Nam sinh khuyết tật rửa bát thuê, đổi cơm ba bữa
Không muốn là gánh nặng cho ông bà, ngoài giờ học, Hùng tới giúp việc ở hàng ăn gần trường để có cơm ba bữa.
6h hàng ngày, Vi Mạnh Hùng, lớp 12L, trường THPT Tương Dương 1, đeo ba lô, tập tễnh từ ký túc xá ra quán ăn gần trường giúp dọn dẹp, kê bàn ghế trước giờ vào học. Từ đầu năm học, Hùng xin giúp việc ở đây, không nhận tiền công mà chỉ đổi bằng bữa ăn. Nghỉ trưa và sau giờ học buổi chiều, Hùng ra quán làm đến khoảng 19h rồi về phòng. Cậu tiếp tục học bài đến 23h mới ngủ.
Hùng giúp dọn dẹp ở quán ăn gần trường. Video: Nguyễn Anh Tài
Cậu học trò có gương mặt sáng, nụ cười thường trực trên môi, trò chuyện một cách khó nhọc. Mỗi khi được hỏi, Hùng phải cố gắng để diễn đạt rõ ràng. Hùng vốn khuyết tật từ nhỏ, lên 6-7 tuổi vẫn chưa thể đi lại. Bố nghiện ma túy, mẹ bỏ đi nên anh em Hùng sống cùng ông bà nội ở bản Xàn, xã Hữu Khuông, huyện Tương Dương.
Hùng hiện ở miễn phí trong ký túc xá của trường. Ảnh: Nguyễn Anh Tài
Hàng ngày, ông bà thay nhau cõng cháu đến trường. Hết tiểu học, Hùng được gửi lên học ở trường bán trú trong xã, 2-3 tuần mới về một lần. Giao tiếp khó khăn, di chuyển bước thấp bước cao nhưng Hùng quyết không nghỉ học.
Hai năm trước, Hùng xuống trường huyện cách nhà hơn 80 km để học cấp ba. Sống xa nhà, Hùng phải tự làm mọi việc và sắp xếp cuộc sống. Từ năm lớp 11, Hùng đến các quán ăn xin giúp việc để không phải lo tiền ăn mỗi ngày.
Ban đầu Hùng hơi bỡ ngỡ nhưng nhanh chóng bắt nhịp được vì đã quen làm việc nhà. Lúc còn ở nhà, em đỡ đần ông bà chăm gà, lợn và đi nhổ mạ để cấy.
“Đi làm nhưng em vẫn nhớ đến học. Học là con đường dẫn đến thành công sớm nhất”, Hùng nói.
Nam sinh tâm sự, động lực khiến em kiên trì theo đuổi việc học là ông bà. Anh em Hùng lớn lên trong tình yêu thương và sự chăm sóc của ông bà nội. Với hai anh em, ông bà giống như cha, mẹ. Thương ông bà già yếu, cuộc sống trông chờ vào mùa vụ, Hùng không muốn trở thành gánh nặng mà muốn đỡ đần gia đình.
“Em không cho ông bà gửi tiền xuống mà bảo để dành mua thức ăn. Hồi nhỏ em bướng, lớn lên rồi mới biết thương ông bà”, Hùng cho hay.
Nhiều lúc mặc cảm vì hoàn cảnh gia đình và cơ thể không lành lặn như các bạn, Hùng nằm khóc một mình. Nhưng nghĩ đến ông bà, em nhắc nhở bản thân cố gắng mỗi ngày. Chỉ cần ông bà mạnh khỏe và vui, việc gì Hùng cũng làm được, khổ em cũng cố gắng.
Hùng nhớ như in ngày mẹ bỏ đi năm em sáu tuổi. Hai anh em khóc, gọi theo bóng mẹ khuất dần. Người bố từ đó đâm chán nản, vướng thêm rượu chè. Hùng nói cuộc sống của em “chưa bao giờ ổn” nhưng càng trải qua khó khăn, em càng muốn đi học để sau này đỡ vất vả. Hùng mơ ước học ngành công nghệ thông tin hoặc kinh tế và muốn về xã làm việc.
