Ngọt thơm lươn um lá cách
Lươn da trơn có nhớt, màu vàng sẫm, thường sống rúc trong bùn. Lươn còn được gọi tên thiện ngư, trường ngư – một trong “bốn món tươi ngon dưới sông” (tứ đại hà tiên).
Món lươn um hấp dẫn.
Trong thịt lươn có nhiều protid, lipid, glucid; các vitamin B, E, A, D và các nguyên tố vi lượng như Fe, P, Ca… Ngoài ra, còn có nhiều arginin tạo tinh trùng, lecithin tốt cho não…
Câu bắt lươn phải theo mùa và theo vùng. Người dân thường đánh bắt lươn bằng ống trúm chụp xuống những bờ ruộng có lươn, lươn chui vào và không chui ra được.
Loài lươn vốn ở bùn nhưng ghét nước đục, vì vậy người bắt lươn thường quậy nước cho đục để lươn chui ra khỏi hang tìm chỗ nước trong. Khác với lươn nuôi thịt nhạt, lươn đồng sống trong môi trường tự nhiên thịt thơm, vị ngọt, có độ săn dai khi chế biến.
Trúm là ống tre dài gần 1m, thông mắt, một đầu giữ mắt tre lại, đầu kia dùng chiếc rọ tre gài kín sau khi đặt mồi vào bên trong.
Người có kinh nghiệm chỉ cần đi rảo một vòng các bờ bãi sình bùn là biết nơi nào lươn thường qua lại để đặt trúm. Bắt mùi mồi, lươn chui vào rọ tre rồi kẹt cứng trong đó không thể nào chui ra.
Video đang HOT
Ngày nay ống trúm được làm bằng nhựa, bền chắc. Mùa mưa đến, chỉ cần vài ống trúm đặt qua đêm là sáng ra thế nào cũng bắt được vài chú lươn đồng vàng ươm.
Trong lúc thăm trúm, tiện tay ngắt vài nắm lá cách mọc ven bờ là có ngay món lươn um không chê vào đâu được. Cây cách (còn gọi là vọng cách) ngoài công dụng là rau ăn còn là dược liệu dân dã, gắn liền với cuộc sống của người dân làng quê nên không khó tìm.
Làm món lươn um lá cách nước cốt dừa được xem là khá cầu kỳ. Tuy nhiên, nguyên liệu để nấu món này chủ yếu là từ cây nhà lá vườn nên ít tốn kém và chẳng phải đi chợ xa.
Dưới nhà bếp, mọi người quây quần bên nhau để cùng chuẩn bị nguyên liệu, sơ chế. Cái vui nhất trong chế biến món này là mỗi người một việc. Người thì lặt rửa lá cách, người xắt sả, người thì tách vỏ đậu phộng rang, làm nước cốt dừa, nước chấm…
Trong không khí đầm ấm, rôm rả ấy, không chỉ là việc bếp núc mà còn có chuyện ruộng, chuyện vườn, chuyện con cháu học hành, chuyện thời sợ quốc tế…. rất chi là phong phú.
Sau khi các nguyên liệu thứ yếu đã chuẩn bị chu tất, thì đến phần nguyên liệu chính là lươn. Lươn khi đã xóc muối cho chết, hết nhớt và sơ chế sạch sẽ được đem đi ướp với muối, đường, bột ngọt cùng với sả ớt và để chừng nửa giờ cho thấm gia vị.
Sau đó lót một lớp lá cách xuống đáy nồi rồi mới để lươn vào và phủ thêm một lớp lá cách bên trên. Sả cắt khúc để khắp nồi nhằm tăng hương vị thơm nồng tỏa ra từ tinh dầu. Cuối cùng cho nước dão dừa vào là xem như hoàn tất khâu chuẩn bị trước khi um lươn.
Món lươn um lá cách chuẩn bị thì lâu nhưng nấu thì rất mau. Bắt lên bếp cho lửa lớn chừng mười phút là lươn đã chín. Lúc này mới cho nước cốt dừa vào khi sôi thì tắt bếp.
Để lá cách, các loại rau thơm lên dĩa rồi đặt lươn nằm khoanh bên trên. Rắc đậu phộng đã được giã nhuyễn lên món ăn đang nóng hổi, bốc khói thơm nghi ngút.
Khi ăn, dùng đũa bẻ lươn gãy thành khúc cho dễ ăn và nhã nhặn với mọi người ăn cùng. Thịt lươn chấm nước mắm sả ớt pha chút nước cốt dừa ngon không thể tả. Thịt lươn rất ngọt, dẻo dai do máu lươn thấm đều vào bên trong thịt.
