Nắng nóng khắc nghiệt, vụ mùa từ châu Âu cho tới Trung Quốc trước nguy cơ thất bát
Cơ quan Giám sát Tài nguyên Nông nghiệp của Liên minh châu Âu dự báo sản lượng ngô năm nay có thể giảm gần 1/5 do hạn hán tàn khốc.
Tại Trung Quốc, tình hình cũng không khá hơn.
Cánh đồng hoa hướng dương chết cháy vì khô hạn ở gần thành phố Lyon, miền Đông Nam Pháp ngày 24/8. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo Bloomberg, cụ thể, báo cáo mới về tình hình vụ mùa ở châu Âu dự báo sản lượng ngô giảm 16% xuống dưới mức trung bình 5 năm. Con số dự báo hồi tháng 7 là giảm 8%.
Sản lượng ngô giảm có thể dẫn đến lạm phát lương thực tăng hơn nữa, sẽ làm tăng chi phí thức ăn chăn nuôi, gây thêm trở ngại cho nông dân đang gặp khó khăn vì giá dầu diesel và phân bón tăng cao.
Báo cáo giám sát mùa vụ cho biết: “Các giai đoạn khan hiếm nước và nắng nóng một phần trùng với giai đoạn ra hoa và hình thành hạt nhạy cảm. Điều này dẫn đến khả năng không thể phục hồi năng suất”.
Video đang HOT
Vào cuối tháng 8, khoảng một nửa châu Âu đang chịu cảnh báo hạn hán. Cây trồng, nhà máy điện, công nghiệp và cá đều bị nắng nóng và thiếu mưa tác động nghiêm trọng. Đầu tháng này, Trung tâm Nghiên cứu chung của Ủy ban châu Âu đã cảnh báo đợt hạn hán đang diễn ra là tồi tệ nhất trong vòng 500 năm.
Bước vào mùa thu, Tây và Trung Âu phải đối mặt với nguy cơ rất cao về khô hạn trong vòng 3 tháng tới, có thể dẫn đến thiếu nước.
Vụ mùa thất bát vì hạn hán sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực đang diễn ra. Giá thịt ở siêu thị EU đã tăng 12% trong tháng 7 so với một năm trước đó. Giá sữa, pho mát và trứng cũng tăng vọt lên mức kỷ lục.
Điều này khiến lạm phát ở châu Âu sẽ vẫn còn dai dẳng mà theo dự báo của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Đức Joachim Nagel: “Vấn đề lạm phát sẽ không biến mất vào năm 2023″.
Trong khi đó, theo SCMP, tại Trung Quốc, phần lớn miền nam tiếp tục trải qua thời tiết oi nóng. Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cảnh báo rằng đợt nắng nóng và hạn hán chưa từng có sẽ đe dọa vụ thu hoạch vào mùa thu.
Đáy một hồ nước khô nứt nẻ do hạn hán kéo dài tại Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc ngày 21/8/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Thông báo của bộ này cho biết: “Các cơ quan liên quan cần cảnh báo về nhiệt độ cao kịp thời và thực hiện các biện pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực của thời tiết nắng nóng đối với sản lượng ngũ cốc vụ thu. Cần phải nỗ lực hơn nữa để đảm bảo có đủ nước tưới, mở thêm các nguồn nước mới, xen kẽ tưới tiêu và gây mưa nhân tạo khi cần thiết”.
Ngày 24/8, Quốc vụ viện Trung Quốc đã công bố khoản trợ cấp 10 tỷ nhân dân tệ để hỗ trợ nông dân giảm bớt tác động của hạn hán.
