Kết luận cuối cùng: Máy bay mất tích rơi ở Ấn Độ Dương
Một phân tích mới về các dữ liệu được cung cấp qua hệ thống vệ tinh cho thấy, chiếc máy bay mất tích đầy bí ẩn của hãng hàng không Malaysia Airlines cách đây hơn 2 tuần đã rơi xuống một góc rất xa xôi của Ấn Độ Dương. Thông tin này đã được thông báo chính thức bởi Thủ tướng Malaysia Najib Razak trong buổi tối ngày hôm nay (24/3).
Thủ tướng Malaysia thông báo tin buồn về chiếc máy bay mất tích.
Bản phân tích trên là một bước đột phá quan trọng sau cuộc vật lộn chưa từng có kéo dài hơn hai tuần của một lực lượng đa quốc gia hùng hậu nhằm tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra với chuyến bay MH370 sau khi nó biến mất đầy bí ẩn hôm 8/3. Chiếc máy bay này cất cánh từ thủ đô Kuala Lumpur để đến Bắc Kinh với 239 hành khách và phi hành đoàn nhưng nó đã không thể thực hiện hành trình của mình.
Tuy nhiên, với địa điểm của chiếc máy bay vẫn chưa được xác định ở đâu, nhiều khả năng là ở đâu đó dưới đáy biển, người ta vẫn còn rất nhiều câu hỏi chưa được trả lời về việc điều gì đã khiến chiếc máy bay bị rơi và tại sao.
Trong bộ comple đen, Thủ tướng Najib đã thông báo tin tức trên trong một cuộc họp báo ngắn với các phóng viên tối muộn ngày hôm nay. Theo ông Najib, sở dĩ giới chức nước này rút ra kết luận chiếc máy bay rơi là dựa vào một cuộc phân tích chưa từng có với các dữ liệu vệ tinh được cung cấp từ Inmarsat.
Ông Najib cho biết, các dữ liệu mà vệ tinh cung cấp cho thấy, chiếc máy bay Boeing 777 đã bay tới “một khu vực xa xôi, rất xa so với bất kỳ địa điểm nào mà máy bay có thể hạ cánh được. Vì thế, với sự đau buồn sâu sắc và lấy làm tiếc, tôi phải thông báo với các bạn rằng, theo dữ liệu mới đó, chiếc máy bay MH370 đã kết thúc ở khu vực phía nam biển Ấn Độ Dương”.
Hãng hàng không Malaysia Airlines được cho là cũng đã thông báo với người thân của 239 người đi trên máy bay rằng, chiếc máy bay Boeing 777 của hãng này đã rơi ở Ấn Độ Dương và không có ai sống sót.
Video đang HOT
Selamat Omar – cha của một kỹ sư hàng không 29 tuổi có mặt trên chuyến bay mất tích, cho biết, một số thành viên trong gia đình của các hành khách khác đã thực sự suy sụp và họ đã bật khóc khi nghe thông tin trên. “Chúng tôi chấp nhận tin tức thảm kịch đó. Đó là định mệnh”, ông Selamat cho tờ AP biết ở thủ đô Kuala Lumpur.
Theo lời ông Selamat, hãng hàng không Malaysia Airlines chưa cho các gia đình biết liệu họ có thể được đưa đến Australia – nước đang phối hợp tìm kiếm chiếc máy bay. Ông này cho biết, người thân của các hành khách mong chờ nhận được thêm thông tin chi tiết vào ngày mai (25/3).
Các nhóm tìm kiếm đến từ 26 quốc gia vẫn đang lùng sục các dữ liệu radar và rà soát “mọi ngóc ngách có thể” ở một khu vực rộng lớn của Châu Á trong suốt hơn 2 tuần qua với những chiếc máy bay và tàu thuyền tối tân chỉ với mục đích cao nhất là tìm được chiếc máy bay mất tích.
