Hiệu trưởng trường sư phạm: ‘Dạy học không thuần túy chỉ là làm công ăn lương’
Tại lễ kỷ niệm 38 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam diễn ra sáng 20/11, GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã chia sẻ những tâm tư, nhắn nhủ về nghề giáo đến các sinh viên, giảng viên.
GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ tại buổi lễ.
GS Nguyễn Văn Minh cho hay, đã đi theo nghề giáo thì xác định dạy học là một thiên chức đạo đức cao quý.
Song, dù thiên chức cao quý nhưng cũng lắm gian nan, và nhà giáo phải đối diện với nhiều thứ, nhiều chiều.
“Trong quan niệm xã hội có lúc chưa thật tích cực khi nhìn nhận về giáo dục, về học vấn và hệ quả là lăng kính về người thầy không như những gì thật cao đẹp. Cũng có lúc một bộ phận đánh đồng việc dạy học với kiếm sống thông thường. Hãy nhớ rằng nó không chỉ là một nghề thuần túy. Nếu như vậy, chắc chẳng có ai nguyện dành tuổi thanh xuân của mình cho trẻ nơi vùng biên ải, núi rừng, hải đảo”, thầy Minh nói.
Theo GS Minh, dạy học là thiên hướng, là tạo dựng tương lai chứ không thuần túy chỉ là làm công ăn lương.
GS Minh cho rằng, những gì đang diễn ra trong lớp học, trên giảng đường hôm nay, dù có ít ỏi chăng nữa vẫn mang tính quyết định, định hình xã hội ngày mai.
“Không thể chối cãi rằng, đất nước nào đầu tư đúng mức cho giáo dục, người thầy được tôn trọng thì không chỉ tiến bộ trong hiện tại mà đó là nền tảng cho phát triển của tương lai. Nơi nào người thầy được tôn trọng thì ở đó xã hội văn minh. Sự bền vững muôn đời của một đất nước là từ giáo dục và cách giáo dục”.
Theo thầy Minh, giáo dục, nhất là giáo dục phổ thông cần có quan niệm đúng đắn: “Đừng để cho giáo dục chuyển một nền học vấn sang tìm kiếm việc làm một cách thuần túy. Đừng để kiến thức trở thành hàng hóa, một sản phẩm để mua bán và sử dụng. Sự tầm thường hóa này sẽ dẫn đến quan niệm lệch lạc về người thầy, về những chuẩn mực chân chính của xã hội và là gốc rễ của những suy đồi trong đạo đức. Đừng quá coi trọng kỹ năng mà quên rằng giáo dục để mỗi người tự soi sáng bản thân để tiến bộ. Nếu chỉ nhăm nhăm tập trung đào tạo nghề nghiệp để mỗi người không biết gì ngoài địa hạt của mình thì quả thật thiếu sót”.
Ông Minh nhìn nhận, giáo dục đang đổi mới và đòi hỏi rất nhiều, do đó trọng trách lớn lao đặt ra với cả thầy và trò trường sư phạm.
Muốn vượt qua, ông Minh cho rằng nhà trường phải thay đổi: “Phải tạo bước chuyển căn bản trong nhận thức về người thầy. Không thể áp những quy chuẩn hành chính thông thường đối với thầy cô mà phải coi đây là lao động đặc biệt”. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, ông Minh cũng nhắn nhủ tới các giảng viên và sinh viên sư phạm, trong mọi hoàn cảnh, hãy giữ tâm sáng, chí bền và hành động chân chính. “Vì rằng, ai sẽ là người làm thay đổi nền giáo dục, nếu không phải bắt đầu từ chúng ta”, ông Minh nói.
Video đang HOT
Tại buổi lễ, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng tổ chức trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các nhà giáo xuất sắc.
Các cá nhân xuất sắc được nhận giấy khen của hiệu trưởng nhà trường.
Người thầy 'chuyển đổi số' và sự bất biến của đạo nghĩa thầy - trò
Kể từ khi người thầy được xem là chuẩn mực và giữ vị thế "độc tôn", đến nay, nghề dạy học đã có những thay đổi lớn.
Năm 2020 là một năm học mà có lẽ, chưa khi nào thầy trò ít "chạm mặt" nhau như thế.
Bước ngoặt bất ngờ của những người thầy
Khi Hà Nội xuất hiện ca dương tính với Covid-19 vào ngày 6/3, là ca thứ 17 ở Việt Nam, thì tới ngày 8/3, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội ra thông báo tiếp tục tổ chức dạy và học theo kế hoạch, nhưng tận dụng tối đa hình thức học online từ xa.
