Lối thoát cho Philippines và TQ sau vụ kiện Biển Đông
Nếu chỉ mong muốn hợp tác về năng lượng với Trung Quốc ở Biển Đông mà xem nhẹ chủ quyền, chắc chắn Philippines sẽ phải trả giá đắt với dư luận trong nước.
Cựu Tổng thống Fidel Ramos tới Hong Kong với hy vọng “phá băng”.
Cựu Tổng thống Philippines Fidel Ramos có mặt ở Hong Kong đầu tháng 8 để gặp gỡ “bạn cũ” với hy vọng “phá băng” trong quan hệ với Bắc Kinh. Ông Ramos sau đó nói rằng đã bàn bạc “trong tinh thần anh em nhằm tìm kiếm hòa bình, hợp tác giữa hai quốc gia”.
Tháng 7, Trung Quốc đã bị Philippines “vỗ mặt” bằng chiến thắng lịch sử sau vụ kiện Biển Đông. Sau phán quyết vụ kiện, cả hai đều mong muốn giải quyết những bất đồng. Tuy nhiên, hai nước này sẽ lãng phí nhiều cơ hội nếu cứ tiếp tục việc “thử và thất bại” với ý tưởng hợp tác về năng lượng.
Chỉ vài phút sau khi phán quyết được tòa trọng tài đưa ra, Trung Quốc dù lớn tiếng phản đối nhưng vẫn nói rằng “sẽ nỗ lực để đạt được sự thỏa thuận chung, bao gồm các hoạt động cùng nhau ở vùng biển liên quan”.
Chính quyền Manila cũng cho thấy sự quan tâm với tuyên bố của Bắc Kinh. Ngoại trưởng Perfecto Yasay nói rằng Philippines muốn đàm phán với Trung Quốc để “sử dụng và thu lợi cho cả hai bên từ việc khai thác tài nguyên Biển Đông”.
Thời kỳ của cựu Tổng thống Arroyo được xem là “kỉ nguyên vàng” trong quan hệ với Trung Quốc.
Trước đây, Đặng Tiểu Bình và nhiều đời lãnh đạo Trung Quốc từng đề cập tới một sự hợp tác chung giữa hai quốc gia. Do cần nhiều năng lượng, đặc biệt là dầu mỏ và thiếu khả năng khai thác, Manila rất hy vọng có được sự hỗ trợ từ phía Trung Quốc. Phán quyết Biển Đông có thể là cơ hội cho Philippines hợp tác trở lại nhưng cũng là trở ngại không nhỏ cho viễn cảnh “hai bên cùng có lợi”.
Tòa trọng tài tuyên bố cái gọi là “quyền lịch sử” của Trung Quốc với đường 9 đoạn mà nước này rêu rao là không có cơ sở. Tòa án quốc tế cũng khẳng định không có bất kì đảo nào trong chuỗi đảo thuộc khu vực tranh chấp và vùng biển Philippines được xem là một “đảo đúng nghĩa”.
Do vậy, phán quyết của tòa án PCA cũng thu hẹp đáng kể phạm vi vùng biển mà Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền trái phép và hầu như không có khả năng chúng đè lấn lên vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Philippines khát năng lượng
Video đang HOT
Dù rất khát năng lượng nhưng Philippines không đủ tiềm lực để khai thác.
Philippines đang trong thời kì “đói khát” năng lượng nên nước này có thể cân nhắc đánh đổi một phần chủ quyền để thu hút được vốn, công nghệ từ Trung Quốc. Hiện nay chính quyền Manila nhập khẩu hơn 90% dầu thô và các sản phẩm từ dầu mỏ. Khí tự nhiên trong nước cũng sẽ cạn kiệt trong 15 năm tới khi nhu cầu đang lên cao.
Manila chưa bao giờ đủ tiềm lực vốn hay công nghệ để thăm dò, khai thác nguồn dầu mỏ mới ở Biển Đông nếu không có nước khác trợ giúp. Mỏ khí tự nhiên đáng kể ở Reed Bank trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines lại trùng lên “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền. Nhiều tập đoàn quốc tế không muốn đặt chân tới khu vực này vì sợ gặp rắc rối với Trung Quốc.
Eduardo Manalac, cựu chủ tịch Tập đoàn Dầu mỏ Quốc gia Philippines (PNOC) nói: “Chúng tôi nhập khẩu 99,9% lượng dầu mỏ và dầu thô. Đây là thời điểm giá dầu là 100 USD/thùng. Chúng tôi muốn tự sản xuất dầu nhưng không biết cách khai thác”.
Đánh bắt cá được xem là hướng đi khả dĩ cho cả Trung Quốc và Philippines nếu muốn xử lý mâu thuẫn hai bên.
