‘Kỳ lân công nghệ’ bị Thung lũng Silicon ghét bỏ
Palantir từng là startup công nghệ lớn thứ tư thế giới, giúp chính phủ Mỹ tìm ra trùm khùng bố Bin Laden, nhưng gần đây bị cả Thung lũng Silicon quay lưng.
Palantir được thành lập vào năm 2003 bởi nhà đầu tư mạo hiểm Peter Thiel – đồng sáng lập Paypal. Tên gọi công ty lấy cảm hứng từ “quả cầu ma thuật” trong phim “Chúa tể những chiếc nhẫn”. Cái tên này phù hợp với tầm nhìn của công ty, vì trong suốt 17 năm hoạt động, Palantir luôn tạo ra các phần mềm có thể khai thác, phân tích các tập dữ liệu lớn rồi đặt chúng trong một mối tương quan nhất định và tìm cách kết nối các thông tin rời rạc thành một bức tranh sống động.
Startup bí ẩn nhất Thung lũng Silicon
Theo Vox, Palantir từng là một trong những “kỳ lân công nghệ” trị giá bậc nhất ở Thung lũng Silicon. Năm 2003, khi mới thành lập, công ty chủ yếu cung cấp các dịch vụ phân tích dữ liệu lớn cho cơ quan chính phủ và các tập đoàn lớn. Đến năm 2015, startup này hoàn thành vòng gọi vốn trị giá 880 triệu USD, được định giá 20 tỷ USD và trở thành startup công nghệ lớn thứ tư trên thế giới, sau Uber, Airbnb và Xiaomi.
Tuy nhiên, Palantir không lựa chọn con đường như những “kỳ lân” khác. Công ty dường như muốn hoạt động như một nhà thầu quốc phòng, gắn lợi ích của mình với các tổ chức chính phủ. Suốt 17 năm hoạt động, hiếm khi nào người ta thấy truyền thông nói về Palantir. Đó không phải một lỗi trong vận hành doanh nghiệp, bởi vì công ty này không cần tiếp thị, họ cũng không có đội ngũ bán hàng, họ muốn mình càng bí ẩn càng tốt.
Mặc dù được thành lập ở Thung lũng Silicon, văn hoá doanh nghiệp ở đây không tương đồng với các công ty công nghệ nổi tiếng. Trong nhiều năm, họ luôn giữ khoảng cách, thậm chí không muốn giao du với các công ty trong thung lũng này. Ngược lại các kỹ sư, công ty ở đây cũng không chấp nhận sự tồn tại của Palantir.
Trụ sở của Palantir ở trung tâm Thung lũng Silicon nhưng công ty này luôn bị chối bỏ suốt 17 năm qua.
Palantir có khoảng 2.400 nhân viên, hầu hết là các kỹ sư viết phần mềm thu thập và phân tích dữ liệu. Văn hoá công ty cũng được cho là rất độc đáo. Làm việc nhóm là một trong những tinh thần đặc trưng ở đây. Nhân viên công ty được gọi là “người Palantirian”.
CEO Alexander Karp nhiều lần khẳng định ông sẽ không bao giờ công khai công ty của mình. Karp tin rằng việc giữ kín danh tiếng đã mang đến cho Palantir lợi thế mà các công ty khác không có được. “Ngay khi các công ty ra mắt công chúng, họ sẽ kém cạnh tranh hơn. Bạn cần rất nhiều người sáng tạo, lập dị mà có lẽ Phố Wall sẽ không hiểu”, Recode dẫn lời phát biểu của Karp năm 2014.
Trong thông báo ngắn gọn về dự định IPO trong năm nay, CEO của Palantir nói trong 17 năm hoạt động, họ chưa bao giờ có lãi và có thể sẽ không bao giờ có lãi. “Chúng tôi hy vọng chi phí hoạt động của mình sẽ tăng và chúng tôi có thể không có lãi trong tương lai”, Forbes dẫn lời Karp.
Nhiều người ở Thung lũng Silicon hoài nghi nếu không kinh doanh có lãi thì “kỳ lân công nghệ” này đã tồn tại thế nào trong 17 năm qua. Và tại sao giới đầu tư phố Wall vẫn mong chờ lần IPO của Palantir cho dù CEO công ty tuyên bố nó sẽ không bao giờ có lãi?
Bí mật nằm ở lĩnh vực hoạt động của công ty.
