Hội nghị toàn quốc về bệnh truyền nhiễm và HIV/AIDS năm 2019
Từ ngày 12 đến 14-9, tại thành phố Hạ Long ( Quảng Ninh), Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương (NHTD) phối hợp Hội Truyền nhiễm Việt Nam (VSID), Hội y khoa lâm sàng HIV/AIDS Việt Nam (VCHAS) và các đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị toàn quốc về bệnh truyền nhiễm và HIV/AIDS năm 2019.
Toàn cảnh Hội nghị.
Tham dự hội nghị có hơn một nghìn đại biểu gồm lãnh đạo Bộ Y tế, các cục, vụ chức năng của Bộ Y tế; lãnh đạo Tổng Hội Y học Việt Nam; Hội Truyền nhiễm Việt Nam; Hội Y khoa lâm sàng HIV/AIDS Việt Nam; các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; đại diện các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ, các nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm và HIV/AIDS trong và ngoài nước.
Phát biểu tại hội nghị, PGS, TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khẳng định, trong những năm qua, công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm nói chung, phòng chống dịch bệnh nói riêng đã đạt được những kết quả đáng khích lệ; tuy nhiên hiện nay, các bệnh truyền nhiễm vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu và tại nước ta. Nguyên nhân là do sự giao lưu, đi lại thuận tiện giữa các nước, thêm vào đó do có sự biến đổi liên tục của các vi sinh vật gây bệnh, sự biến đổi của khí hậu, quá trình đô thị hóa, điều kiện vệ sinh môi trường, sự di dân giữa các khu vực địa lý, đặc biệt là xâm nhập vào các khu vực rừng sâu đã làm thay đổi bộ mặt cũng như cơ cấu của các bệnh truyền nhiễm. Hội nghị này là cơ hội để các nhà khoa học, quản lý, các cán bộ y tế cùng chia sẻ những kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm, cập nhật kiến thức mới về giám sát, điều trị các bệnh truyền nhiễm, HIV/AIDS, y học nhiệt đới và ký sinh trùng cũng như các khó khăn, tồn tại trong quá trình triển khai các hoạt động phòng chống bệnh truyền nhiễm.
Video đang HOT
Tại hội nghị đã có 61 báo cáo tham luận đề cập đến các chuyên đề về bệnh truyền nhiễm ở người lớn và trẻ em; viêm gan vius và xơ gan; chuyên đề về HIV/AIDS; kháng sinh và kháng kháng sinh; sốt xuất huyết; bệnh lý ký sinh trùng; một số kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh truyền nhiễm. Đặc biệt, trước thềm hội nghị có các khóa đào tạo liên tục (CME) về dự phòng trước phơi nhiễm ngăn ngừa lây nhiễm HIV; chẩn đoán và điều trị một số bệnh ký sinh trùng thường gặp; cập nhật hướng dẫn của Bộ Y tế về viêm gan và khắc phục các sự cố y khoa trong chăm sóc người bệnh truyền nhiễm.
Hội nghị cũng là cơ hội để các nhà quản lý, các nhà khoa học trong và ngoài nước, các bác sĩ, điều dưỡng có dịp giao lưu, học hỏi, chia sẻ những kinh nghiệm trong các lĩnh vực chẩn đoán và điều trị bệnh truyền nhiễm, HIV/AIDS.
QUANG THỌ
Theo Nhân dân
Dịch sởi bùng phát được liệt vào 10 bệnh truyền nhiễm lớn nhất năm
Trong số 10 dịch bệnh truyền nhiễm lớn nhất năm 2018 thì Việt Nam đã ghi nhận bùng phát các dịch bệnh các thể ngăn ngừa bởi vắc-xin như sởi, bạch hầu.
