Mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống bệnh dại năm 2019
Ngày 27/9, tại thành phố Bà Rịa, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại (28/9) với chủ đề “Bệnh dại: Vắc xin loại trừ bệnh dại”.
Các đại biểu ký cam kết chung tay phòng chống bệnh dại tại lễ mít tinh.
Thông tin từ lễ mít tinh cho biết: Dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây nên, 100% bệnh nhân tử vong khi đã lên cơn dại. Bệnh lây truyền từ động vật (chủ yếu là từ chó và mèo) sang người. Mặc dù nền y học hiện đại đã có nhiều thành công trong nghiên cứu và khống chế bệnh dại, nhưng đến nay bệnh dại vẫn là một vấn đề y tế công cộng cần quan tâm tại nhiều quốc gia trên thế giới. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm trên toàn cầu có 50.000 – 70.000 người tử vong do bệnh dại và trên 10 triệu người phải điều trị dự phòng bằng vắc xin dại.
Tại Việt Nam, số ca tử vong do dại vẫn ghi nhận ở mức cao, trung bình khoảng 100 trường hợp trong một năm. Trước tình hình đó, năm 2005, Chính phủ đã có Nghị định số 05 về phòng chống bệnh dại ở động vật; năm 2017, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 31 về tăng cường phòng chống bệnh dại; ngày 13/2/2017, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 193 về phê duyệt “Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017 – 2021″. Tuy nhiên, cho đến nay bệnh dại vẫn là vấn đề thách thức trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Tại Lễ mít tinh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã kêu gọi sự chung tay, chung sức của các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp và cộng đồng dân cư trong việc kiểm soát bệnh dại trên người và động vật.
Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục hợp tác cùng với các cấp chính quyền, WHO, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cùng các tổ chức quốc tế khác nhằm tăng cường nhận thức về các biện pháp dự phòng và mở rộng điều trị dự phòng sau phơi nhiễm cho người bị chó dại cắn; cải thiện công tác giám sát và báo cáo dịch bệnh, khuyến khích sự hợp tác hiệu quả hơn giữa hai ngành y tế và thú y ở cấp địa phương.
Video đang HOT
Tiêm vắc xin phòng dại miễn phí cho chó, mèo sau lễ mít tinh.
Cũng tại lễ mít tinh, ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đã thể hiện quyết tâm của chính quyền các cấp tại tỉnh trong công tác phòng chống và loại trừ bệnh dại. Thời gian tới, Bà Rịa – Vũng Tàu phấn đấu tăng tỉ lệ tiêm vắc xin trên đàn chó, mèo đạt từ 80% trở lên, phấn đấu 100% người bị chó, mèo cắn đều được tiêm phòng đúng quy định, hướng tới mục tiêu không còn người chết vì bệnh dại vào năm 2030.
Đại diện Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và các tổ chức quốc tế đã ký cam kết chung tay phòng chống bệnh dại; tổ chức tư vấn và tiêm phòng vắc xin phòng dại miễn phí cho đàn chó, mèo trên địa bàn tỉnh.
Sau lễ mít tinh, đại diện các tổ chức, đoàn thể cùng hàng trăm người dân đã tham gia diễu hành hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại năm 2019.
Tin, ảnh: Hoàng Nhị
Theo TTXVN
Cách phòng tránh bệnh dại hiệu quả
Bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được.
Cần tiêm vắc xin phòng dại cho chó mèo
Theo BSCKII Khổng Minh Tuấn, bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút Dại gây ra. Bệnh được lây truyền từ động vật sang người thông qua các vết cắn, vết cào hoặc vết liếm (trên vết thương hở) của động vật mắc bệnh dại như chó, mèo, chuột.
Ổ chứa vi rút dại trong thiên nhiên là động vật hoang dã như chó sói, chó rừng chồn, cầy, dơi và một số động vật có vú khác. Từ đó, vi rút dại lây truyền sang động vật nuôi như chó, mèo và động vật sống gần người như chuột. Trong đó chủ yếu là chó bị nhiễm bệnh (96-97%).
Theo báo cáo của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), tình hình bệnh dại năm 2018 có diễn biến phức tạp, số người tử vong do dại tăng hơn 29 trường hợp so với năm 2017 (tổng cộng 103 ca).
Trong 7 tháng đầu năm 2019, cả nước đã ghi nhận 46 trường hợp tử vong do bệnh dại tại 24 tỉnh, thành phố. Khu vực miền núi phía Bắc vẫn ghi nhận có số tử vong do dại cao nhất cả nước chiếm hơn 80%. Các trường hợp tử vong là do không tiêm vắc xin phòng bệnh dại sau khi bị chó mèo nghi dại cắn.
Theo BS Tuấn, bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người bị bệnh dại gần như tử vong 100%. Tuy nhiên bệnh dại hoàn toàn có thể phòng tránh được.
Để phòng chống bệnh dại một cách hiệu quả, Sở y tế Hà Nội khuyên người dân cần thực hiện tốt một số biện pháp như: Tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo nuôi hàng năm theo lịch tiêm của cơ quan thú y; Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo; Chó, mèo nuôi phải được nhốt, xích trong nhà; Chó phải được đeo rọ mõm khi đi ra ngoài đường phố.
Trường hợp bị chó, mèo, chuột cắn, cào, liếm vào vết thương hở, Sở Y tế Hà Nội khuyên người dân cần thực hiện các bước sau:
- Xối rửa kỹ vết thương bằng xà phòng và nước sạch liên tục trong 15 phút.
- Sau đó rửa vết thương bằng cồn 70% hoặc cồn iod.
- Không chà xát và làm đụng dập vết thương và không được băng kín vết thương.
- Đến ngay các cơ sở tiêm vắc xin, để được tư vấn và tiêm phòng.
- Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không chữa thầy lang.
Theo baophapluat
Bệnh dại tiếp tục diễn biến phức tạp, đã có 46 người tử vong Hiện nay, vẫn còn nhiều thách thức trong công tác phòng chống bệnh dại như chưa giảm được số trường hợp tử vong do bệnh này một cách bền vững và ổn định. Người dân cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm. (Ảnh: Diệp Anh/TTXVN) Theo chương trình khống chế và loại trừ...