Mỹ lên án đe dọa mới của chính quyền quân sự Niger
Bộ Ngoại giao Mỹ đã bày tỏ phẫn nộ trước những lời đe dọa của chính quyền quân sự Niger về việc đưa ra xét xử Tổng thống đang bị giam giữ Mohamed Bazoum.
“Chúng tôi vô cùng thất vọng trước các báo cáo cho thấy việc giam giữ bất công Tổng thống Bazoum thậm chí còn đi xa thêm một bước nữa. Hành động này là hoàn toàn không có cơ sở và phi lý… sẽ không góp phần vào một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng này”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel nói với các phóng viên ngày 14.8, theo AFP.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, người đã đến thăm Niger vào tháng 3 trong chuyến thăm cấp cao nhất từ trước đến nay của một quan chức Mỹ, ngày 14.8 đã điện đàm với Tổng thống Nigeria Bola Tinubu, hiện là Chủ tịch Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi ( ECOWAS). Ông Blinken khen ngợi những nỗ lực của ông Tinubu trong việc lãnh đạo ECOWAS và ủng hộ việc “duy trì áp lực” đối với các nhà lãnh đạo quân sự của Niger.
ECOWAS đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Niger và phê chuẩn việc triển khai một lực lượng quân sự “dự phòng” để đảo ngược kết quả cuộc đảo chính ngày 26.7, trong đó quân đội đã phế truất Tổng thống dân cử Bazoum. Ông Bazoum (63 tuổi) và gia đình của ông đã bị giam giữ tại dinh thự tổng thống kể từ sau cuộc đảo chính.
Tổng thống Niger Mohamed Bazoum phát biểu tại kỳ họp thứ 77 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở thành phố New York (Mỹ) ngày 22.9. Ảnh Reuters
Cũng trong ngày 14.8, ECOWAS lên án chính quyền quân sự Niger về việc đe dọa truy tố ông Bazoum, nói rằng điều này mâu thuẫn với tuyên bố sẵn sàng giải quyết cuộc khủng hoảng một cách hòa bình do chính quyền quân sự đưa ra.
Trước đó, những người lãnh đạo cuộc đảo chính ngày 13.8 nói rằng họ đã thu thập được bằng chứng cho phép họ truy tố ông Bazoum về tội “phản quốc và phá hoại an ninh bên trong và bên ngoài của Niger”. Họ còn nói rằng cáo buộc đó được dựa trên “các mối liên hệ” mà ông Bazoum đã có với “các công dân… nguyên thủ quốc gia nước ngoài… (và) các quan chức trong các tổ chức quốc tế”.
Trong khi đó, giới lãnh đạo cuộc đảo chính ở Niger đã triệu hồi đặc phái viên của nước này tại thành phố Abidjan vào ngày 14.8, sau những phát biểu của Tổng thống Bờ Biển Ngà Alassane Ouattara mà họ cho là “ca ngợi hành động vũ trang” chống lại Niamey, theo AFP.
Tướng Abdourahmane Tiani, người được các nhà lãnh đạo đảo chính tuyên bố là nguyên thủ quốc gia mới của Niger, đến gặp các bộ trưởng ở Niamey (Niger) ngày 28.7. Ảnh Reuters
Đề cập việc các nước láng giềng Tây Phi của Niger bật đèn xanh cho khả năng can thiệp vũ trang nhằm khôi phục nền dân chủ ở nước này, chính quyền quân sự đã cáo buộc Tổng thống Ouattara muốn “chứng kiến hành động xâm lược phi pháp và vô nghĩa chống lại Niger này diễn ra”.
Phe đảo chính Niger dọa giết tổng thống nếu bị tấn công
Khi trở về từ hội nghị thượng đỉnh của ECOWAS tại thủ đô Abuja của Nigeria vào ngày 10.8, Tổng thống Ouattara cho hay các nguyên thủ quốc gia đã nhất trí rằng một chiến dịch quân sự nên “bắt đầu càng sớm càng tốt”. Ông Ouattara cho biết thêm Bờ Biển Ngà sẽ đóng góp một tiểu đoàn từ 850 đến 1.100 quân, cùng với Nigeria và Benin.
“Những người tiến hành cuộc đảo chính có thể quyết định rời đi vào sáng mai và sẽ không có sự can thiệp quân sự nào, tất cả tùy thuộc vào họ. Chúng tôi quyết tâm phục hồi chức vụ cho Tổng thống Bazoum”, Tổng thống Ouattara nhấn mạnh.
Khối Tây Phi cảnh báo Nga về Wagner
Cộng đồng Kinh tế các nước Tây Phi (ECOWAS) cho biết, Nga sẽ phải chịu trách nhiệm nếu tập đoàn lính đánh thuê Wagner có các vi phạm liên quan đến vụ đảo chính ở Niger hoặc gây ra sự tàn phá trong khu vực.
Ngược lại, Moscow cũng cảnh báo khối Tây Phi về chuyện can thiệp quân sự vào Niger.
Người biểu tình ủng hộ chính quyền quân sự ở Niger tập trung bên ngoài một căn cứ quân sự Pháp ở ngoại ô thủ đô Niamey, Niger. Ảnh: Reuters
Trong cuộc phỏng vấn trên tờ Sunrise Daily (Nigeria) ngày 11/8, ông Abdel-Fatau Musah, Ủy viên phụ trách các vấn đề chính trị, hòa bình và an ninh của ECOWAS, cảnh báo Moscow về khả năng tập đoàn Wagner hiện diện ở Niger.