Hùng mong ước học ngành công nghệ thông tin hoặc kinh tế và sau này được làm việc ở xã để có điều kiện chăm sóc gia đình. Ảnh: NVCC
Chị Lô Dung, chủ quán cơm, thương cậu học trò dân tộc Thái chịu khó, hiếu học. Hôm Hùng đến xin làm, chị Dung ái ngại trước việc di chuyển khó khăn, sợ em vất vả. Nhưng thấy Hùng nhiệt tình và muốn được làm việc, chị bằng lòng, mời cơm em ba bữa vì em không chịu nhận tiền công. Hàng ngày Hùng ra phụ chị Dung, giúp rửa bát. Chị Dung không cho phép Hùng làm các công việc nặng nhọc, tránh ảnh hưởng tới sức khỏe.
“Quán của tôi có hai người phụ và Hùng ra với tôi khoảng hai tiếng mỗi ngày. Em ấy không chịu lấy tiền, chỉ mong được hỗ trợ bữa ăn”, chị Dung cho hay.
Mới đây chị bảo Hùng nghỉ ngơi một thời gian để tập trung vào học năm cuối cấp và vẫn sẵn sàng giúp đỡ em.
Ông Vi Văn Thương, ông của Hùng, kể về cháu nội với giọng tự hào. Lâu ngày chưa gặp cháu, giờ có người hỏi thăm về Hùng, ông Thương như được dịp nhớ lại những năm tháng cõng cháu, dẫn ra bến thuyền đi học. Người ông 63 tuổi cho hay giờ Hùng không cần người dắt nhưng đi lại vẫn không chắc chắn. Đôi tay Hùng cũng yếu, viết chữ vẫn run. Ngày nào ông cũng gọi điện cho cháu để hỏi han ăn uống, học hành.
Lúc cháu xin đi rửa bát, ông Thương lo lắng. Nhưng thấy cháu trưởng thành, biết suy nghĩ và lo liệu cuộc sống, ông cũng thấy yên tâm.
Nghe cháu tâm sự muốn học đại học, ông ủng hộ, dù biết chặng đường tới sẽ vất vả. Hai năm nay ông bị tai biến, không làm được việc nặng nhọc, mọi việc trong nhà trông chờ vào người vợ hơn 60 tuổi. Niềm an ủi duy nhất của ông bà là hai cháu ngoan, năm nào cũng được giấy khen.
“Tôi phấn khởi lắm, cả hai cháu đều siêng và vâng lời thầy cô. Em gái Hùng cũng sắp thi học sinh giỏi môn Lịch sử”, ông Thương nói, mong các cháu học hết đại học, có việc làm ổn định.
Thầy Đậu Xuân Việt ấn tượng với cậu học sinh bị khuyết tật vận động ngay những ngày đầu nhận chủ nhiệm lớp. Suốt 15 năm trong nghề, thầy Việt chưa từng gặp học trò nào nghị lực, có ý chí vươn lên như Hùng.
Thầy Việt kể Hùng chu đáo và có trách nhiệm, luôn đến sớm nhất và về muộn nhất lớp sau khi đã dọn dẹp, khóa cửa, tắt điện. Nam sinh cũng không nề hà công việc và chủ động giúp đỡ người khác. Em luôn muốn lao động để được học hỏi và chuẩn bị cho tương lai sau này.
Thương Hùng như con trai, thầy Việt bảo ban và định hướng cho em. Hùng cũng tin tưởng và luôn chia sẻ với thầy. Hàng tháng có tiền hỗ trợ người khuyết tật, em đều nhờ thầy giữ và chỉ dùng vào những việc cần thiết.
“Hùng rất lễ phép, lễ nghĩa và tình cảm. Em có nguyện vọng học công nghệ thông tin và tôi đang trăn trở làm sao để giúp em có công việc sau này”, thầy Việt nói.
Hùng giúp việc ở quán ăn. Ảnh: Nguyễn Anh Tài
Nhắc đến Hùng, thầy Hồ Văn Thanh, Hiệu trưởng THPT Tương Dương 1, bày tỏ sự yêu quý. Hoàn cảnh đặc biệt nhưng cậu học trò luôn lạc quan và nỗ lực. Biết Hùng đi phụ quán cơm, thầy Thanh đã khuyên em nên tập trung học. Theo thầy Thanh, công việc ở quán cơm chỉ là vì em muốn được giúp đỡ và yêu lao động.
Thầy Thanh vẫn nhớ ngày 20/11 năm ngoái, Hùng mang gói bánh đến tặng thầy. “Hùng nói không có gì, chỉ có gói bánh, nếu thầy không nhận thì em buồn lắm. Tôi bất ngờ và xúc động trước tấm lòng của Hùng”, thầy Thanh kể.