Trung Quốc sản xuất hơn 95% lượng gạo, lúa mì và ngô mà nước này tiêu thụ, do đó, sản lượng thu hoạch giảm đồng nghĩa với việc quốc gia đông dân nhất thế giới này sẽ phải tăng nhu cầu nhập khẩu. Điều này sẽ gây thêm áp lực đối với nguồn cung toàn cầu – vốn đã bị ảnh hưởng do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Dự báo tiêu cực về vụ mùa ở Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh một vùng rộng lớn của Trung Quốc đang trải qua thời tiết với nhiệt độ cao khắc nghiệt trong hơn hai tháng. Nhiều sông và hồ chứa đã cạn kiệt vì hạn hán nghiêm trọng, các chính quyền địa phương đã phải phân bổ hạn chế nguồn điện trong ngày.
Tứ Xuyên bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì thủy điện chiếm khoảng 80% nguồn cung điện của tỉnh này.
Theo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, miền Nam Trung Quốc đã trải qua quãng thời gian ghi nhận nhiệt độ cao liên tục dài nhất kể từ khi các cơ quan chức năng bắt đầu theo dõi 60 năm trước. Dựa trên cường độ, phạm vi và thời gian, đợt nắng nóng này có thể là nghiêm trọng nhất trong lịch sử toàn cầu.
Tác nhân chính gây nắng nóng và cháy rừng
Nắng nóng khắc nghiệt đang hoành hành khắp châu Âu và Mỹ trong tuần này và được dự báo sẽ bao trùm phần lớn các khu vực của Trung Quốc cho tới cuối tháng 8.
Nhân viên cứu hỏa nỗ lực khống chế các đám cháy rừng do nắng nóng tại Gironde, tây nam nước Pháp, ngày 17/7/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngoài mức nhiệt vượt 40 độ C, cháy rừng cũng đang lan rộng tại miền Nam châu Âu, buộc Italy và Hy Lạp phải sơ tán người dân tại một số thị trấn. Nắng nóng cực đoan là một phần của xu hướng toàn cầu liên quan đến sự gia tăng nhiệt độ, mà các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân chính là từ hoạt động của con người.
Biến đổi khí hậu khiến các đợt nắng nóng gia tăng cả về cường độ và tần suất. Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) nhận định tình trạng này đang xảy ra tại phần lớn các lục địa. Khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ các hoạt động của con người đã khiến nhiệt độ Trái Đất tăng thêm khoảng 1,2 độ C kể từ thời kỳ tiền công nghiệp. Điều này đồng nghĩa rằng nhiệt độ có thể tăng cao hơn khi hiện tượng nắng nóng cực đoan xuất hiện.
Việc nhiệt độ Trái Đất tăng thêm 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp đang thúc đẩy các hiện tượng thời tiết nóng cực đoan. Theo nhà khoa học về khí hậu Sonia Seneviratne của Đại học ETH Zurich (Thụy Sĩ), trung bình tại lục địa, các hiện tượng nắng nóng cực đoan, đáng lẽ chỉ xảy ra 10 năm 1 lần nếu không có tác động của con người đối với khí hậu, nay lại xuất hiện với tần suất cao gấp 3 lần. Nhiệt độ sẽ chỉ ngừng tăng nếu con người ngừng thải ra khí nhà kính vào khí quyển. Sự thất bại trong nỗ lực giải quyết biến đổi khí hậu sẽ khiến nắng nóng cực đoan ngày càng nguy hiểm hơn. Mặc dù các nước đã nhất trí với mục tiêu giảm mức tăng của nhiệt độ Trái Đất ở ngưỡng 1,5-2 độ C theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, song các chính sách hiện nay không đủ hiệu quả để đáp ứng mục tiêu này. Theo nhà khoa học Seneviratne, để nhiệt độ Trái Đất tăng vượt ngưỡng 1,5 độ C đồng nghĩa rằng hầu hết các năm đều sẽ bị ảnh hưởng bởi nóng cực đoan trong tương lai.
Ngoài biến đổi khí hậu, các hiện tượng khác cũng tác động đến nắng nóng. Tại châu Âu, hoàn lưu khí quyển là một nhân tố quan trọng. Nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature chỉ ra rằng các đợt nắng nóng tại châu Âu đang tăng nhanh gấp 3-4 lần so với những quốc gia thuộc khu vực vĩ độ trung bình ở phía Bắc như Mỹ. Tác giả nghiên cứu cho rằng xu hướng này có liên quan đến thay đổi về dòng tia (luồng gió thổi cực nhanh từ Tây sang Đông tại Bắc bán cầu).
