Nắm bí kíp học đại học thành công cùng sinh viên thành tích “khủng”
Với bảng vàng thành tích dày đặc các suất học bổng, khen thưởng cùng kết quả học tập lẫn hoạt động ngoại khóa nổi bật, Tuyết Lan là hình mẫu người trẻ năng động đáng ngưỡng mộ ở độ tuổi 20.
Là thủ khoa đầu vào toàn khóa năm 2016 của Khoa Quốc tế – ĐH Quốc gia Hà Nội với suất học bổng toàn phần, tốt nghiệp loại giỏi và vừa chuyển đến Hồng Kông để làm việc cho tập đoàn Jardine Matheson nằm trong top 200 công ty đại chúng hàng đầu châu Á với vị trí quản trị viên tập sự, con đường mà cô bạn trẻ tài năng bước đi được đặt nền móng bởi nỗ lực học hỏi không ngừng nghỉ.
Tạm gác lại “giấc mơ Mỹ”
Theo học chuyên Anh tại trường THPT chuyên Nguyễn Trãi, TP. Hải Dương, Tuyết Lan ấp ủ giấc mơ du học ngay sau khi tốt nghiệp THPT. Nhận được học bổng bán phần từ ĐH công lập Plymouth, Hoa Kỳ, tuy nhiên vì điều kiện gia đình không cho phép nên cô bạn quyết định tạm gác lại “giấc mơ Mỹ” và chủ động tìm kiếm môi trường học tập có chất lượng tương đương với chi phí hợp lý ngay tại Việt Nam.
“Em nhận thấy rằng hiện nay hầu hết các trường đại học lớn hàng đầu Việt Nam đều có chương trình liên kết quốc tế.” – Tuyết Lan chia sẻ. Sau khi cẩn thận đến từng trường đại học để hỏi thông tin, Tuyết Lan quyết định lựa chọn theo học Khoa Quốc tế – ĐHQGHN vì nhận thấy “thầy cô rất vui vẻ, gần gũi và chương trình học thú vị”.
Tuyết Lan nhận học bổng AmCham 2020
4 năm đại học với nhiều trải nghiệm đã giúp Tuyết Lan trưởng thành về mọi mặt. Cô bạn trở nên tự tin hơn, nhận ra được mình mạnh ở điểm nào, cần cố gắng ở điểm nào và ngừng so sánh mình với người khác. Học tập trong môi trường quốc tế với thầy cô và bạn bè đến từ những nền văn hoá khác nhau Tuyết Lan dễ dàng thích nghi và thấu hiểu đồng nghiệp khi làm việc tại tập đoàn đa quốc gia với 460.000 nhân viên toàn cầu.
Tạm gác lại nhưng không từ bỏ “giấc mơ Mỹ”, với bảng thành tích “khủng”, Tuyết Lan nhận được học bổng Global UGRAD 2019 – Hoa Kỳ cho sinh viên có năng lực lãnh đạo và đóng góp cho cộng đồng. Nhận định rằng không quan trọng là mình học lúc nào, ở đâu mà quan trọng là cách học tập như thế nào, Tuyết Lan chia sẻ: “Tạm gác lại ước mơ du học không phải là điều khiến mình nuối tiếc vì mình được học và trải nghiệm những điều vô cùng giá trị tại Khoa Quốc tế”.
Tuyết Lan trải nghiệm 1 học kỳ tại Hoa Kỳ
Học đại học không phải chỉ học “chay”
Video đang HOT
“Mọi người hay nói rằng “Không biết phải hỏi, không giỏi phải học”, chính vì vậy mình luôn đi tìm câu trả lời để giúp mình hoàn thành mọi thứ một cách tốt nhất.” – Tuyết Lan chia sẻ bí kíp giúp cô bạn học được tối đa trong những năm tháng đại học.