Dưới thời nữ Tổng thống Macapagal Arroyo, quan hệ Trung Quốc-Philippines được coi là “kỉ nguyên vàng” khi những khoản vốn vay dồi dào từ Bắc Kinh đổ dồn về Manila. Trong chuyến thăm năm 2004 của bà tới Trung Quốc, tập đoàn dầu khí hai quốc gia đã kí biên bản thăm dò địa chất ở Biển Đông. Tuyên bố chung của hai bên né tránh vấn đề chủ quyền khi thông báo”sẽ không làm ảnh hưởng tới quan điểm hai bên về tranh chấp Biển Đông”.
Cuối năm 2007, cuộc họp báo ở Manila công bố thông tin về vụ thăm dò dầu khí. Khi được hỏi về địa điểm thực hiện, câu trả lời vẫn chỉ là sự im lặng, cựu Thứ trưởng Năng lượng Guillermo Balce nói. Sau đó ít lâu, vị trí khoan thăm dầu khí được tiết lộ khiến tranh cãi liên tục nổ ra. Nhiều học giả nói rằng Philippines đã nhượng bộ quá nhiều khi chấp nhận thỏa thuận.
Thời điểm đó, bà Arroyo và chồng bị cáo buộc tham nhũng trong hợp đồng viễn thông trị giá 329 triệu USD từ nhà thầu Trung Quốc. Các nghị sĩ nhóm đối lập yêu cầu làm rõ liệu có hay không bà Arroyo “bán chủ quyền đất nước với khoản vay trị giá 8 tỉ USD”.
Ngoài ra, tính hợp pháp của dự án này cũng bị đặt dấu hỏi lớn. Theo hiến pháp Philippines và Đạo luật Phát triển, Thăm dò dầu khí, công ty Philippines phải nắm ít nhất 60% vốn và lợi nhuận phải từ 60% trở lên. Tất nhiên khi tham gia cùng nhà thầu Trung Quốc, điều khoản này sẽ không thể đạt được. Tới tháng 7.2008, dự án phải hủy bỏ.
Manila nếu muốn hợp tác với Trung Quốc ở vùng Reed Bank, đồng nghĩa phải chia sẻ quyền chủ quyền cho khu vực Bắc Kinh không có quyền tuyên bố chủ quyền. Tổng thống đương nhiệm Rodrigo Duterte cũng không dám mạo hiểm trước “canh bạc chính trị” quá lớn này. Trung Quốc không muốn cử một doanh nghiệp nhỏ tham gia dự án vì sợ rằng làn sóng chủ nghĩa yêu nước cực đoan sẽ trào dâng ở đại lục.
Hợp tác nghề cá
Phán quyết của tòa án trọng tài thường trực vẫn để ngỏ cơ hội khai thác cá cho các quốc gia.
Phán quyết của tòa án vẫn dành chỗ cho hai bên hợp tác và quản lý nghề cá giàu tiềm năng ở Biển Đông. Cá sẽ ít “hào nhoáng” hơn dầu mỏ, tuy nhiên lại quan trọng về mặt chiến lược cho cả hai nước: mâu thuẫn chủ yếu giữa các quốc gia là liên quan tới đánh bắt cá và nếu ngành này sụp đổ, 210 triệu dân sống quanh Biển Đông sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Nguồn thu và thực phẩm quan trọng của cư dân miền biển phụ thuộc lớn vào lượng cá Biển Đông.
Theo đánh giá, năm 2012 lượng cá ở Biển Đông chiếm 12% tổng lượng đánh bắt cá toàn cầu, mang về doanh thu 22 tỉ USD.
Tòa quốc tế cho phép Philippines và Trung Quốc đánh bắt ở vùng 12 hải lý quanh bãi cạn Scarborough tranh chấp. Khu vực này vẫn là địa điểm quen thuộc của ngư dân tới đánh bắt cá. Sau phán quyết Biển Đông, Trung Quốc có thể mở lại vùng biển này cho tàu cá Philippines vào và căng thẳng khu vực phần nào sẽ được giải quyết.
Khi không công nhận những “hòn đảo” ở Biển Đông là “đảo tự nhiên”, đồng nghĩa rằng các nước hoàn toàn có quyền đánh bắt cá ở vùng biển quốc tế.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hiện nay là tình trạng đánh bắt cá quá mức khiến lượng cá ở Biển Đông đã sụt giảm từ 70% đến 95% so với thời điểm 60 năm trước, theo đánh giá của đại học British Columbia,
Hợp tác đánh bắt cá bền vững không chỉ xây dựng lòng tin và giúp duy trì sự ổn định về thu nhập, thực phẩm cho người dân trong khu vực. Nếu nghề cá ở Biển Đông cứ phát triển không kiểm soát, lượng cá có thể sụt giảm 60% so với năm 2015 trong 20 năm tới.