Ông Musah lưu ý rằng, Wagner đã và đang hiện diện ở một quốc Tây Phi khác.
"Tập đoàn Wagner đang hiện diện ở Mali. Chính phủ Mali nói rằng đây là một thỏa thuận giữa họ và Nga", ông Musah nói. "Chúng tôi muốn tin lời họ. Nếu Wagner có bất kỳ hành động vi phạm nhân quyền hoặc tàn phá khu vực Tây Phi, chúng tôi sẽ buộc một số quốc gia phải chịu trách nhiệm về điều đó".
Khi được hỏi liệu có đang ám chỉ tới Nga, vị quan chức của ECOWAS nhấn mạnh: "Chính là Nga. Chúng tôi sẽ buộc Moscow phải chịu trách nhiệm về mặt ngoại giao".
Ông Musah cho rằng, các tập đoàn quân sự tư nhân đã là một phần của bối cảnh xung đột ở châu Phi trong nhiều năm.
"Các tập đoàn quân sự tư nhân đã hiện diện ở Sierra Leone. Họ cũng có liên quan tới cuộc nội chiến ở Liberia. Trong các cuộc xung đột gần đây, các tập đoàn quân sự tư nhân cũng được trọng dụng. Mỹ cũng từng sử dụng các tập đoàn quân sự tư nhân ở Iraq và Afghanistan. Những gì chúng ta thấy là các tập đoàn quân sự tư nhân không được chấp nhận ở châu Phi dù thực tế họ đã hiện diện ở đây. Chúng tôi sẽ quy trách nhiệm cho quốc gia mà các tập đoàn đánh thuê này có xuất xứ từ đó nếu họ gây ra bất kỳ hành vi vi phạm nào", vị quan chức của ECOWAS nói.
Ông Musah còn tuyên bố rằng không muốn các tập đoàn quân sự tư nhân can thiệp vào xung đột trong khu vực Tây Phi vì "biết hậu quả từ sự can thiệp đó".
Cũng trong ngày 11/8, Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo ECOWAS không nên can thiệp quân sự vào Niger.
"Chúng tôi cho rằng một giải pháp quân sự với cuộc khủng hoảng ở Niger có thể dẫn đến một cuộc đối đầu kéo dài ở quốc gia Tây Phi này và gây bất ổn nghiêm trọng cho tình hình ở toàn bộ vùng Sahel", Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố.
Guardian ngày 12/8 dẫn tin từ truyền thông Pháp cho hay, ECOWAS đã đình chỉ một cuộc họp quân sự quan trọng về cuộc khủng hoảng ở Niger, một ngày sau khi nói rằng sẽ tập hợp lực lượng "thường trực" trong nỗ lực khôi phục chính quyền dân sự ở Niger.
Cụ thể, Tham mưu trưởng các quốc gia thành viên của ECOWAS dự kiến tham gia một cuộc họp ngày 12/8 tại thủ đô Accra của Ghana, theo các nguồn tin quân sự ở khu vực Tây Phi. Tuy nhiên, sau đó, các nguồn tin này nói rằng cuộc họp bị đình chỉ vô thời hạn "vì lý do kỹ thuật".
Các nguồn tin cho biết, cuộc họp ban đầu được thiết lập để thông báo cho giới lãnh đạo ECOWAS về "các lựa chọn tốt nhất" để kích hoạt và triển khai lực lượng "thường trực" của khối.
Việc hủy bỏ cuộc họp của ECOWAS được đưa ra khi hàng nghìn người biểu tình ủng hộ đảo chính tập trung gần một căn cứ quân sự của Pháp ở Niger ngày 11/8. Đám đông biểu tình liên tục hô vang: "Đả đảo Pháp, đả đảo ECOWAS".
Theo hãng tin AP, căng thẳng đang leo thang ở Tây Phi giữa chính quyền quân sự mới ở Niger và ECOWAS khi 2 phía không chịu nhượng bộ. Khối Tây Phi ngày 10/8 đã quyết định sẽ triển khai một lực lượng "thường trực" nhằm khôi phục trật tự hiến pháp ở Niger.
Vài giờ trước đó, 2 quan chức phương Tây nói với hãng tin AP rằng chính quyền quân sự Niger tuyên bố có thể giết Tổng thống bị phế truất Bazoum nếu ECOWAS can thiệp quân sự để khôi phục chức vụ của ông này.
Chưa rõ thời gian, địa điểm ECOWAS sẽ triển khai lực lượng "thường trực" và thông tin về việc tính mạng của ông Bazoum sẽ ảnh hưởng như thế nào đến quyết định can thiệp quân sự của khối Tây Phi. Một số chuyên gia về xung đột cho biết, lực lượng thường trực của ECOWAS có thể bao gồm khoảng 5.000 quân do Nigeria chỉ huy và sẽ sẵn sàng trong vài tuần.
Phe đảo chính Niger dọa giết tổng thống AP ngày 11.8 dẫn lời 2 quan chức phương Tây cho biết chính quyền quân sự của Niger đã dọa sẽ giết Tổng thống Mohamed Bazoum nếu các nước láng giềng can thiệp quân sự để khôi phục chính phủ. Theo nguồn tin, các cảnh báo trên được phe đảo chính Niger gửi đến Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland, trong lúc...