Là giảng viên trẻ của Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông, thầy Nguyễn Hồng Phương (Bộ môn Hệ thống Thông tin) đăng ký 100% tiết dạy của mình dưới dạng online. Dù có lợi thế nhưng ở những giờ giảng đầu, thầy Phương không tránh khỏi lạ lẫm.
Thầy giáo Nguyễn Hồng Phương, Giảng viên Bộ môn Hệ thống Thông tin, khi dạy online
"Dạy trên lớp, tôi phải lên bục giảng bài. Khi có điều gì thắc mắc, sinh viên sẽ được mời đứng dậy phát biểu. Nhưng với tiết học online, sinh viên sẽ trực tiếp nhập câu hỏi vào hệ thống để tôi trả lời. Đôi khi cùng lúc, giáo viên có thể nhận được rất nhiều câu hỏi" - thầy Phương kể.
Tuy rằng không có sự tương tác ngay tức thời như cách dạy truyền thống, nhưng theo thầy Phương, dạy online cũng có nhiều điều tích cực...
Trong khi đó, thầy Nguyễn Văn Lực (57 tuổi) là giáo viên dạy môn Lịch sử và Giáo dục công dân ở Trường THCS Diên Khánh, Khánh Hòa. Với 34 năm công tác, thầy Lực đã chứng kiến nhiều sự thay đổi của ngành để phát triển cùng xu thế của thế giới, của thời đại.
Khi dịch Covid-19 đến bất ngờ và diễn biến rất phức tạp, học sinh phải ở nhà vì dịch bệnh thì với thầy Lực, việc dạy trực tuyến là khó khăn, trở ngại lớn bởi đã gần tuổi hưu.
Để chuẩn bị cho tiết dạy trực tuyến đầu tiên, thầy đã phải mất hai ngày. Để tiết dạy "có hồn", thầy phải tập dượt cho nhịp nhàng, ăn khớp từng lời nói với slide PowerPoint. Sau nhiều lần làm đi làm lại, thầy mới chính thức ghi âm ghi hình, tạo video gửi cho bộ phận chuyên môn duyệt để đưa lên trang web của trường...
Tuy nhiên, tiết dạy đầu thầy vẫn chưa thực sự vừa ý khi giọng còn bị cứng. Đến tiết thứ hai, để cho sinh động, thầy đã thay đổi tư thế giảng bài. Không còn ngồi dạy nữa, tiết này thầy đứng lên, đi qua đi lại, huơ tay như đứng trước lớp nên giọng nói trở nên tự nhiên...
"Rồi tôi cũng quen dần và nghĩ rằng việc triển khai dạy học trực tuyến đã giúp cho tôi có thêm kỹ năng sư phạm về phương pháp giảng dạy này. Ban đầu dù có những khó khăn, bỡ ngỡ nhất định nhưng tôi cùng với bao thầy cô phải cố gắng để thực hiện trách nhiệm truyền thụ kiến thức cho học sinh, như Bác Hồ đã căn dặn: "Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt - học tốt" - thầy Lực nói.
Khi người thầy 'chuyển mình' mạnh mẽ
Thầy Lực, thầy Phương cũng như hàng triệu thầy cô giáo khác đã phải tập thích nghi, và thích nghi được, với những biến chuyển mạnh mẽ của nghề nghiệp.
60 năm đã trôi qua kể từ ngày còn là cậu học trò, và cũng ngần đấy năm tiếp tục gắn bó với giáo dục, NGƯT Nguyễn Tùng Lâm - người đồng sáng lập trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) - cho rằng ngày nay, khi công nghệ phát triển vượt trội và học sinh có thể tự học, thì giáo viên lúc này không còn là người độc quyền truyền đạt kiến thức cho học sinh. Họ chỉ là một trong những kênh để cung cấp tri thức cho người học.
"Xã hội thay đổi, người thầy cũng không thể đứng yên. Do đó, giáo viên cũng phải tự cập nhật, đóng vai trò định hướng học trò tìm tòi, khám phá và vận dụng kiến thức vào thực tiễn.
Người thầy thay vì thể hiện thế "quyền uy ghê gớm" lại trở thành người đồng hành, sẻ chia, thông cảm, khích lệ và luôn tạo điều kiện cho học trò phát triển" - thầy Lâm nhận định.