Việt Nam ghi nhận nhiều ca mắc sởi do không tiêm vắc-xin
Ngày 15-3, tại hội thảo khoa học về bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới, GS-TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, cho biết trong số 10 dịch bệnh truyền nhiễm lớn nhất năm 2018 thì Việt Nam đã ghi nhận bùng phát các dịch bệnh các thể ngăn ngừa bởi vắc-xin như: Sởi, bạch hầu... Ngoài ra các dịch bệnh: Viêm gan A ở Mỹ, bệnh than ở Madagascar, nhiễm E.colo từ bơ đậu nành ở vài bang của Mỹ, cúm gia cầm A/H7N9 quay trở lại Trung Quốc... là những dịch bệnh truyền nhiễm lớn nhất trong năm 2018.
PGS-TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết sởi là bệnh có thể ngừa bằng vắc-xin nhưng phần lớn bệnh nhân mắc sởi nhập viện chưa tiêm vắc-xin, tại trung tâm truyền nhiễm cũng ghi nhận tới 50% ca bệnh là người lớn. Đặc biệt, có nhiều trường hợp thai phụ mắc bệnh sởi. Trong khi đó, bệnh sởi là căn bệnh khá nguy hiểm với các đối tượng này, có thể khiến họ sinh non hoặc thai lưu. Các bác sĩ cũng lưu ý, các biến chứng thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt ở trẻ dưới 9 tháng tuổi, thường gặp nhất là viêm phổi, viêm thanh quản khiến đường thở phù nề, khó thở, nguy cơ cao gây tắc nghẽn thở.
Nhiều bệnh lý nguy hiểm đe doạ sức khoẻ con người
Theo GS Kính, hiện nay do vấn đề toàn cầu hoá và biến đổi khí hậu đã làm thay đổi cơ cấu các bệnh truyền nhiễm, khiến các bệnh này có thể bùng phát thành dịch bất cứ lúc nào với mức độ nguy hiểm cao và diễn biến khó lường. Hiện Việt Nam cũng được xem là "điểm nóng" của các bệnh truyền nhiễm lây từ động vật sang người với hàng trăm bệnh như dại, sốt xuất huyết, liên cầu lợn, viêm màng não, cúm gia cầm... Thống kê cho thấy Việt Nam có hơn 200 bệnh truyền nhiễm có nguồn gốc từ động vật, trong đó nhiều dịch bệnh có nguy cơ bùng phát thành dịch lớn.
"Có những dịch bệnh như sốt xuất huyết trước đây chỉ có tại các tỉnh phía Nam, chủ yếu ở thành phố thì nay bệnh đã xuất hiện tại 63 tỉnh, thành trong cả nước, ở cả nông thôn... Bệnh tay chân miệng trước đây không có ở Việt Nam nay đã xuất hiện phổ biến ở nước ta.... Bệnh sởi, quai bị, bạch hầu... do trào lưu anti vắc-xin của một bộ phận cư dân. Các bệnh này đã được khống chế tốt với tỉ lệ tiêm chủng cao, trên 95% cư dân trong cộng đồng có miễn dịch bảo vệ thì nay quay trở lại và bùng phát như dịch sởi, các bệnh bại liệt, ho gà, bạch hầu, uốn ván..."- GS Kính nói.
Ngoài ra, trong 3 thập kỷ qua, thế giới tiếp tục chứng kiến sự xuất hiện của nhiều bệnh truyền nhiễm mới nổi nguy hiểm, trong đó 75% bệnh bắt nguồn từ động vật như: SARS, cúm A/H5N1, cúm A/H7N9, MERS-CoV, Ebola... Bệnh lây truyền từ động vật sang người, sau đó lại biến đổi lây từ người sang người với mức độ ngày càng tăng và có độc tính cao khiến nguy cơ lây lan giữa các quốc gia ngày càng cao. Các bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi có thể xâm nhập bất cứ lúc nào vào nước ta, không theo mùa, cũng chẳng có quy luật nào nên rất khó lường.
D.Thu
Theo nld.com.vn
Dấu hiệu nhận biết nhiễm vi khuẩn ăn thịt người Nhiều bác sĩ cũng chẩn đoán nhầm bệnh Whitmore với các bệnh khác như viêm phổi, lao phổi... Whitmore còn gọi bệnh melioidosis, là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. B. pseudomallei sống trong đất, vì thế đường lây nhiễm chính là qua tiếp xúc các vết trầy xước trên da với đất hoặc nước...