Tuyết Lan tin rằng học đại học không chỉ là học “chay” kiến thức. Tận dụng thế mạnh của trường đại học là số lượng và chất lượng hoạt động ngoại khóa rất đa dạng, Tuyết Lan tích cực tham gia các chương trình trao đổi, giao lưu văn hóa, các hoạt động ngoại khoá, phát triển kỹ năng mềm… Cô bạn luôn giữ cho mình tinh thần tò mò để học được nhiều điều mới mẻ mỗi ngày. Nhờ những trải nghiệm này, Tuyết Lan rèn được phong cách làm việc chuyên nghiệp cùng những kỹ năng mềm cần thiết để chứng minh năng lực và chinh phục được vị trí Quản trị viên tập sự tại tập đoàn Jardine Matheson, Hồng Kông.
“Không biết phải hỏi, không giỏi phải học”, Tuyết Lan chia sẻ
“Điều mình đặc biệt yêu thích ở Khoa Quốc tế đó là các thầy cô đều có tinh thần trải nghiệm rất cao nên sinh viên chúng mình được thoải mái đề xuất các ý tưởng hoàn toàn mới và nhận được sự hỗ trợ từ các thầy cô để hiện thực hóa chúng. Việc được thầy cô tin tưởng và tạo động lực đã góp phần tạo nên những giá trị cốt lõi mà mình theo đuổi, tạo nên bản thân mình của hiện tại.” – Tuyết Lan chia sẻ.
Cùng gặp gỡ và trò chuyện với Tuyết Lan tại tọa đàm trực tuyến “Những điều thí sinh cần biết trước ngưỡng cửa đại học” lúc 10h00 Thứ Bảy 28/8 trên fanpage Khoa Quốc tế – ĐHQGHN với sự tham gia của Bà Thái Vân Linh, CEO TVL Group, cố vấn cấp cao của Openspace Ventures và TS. Nguyễn Quang Thuận, Phó Chủ nhiệm Khoa Quốc tế – ĐHQGHN.
Nguyễn Thị Tuyết Lan
Cựu sinh viên chương trình Cử nhân Quản lý (Marketing/Khởi nghiệp) liên kết giữa Khoa Quốc tế – ĐHQGHN và ĐH Keuka, Hoa Kỳ.
● Hiện là Quản trị viên tập sự của tập đoàn Jardine Matheson
● Học bổng Amcham 2020
● Học bổng Global UGRAD 2019
● Điều hành giải Tranh biện châu Á Vietnam UADC 2019
● Giải Nhất Sinh viên nghiên cứu khoa học Khoa Quốc tế 2019
● Giải thưởng sinh viên lãnh đạo xuất sắc ĐHQGHN 2019
● Tham gia Chung kết cuộc thi Mekong Business Challenge 2019
● Đại biểu Hội nghị Mô phỏng ASEAN 2018 tại Singapore
● Phó trưởng ban Đối ngoại Hội nghị Mô phỏng ASEAN Việt Nam 2018
● Thủ khoa đầu vào năm 2016 của Khoa Quốc tế – ĐHQGHN
Nữ tiến sĩ 9X sang Mỹ học làm nông nghiệp xanh
Sau gần 10 năm học tập lấy bằng TS tại Trường ĐH Oklahoma (Mỹ), TS Dương Nguyễn Hồng Nhung quyết định trở về Việt Nam giảng dạy tại Khoa Công nghệ sinh học, Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TPHCM.
TS Dương Nguyễn Hồng Nhung cùng sinh viên IU.
Sau gần 10 năm học tập lấy bằng TS tại Trường ĐH Oklahoma (Mỹ), TS Dương Nguyễn Hồng Nhung quyết định trở về Việt Nam giảng dạy tại Khoa Công nghệ sinh học, Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TPHCM. Mới đây, dự án Nanoneem do TS Hồng Nhung làm trưởng nhóm nghiên cứu, lọt vào Top 5 dự án được trao giải thưởng "Impactful Social Innovative Concepts" của Cuộc thi Sáng tạo kinh doanh xã hội 2021.
Bén duyên với lĩnh vực Hóa công nghiệp
TS Dương Nguyễn Hồng Nhung hiện là giảng viên Khoa Công nghệ sinh học, Trường ĐH Quốc tế (IU) - ĐHQG TPHCM. Nữ giảng viên sinh năm 1990 tại Vũng Tàu, trong gia đình có bố mẹ là công chức, giáo viên. Sau khi tốt nghiệp THPT (chuyên Toán Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) với thành tích học tập tốt, Hồng Nhung nhận được học bổng toàn phần ngành Kỹ thuật Hóa học tại Trường ĐH Oklahoma, Hoa Kỳ.
