những đồ ăn béo, dễ ngấy và khó tiêu để làm tăng hương vị, lại dễ tiêu hóa thức ăn trong những ngày Tết.
Ở miền Trung và miền Nam thì lại chính là món dưa món và kiệu muối. Tác dụng cũng giống như dưa hành của miền Bắc nhưng củ kiệu chua ngọt và dưa món lại mang hương vị khá đặc biệt, phù hợp với ẩm thực miền Trung và Nam Bộ. Nhờ món dưa món và củ kiệu mà mâm cỗ Tết ở miền Trung và Nam hấp dẫn, ngon miệng hơn rất nhiều.
Thịt đông, thịt kho tàu
Thịt đông là món đặc trưng của Tết cổ truyền miền Bắc với tiết trời lạnh. Trời càng lạnh, ăn món này lại càng ngon. Thịt đông thường được nấu từ thịt chân giò cùng với nấm hương, mộc nhĩ, vừa béo ngậy lại vừa thơm ngon, càng ăn càng thấy hấp dẫn. Đặc trưng của món thịt đông là phải nấu thật nhừ, đến khi có một lớp mỡ sánh trên bề mặt thì mới đạt tiêu chuẩn.
Thịt đông, món ăn đặc trưng của người miền Bắc.
Người miền Nam lại đón Tết không thể thiếu món thịt kho tàu. Thịt lợn được lấy là phần ba chỉ ngon nhất, kho chung với trứng vịt hoặc trứng cút, Người Nam bộ coi món thịt kho tàu có ý nghĩa cho gia đình yên ấm, thịnh vượng, đó là món ăn giản dị, thân quen gắn bó với các thành viên trong gia đình.
Giò chả
Là một món ăn quen thuộc và phổ biến trong dịp Tết trên khắp cả nước ta. Trong những ngày Tết bận rộn, khi khách đến chơi nhà, chỉ cần sắp một đĩa giò ra đĩa, ăn cùng bánh chưng và dưa hành hoặc củ kiệu là đã có ngay món ngon đãi khách.
Có ba loại giò phổ biến nhất là giò lụa, giò xào (giò thủ) và giò bò (dùng nhiều ở Tết miền Trung). Mỗi loại có mỗi hương vị thơm ngon khác nhau nhưng đều thơm ngon ai nấy đều yêu thích.
Nem rán nhìn thì đơn giản, nguyên liệu cũng không khó kiếm nhưng lại thể hiện hết những tài hoa, tinh tế của người chế biến nó. Nem là món ăn quen thuộc và phổ biến ở tất cả các vùng miền trên cả nước.
Nguyên liệu chính là thịt nạc băm nhỏ, miến, nấm hương, trứng, hành lá, giá đỗ… trộn đều cùng nhau, nêm nếm gia vị rồi đem gói vào từng chiếc bánh tráng tròn trịa rồi đem chiên vàng. Tùy vào khẩu vị và sở thích mà các nguyên liệu và gia vị có thể tăng giảm cho vừa miệng.
Ở miền Nam, nem rán còn có tên gọi là chả giò hay miền Trung được gọi là chả cuốn. Trong mâm cỗ Tết, món nem rán thì đó chính là món đắt khách nhất, được nhiều người yêu thích nhất.
Ngoài ra, còn rất nhiều những món ăn đặc trưng trong dịp Tết Việt Nam như các loại mứt Tết, canh măng, canh bóng thả, chân giò ngâm nước mắm, bò kho mật mía… Mỗi món ăn đều là một nét đẹp trong văn hóa ẩm thực mỗi vùng miền, đều gợi nhớ những hương vị khó quên, để mỗi dịp Tết về, lại mong muốn được thưởng thức những món ăn thật ngon, thật đậm đà phong vị Tết.
Món ăn truyền thống ngày Tết Việt làm từ đất sét
Hơn 20 đặc sản ngày Tết ba miền Bắc - Trung - Nam từ bánh tét, bánh chưng, xôi gấc đến gà luộc... được anh Nguyễn Tấn Đạt (quận 3, TP.HCM) làm bằng đất sét với kích thước thật.