Kiệt Linh – (theo AP, THX)
Việt Báo (Theo_VnMedia)
Kỳ lạ Thái Lan cung cấp thông tin về máy bay mất tích
Quân đội Thái Lan hôm qua (18/3) cho biết, hệ thống radar của họ đã phát hiện một chiếc máy bay có thể là chiếc Boeing 777 mất tích bí ẩn của hãng hàng không Malaysia Airlines chỉ vài phút sau khi hệ thống liên lạc của máy bay bị ngắt kết nối. Điều kỳ lạ ở đây là Thái Lan đã không cung cấp thông tin trên cho Malaysia cho đến 10 ngày sau khi chiếc máy bay mất tích.
Người thân của các hành khách đi trên máy bay mất tích đang mòn mỏi từng ngày chờ đợi thông tin.
Các quan chức quân sự cấp cao của Thái Lan cho hay, hệ thống radar của họ đã phát hiện một chiếc máy bay không rõ danh tính bay về hướng eo biển Malacca chỉ vài phút sau khi hệ thống tiếp sóng của chiếc máy bay Boeing 777 của Malaysia mất tín hiệu. Phát ngôn viên Lực lượng Không quân Thái Lan - ông Montol Suchookorn cho biết, quân đội Thái Lan không rõ là chiếc máy bay mà họ phát hiện có phải là chuyến bay 370 mất tích bí ẩn trên bầu trời hôm 8/3 hay không.
Việc Thái Lan không nhanh chóng chia sẻ thông tin liên quan đến số phận của chiếc máy bay chở 239 hành khách trên đó có thể sẽ không làm thay đổi gì nhiều những gì mà giới chức Malaysia biết nhưng nó làm dấy lên câu hỏi về mức độ chia sẻ thông tin quốc phòng của một số quốc gia, thậm chí trong trường hợp khẩn cấp như vụ máy bay mất tích bí ẩn của Malaysia.
Với việc chỉ được cung cấp thông tin từ hệ thống radar của riêng mình, các nhà điều tra Malaysia phải mất một tuần để xác định được thông tin chiếc máy bay MH 370 của họ đã đi vào không phận ở Eo biển Malacca - một chi tiết quan trọng dẫn đến việc thay đổi hướng tìm kiếm.
Khi được hỏi về việc tại sao để thời gian lâu như vậy trôi đi Thái Lan mới cung cấp thông tin trên, phát ngôn viên Montol cho biết: "Bởi vì chúng tôi không chú ý đến thông tin đó. Lực lượng Không quân Hoàng gia Thái Lan chỉ tập trung theo dõi những mối đe dọa nhằm vào đất nước, vì thế bất kỳ cái gì không giống với một mối đe dọa đối với chúng tôi, chúng tôi chỉ đơn giản nhìn nó mà không có bất kỳ hành động nào".
Ông Montol cũng khẳng định, chiếc máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines chưa bao giờ đi vào không phận của Thái Lan và rằng đề nghị cung cấp thông tin của Malaysia trong những ngày đầu của công cuộc tìm kiếm không rõ ràng.
"Khi họ hỏi lại chúng tôi một lần nữa và khi có những thông tin cũng như giả định mới từ Thủ tướng Malaysia Najib Razak, chúng tôi mới nhìn lại các thông tin của mình. Không mất thời gian lâu để chúng tôi tìm ra mặc dù phải cần đến một số chuyên gia để phát hiện ra điều đó", phát ngôn viên Lực lượng Không quân Thái Lan cho hay.
Chuyến bay 370 cất cánh từ thủ đô Kuala Lumpur lúc khoảng 12h40 sáng 8/3 theo giờ Malaysia và hệ thống tiếp sóng của chiếc máy bay đã dừng cung cấp thông tin lúc khoảng 1h20 sáng. Hệ thống này cho phép các nhân viên kiếm soát không lưu phát hiện và dò tìm máy bay.
Theo lời ông Montol, lúc khoảng 1h28 phút rạng sáng ngày 8/3, radar quân sự của Thái Lan "đã phát hiện một tín hiệu, không phải là một tín hiệu thông thường, của một chiếc máy bay theo hướng ngược lại với đường bay của MH370", quay trở lại Kuala Lumpur. Chiếc máy bay sau đó bẻ lái sang bên phải, hướng về Butterworth - một thành phố Malaysia nằm dọc ở Eo biển Malacca. Tín hiệu radar xảy ra không thường xuyên và nó không bao gồm thông tin về số hiệu chuyến bay.