“Palantir biết mọi thứ về bạn”
Video đang HOT
Có thể bạn không biết gì nhiều về công ty 17 năm tuổi này nhưng họ lại nắm trong tay hầu hết thông tin quan trọng nhất của người Mỹ. Bloomberg từng gọi Palantir là “một công cụ không thể thiếu của cộng đồng tình báo Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố”. Trang báo này còn nói nếu công ty ra đời sớm hơn, nó có thể đã ngăn chặn được vụ khủng bố lịch sử ngày 11/9.
Ban đầu, Peter Thiel định hậu thuẫn cho Palantir phát triển theo hướng tìm kiếm các giao dịch gian lận trong ngành tài chính. Tuy nhiên, sự kiện 11/9 đã khiến “Bố già phố Wall” chuyển hướng. Nhà Trắng tìm kiếm sự trợ giúp từ Thung lũng Silicon để truy tìm và chống lại những mầm mống khủng bố trong tương lai. Peter Thiel và ban lãnh đạo của Palantir đã chớp cơ hội này. Họ bắt đầu phân tích dữ liệu cho FBI, Cơ quan Tình báo Trung ương và Lầu năm góc. Chống khủng bố giờ đây là lĩnh vực kinh doanh chính của họ.
CIA đã gián tiếp đầu tư cho Palantir 2 triệu USD thông qua quỹ đầu tư mạo hiểm In-Q-Tel trong vòng gọi vốn đầu tiên. Theo Forbes, đây là khách hàng duy nhất của Palantir nhiều năm qua khi họ cải tiến công nghệ. Đến năm 2010, khách hàng của Palantir chủ yếu là các cơ quan chính phủ, mặc dù có một số công ty tư nhân, con số này không đáng kể.
Bloomberg ví dụ về cách hoạt động của startup bí ẩn này như sau: Một kẻ khủng bố để lại dấu vết khắp Florida, bao gồm vé máy bay một chiều, tiền thuê căn hộ, tiền rút ngân hàng, cuộc gọi điện thoại đến Syria và cảnh quay camera an ninh từ Công viên giải trí Walt Disney. Nếu xét riêng, những chi tiết này không có gì đặc biệt. Nhưng với phần mềm của Palantir, họ có thể liên kết hàng nghìn cơ sở dữ liệu với nhiều cơ quan khác nhau và giúp khách hàng thấy được các kết nối giữa chúng. Trong trường hợp này, những hành động vô thưởng vô phạt sẽ đáng ngờ hơn nhiều khi kết hợp với nhau. Từ đó CIA có thể xác định và ngăn chặn kế hoạch tấn công công viên giải trí của bọn khủng bố.
Công nghệ của Palantir được cho là đã tiết kiệm cho các khách hàng, tổ chức tài chính hàng trăm triệu USD. Công nghệ của họ được cho là đã cung cấp thông tin giúp chính phủ Mỹ tìm thấy dấu vết của trùm khủng bố Osama bin Laden, ngăn chặn những kẻ đánh bom liều chết và phơi bày kế hoạch Ponzi của Bernie Madoff…
Alexander Karp, CEO của Palantir. Ảnh: Reuters.
Năm 2016, Palantir đã kiện quân đội Mỹ, buộc quân đội phải sử dụng phần mềm tình báo của công ty sau khi tổ chức này cố tìm hướng đi riêng. Cuối cùng công ty thắng kiện và nhận được hợp đồng trị giá 800 triệu USD.
Những năm gần gây, các bài viết về Palantir đều nhấn mạnh vào việc công ty có khả năng truy cập vào mọi thông tin về người Mỹ – điều vốn bị những người ủng hộ quyền riêng tư chỉ trích từ lâu. Các tài liệu công bố gần đây cũng cho thấy công ty đang tận dụng lợi thế thân cận với chính quyền Trump để thúc đẩy việc sử dụng các sản phẩm thương mại, mục đích “trở thành hệ điều hành mặc định cho dữ liệu của chính phủ Mỹ”. Trong đại dịch Covid-19, Palantir thậm chí được Nhà trắng giao cho quản lý dữ liệu virus corona.
Kỳ lân công nghệ bị tẩy chay
Mặc dù được sự tin tưởng của chính phủ, đóng góp một phần quan trọng vào nhiệm vụ chống khủng bố, bảo vệ nước Mỹ, Palantir chưa bao giờ nhận được sự thừa nhận của Thung lũng Silicon.
Điều này đến từ ba nguyên nhân chính.