Căn phòng nhỏ chừng 7-8 m2 ở một chung cư giữa trung tâm TP.HCM là nơi trưng bày những món ngon ngày Tết truyền thống người Việt bằng đất sét. Bộ sưu tập với khoảng hơn 20 món ăn từ bánh chưng, bánh tét, dưa hấu, dưa kiệu, thịt kho trứng đến nem chả... được anh Nguyễn Tấn Đạt sáng tạo, thực hiện trong vòng một tháng.
Với anh, khâu khó nhất là chọn món tiêu biểu, đặc trưng của mỗi vùng miền. Trước khi bắt tay vào thực hiện, anh mất khá nhiều thời gian tìm hiểu lịch sử, văn hóa Việt Nam để truyền tải hình ảnh chân thật, gần gũi nhất. Mỗi món ăn làm từ đất sét mất khoảng 1-2 mới hoàn thiện, qua các công đoạn như tạo hình, sơn màu, phủ keo, xịt bóng...
Chẳng hạn như đĩa thịt kho trứng, anh Đạt tạo hình các miếng thịt, trứng trước, đợi đất sét cứng hoàn toàn thì gắn vào đĩa, cố định bằng keo nhựa Epoxy. Để tác phẩm đất sét trông như thật, chủ nhân các tác phẩm phải kết hợp thêm nhiều vật liệu như keo nến, bột mì. Món ăn đựng trong chén đĩa gốm Lái Thiêu mộc mạc để gợi nhớ những điều thân thuộc.
Vốn là một nghệ nhân làm tranh cá 3d, cái duyên đến với đất sét của anh khá tình cờ. "Đợt dịch Covid-19 vừa rồi, nguồn tiêu thụ sản phẩm giảm hẳn, tôi có nhiều thời gian rảnh hơn nên quyết định làm thử các món ăn miền Tây mà mình ấn tượng, không ngờ được nhiều người quan tâm, thích thú với mô hình bằng đất sét này", anh kể với Zing .
Ý tưởng làm mâm cỗ Tết xuất phát từ một người chị ở nước ngoài không thể về quê đón năm mới, chị muốn con mình hiểu hơn về những những món ngon truyền thống của dân tộc. "Hơn cả một tác phẩm dùng để trưng bày, tôi muốn lưu giữ giá trị truyền thống, mang văn hóa Tết Cổ truyền đến gần hơn với các bạn trẻ".
Mâm cơm Tết thể hiện sự tinh tế và kỳ công của nét ẩm thực phương Bắc. Dù đã có nhiều thay đổi, bữa cơm ngày đặc biệt trong năm vẫn không thể thiếu gà luộc, dưa hành, nem rán, giò xào, thịt đông, xôi gấc hay bánh chưng...
Nếu ngày Tết miền Bắc có bánh chưng trên mâm cỗ thì ở miền Trung, miền Nam không thể thiếu món bánh tét. Ngoài ra, những món ăn ngày Tết của khu vực phía Nam phong phú, phù hợp với khí hậu không có mùa đông lạnh. Bạn có thể thưởng thức thịt kho trứng, củ kiệu tôm khô, bánh chưng, nem chua, khổ qua...
Sự đa dạng là điểm quan trọng trên mâm cơm miền Trung, nhất là trong dịp Tết. Mâm cỗ Tết của người miền Trung luôn nhiều sắc màu, với sự hiện diện của thịt gà luộc, thịt heo, chả giò, nem, chả, bì tré...
Nồi thịt kho măng ngày Tết Chưa đến tháng Chạp, đi chợ đã thấy người ta bày bán măng khô, hỏi sao có măng sớm thế thì nghe trả lời, bây giờ, người ta bán hàng ngày cô ơi. Măng còn được ngâm mềm sẵn, ai cần thì mua về, chỉ việc kho thịt bỏ măng vào là xong. Chợt nhớ bây giờ đã khác xưa, những thứ ngày...