Món mèn mén của đồng bào Mông
Lúa và ngô là hai cây lương thực chính của đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng núi cao. Trước đây, khi cuộc sống còn nhiều khó khăn, thì mèn mén là món ăn chính trong các bữa ăn hàng ngày của đồng bào dân tộc Mông.
Mèn mén được làm từ hạt ngô tẻ. Để có được món mèn mén, các gia đình người Mông thường phải đồ mèn mén vào sáng sớm để dành cho ăn cả ngày. Việc chuẩn bị làm mèn mén đòi hỏi tốn nhiều thời gian để thực hiện với các công đoạn: bóc vỏ, tách hạt ra khỏi lõi ngô, xay hạt ngô thành bột và sàng bỏ bớt vỏ (mày ngô). Sau khi có bột ngô vừa ý, người ta cho vào chõ và đặt chõ trong một cái chảo có nước vừa đủ để đồ.
Để thành món mèn mén người ta phải đồ hai lần. Đồ lần đầu để tẩm nước vào bột ngô, đồng thời cũng là để làm cho bột ngô tơi, không dính vào nhau. Bởi vậy, thời gian đồ lần đầu cần tính toán cho thích hợp với từng loại ngô (ngô non hay ngô già). Nếu là bột ngô già thì thời gian đồ cần lâu hơn. Nếu là bột ngô non thì chỉ sau khi nước ở trong chảo sôi, thấy hơi bốc nghi ngút lên miệng chõ là có thể bắc ra được.
Những người có kinh nghiệm đồ mèn mén thường không vội vàng mà phải dựa vào độ lửa cháy to hay nhỏ (vì lửa nhỏ thì lâu sôi, lửa to thì sôi nhanh). Khi bắc chõ ra khỏi chảo thì đổ bột ngô ra mẹt, dùng thìa gỗ đảo đi, đảo lại cho bột ngô tơi ra. Nếu không làm cho bột ngô tơi thì đồ lần sau bột ngô sẽ không chín kỹ, không thể có món mèn mén với vị thơm, dẻo và ngọt đậm đà, hơn nữa ăn sẽ bị đau bụng. Sau khi làm tơi và để nguội, người ta lại cho ngô vào chõ đồ lần hai và lần này phải đồ cho chín thật kỹ.
Khi ăn mèn mén, bà con thường dùng muôi gỗ để xúc mèn mén ra bát. Ăn mèn mén bao giờ bà con cũng kèm thêm một bát canh. Đối với bà con dân tộc Mông thì thường là canh bí. Ngày nay, cuộc sống dư dả, nhiều người đã lựa chọn thú vui đi du lịch tham quan, ngắm cảnh đẹp và còn được thưởng thức những món ăn truyền thống mang hương vị, sắc thái riêng, lạ của những vùng, miền nơi đặt chân đến, trong đó có món mèn mén. Đối với nhiều du khách, không cần phải những món “sơn hào hải vị”, mà chỉ đơn giản là để được gần gũi, biết thêm về cuộc sống vật chất, tinh thần của cư dân bản địa, để hiểu thêm những ý nghĩa, giá trị văn hoá của nó.
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, cuộc sống của người Mông đã từng bước được nâng lên, nhiều hộ gia đình đã chuyển sang ăn cơm là chính, nhưng những ngày lễ tết hoặc cưới hỏi, ma chay… thì vẫn không thể thiếu món mèn mén.
Theo PNO