Đầu tiên là Peter Thiel, người đỡ đầu của công ty. Mặc dù là nhà đầu tư nổi tiếng trong cộng đồng công nghệ, năm 2016, Thiel đã bất tuân quy định của Thung lũng Silicon, công khai ủng hộ Trump. Ông đã quyên góp 3 triệu USD cho quỹ tranh cử của Trump và trở thành nhà tài phiệt thân cận bên cạnh Tổng thống. Giờ đây, Thiel là cầu nối của Lầu năm góc với Thung lũng Silicon. Nhưng thái độ, lập trường của “bố già phố Wall” vẫn bị tẩy chay.
Trái ngược với Thiel, Alexander Karp – CEO của Palantir – lại tự nhận mình là người theo chủ nghĩa xã hội. Trong cuộc bầu cử năm 2016, ông bỏ phiếu cho Hillary Clinton và thậm chí từ chối gặp Tổng thống đắc cử Trump. Tuy thái độ chính trị đối lập nhau, cả Thiel và Karp đều không nhận được sự ủng hộ của Thung lũng Silicon.
Trong một bài viết mới nhất của mình, CEO Karp đã thẳng thắn chỉ trích cả Thung lũng công nghệ này. Ông viết: “Các kỹ sư của Silicon có thể thành thạo viết phần mềm, nhưng họ không hiểu về cách tổ chức xã hội hoặc những gì công lý cần. Công ty chúng tôi được thành lập ở Thung lũng Silicon nhưng chúng tôi không chia sẻ nhiều các giá trị cam kết trong lĩnh vực công nghệ”. Bài viết được đưa ra trong bối cảnh Palantir công bố kế hoạch chuyển trụ sở từ Palo Alto, trung tâm Thung lũng Silicon, đến Colarado.
Karp cho biết, công ty đã “nhiều lần từ chối các cơ hội bán, thu thập hoặc khai thác dữ liệu”, từ các công ty tiêu dùng muốn khai thác quảng cáo. “Các dự án phần mềm hợp tác cùng cơ quan quốc phòng và tình báo của quốc gia nhằm bảo vệ an toàn cho mọi người đang thành đề tài gây tranh cãi. Trong khi các công ty lớn lên bằng tiền quảng cáo, khai thác hành vi, thói quen, suy nghĩ của người tiêu dùng thì lại không bị lên án. Các công ty công nghệ lớn nhất Silicon đang cố gắng che lấp sự thật đơn giản này”, Karp viết.
Mặc dù không đề cập đến bất kỳ công ty cụ thể nào, những mô tả của người đứng đầu Palantir được cho là nhắm đến Facebook. Chưa dừng lại ở đó, Karp còn mỉa mai cả Google vì đã không đứng về chính phủ Mỹ và cáo buộc công ty này “có vẻ phản quốc”. Trước đó, do sự phản đối của nhân viên, Google đã từ bỏ dự án cung cấp khả năng nhận dạng hình ảnh bằng máy bay không người lái cho Lầu năm góc. Nhiều nhân viên của Google không muốn giúp quân đội Mỹ phát triển vũ khí sát thương bằng công nghệ nhận dạng hình ảnh của họ.
Không dừng lại ở những phát ngôn gây tranh cãi hay quan điểm chính trị từ người đứng đầu, công việc hàng ngày của Palantir cũng khiến người Mỹ quay lưng. Vox dẫn lời Jeramie D. Scott, cố vấn cấp cao của Trung tâm Thông tin Quyền riêng tư Điện tử (EPIC): “Phần mềm khai thác dữ liệu của Palantir được sử dụng để phân tích một lượng lớn dữ liệu cá nhân do chính phủ liên bang nắm giữ để đưa ra các quyết định ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người”.
Palanir đã tham gia vào cuộc đàn áp của CIA trên trang web WikiLeaks, cũng như chương trình Prism theo dõi của cơ quan tình báo Mỹ. Quan trọng hơn, công ty còn cung cấp cho chính phủ hệ thống phân tích dữ liệu dựa trên công nghệ nhận dạng khuôn mặt, giúp chính phủ Mỹ tìm và hồi hương những người nhập cư bất hợp pháp. Đồng thời, công ty giúp cảnh sát xác định và bắt giữ những người biểu tình trên đường phố.
Tất cả đều khiến mọi người nghĩ Palanir là “tội đồ” ở Thung lũng Silicon.
Kỹ sư công nghệ đang 'rời bỏ' Thung lũng Silicon
Đã bốn tháng nay, Windy 32 tuổi, lập trình viên người Ấn Độ, chưa đến văn phòng. Giống hàng trăm đơn vị khác, công ty của cô đã sớm cho làm việc từ xa.
