Hình ảnh thầy Ký mãi in sâu trong trái tim học trò quê hương
Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký ra đi, nhưng hình ảnh của thầy mãi in sâu trong trái tim học trò quê hương Hải Hậu (Nam Định).
Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Ngọc Ký trong lần về thăm lại Trường Năng khiếu Hải Hậu.
Được tin Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Ngọc Ký mất lúc 2 giờ 5 phút ngày 28/9 tại nhà riêng ở phường Phước Long B (Thủ Đức – TPHCM). Thầy và trò Trường THCS Hải Hậu (tiền thân là Trường Năng khiếu Hải Hậu – nơi thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký từng giảng dạy và công tác) không khỏi bất ngờ và tiếc thương.
Báo GD&TĐ xin trích đăng bài viết của thầy giáo Lưu Tuấn Nghĩa (Hiệu trưởng Trường THCS Hải Hậu) – như một nén tâm nhang tưởng nhớ về người thầy hết lòng vì sự nghiệp giáo dục.
70 năm là tấm gương ngời sáng
Sáng 28/9, thầy và trò Trường THCS Hải Hậu nghe tin dữ – Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Ngọc Ký qua đời tại nhà riêng ở TPHCM. Tất cả chúng tôi đều bồi hồi, xúc động dào dạt niềm thương tiếc người thầy đã gắn bó với ngôi trường ở vùng đất thuần nông Hải Hậu trong suốt thời kỳ gian khó.
Thầy Ký, một cử nhân văn chương của Đại học Tổng hợp Hà Nội đã mở ra cho nhiều thế hệ học trò Trường Năng khiếu Hải Hậu những chân trời tri thức, và sự quyết tâm trong học tập. Thầy là tấm gương sáng về nghị lực phi thường vươn lên nghịch cảnh, thành công trong sự nghiệp trồng người, là người truyền lửa cho bao thế hệ học trò trên quê hương Hải Hậu cũng như khắp Việt Nam.
Từ ngày cậu bé Ký bắt đầu dùng chân viết nên câu chuyện đi học trên những cánh đồng Hải Hậu ấy đến nay đã gần tròn 70 năm. 70 năm làm tấm gương sáng cũng là ngần ấy thời gian làm thần tượng sáng rỡ và bền bỉ về ý chí không bao giờ bỏ cuộc.
Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Ngọc Ký trong lần về thăm lại Trường Năng khiếu Hải Hậu (ảnh chụp năm 2017).
Thầy Nguyễn Ngọc Ký giảng dạy và công tác tại Trường Năng khiếu Hải Hậu (nay là Trường THCS Hải Hậu) trong khoảng thời gian từ năm 1983 đến năm 1993 tại 3 địa điểm khác nhau. Từ Trường sơ cấp Nông nghiệp huyện Hải Hậu tại xã Hải Hà đến Trường Phổ thông cơ sở Thị trấn Yên Định và về cơ sở Bổ túc dân chính huyện Hải Hậu. Thời ấy, nhiệm vụ của thầy Ký được phân công là giảng dạy môn Ngữ văn và bồi dưỡng học sinh giỏi dự thi cấp tỉnh.
Video đang HOT
Trong mắt bao thế hệ học trò, thầy luôn là người thầy mẫu mực và là tấm gương sáng về tinh thần vượt khó, vươn lên trong cuộc sống. Thầy đã truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ học trò quê hương Hải Hậu đạt thành tích cao trong học tập và thành đạt trong cuộc sống.
Thầy đã gắn bó, cống hiến cho mái trường Năng khiếu Hải Hậu trong khoảng thời gian 10 năm đầy ý nghĩa với nhiều kỷ niệm mang tính nhân văn cao cả. Khi nhắc đến thầy, mỗi thế hệ học trò đã từng được thầy dìu dắt đều không thể quên những năm tháng gian khó nhưng ấm tình thầy trò.
Trường THCS Hải Hậu – tiền thân là Trường Năng khiếu Hải Hậu, nơi nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký từng tham gia giảng dạy trong thời gian 10 năm.
Chăm trò bằng nồi cháo, củ khoai
Bằng sự tâm huyết với nghề và tình yêu thương học trò, thầy Ký không quản ngại khó khăn vất vả, tình nguyện dạy vào những buổi ban đêm trong thời gian cao điểm trước kỳ thi. Đó là những buổi học đêm, các học trò (ở trọ tại trường – xã Hải Hà) xách đèn dầu đi bộ từ trường tới nhà thầy ở xã Hải Thanh. Rồi những buổi thầy – trò rảo bước cùng nhau trên con đường xuyên qua những cánh đồng giá lạnh thấu xương để đến lớp học.
Thầy đã trích số tiền lương ít ỏi của mình mua gạo nấu cháo vào những buổi đêm đó. Thầy trò ngồi quây quần quanh nồi cháo, vừa ôn lại bài cũ và thử sức với những đề thi học sinh giỏi, vừa tâm sự về cuộc sống.