"Đây là điều bất ngờ, dự tính ban đầu của tôi là thi vào Trường ĐH Ngoại thương, theo ngành Kinh doanh quốc tế, vì đây là ngành hot, được đi nhiều nơi. Nghe hơi buồn cười nhưng đây là sự thật 100%, định hướng nghề nghiệp của tôi lúc đó không được tốt lắm" - TS Hồng Nhung nhớ lại thời điểm mới tốt nghiệp THPT.
Sau khi có tin được nhận học bổng đi du học, bố mẹ của chị có chút ái ngại vì là ngành kĩ thuật, sợ con gái học cực. "Nhưng tôi quyết tâm xin đi, vì thích đi du học, đặc biệt là học ở nước phát triển như Mỹ. Hơn nữa, ở Mỹ, 2 năm đầu là học đại cương, có thời gian để tìm hiểu ngành học nhiều hơn" - chị chia sẻ.
Dự định ban đầu là vậy, nhưng đến khi học, chị cảm thấy rất thích ngành Kỹ thuật Hóa học. Mới nghe tưởng chỉ có liên quan đến hóa nhưng thật ra là ngành Hóa công nghiệp, chuyên về các quy trình sản xuất thực phẩm, hóa phẩm, mỹ phẩm, năng lượng, vật liệu...
"Đây là ngành đào tạo kỹ sư, nghĩa là được dạy tư duy giải quyết vấn đề, được nhìn một quy trình sản xuất từ khâu thiết kế máy móc đến xem xét hiệu suất kinh tế, tận mắt chứng kiến những nguyên liệu thô chế biến thành sản phẩm chất lượng cao. Với tôi, đó là điều kỳ diệu nên hy vọng có thể gắn bó với ngành lâu hơn nữa" - TS Hồng Nhung chia sẻ thêm.
Tốt nghiệp ĐH ngành Kỹ thuật Hóa học (2013) với số điểm 3.95/4.00 GPA, Hồng Nhung tiếp tục học lên ThS (2014) và TS (2018) tại Trường ĐH Oklahoma (Mỹ). Sau gần 10 năm du học, chị quyết định trở về Việt Nam giảng dạy tại IU và bén duyên với lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất các chế phẩm hữu cơ phục vụ nông nghiệp.
Nói về TS Dương Nguyễn Hồng Nhung, PGS.TS Huỳnh Kim Lâm (Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Hóa học, Khoa Công nghệ sinh học, Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TPHCM), nhận định: "TS Hồng Nhung được đào tạo bài bản từ bậc ĐH đến TS về Kỹ thuật Hóa học ở Mỹ (ĐH Oklahoma) với chuyên môn sâu về vật liệu nano và chất xúc tác dị thể. Khi về công tác tại bộ môn Kỹ thuật Hóa học, TS Nhung cùng với các đồng nghiệp trẻ đã góp phần đáng kể trong việc xây dựng chương trình đào tạo cũng như trực tiếp giảng dạy và đào tạo các lứa kỹ sư hóa học đầu tiên của trường.
Bên cạnh đó, TS Nhung đã xây dựng và mở rộng nhóm nghiên cứu của mình cũng như hợp tác, liên kết với đối tác công nghiệp theo hướng năng lượng, môi trường, tinh chế và nâng cao hiệu quả của các hợp chất tự nhiên và tạo ra được một số sản phẩm có tính ứng dụng cao. Dưới sự hướng dẫn của TS Nhung, các sản phẩm của nhóm đạt được nhiều thành tích cao trong các cuộc thi về nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp trong nước và quốc tế...".
TS Dương Nguyễn Hồng Nhung.