Ông Montol cho hay, ông không biết chính xác khi nào hệ thống radar của Thái Lan phát hiện chiếc máy bay lần cuối cùng. Giới chức Malaysia cho biết, hệ thống radar quân sự của nước này phát hiện chiếc máy bay của họ lần cuối cùng lúc 2h14.
Công cuộc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích ban đầu tập trung ở Biển Đông - nơi hàng chục tàu thuyền và máy bay đã rà soát mọi "ngõ ngách" trong vòng một tuần liền. Sau đó, các nhà điều tra phát hiện chiếc máy bay còn bay nhiều giờ sau khi hệ thống liên lạc của nó bị ngắt kết nối. Điều đó đã khiến công cuộc tìm kiếm được chuyển hướng sang hai đường vòng cung rộng lớn mới - một là dọc khu vực tiến vào Trung Á và hai là ở Ấn Độ Dương (bao gồm cả một vùng rộng lớn kéo dài đến tận Australia ).
Các quan chức Thái Lan cho biết, thiết bị radar ở miền nam nước họ phát hiện ra chiếc máy bay. Giới chức Malaysia nói rằng, chiếc máy bay có thể đã đi qua khu vực phía bắc Thái Lan nhưng Tư lệnh Hàng không Thái Lan Prajin Juntong hôm qua đã khẳng định với các phóng viên rằng, hệ thống radar phía bắc không phát hiện ra dấu hiệu gì của chiếc máy bay.
Hành khách Trung Quốc không liên quan đến hoạt động khủng bố máy bay
Cũng trong ngày hôm qua, Đại sứ Trung Quốc tại Malaysia đã lên tiếng khẳng định, một cuộc điều tra về lai lịch, hoàn cảnh và nhân thân của tất cả hành khách Trung Quốc đi trên máy bay mất tích đã không cho thấy có bất kỳ dấu hiệu hay bằng chứng nào chứng tỏ họ có liên quan đến một cuộc tấn công khủng bố hay hành động phá hoại trên máy bay.
Những cuộc điều tra về lai lịch của toàn bộ hành khách Trung Quốc đã không tìm được bằng chứng chứng minh cho nghi ngờ về sự dính líu của họ đến vụ mất tích bí ẩn của chiếc máy bay Boeing 777, Đại sứ Huang Huikang cho biết tại một cuôc họp báo ở Đại sứ quán Trung Quốc. Ông này cũng tuyên bố, các hành khách Trung Quốc bây giờ có thể được loại hoàn toàn ra khỏi diện nghi ngờ.
Một trong những hướng điều tra được tập trung vào thời điểm này là các thành viên phi hành đoàn. Trong số này có thể có một hay nhiều hơn một chuyên gia biết rõ cách lái máy bay và tắt các thiết bị liên lạc của máy bay, Đại sứ Trung Quốc cho hay.
Hiện tại, một lực lượng tìm kiếm đa quốc gia hùng hậu đến từ 26 nước, bao gồm cả Thái Lan, đang rà soát, lùng sục một khu vực rộng hơn 3 triệu km vuông để tìm kiếm chiếc máy bay mất tích. Trong khi đó, người thân của các hành khách đi trên máy bay mỗi lúc một thất vọng và tức giận vì công cuộc tìm kiếm không mấy tiến triển. Nhiều người thân của các hành khách Trung Quốc đã đe dọa sẽ tuyệt thực nếu giới chức Malaysia không cung cấp cho họ những thông tin chính xác hơn.
Vân Linh - (tổng hợp)
Theo_VnMedia
Hơn 3 triệu người tìm máy bay mất tích qua ảnh vệ tinh Một công ty Mỹ thông báo hơn 3 triệu người trên thế giới đã tham gia nỗ lực tìm kiếm phi cơ Malaysia mất tích trên một khu vực có diện tích 24.000 km2 bằng ảnh do vệ tinh chụp. Công ty hình ảnh vệ tinh DigitalGlobe của Mỹ hôm 17/3 cho biết, vệ tinh đang tìm kiếm chiếc máy bay trong khu...