Mỗi đợt ôn thi đội tuyển tạm kết thúc, học trò lại rủ nhau đến nhà thầy ở xóm Nguyễn Mi. Nhà thầy có một mảnh vườn nhỏ trồng ổi, nhót, chanh, quất chỉ để phục vụ học trò. Bao giờ đến nhà thầy Ký, cô Nhiễu – vợ thầy cũng chuẩn bị một nồi khoai.
Không chỉ là một người thầy, nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký còn như một người bạn, một người cha đối với học trò. Tâm sự về cuộc sống, giảng giải những điều mà lũ trẻ chưa hiểu, thầy còn nhỏ nhẹ khuyên bảo học trò bằng những điều hay lẽ phải, nhận ra cái sai – cái đúng trong từng hành động, cũng như lời ăn tiếng nói.
Mỗi nét chữ, mỗi lời phê trong bài tập làm văn được viết bằng đôi chân kỳ diệu của thầy như một nguồn động viên, động lực lớn lao để học trò trông vào và phấn đấu. Thầy có sức mạnh như ngọn lửa sáng rực nhiệt huyết, truyền cảm hứng cho bao thế hệ học trò Trường Năng khiếu Hải Hậu vươn lên trong học tập.
Việc không ngừng truyền lửa đam mê đến học sinh bằng đôi bàn chân của thầy với những phương pháp giảng dạy độc đáo để các cô cậu học trò tiếp tục phấn đấu và đạt thành tích cao trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh hằng năm và tiếp tục thành công ở những bậc học tiếp theo.
Thầy Nguyễn Ngọc Ký đã chứng minh cho mọi người, đặc biệt là các thế hệ học trò của mình thấy rằng: Một người tật nguyền vẫn có thể trở thành người có ích cho xã hội.
Với những năm tháng công tác tại Trường Năng khiếu Hải Hậu, thầy đã để lại cho nhiều thế hệ học trò những tình cảm sâu nặng với lòng trân trọng, ngưỡng mộ và cảm phục. Để rồi những thế hệ học trò đó hiện nay đã là những kỹ sư, bác sĩ giỏi đang công tác trên mọi miền của Tổ quốc. Trong đó, có những học trò đã trở thành những thầy cô giáo giỏi về chuyên môn, tâm huyết, yêu thương học trò, làm tiếp công việc mà thầy đã làm đó là truyền cảm hứng, truyền ngọn lửa đam mê, khơi dậy trong học sinh ý chí khát khao muốn được khẳng định mình và muốn chinh phục đỉnh cao của tri thức.
Mãi mãi, tên người thầy ưu tú Nguyễn Ngọc Ký còn in sâu trong tâm trí mỗi học trò Trường Năng khiếu Hải Hậu – hôm nay và cả mai sau.
Theo hồi ký “Tôi đi học”, thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký hồi tưởng, suốt những năm học phổ thông, năm nào thầy cũng là học sinh giỏi. Năm học 1962 – 1963 thầy đoạt giải 5 trong kỳ thi học sinh giỏi toán toàn miền Bắc, được Bộ trưởng Giáo dục gửi Giấy khen. Quãng thời gian phấn đấu sau đó, thầy đã vinh dự 2 lần được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng Huy hiệu và 4 lần được gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Mở đầu cuốn “Tôi đi học” có trích lời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng: “Nguyễn Ngọc Ký là tấm gương vượt khó tuyệt vời. Quý lắm. Đoàn cần nhân rộng để các em học tập. Tuổi thơ Việt Nam bây giờ hơn lúc nào hết cần biết ước mơ, biết phấn đấu, đặc biệt vượt qua chính mình như Nguyễn Ngọc Ký để thành đạt”.
Năm 1970, thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Thực hiện lời khuyên của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký trở về quê hương Hải Hậu – Nam Định để dạy học.
Thời gian đầu, nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký dạy học tại Trường Cấp II Hải Thanh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định (từ năm 1970 đến năm 1983). Sau đó, ông được chuyển sang dạy tại Trường Năng khiếu Hải Hậu (từ năm 1983 – 1994).
Người nặng lòng với bộ SGK tiếng Khmer
Nhà giáo nhân dân Lâm Es là 'linh hồn' của bộ SGK tiếng Khmer. Ông dành cả tâm huyết để có bộ sách cho hậu thế.
Hơn 80 tuổi nhưng NGND Lâm Es vẫn miệt mài với sự nghiệp giáo dục.
Dành trọn tâm huyết cho bộ sách của dân tộc
Bộ sách giáo khoa (SGK) tiếng Khmer do Nhà giáo Nhân dân Lâm Es chủ biên được tái bản nhiều lần, trở thành bộ SGK được sử dụng chính thức cho hoạt động dạy và học tiếng Khmer.
Nhà giáo Lâm Es là giáo viên dân tộc Khmer đầu tiên và cũng là duy nhất hiện nay được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. Đảm nhiệm chức danh Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng, sau khi nghỉ hưu, thầy Lâm Es làm Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh.