Chàng sinh viên Khmer tiêu biểu vượt khó, học giỏi
Làm nhiều công việc khác nhau để kiếm tiền trang trải cuộc sống và lo chi phí học tập suốt gần 4 năm qua.
Đó là hoàn cảnh của chàng sinh viên người Khmer Thạch Hữu Nhân (huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) đang học năm cuối ngành Xã hội học, khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Cần Thơ. Dù phải vừa học vừa làm nhưng Hữu Nhân luôn đạt thành tích học tập xuất sắc và đạt nhiều học bổng.
Làm thêm nhiều việc để có tiền ăn học
Anh Thạch Hữu Nhân học online.
Tiếp chúng tôi tại khoa Khoa học xã hội và Nhân văn, Thạch Hữu Nhân cho biết, đây vừa là nơi ở "ké" vừa là chỗ làm thêm của Hữu Nhân. Vì hoàn cảnh khó khăn, để tiết kiệm chi phí, Hữu Nhân xin làm thêm công việc bảo vệ tại Khoa.
Hiện đã bước vào năm cuối nên Hữu Nhân hạn chế làm thêm, tập trung học tập để tốt nghiệp với mục tiêu dành được tấm bằng loại giỏi. Do đó, ngoài làm bảo vệ Khoa, "chạy" các công việc giấy tờ cho thầy cô, Hữu Nhân chỉ làm thêm công việc tại quán trà sữa vào buổi tối. Với số tiền kiếm được, Hữu Nhân chi tiêu tiết kiệm và đóng học phí.
Đi đến chặng đường năm thứ 4 trên giảng đường đại học với Hữu Nhân là ngần đó quãng thời gian nỗ lực, cố gắng rất lớn của bản thân.
Ngay từ năm đầu đại học, Hữu Nhân ở ký túc xá và đi phụ bán quán cà phê, nhưng vì đi làm về khuya nên quá giờ giới nghiêm không được vào ký túc xá. Do đó, sang năm học thứ 2, Nhân bán đi chiếc xe máy cũ (mua được từ tiền nhận học bổng) để hùn vốn cùng bạn mở xe bán bánh tráng nướng và sinh tố, mỗi ngày kiếm được 100.000 đồng.
Công việc bán bánh tráng nướng đem lại thu nhập khá, lại phù hợp với lịch học, giúp Hữu Nhân có chi phí chi tiêu và còn tiết kiệm gửi về cho ba mẹ. Nhưng bán được gần 2 năm, dịch bệnh xảy ra nên Hữu Nhân nghỉ, chuyển sang phụ bán trà sữa.
Tự bươn chải mưu sinh, nhưng trên gương mặt Hữu Nhân luôn thường trực nụ cười, với ánh mắt tràn đầy sự háo hức. Hữu Nhân cho hay, dù phải chật vật tự lo cho bản thân, nhưng với Nhân, đó là thử thách để em vượt qua.
"Từ năm học lớp 3, cha mẹ lên TP Hồ Chí Minh làm thuê, em ở nhà với bà nội. Do gia đình nghèo, không có ruộng đất nên 4 chị em đi mò cua, bắt ốc, hái rau... đem ra chợ bán từ 3 giờ sáng kiếm tiền phụ bà mua gạo. Từ năm lớp 6 đến lớp 12, em chưa khi nào xin tiền cha mẹ vì em học nội trú, được trường hỗ trợ tiền ăn, tiền học. Từ năm lớp 8 đến lớp 12, cứ mỗi mùa hè, em lên Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, làm thuê kiếm tiền mua thêm sách vở. Vì thế, em đã quen với việc tự lo cho mình", Hữu Nhân chia sẻ.
Vì quen với vất vả, tự lập nên khi gia đình khuyên nghỉ học, Hữu Nhân vẫn nghe theo lời thầy, cô dạy bảo, tiếp tục theo đuổi ước mơ học tập, bởi chỉ có con đường học tập mới đi đến thành công. Do đó, Hữu Nhân quyết tâm bước vào giảng đường đại học bằng nhiều việc làm thêm để nuôi giấc mơ của mình.
