Không có sự “cộng tác dụng” khi chất lượng không khí kém
Những ngày vừa qua, trong khi tình hình dịch Covid -19 vẫn diễn biến phức tạp, chất lượng không khí (CLKK) của Hà Nội liên tục duy trì ở ngưỡng xấu, vì vậy người dân luôn phải nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng.
Người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng. Ảnh: Thanh Hải
Theo số liệu quan trắc không khí của Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT Hà Nội), ngày đầu tuần CLKK trên địa bàn TP duy trì ở mức cảnh báo xấu. Trong đó, ngày 16/3 có đến 9/11 trạm cho chỉ số AQI cao, dao động từ 195 – 200. Các ngày tiếp theo, CLKK vẫn duy trì ở mức xấu và kém.
Lý giải về chỉ số AQI tăng đột biến, đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TN&MT Hà Nội) cho biết, CLKK Hà Nội suy giảm là do thời tiết nồm ẩm, trời âm u. Mặt khác, các hoạt động sản xuất, giao thông, xây dựng, dân sinh… hàng ngày phát thải ra lượng lớn khói bụi. Độ ẩm cao kết hợp với khói bụi phát thải trở thành một mạng lưới các hạt ngưng kết. Hơi nước bám vào góc, cạnh của các hạt bụi tạo thành những hạt sương mù ô nhiễm khiến CLKK suy giảm.
Video đang HOT
“Người dân trên toàn TP nên hạn chế ra ngoài, nhóm nhạy cảm (người già, trẻ em và người mắc bệnh hô hấp hoặc bệnh tim mạch) không nên ra khỏi nhà. Đồng thời người dân không tập thể dục vào buổi sáng sớm, chủ động theo dõi CLKK tại các trang thông tin moitruongthudo.vn và airhanoi.hanoi.gov.vn” – đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội khuyến cáo.
Mặc dù CLKK kém và xấu không phải xa lạ gì với người dân Thủ đô trong nửa năm trở lại đây, thế nhưng trước diễn biến ngày càng phức tạp của đại dịch Covid -19 như hiện nay, nhiều người dân không khỏi băn khoăn, lo lắng. Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị về vấn đề này, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng, ô nhiễm không khí và dịch Covid -19 là hai vấn đề có nguyên nhân gây ra và tác động hoàn toàn khác nhau, không có sự “cộng tác dụng”.
Không khí dù không bị ô nhiễm nhưng nếu trong môi trường đó đã nhiễm virus thì người dân vẫn mắc bệnh. Ngược lại nếu ô nhiễm không khí ở mức xấu nhưng không có virus thì không bị ảnh hưởng. “Xét ở góc độ tích cực, với điều kiện CLKK ở mức xấu và được khuyến cáo nên hạn chế ra ngoài, sẽ giúp hạn chế được lây lan dịch bệnh và sức khỏe người dân được bảo đảm hơn” – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam nhìn nhận.
Trước đó, để hạn chế lây lan trong cộng đồng do chủng virus mới SARS-CoV-2 gây ra, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 của TP, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung yêu cầu, từ nay đến 31/3, nếu không có việc cần thiết, người dân không nên ra đường nhiều. Đặc biệt, Hà Nội đang có khoảng 1,4 triệu người từ 60 tuổi trở lên cần tránh quá trình đi lại, nhất là vào những ngày CLKK ở mức cảnh báo xấu. Đồng thời, đề nghị người dân bình tĩnh, thực hiện tất cả các biện pháp mà Bộ Y tế đã hướng dẫn.
Theo kinhtedothi.vn
Bệnh phổi dễ tăng nặng trong những ngày không khí ô nhiễm báo động
Khi chất lượng không khí kém, khói bụi nhiều, những người mắc bệnh hô hấp có biểu hiện ảnh hưởng rõ rệt nhất. Người bệnh dễ thấy khó thở, ho nhiều, tức nặng ngực và xuất hiện các dấu hiệu của đợt cấp.
Hà Nội đang trong những ngày báo động về chất lượng không khí. Ảnh: Lê Phú
Thời gian gần đây, Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh liên tục được cảnh báo về chất lượng không khí khi luôn chìm trong những lớp sương mù bụi mịn dày đặc. Tình trạng này có nguy cơ ảnh hưởng lớn tới sức khoẻ, khiến người dân vô cùng lo lắng.