Thầy Lâm Es sinh năm 1940 trong một gia đình nông dân Khmer ở ấp Trà Tép, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng). Thuở nhỏ, Lâm Es được mẹ gửi lên chùa Đại Tâm học chữ, học kinh kệ Khmer. Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng cậu bé Lâm Es rất ham học.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thầy Lâm Es về công tác ở Ty Giáo dục tỉnh Hậu Giang. Vừa làm việc, thầy vừa hoàn thành bậc học phổ thông, rồi học đại học, đồng thời tập hợp tư liệu, kinh nghiệm giảng dạy để hệ thống thành sách hướng dẫn dạy tiếng Khmer cho các cán bộ trẻ. Cũng từ đây thầy bắt tay vào soạn thảo bộ sách dạy song ngữ Khmer - Việt cho học sinh phổ thông, như ước mơ mà thầy đã ấp ủ bao năm.
Bộ SGK tiếng Khmer do thầy chủ biên được tái bản nhiều lần và trở thành bộ SGK được sử dụng chính thức cho hoạt động dạy và học tiếng Khmer cho đến nay. Ngoài ra, thầy Lâm Es còn có nhiều công trình liên quan đến việc dạy và học tiếng Khmer có tầm ảnh hưởng toàn quốc. Đến nay, thầy Lâm Es có khoảng 100 đầu sách được xuất bản.
Trong đó có 53 đầu sách mang tầm quốc gia, số còn lại là sách phục vụ cho địa phương. Nhiều bộ sách của thầy rất có giá trị như: Bộ sách ngữ văn Khmer cho học sinh phổ thông từ Tiểu học đến THCS; Bộ sách dành cho Trường Bổ túc văn hóa Pali trung cấp Nam bộ từ lớp 10 đến lớp 12; bộ sách Ngữ văn Khmer cho học sinh phổ thông từ lớp 1 đến lớp 9; Giáo trình giảng dạy chữ Khmer ở Trường Trung học sư phạm, Cao đẳng sư phạm; Tài liệu dạy tiếng Khmer căn bản nâng cao trình độ cho cán bộ...
Đặc biệt, từ năm học 2005 - 2006, bộ sách mới chữ Khmer dành cho học sinh Tiểu học vùng dân tộc thiểu số do thầy biên soạn được chính thức đưa vào giảng dạy.
Công trình sách và SGK của NGND Lâm Es.
Góp sức lưu giữ tiếng nói, chữ viết Khmer
Công trình nghiên cứu, biên soạn sách giáo khoa của Nhà giáo Nhân dân Lâm Es đều hướng đến mục đích giúp người học chữ Khmer dễ đọc, viết đúng. Những bộ sách chữ Khmer do thầy soạn thảo được Bộ GD&T đánh giá cao. ó là những công trình khoa học sáng tạo, hữu ích cho việc bồi dưỡng giáo viên dạy song ngữ Việt - Khmer ở Nam bộ.
Đánh giá về những bộ sách chữ Khmer do thầy Lâm Es soạn thảo, TS Bùi Khánh Thế, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Sách giáo khoa của Bộ GD&ĐT cho biết đó là những công trình khoa học sáng tạo, hữu ích cho việc bồi dưỡng giáo viên dạy song ngữ Việt - Khmer ở Nam bộ.
Không chỉ tập trung đầu tư cho biên soạn sách, thầy Lâm Es còn thường xuyên tham gia dạy lớp ngữ văn Khmer cho những nơi có nhu cầu. Mong muốn của thầy là đem kiến thức cho mọi người dân Khmer để bà con nâng cao trình độ nhận thức, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.
Nhà giáo Nhân dân Lâm Es là người có uy tín trong đồng bào dân tộc. Đến nay hơn 80 tuổi nhưng thầy vẫn miệt mài với sự nghiệp giáo dục và nhiệt tâm với công tác khuyến học, khuyến tài. Thầy là niềm tự hào của bà con Khmer, người dân tỉnh Sóc Trăng nói riêng và đồng bào Khmer Nam bộ nói chung về đức tính giản dị, tinh thần tự học và nhiệt tâm dành gần trọn cuộc đời cống hiến và chăm lo cho công tác giáo dục dân tộc.
Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giáo dục, Nhà giáo Nhân dân Lâm Es vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú (1994); Nhà giáo Nhân dân (2002, là Nhà giáo Nhân dân đầu tiên của khu vực ĐBSCL và duy nhất của người Khmer trên cả nước cho đến nay); Huân chương Lao động hạng Ba (2008); được tặng hơn 20 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Sóc Trăng...
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 ký kết biên bản hợp tác với Đại học Kyung Hee GDVN-Trường ĐHSPHN2 và Đại học Kyung Hee ký biên bản hợp tác, góp phần nâng tầm quan hệ 2 nước Việt-Hàn, đóng góp cho phát triển giáo dục, kinh tế, xã hội của Việt Nam. Ngày 27/9, Đoàn công tác Đại học Kyung Hee (Hàn Quốc) đến thăm và làm việc tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Trưởng đoàn Đại...