Những ‘chiến binh xanh’ và cuộc chiến ở phòng DSA
Mang sứ mệnh hồi sinh những trái tim trước nguy cơ ngừng đập, họ ngày ngày miệt mài trong phòng DSA, sẵn sàng lao mình vào các cuộc chiến cứu người thần tốc
Mang sứ mệnh hồi sinh những trái tim trước nguy cơ ngừng đập, những bác sĩ khoác bộ “áo giáp xanh” ngày ngày miệt mài trong Phòng Tim mạch can thiệp – DSA, sẵn sàng lao mình vào các cuộc chiến cứu người thần tốc
Hai giờ sáng, con đường Phổ Quang ( quận Tân Bình, TP HCM) đang tĩnh lặng trong màn đêm thì bừng tỉnh bởi tiếng còi xe cứu thương từng đợt réo vang. Chiếc xe cấp cứu lao vun vút đến Bệnh viện Tâm Anh, chở người đàn ông 49 tuổi bị nhồi máu cơ tim cấp.
Chạy đua với thời gian
Nghe tín hiệu kích hoạt toàn viện về trường hợp nhồi máu cơ tim nguy kịch, ê-kíp bác sĩ tim mạch can thiệp – Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh từ phòng trực lao xuống Khoa Cấp cứu, sẵn sàng các phương án cứu chữa cho bệnh nhân trong “giờ vàng”.
Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Ngọc Long, Giám đốc Trung tâm Can thiệp mạch – Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Chiếc xe vừa đỗ xịch trước cổng bệnh viện, các bác sĩ nhanh chóng đón bệnh nhân. Người thân kể trước đó 40 phút, ông T. tỉnh giấc giữa đêm vì cơn đau thắt ngực dữ dội, mỗi cơn kéo dài 5-10 phút với mức độ tăng dần kèm biểu hiện khó thở, vã mồ hôi. Triệu chứng kéo dài nửa giờ không hết, ông T. được đưa đến bệnh viện.
Video đang HOT
Từ phải sang trái: Các bác sĩ Minh, Hiếu, Kiên, Trung làm thủ thuật trong phòng DSA
Bệnh nhân được siêu âm đánh giá chức năng tim, đo điện tâm đồ khẩn cấp, ghi nhận tình trạng nhồi máu cơ tim. Bác sĩ cho người bệnh uống thuốc chống kết tập tiểu cầu giúp giảm hình thành cục máu đông rồi chuyển lên Phòng Tim mạch can thiệp – DSA chụp mạch vành. Kết quả cho thấy động mạch vành phải tắc hoàn toàn do huyết khối, cần can thiệp hút huyết khối, đặt stent ngay để tránh đột tử do ngưng tim.
Sau khi xin ý kiến từ bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Ngọc Long, Giám đốc Trung tâm Can thiệp mạch; ThS-BS chuyên khoa II Võ Anh Minh, Phó Khoa Can thiệp mạch; cùng các đồng nghiệp gồm ThS-BS Phạm Hoàng Trọng Hiếu, ThS-BS Trần Trung Kiên, BS Dương Thanh Trung… tiến hành thủ thuật khơi thông mạch vành tắc nghẽn cho người bệnh.
Sau 3 chu kỳ hút huyết khối, lòng mạch được làm sạch, tạo điều kiện để ê-kíp đặt stent vào vị trí mạch vành phải bị tắc, khơi thông dòng máu nuôi tim, giúp hồi sinh trái tim cho bệnh nhân trong gang tấc.
Chứng kiến bệnh nhân hồi sinh ngoạn mục dù đã đặt một chân vào cửa tử, ê-kíp bác sĩ thở phào nhẹ nhõm. Lúc này, họ mới nhận ra dù đứng giữa phòng DSA với nhiệt độ không quá 16 độ C, khoác trên mình bộ “áo giáp xanh” nặng gần 10 kg, những giọt mồ hôi đã lấm tấm đầy trên trán, thái dương, tuôn đẫm lưng tự bao giờ. Tuy vậy, chẳng ai thấy mệt mỏi mà chỉ có cảm giác hạnh phúc ngập tràn.