Tấm gương tiêu biểu
Mặc dù làm nhiều việc để có chi phí trang trải cuộc sống, nhưng thành tích học tập của Hữu Nhân không bị giảm sút. Ba năm học đại học, trừ năm đầu đạt loại khá, còn lại lớp trưởng lớp Xã hội học K44, khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Cần Thơ, luôn đạt thành tích xuất sắc và được nhận nhiều học bổng như: Giải thưởng Lương Định Của, sinh viên xuất sắc của Đại học Cần Thơ...
Hữu Nhân cho biết, em không dành quá nhiều thời gian cho việc học bài, mà chỉ tập trung lắng nghe thầy, cô giảng bài rồi đem bài học đó áp dụng vào thực tế để dễ hiểu, dễ nhớ. Ví dụ: Trong chuyên ngành Xã hội học, thầy cô sẽ dạy cách giao tiếp, tiếp cận với một đối tượng cụ thể nào đó. Thay vì em phải tưởng tượng và học bài theo lý thuyết, thì trong quá trình làm thêm em sẽ vận dụng luôn. Việc làm thêm cũng hỗ trợ em trong quá trình học tập để có thể phát biểu, đưa ra ý kiến từ thực tế cuộc sống.
Chọn học ngành Xã hội học và thấy thú vị với ngành học, nhưng chàng trai Khmer lại có ý định theo đuổi đam mê kinh doanh. Dự định của Nhân, sau khi ra trường sẽ làm công việc tiếp thị sản phẩm để tìm hiểu thị trường, tìm kiếm kinh nghiệm cho những dự định lâu dài.
"Có người hỏi em đam mê kinh doanh vì sao lại chọn học Xã hội học. Em nghĩ môn Xã hội học cũng giúp cho em rất nhiều trong kinh doanh như kỹ năng giao tiếp, có góc nhìn đa chiều, nhận biết nhu cầu xã hội... Sau này, em theo đuổi kinh doanh nhưng vẫn muốn một lúc nào đó sẽ làm người truyền cảm hứng cho các thế hệ sau có động lực vượt khó khăn, kiên trì với con đường học tập như em đã trải qua", Hữu Nhân bộc bạch.
Nhắc đến sinh viên Thạch Hữu Nhân, thầy giáo Hứa Hồng Hiểu, Cố vấn học tập lớp Xã hội học K44 đã dành nhiều lời khen ngợi. Thầy Hứa Hồng Hiếu cho biết, thầy rất ấn tượng với sinh viên Thạch Hữu Nhân là sự đam mê học tập, khả năng tiếp thu kiến thức, nắm bắt nội dung bài học nhanh nhạy. Hữu Nhân vừa là sinh viên nổi trội của lớp về thành tích học tập, đồng thời là lớp trưởng năng nổ, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hữu Nhân là cầu nối giữa các bạn trong lớp với giảng viên.
Còn với các bạn sinh viên, Thạch Hữu Nhân là chàng trai luôn nhiệt huyết vì mọi người, nhất là trong những hoàn cảnh khó khăn.
Cựu sinh viên Đại học Cần Thơ Nguyễn Thanh Duy cho biết, Hữu Nhân là một chàng trai luôn nhiệt tình giúp đỡ người khác. Dù bận rộn với mục tiêu học tập, công việc làm thêm, nhưng Hữu Nhân vẫn dành thời gian cho cộng đồng trong suốt những năm tháng sinh viên. Đặc biệt, từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, Nhân tham gia các nhóm thiện nguyện, nấu cơm hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, nhất là sinh viên trong khu phong tỏa, sinh viên nước ngoài; tham gia phát quà cho gia đình nghèo...
"Thạch Hữu Nhân là tấm gương tiêu biểu cho thế hệ trẻ đầy nghị lực, luôn tìm cách vượt qua khó khăn, để theo đuổi đam mê, ước mơ của mình", cựu sinh viên Đại học Cần Thơ Nguyễn Thanh Duy nhấn mạnh.
'Chú lính chì' phải cưa chân ngày ôn thi tốt nghiệp đã vào đại học Những ngày ôn thi tốt nghiệp THPT, chân đau nhức, Linh vẫn ráng sức hoàn thành kỳ thi. Thi xong, cả nhà khăn gói đưa em vào viện cưa bỏ chiếc chân phải. "Cắt rồi em không còn đau nữa đâu", chàng trai người dân tộc Thái tỏ ra mạnh mẽ. Vừa mới trở về từ bệnh viện, Linh nhận giấy báo trúng...