PGS.TS Vũ Văn Giáp, Tổng thư ký Hội Hô hấp Việt Nam, Phó giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: "Những ngày ô nhiễm không khí ở mức cao thì tần suất bệnh nhân nhập viện do các căn nguyên về hô hấp và tim mạch cũng tăng. Khi chất lượng không khí kém, khói bụi trong môi trường nhiều, thì người ảnh hưởng đầu tiên và rõ rệt nhất là những bệnh nhân có sẵn bệnh lý về hô hấp. Người bệnh sẽ thấy khó thở nhiều hơn, ho nhiều hơn, kèm theo tức nặng ngực và các dấu hiệu của đợt cấp sẽ xuất hiện".
Không khí bị ô nhiễm là do xuất hiện các hạt bụi, ngoài các hạt bụi kích thước lớn, nguy hiểm hơn là các hạt bụi siêu mịn, kích thước dưới 2,5 micromet mà con người không cảm nhận được rõ ràng. Khi hít các hạt bụi mịn vào phổi, chúng sẽ đi theo đường máu đến các cơ quan trong cơ thể và gây ra phản ứng viêm và có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan khác nhau.
Theo PGS.TS Vũ Văn Giáp, ô nhiễm không khí là "kẻ hại chết người thầm lặng" khi ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con người, đặc biệt đối với những người nhạy cảm như: Người mắc các bệnh lý hô hấp, tim mạch, người già, phụ nữ có thai, trẻ em... Theo thống kê, có tới 30% trường hợp tử vong do ung thư phổi, 43% trường hợp tử vong do bệnh lý hô hấp có liên quan đến ô nhiễm không khí.
Bác sĩ cũng khuyến cáo, trong những ngày không khí ô nhiễm, những người mắc bệnh hen và mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cần phải tuân thủ và duy trì thuốc hàng ngày theo chỉ định của bác sĩ. Khi có các dấu hiệu hoặc triệu chứng khó chịu, khó thở cần phải tăng liều thuốc giãn phế quản theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu bệnh nhân vẫn khó thở, không thể tự kiểm soát được nhịp thở thì cần tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị, hoặc đưa tới cơ sở y tế để được hỗ trợ, hướng dẫn các giải pháp khắc phục, phòng ngừa và cấp cứu cơn khó thở, tránh nguy hiểm cho tính mạng người bệnh.
Với những người dân sống ở nơi có chất lượng không khí kém, vào những ngày ô nhiễm không khí báo động, cần hạn chế ra ngoài đường nếu không thật sự cần thiết, nhất là những người đã mắc bệnh về hô hấp. Nếu phải đi ra ngoài nên đeo khẩu trang để tránh khói từ các phương tiện giao thông, bụi từ các công tình xây dựng hoặc các mùi hắc khó chịu. Người dân cũng lưu ý phải chọn lựa khẩu trang phù hợp, các loại khẩu trang y tế thông thường không thể cản được hạt vụi siêu mịn độc hại; cần sử dụng các loại khẩu trang ngăn bụi mịn chuyên dụng.
Để hạn chế tình trạng ô nhiễm không khí, bảo vệ sức khoẻ, các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân nên chuyển sang sử dụng nhiên liệu sạch để đun nấu, thay bếp than tổ ong bằng bếp điện, bếp từ. Khi dừng đèn đỏ, hãy tắt các phương tiện giao thông, hạn chế phát thải nhiều khói bụi, che chắn kỹ các công trình xây dựng...
Theo Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Chuyên gia, bác sỹ chỉ cách phân biệt người bị cúm thường với người mắc cúm do lây nhiễm virus corona Giữa thời điểm dịch hoành hành, trang Lá chắn virus Corona của Lotus đã đưa ra cách phân biệt giữa cúm thường với cúm do lây nhiễm virus corona theo tư vấn của bác sĩ. Tại Livestream Thông tin về Virus Corona, các bệnh hô hấp - Cách phòng ngừa và điều trị được phát trực tiếp trên báo điện tử VTV News,...