BS Võ Anh Minh cho biết ông T. là một trong những ca nhồi máu cơ tim trẻ tuổi được điều trị thành công nhờ đến viện sớm và cấp cứu nhanh chóng, can thiệp thần tốc. Tổng thời gian từ lúc bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đến khi can thiệp xong chưa đến 2 giờ. Nhờ được điều trị trong giờ vàng, ông T. bị tổn thương cơ tim rất ít, khỏe mạnh xuất viện sau 2 ngày.
Phòng DSA là ngôi nhà thứ hai
Gần 40 năm học tập và công tác trong lĩnh vực can thiệp mạch, bác sĩ Huỳnh Ngọc Long đã trải qua đủ cung bậc cảm xúc của người thầy thuốc khi chứng kiến bệnh nhân chiến đấu trước lằn ranh sinh tử: Lo lắng – ở thời khắc nhận được tin báo có ca cấp cứu nhồi máu cơ tim; khẩn trương – trong quá trình điều trị thần tốc để cứu người bệnh; hạnh phúc – khi ca can thiệp thành công, người bệnh tỉnh táo như chưa từng xảy ra biến cố; day dứt – vì không thể cứu chữa vẹn toàn cho những người bệnh chậm trễ đến viện bỏ lỡ “giờ vàng”.
Dù gặp những trường hợp khó đến đâu, dù bệnh nhân chỉ có không quá 10% cơ hội sống, bác sĩ Long vẫn tự tin làm mọi thứ có thể, vì bên cạnh ông có những cộng sự giỏi và tâm huyết với nghề. Họ là những bác sĩ thế hệ 8X, 9X năng động, tạo thành một tập thể đồng sức, đồng lòng, luôn đặt sinh mạng người bệnh làm ưu tiên hàng đầu.
Hơn 10 năm làm nhiệm vụ trong phòng DSA, ThS-BS chuyên khoa II Võ Anh Minh nhớ mãi một cụ bà 89 tuổi bị nhồi máu cơ tim trên nền bệnh viêm phổi, suy thận nặng. Đây là trường hợp tắc hẹp toàn bộ hệ mạch máu chính nuôi tim, muốn đạt hiệu quả điều trị tối ưu thì buộc phải can thiệp tái thông dòng máu. “Nhưng bệnh nhân ở độ tuổi U90, không chỉ viêm phổi mà còn bị suy thận mạn giai đoạn 3B (chức năng thận chỉ còn 30% – 44%), nếu tiến hành thủ thuật sẽ tiềm ẩn nguy cơ suy thận nặng thêm, phải chạy thận nhân tạo sau can thiệp; đồng thời huyết áp có nguy cơ tụt sâu và tim có thể ngừng đập bất cứ lúc nào” – BS Minh lo ngại.
Bản thân bệnh nhân và gia đình đều mong muốn điều trị nội khoa, tránh can thiệp xâm lấn để không ảnh hưởng sức khỏe tổng thể. Bằng kinh nghiệm nhiều năm thực hiện các ca thủ thuật khó, BS Minh cùng đồng nghiệp kiên trì giải thích cho gia đình, thuyết phục họ tin tưởng giao sinh mạng người bệnh cho ê-kíp. Cuối cùng, họ nhận được cái gật đầu tin cậy.
“Đó là một trong những ca can thiệp quy tụ nhiều bác sĩ nhất mà tôi từng tham gia” – ThS-BS Phạm Hoàng Trọng Hiếu nói. Không chỉ có các y – bác sĩ Khoa Can thiệp mạch và ê-kíp bác sĩ gây mê hồi sức, nhiều người khác ở các khoa như Hồi sức Nội tim mạch, Ngoại tim mạch, Nội thận cũng túc trực trong phòng DSA, sẵn sàng tiếp ứng.
Sau 30 phút, 2 stent được đặt vào mạch vành phải, cứu cụ bà qua cơn nhồi máu cơ tim nguy kịch. Năm ngày sau, bác sĩ tiến hành ca thủ thuật thứ hai, đặt thêm 2 stent vào 2 nhánh mạch vành trái. Toàn bộ 3 nhánh mạch máu nuôi tim được tái thông, nguồn máu cung cấp cho tim dồi dào trở lại. Cụ bà sinh hoạt bình thường ngay hôm sau, lên xe về nhà và bày tỏ mong muốn tháng tới đi du lịch cùng con cháu.