Các nhà khoa học đã tiến hành nhiều cuộc nghiên cứu để xác định chính xác biến đổi khí hậu đã tác động như thế nào đến các đợt nắng nóng. Kể từ năm 2004, hơn 400 nghiên cứu như vậy đã được tiến hành đối với các hiện tượng thời tiết cực đoan, bao gồm nắng nóng, lũ lụt, hạn hán, đồng thời đánh giá vai trò của biến đổi khí hậu trong từng hiện tượng. Điều này bao gồm mô phỏng khí hậu hiện đại hàng trăm lần và so sánh với các mô phỏng về khí hậu khi không có khí thải gây hiệu ứng nhà kính do con người tạo ra. Trong một ví dụ cụ thể, các nhà khoa học đã kết luận rằng khả năng nắng nóng kỷ lục tại Tây Âu vào tháng 6/2019 xảy ra hiện nay tại Pháp và Hà Lan sẽ tăng 100 lần, nếu như không con người không làm biến đổi khí hậu.
Biến đổi khí hậu làm tăng tình trạng khô, nóng, góp phần khiến hỏa hoạn lan nhanh, kéo dài và cháy dữ dội hơn. Tại Địa Trung Hải, đây là nguyên nhân khiến mùa cháy rừng bắt đầu sớm hơn và tác động nghiêm trọng hơn. Năm ngoái, hơn nửa triệu hecta đất đã bị thiêu trụi tại Liên minh châu Âu (EU), khiến đây trở thành mùa cháy rừng nghiêm trọng thứ hai trong lịch sử sau mùa cháy rừng năm 2017.
Thời tiết nóng nực cũng khiến cây cỏ trở nên khô héo, trở thành nhiên liệu khô khiến cháy rừng lan rộng. Các nước như Ba Lan và Hy Lạp thường hứng chịu cháy rừng trong phần lớn các mùa Hè, nên đều có hạ tầng để ứng phó. Tuy nhiên, nhiệt độ ngày càng tăng cũng khiến cháy rừng lan sang cả những vùng chưa quen với tình trạng này, do đó ít có sự chuẩn bị để ứng phó kịp thời.
Trên thực tế, biến đổi khí hậu không phải là nhân tố duy nhất dẫn đến cháy rừng. Công tác quản lý rừng và các nguồn gây cháy là cũng những nhân tố quan trọng. Theo số liệu của EU, hơn 90% các vụ cháy trong khu vực là do hoạt động của con người, như phóng hỏa, các dụng cụ nướng thịt dùng một lần, đường dây điện... Một số quốc gia, trong đó có Tây Ban Nha, đang đối mặt với thách thức suy giảm dân số tại các vùng nông thôn, khi người dân có xu hướng chuyển lên thành phố. Điều này khiến nguồn nhân lực phụ trách dọn cây cỏ - nguồn nhiên liệu góp phần gây cháy rừng - cũng giảm theo.
Mặc dù có một số biện pháp cũng giúp kiểm soát cháy rừng nghiêm trọng, song các nhà khoa học khẳng định nếu không cắt giảm mạnh khí nhà kính gây biến đổi khí hậu, nắng nóng, cháy rừng, lũ lụt và hạn hán sẽ ngày càng trở nên tồi tệ hơn.
Nắng nóng cực đoan đồng loạt tấn công 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới Trong hè này, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy những tổn thất mà nắng nóng gây ra đối với nền kinh tế toàn cầu gia tăng nhanh chóng. Mực nước trên sông Rhine hạ xuống mức thấp kỷ lục. Ảnh: CNN Theo kênh truyền hình CNN, tình hình thời tiết nắng nóng và hạn hán khắc nghiệt đang gây ra những...