Dự án vào Top 5 Cuộc thi Sáng tạo kinh doanh xã hội 2021
Mới đây, Dự án Nanoneem do TS Hồng Nhung làm trưởng nhóm cùng sinh viên của IU và một số sinh viên Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, lọt vào Top 5 dự án được trao giải thưởng "Impactful Social Innovative Concepts" của Cuộc thi Sáng tạo kinh doanh xã hội 2021. Dự án đã vinh dự đạt số điểm 91/100, điểm số cao nhất vòng bán kết của cuộc thi. Cuộc thi Sáng tạo kinh doanh xã hội 2021 (Social Business Creation) - do Trường Đại học HEC Montréal Canada (HEC) và Giáo sư Muhammad Yunus (đoạt giải Nobel Hòa bình 2006) khởi xướng, tổ chức và đảm bảo về chuyên môn và phương pháp.
Theo TS Dương Nguyễn Hồng Nhung, Nanoneem là dự án nghiên cứu sản xuất thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nguồn gốc thảo mộc an toàn, thân thiện môi trường nhưng vẫn đảm bảo tính hiệu quả và giá thành hợp lý. Sản phẩm ứng dụng công nghệ nano trong việc đưa các thành phần tự nhiên về dạng bền hơn và dễ thẩm thấu hơn, từ đó nâng cao hiệu quả phòng trừ sâu bệnh. Nanoneem hướng đến nền nông nghiệp sạch, an toàn và thân thiện môi trường.
Ngoài ra, việc sử dụng thành phần thảo mộc chính từ neem cũng giúp sản phẩm tận dụng khai thác rừng neem bền vững, góp phần bảo vệ rừng và mang lại thêm kinh tế cho người dân bản địa. Neem (xoan Ấn Độ) là một loài cây có thể sinh trưởng tốt ở những vùng đất cát cằn cỗi, giúp giữ nước, chống xói mòn, ngăn bão và điều hòa hệ sinh thái.
Nói về lý do hình thành dự án, TS Hồng Nhung cho biết: "Tôi mong muốn tạo ra những sản phẩm tốt từ nguồn nguyên liệu và công nghệ mà mình có thể chủ động được ở Việt Nam. Và hơn nữa là góp phần giải quyết vấn đề lạm dụng thuốc BVTV hóa học độc hại đã và đang trở thành nỗi ám ảnh của rất nhiều người (trong đó có tôi)".
Nói về nhữ̃ng dự định của nhóm, TS Hồng Nhung cho biết, Nanoneem chỉ là một trong các dự án mà nhóm nghiên cứu của chị và các cộng sự đang theo đuổi. Các dự án này có điểm chung đều xoay quanh những công nghệ lõi như công nghệ chiết tách, nhũ hóa nano, vi bao nano... Sản phẩm đầu ra có thể ứng dụng trong nhiều mảng khác nhau như nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe, chăm sóc nhà cửa, dược mỹ phẩm".
"Không ai có thể đi một mình, đặc biệt là những dự án liên quan đến nhiều lĩnh vực thế này. Tôi vẫn đang trong quá trình mở rộng và tìm kiếm thêm nhiều người đồng hành để đi được xa hơn. Người đồng hành có thể là chuyên gia, doanh nghiệp, đối tác, nhà tài trợ, nhà đầu tư, nghiên cứu viên, sinh viên..." - TS Hồng Nhung chia sẻ.
"Thông qua những dự án như Nanoneem, tôi cũng mong muốn tạo ra môi trường cho sinh viên trải nghiệm, tìm tòi nghiên cứu, thử nghiệm sản xuất, lên ý tưởng sản phẩm... Ngoài việc học, đây cũng là điều kiện để sinh viên phát triển tư duy giải quyết vấn đề, năng lực tự học và khả năng thích nghi...". - TS Dương Nguyễn Hồng Nhung
Học bổng 100% chương trình chứng chỉ năng lực toàn cầu cho giáo viên tiếng Anh Cơ quan Giáo dục New Zealand (ENZ) thông báo dành 20 học bổng toàn phần cho giáo viên Việt Nam tham gia chương trình Chứng chỉ năng lực toàn cầu do các giảng viên Đại học Massey trực tiếp hướng dẫn năm 2021. Chương trình Chứng chỉ năng lực toàn cầu được ENZ mở rộng triển khai cho giáo viên Việt Nam nhằm...