BS Trần Trung Kiên bộc bạch ông gắn bó với phòng DSA từ lúc mới vào nghề. Nay ông coi căn phòng này như ngôi nhà thứ hai của mình.
“Ở đó có những “siêu anh hùng” gồm cánh tay robot xoay 360 độ, hệ thống siêu âm trong lòng mạch – IVUS, hệ thống FFR/iFFR – đo phân suất lưu lượng mạch vành, mũi khoan kim cương Rotablator… hỗ trợ tối ưu trong các ca can thiệp đặt stent… Nơi đây mang lại cảm giác ấm áp khi chúng tôi được chứng kiến khoảnh khắc hồi sinh ngoạn mục của hàng trăm, hàng ngàn người bệnh” – BS Kiên bộc bạch.
Xưa nay, khi nói về bác sĩ tim mạch, nhiều người thường nghĩ đến những bác sĩ ngồi phòng khám kê toa hoặc các phẫu thuật viên mổ tim trong phòng mổ. Ít ai để ý tới những “chiến binh khoác áo choàng xanh” thầm lặng, ngày ngày miệt mài trong phòng DSA với chức danh “bác sĩ tim mạch can thiệp”. Không chỉ có bác sĩ Long, Minh, Hiếu, Kiên, Trung, còn rất nhiều “chiến binh xanh” đang tiếp tục cống hiến cho lĩnh vực mình đã chọn – một lĩnh vực tuy khó, tiềm ẩn nhiều thử thách nhưng có sứ mệnh vô cùng thiêng liêng: Kéo người bệnh từ cửa tử trở về.
“Niềm vui mỗi ngày của chúng tôi là chứng kiến sự hồi phục từng ngày của bệnh nhân. Điều đó trở thành động lực cho mỗi người không ngừng phấn đấu trên hành trình mà mình đã chọn. Trên hành trình ấy, thật hạnh phúc khi đôi lúc chúng tôi bắt gặp những vị khách từng được mình tận tình cứu chữa, nay khỏe mạnh quay lại nói lời cảm ơn. Sức nặng của lời cảm ơn ấy, tiền bạc không mua được, nó đến từ chính cái tâm của người thầy thuốc. Cho đi tấm lòng, sẽ có ngày nhận về trái ngọt” – BS Huỳnh Ngọc Long đúc kết.
Quảng Bình xuất hiện ca bệnh sốt rét ngoại lai từ Thái Lan
Ngày 27/9, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Quảng Bình, đơn vị này vừa ghi nhận một ca bệnh sốt rét ngoại lai.
Theo điều tra dịch tễ, anh N.V.C, SN 1993, trú xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, trở về nhà sau thời gian làm việc tại Thái Lan.
Ngày 24/9, bệnh nhân được người nhà đưa đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới khám và nhập viện điều trị trong tình trạng xuất hiện các triệu chứng sốt, rét run, vã mồ hôi, đau đầu và ho khan.
Ngày 25/9, CDC Quảng Bình phối hợp với bệnh viện lấy mẫu bệnh phẩm. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị sốt rét. Sau thời gian theo dõi, điều trị, sức khỏe bệnh nhân đang dần ổn định.
Ngay khi phát hiện ca bệnh, CDC Quảng Bình chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Bố Trạch giám sát các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân, đặc biệt là các thành viên trong gia đình và khu vực xung quanh nhà ở của bệnh nhân trong vòng 30 ngày kể từ ngày bệnh nhân khởi phát bệnh để chủ động, kịp thời xử lý không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
9 nguyên nhân khiến ngủ dậy tim đập nhanh Ngủ dậy tim đập nhanh có thể là một dấu hiệu sức khỏe đáng lo ngại. Tim đập nhanh (nhịp tim nhanh) được xác định khi tim đập hơn 100 lần một phút khi nghỉ ngơi. Cảm giác tim đập nhanh được mô tả là cảm giác tim đập thình thịch trong lồng ngực, cảm thấy trái tim đang rung lên hoặc bỏ...