Trên blog cá nhân, Windy nói ban đầu cô khá bối rối khi làm việc từ xa. Nhưng sau vài tuần, mọi thứ trở nên dễ chịu. Đến tháng thứ hai, Windy tính toán lại chi phí sinh hoạt trong một tháng làm việc tại nhà và bắt đầu suy nghĩ đến việc tìm nơi nào đó lý tưởng hơn Thung lũng Silicon để tiếp tục công việc.
"Mọi người đều biết chi phí ở đây rất đắt đỏ. Nếu không cần đến công ty, làm ở Thung lũng Silicon hay ở quê cũng như nhau", Windy viết về lý do cô quay về nhà ở bên kia bờ Thái Bình Dương. Đến nay việc lập trình của cô vẫn diễn ra suôn sẻ. Hàng tuần cô vẫn họp trực tuyến với đồng nghiệp ở rải rác khắp các vùng quê ở Mỹ, thậm chí, một số người cũng đang ở Ấn Độ. "Tôi nghĩ về quê là một quyết định đúng đắn. Nếu bạn không thể ra đường trò chuyện với mọi người, không thể đến văn phòng, thì Thung lũng Silicon cũng chẳng còn gì hấp dẫn", Windy nói.
Apple, Google, Facebook và nhiều công ty công nghệ lớn ở Thung lũng Silicon từ lâu đã coi trọng văn phòng làm việc và văn hóa làm việc tại công sở, nhưng mọi thứ thay đổi hoàn toàn khi các kỹ sư bị buộc phải làm việc ở nhà.
Làn sóng "di cư công nghệ"
Windy chỉ là một trong hàng nghìn kỹ sư "di tản" khỏi Thung lũng Silicon khi các công ty lớn như Google, Facebook... cho nhân viên làm việc từ xa. "Đối với những người đi thuê nhà như tôi, làm việc tại nhà sẽ mang lại lợi ích tài chính lớn. Tôi có thể tiết kiệm đáng kể chi phí thuê nhà ở đây", một nhân viên Google nói với The Verge. Một số người nói họ đã chủ động rời Mountain View mà không cho "sếp" biết. "Tôi yêu công việc của mình nhưng tôi không thích San Francisco", một kỹ sư giấu tên của Google nói.
Một giám đốc kỹ thuật của Google nói với The Verge rằng anh có kế hoạch chuyển đến Hawaii, nếu công ty cho phép. Nếu không, anh sẽ cân nhắc chuyển việc. "Tôi đã trao đổi cởi mở vấn đề này với quản lý của mình. Thậm chí nếu Twitter đến gặp tôi và nói sẽ trả 80% mức lương hiện tại nhưng cho phép làm việc ở nhà mãi mãi, tôi sẽ đồng ý", người này nói.
Khảo sát hồi đầu tháng 8 trên ứng dụng Blind cho thấy, 15% trong tổng số 3.300 kỹ sư công nghệ ở San Francisco đã dời đi khi Covid-19 bùng phát. "Không phải ai cũng đủ tiền mua căn nhà ở đây. Hầu hết chúng tôi đi thuê nhà - những căn hộ chật chội nhưng đắt đỏ. Hầu hết số tiền tôi kiếm được đều để trả tiền nhà, dịch vụ, ăn uống. Tôi muốn tìm nơi nào đó có chi phí thấp hơn. Tôi nên đi đâu bây giờ?", một kỹ sư đang làm việc tại Thung lũng Silicon đặt câu hỏi trên MarketWatch.
Không riêng các kỹ sư, ngay cả những công ty khởi nghiệp nhỏ cũng tính đến chuyện "tháo chạy" khỏi Thung lũng Silicon. Melissa Hanley, Giám đốc điều hành của Blitz, đối tác thiết kế của Google, Skype, Microsoft nói với Business Insider: "Chúng tôi không muốn duy trì văn phòng ở đây khi mọi thứ đều có thể giải quyết được từ xa". Theo Hanley, ngay cả trước đại dịch, công ty đã tính đến việc rời khỏi vùng này. Nhân viên của họ luôn than phiền về chi phí sinh hoạt ở đây ngày càng tăng.
Kết quả khảo sát thị trường của công ty San Jose-Colliers International cho thấy từ khi Covid-19 bùng phát, không ít công ty ở Thung lũng Silicon phải đóng cửa. Số lượng các toà nhà văn phòng trống ở đây cũng tăng đáng kể. Nhiều văn phòng treo biển cho thuê lại.