Đóng góp vào phát triển nghề cá bền vững cũng giúp phần nào cứu vãn hình ảnh của Trung Quốc. Trước đây, Bắc Kinh thường sử dụng những biện pháp đánh bắt cực đoan như dùng bom mìn, xyanua để tận diệt Biển Đông. Nếu Trung Quốc thay đổi hình ảnh thành một người bảo vệ tại vùng biển giàu tiềm năng, chắc chắn vị thế của nước này sẽ được cải thiện ít nhiều.
Phán quyết của tòa trọng tài đưa ra một cơ hội rất rõ ràng cho Trung Quốc. Chỉ cần Bắc Kinh cho thấy thiện chí của mình và cắt giảm các hoạt động leo thang quân sự, chắc chắn hợp tác sẽ được thực hiện. Tất nhiên, hợp tác trong nghề cá chứ không phải khai thác tài nguyên dầu mỏ.
Theo NTD
Các ngoại trưởng ASEAN quan ngại về tình hình Biển Đông
Biển Đông là chủ đề được bàn thảo nhiều tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 diễn ra hôm nay tại thủ đô Vientiane, Lào.
Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại hội nghị. Ảnh: AP
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 (AMM-49) hôm nay diễn ra tại Vientiane, Lào, với sự tham dự của 10 Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN.
Với chủ đề "Đưa Tầm nhìn thành hiện thực vì một Cộng đồng ASEAN năng động", các bộ trưởng đã thảo luận 5 nội dung chính, gồm: những biện pháp củng cố đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN, triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, nâng cao hiệu quả bộ máy tổ chức, hợp tác giữa ASEAN với các đối tác, đồng thời trao đổi về tình hình khu vực và quốc tế.
Đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu tham dự hội nghị.
Trong thảo luận về tình hình khu vực và quốc tế, các bộ trưởng trao đổi về nhiều vấn đề như bán đảo Triều Tiên, Trung Đông, Biển Đông, các thách thức đang nổi lên như khủng bố, buôn bán người, di cư, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh biển, biến đổi khí hậu, thiên tai.
Các bộ trưởng dành nhiều thời gian trao đổi về vấn đề Biển Đông, khẳng định tầm quan trọng của Biển Đông gắn liền với hòa bình, ổn định và hợp tác của khu vực, tiếp tục bày tỏ quan ngại về tình hình phức tạp gần đây trên Biển Đông, trong đó có việc bồi đắp và quân sự hóa, làm gia tăng căng thẳng, xói mòn lòng tin, ảnh hưởng tới hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.
Nhiều bộ trưởng nhấn mạnh trong bối cảnh hiện nay, ASEAN cần phát huy đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm, đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định, kêu gọi kiềm chế và tạo môi trường thuận lợi cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp. Biển Đông chính là phép thử đối với sự thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN.
Một số vấn đề liên quan đến Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 cũng được trao đổi. Các bộ trưởng khẳng định lập trường nhất quán về giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, tầm quan trọng của việc đề cao luật pháp quốc tế, các tiến trình pháp lý và ngoại giao đã được nhấn mạnh, kiềm chế, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, không quân sự hóa, không có những hành động làm phức tạp tình hình hoặc gia tăng căng thẳng, và đạt tiến triển thực chất trong việc thực hiện Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC).
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đánh giá cao nỗ lực của Lào trên cương vị Chủ tịch ASEAN, khẳng định Việt Nam sẽ cùng các nước thành viên phối hợp chặt chẽ với Lào hoàn thành tốt trọng trách này.
Phó Thủ tướng đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng nhiều mặt của Biển Đông đối với các nước trong và ngoài khu vực, chia sẻ quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây và hệ lụy đối với hòa bình, an ninh và ổn định khu vực, khẳng định vai trò quan trọng của ASEAN đóng góp vào thúc đẩy hòa bình, ổn định và hợp tác giữa các nước trong khu vực, tạo môi trường thuận lợi để các nước giải quyết hòa bình tranh chấp, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển LHQ năm 1982;
Phó Thủ tướng khẳng định tầm quan trọng của việc ASEAN kiên trì lập trường chung đã có, kêu gọi các nước thực hiện kiềm chế, không quân sự hóa, tôn trọng các tiến trình pháp lý và ngoại giao, thực hiện nghiêm túc DOC và sớm đạt được COC và đề cập tới các biện pháp giải quyết hòa bình tranh chấp, đóng góp vào hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực.
Ngày mai, theo chương trình, sẽ diễn ra 10 Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 1 với các bên Đối thoại (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Australia , New Zealand, Nga, Liên minh Châu Âu và Canada).
Vũ Hoàng
Theo VNE
Thủ tướng đề nghị Trung Quốc không làm phức tạp tình hình Biển Đông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 14/7 có cuộc gặp với người đồng cấp của Trung Quốc Lý Khắc Cường và trao đổi về nhiều vấn đề, trong đó có bất đồng trên Biển Đông. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường bên lề Hội nghị Cấp cao Á - Âu lần thứ 11. Ảnh: TTXVN Cuộc...