Đã vậy nước cốt dừa và đậu phộng béo ngậy, lá cách thơm nồng có vị rất riêng khó tả, làm cho món ăn thêm phần hấp dẫn. Cũng có người xắt lá cách sợi rắc lên, ăn kèm với thịt lươn, để kìm hãm độ béo, làm món ăn được cân bằng, thăng hoa.
Dân dã món chuối xào
Nhỏ bạn ở Mỹ Tho nhắn tin: "Cuối tuần về Mỹ Tho đi, má tao nhắc lâu lắm mày chưa về chơi. Về đi, má làm chuối xào cho mà ăn".
Nhỏ bạn học cùng đại học nhà ở Mỹ Tho, hồi còn đi học, hầu như tháng nào mấy đứa chúng tôi cũng kéo nhau về nhà nó chơi, phần vì khá gần, phần vì dì Mười - má nó - hay làm nhiều món ăn ngon, mà món tôi thích nhất là chuối xào.
Ra trường đi làm, không còn nhiều thời gian để ghé về nhà nó chơi nữa, hai năm nay nhỏ bạn rời thành phố về lại Mỹ Tho sống và làm việc nên chúng tôi càng ít gặp nhau. Vì vậy nhận được tin nhắn của nó, tôi liền thu xếp công việc để về Mỹ Tho ngay.
Khi tôi đến, dì Mười đang lúi húi dưới bếp với món chuối xào muôn thuở. Tôi xăng xái xin phụ một tay nhân tiện học nghề. Dì bảo: "Chuối sứ lột vỏ xắt lát xéo rồi đem luộc lên. Đừng lấy chuối chín vì nó sẽ nhão ra, còn chuối xanh thì chát khó ăn".
Sau đó dì lại mang ít khoai lang mật đi rửa và luộc chín. Khi đã dỡ chuối và khoai ra, dì Mười tiếp tục đổ nước cốt dừa vào nồi đưa lên bếp và lấy ra sẵn một ít bột năng, xắt ít hành lá, dì bảo: "Trộn bột năng vào nước cốt dừa cho nó sệt và sánh lại, cho hành lá vào để nó ra cái mùi vị rất riêng của món này".
Tôi thắc mắc: "Con toàn thấy dì luộc mà sao kêu là chuối xào?", dì Mười cười hiền: "Thì ở cái chút lá hành đó con, có lá hành trong nước cốt dừa, khi ăn sẽ thấy cái mùi vị của món xào đó".
Những lát chuối và khoai cắt xéo xéo được xếp vào chén. Chuối sứ "ương ương" luộc chín ngả màu vàng nhạt, khoai lang mật màu vàng nghệ xếp xen kẽ. Nước cốt dừa sền sệt được chan lên, dì Mười còn rắc thêm ít đậu phộng rang được giã dập và chưa hết, dì còn rải lên trên cùng mấy lát mít được xé nhỏ. "Mít cũng được luộc lên hết" - thấy tôi ngơ ngác, dì cười bảo.
Chén chuối xào của dì nhìn thật hấp dẫn khiến tôi nuốt nước bọt, dì thấy vậy bèn cười bảo: "Thấy bộ dạng thèm thuồng của con mà dì cũng thấy vui, thôi ăn nhanh đi".
Tôi không chờ dì mời thêm, cầm muỗng "xử" liền. Chuối, khoai, mít vừa dẻo vừa bùi và ngọt, trộn lẫn với vị ngậy ngậy thơm thơm của nước cốt dừa và vị béo của đậu phộng rang thật tuyệt diệu.
Thật kỳ lạ, có những thứ rất đơn giản và dân dã nhưng để lại trong chúng ta những hương vị sâu đậm. Có lẽ bởi trong nó có cái chất mộc mạc mà tình cảm của người mẹ ở quê với những đứa con nơi xa.
Khi tôi trở về thành phố, giống như khi xưa nhỏ bạn trở lên trường, dì Mười lại gói một bịch to những chuối, khoai đã luộc, cùng nước cốt dừa và đậu phộng rang, bắt tôi cầm theo: "Mang lên trển mà ăn cho đã nghe con, rồi khi nào rảnh lại về đây dì làm nữa cho".
Món ăn đủ màu sắc, dễ gây thương nhớ cho người ăn Mùi thơm của mít quyện với vị béo của cốt dừa, cùng sự mềm dẻo của nếp, kết hợp thêm màu tím lá cẩm cho món ăn nhiều màu sắc, hương vị. Xôi mít nếp cẩm có xuất xứ từ Thái Lan, mới du nhập vào nước ta không lâu nhưng lại thu hút được nhiều 'fan hâm mộ'. Dưới đây là cách...