Thung lũng Silicon còn lại gì sau cuộc "di tản"
Sau làn sóng thất nghiệp do Covid-19, Thung lũng Silicon lại chứng kiến cuộc "di tản" của hàng nghìn kỹ sư công nghệ. Khi đại dịch xuất hiện, các chuyên gia đã dự đoán rằng làm việc từ xa sẽ định hình lại "bộ mặt" của Thung lũng Silicon.
Tuy nhiên, làm việc từ xa không phải môi trường lý tưởng của ngành công nghệ. Apple và Google từ lâu đã xác định giá trị của văn phòng. Họ đầu tư hàng nghìn USD cho khuôn viên, trụ sở để thành nơi làm việc đáng mơ ước nhất thế giới, để giữ chân nhân viên tại văn phòng nhiều giờ nhất có thể.
Những người có chung tầng kiến thức, hoài bão, ý tưởng đổi mới, sáng tạo khi được đặt gần nhau sẽ tạo ra những giá trị kinh tế khổng lồ. Đó chính là tinh thần xuyên suốt gây dựng nên danh tiếng của Thung lũng Silicon. Với đội ngũ kỹ sư, nhà thiết kế, nhà khoa học và nhà đầu tư chuyên sâu, khu vực này đã sản xuất gần 20% tổng số bằng sáng chế tại Mỹ năm 2015. Tổng GPD của khu vực trong năm 2017 là 838 tỷ USD.
Covid-19 xuất hiện và làm xáo trộn mọi thứ, đe doạ nhiều giá trị cốt lõi của Thung lũng Silicon. Theo Bloomberg, giá bất động sản ở San Francisco không ngừng tăng những năm qua nhưng đã giảm hơn 7% so với cùng kỳ năm ngoái, kể từ tháng 3 năm nay. Trong khi đó, giá thuê nhà ở những vùng "vệ tinh" như Sacramento, Reno, Boise lại tăng nhẹ.
Susan Wachter, Giáo sư bất động sản và tài chính tại trường Wharton thuộc tiểu bang Pennsylvania, tin rằng đại dịch đang làm thay đổi sâu sắc diện mạo Thung lũng Silicon, cũng như cách các công ty công nghệ vận hành. Giá thuê trung bình một phòng ngủ ở San Francisco đã vượt mức 3.700 USD một tháng. Đây là gánh nặng cho những tài năng công nghệ lẫn công ty tuyển dụng. Apple, Facebook, cùng Alphabet, Mitcrosoft gần đây phải cam kết hàng tỷ USD để giải quyết tình trạng thiếu nhà ở trầm trọng của khu vực.
"Các công ty hầu như không giữ được tài năng trẻ tham gia vào lực lượng lao động ở đây bởi chi phí sinh hoạt quá cao mà mức lương trả không tương xứng. Nhưng mô hình làm việc mới của đại dịch sẽ giúp Thung lũng Silicon tăng quy mô, không phải theo nghĩa về địa lý mà là quy mô về mạng lưới", Wachter nói.
Tuy nhiên, vấn đề khiến nhiều người lo ngại hơn cả là điều gì sẽ mất đi khi các công ty không còn tập hợp hàng trăm nghìn kỹ sư về một địa điểm, kích thích những bộ óc sáng tạo trao đổi, thậm chí "chiến đấu" với nhau mọi lúc, mọi nơi, từ bàn cà phê đến phòng họp.
Trong khi làm việc từ xa mang lại hiệu suất công việc tốt cho các công ty, cũng không ít đơn vị chịu tổn thất vì không thể tập trung nhân viên. "Một rủi ro tiềm ẩn khác là những kỹ sư mới không có cơ hội va chạm, trao đổi và học hỏi từ những người đi trước khi họ chỉ làm việc trực tuyến. Đây là rủi ro dài hạn mà các công ty công nghệ phải suy xét cẩn trọng", Wachter nói với Bloomberg.
Đại dịch qua đi, một số người đã có thể kiếm đủ tiền để mua nhà, định cư ở một vùng nông thôn. Khi đó, sẽ rất khó thuyết phục họ quay lại San Fransisco để trọ trong những căn phòng với chi phí thuê đắt đỏ và không gian thiếu tự do.
Cuộc chiến kiểm soát cáp quang biển ở Thung lũng Silicon Các công ty công nghệ lớn ở Thung lũng Silicon đang giành nhau quyền kiểm soát các tuyến cáp quang biển - "mạch sống" của Internet toàn cầu. Tháng trước, Google tiết lộ kế hoạch phát triển tuyến cáp quang biển mới dài gần 5.000 km dưới Đại Tây Dương, nối New York với Anh. Trong đó, một nhánh kéo đến thành phố...