Công nghệ đã hỗ trợ rất nhiều để giáo viên thực hiện được những tiết học sinh động, lôi cuốn
Đồng quan điểm với thầy Lâm, TS Trương Đình Thăng - Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Quảng Trị - cũng nhìn nhận vai trò của người thầy bây giờ đã thay đổi. Anh Thăng là tiến sĩ tốt nghiệp từ New Zealand và hiện là thành viên Hội đồng khoa học liên ngành Tâm lý học - Giáo dục học của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (Nafosted), nghiên cứu viên của Trung tâm nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương về Lãnh đạo (trực thuộc Trường ĐH Sư phạm Hongkong).
Mới 45 tuổi mà đôi khi, tôi đã cảm thấy mình bị đứng lại đằng sau" - TS Thăng chia sẻ.
"Lượng kiến thức trong thời đại công nghệ thông tin quá lớn. Học trò bây giờ rất giỏi, có thể nói tới những điều mà người thầy không biết chứ không phải chờ thầy nói thì trò mới được mở mang. Học trò có thể học bất cứ ở nơi nào, bất cứ nơi đâu trong thời đại công nghệ số.
Vì vậy, thầy giỏi bây giờ là người hướng dẫn và truyền động lực, đam mê cho học sinh chứ không chỉ là truyền dạy kiến thức".
Còn thầy Vũ Văn Cát, giáo viên môn Vật lý của Trường THPT Kinh Môn 2 (huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương), chia sẻ điều khác biệt dễ nhận thấy nhất là tri thức khoa học của người thầy phải hoàn thiện, phong phú, sâu sắc hơn. Thầy Cát hiện 51 tuổi, dù là giáo viên phổ thông ở huyện, nhưng với niềm đam mê khoa học, thầy đã có 2 bài báo được công bố trên tạp chí quốc tế và đang làm nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội
"Ngày xưa giáo viên chủ yếu giảng "chay", nhưng bây giờ, nếu cứ như vậy thì coi như không hiệu quả và không đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Chính sự phát triển của xã hội, yêu cầu người thầy phải tự bồi đắp, nâng cao kiến thức, kỹ năng của mình" - thầy Cát nói.
Và theo thầy Cát, học sinh hiện nay đã thay đổi so với các thế hệ trước đây rất nhiều. Do đó, giờ đây, mỗi giáo viên không chỉ là người dạy học tốt mà còn phải là một nhà giáo dục tốt.
"Giáo viên không nên ngại chuyện trở thành bạn của học sinh. Nếu người giáo viên có kiến thức, có phương pháp sư phạm tốt, hiểu về tâm sinh lý của trẻ để ứng xử, phục vụ trong dạy học đạt được hiệu quả thì tôi nghĩ, vị thế của người thầy không những không bị hạ thấp mà còn được nâng lên rất cao trong mắt học trò và cả xã hội" - thầy Cát chia sẻ.
Trong thời đại chuyển đổi số, người giáo viên cũng phải trang bị cho mình những hành trang gồm kiến thức, kỹ năng về khoa học kỹ thuật và công nghệ. Đặc biệt, giáo viên cần trang bị các kỹ thuật hỗ trợ giảng dạy.
"Đó cũng là một trong những "vũ khí lợi hại" của ngành giáo dục hiện nay và mang đến hiệu quả rất lớn khi có thể làm cho bài giảng sống động, hấp dẫn hơn rất nhiều, giúp thu hút được học sinh hơn" - thầy Cát khẳng định.
Nghĩa thầy trò vẫn là căn cốt
Gần 80 tuổi, NGƯT Nguyễn Tùng Lâm nhìn nhận sự khác biệt lớn nhất giữa người thầy xưa và nay chính là quan niệm xã hội về người thầy.
"Thời của chúng tôi, người thầy có quyền uy ghê gớm. Trò rất sợ nhưng cũng hết sức kính trọng thầy.
Những người thầy của tôi khi đó dù chưa có nhiều phương pháp hiện đại, họ chỉ dạy bằng cái tâm, nhưng thế hệ học trò chúng tôi vẫn rất khâm phục vì các thầy đều rất giỏi. Tôi được học NGƯT Nguyễn Duy Phúc - một người dạy Văn rất nổi tiếng hay thầy Trần Sĩ Tâm - người dạy rất giỏi môn Lý... Đó đều là thầy cô tận tụy, công tâm. Các thầy, các cô luôn coi chúng tôi như con em mình" - thầy Lâm nhớ lại.
"Mọi thứ của người thầy đều được xem là chuẩn mực và thầy giữ thế "độc tôn", là thần tượng để học trò hướng tới".
Dù thời gian có đổi thay thì tình cảm, nghĩa thầy trò vẫn là căn cốt
Dù có những khác biệt ở vai trò của người thầy song tựu trung lại, theo thầy Vũ Văn Cát, vẫn có điểm chung mà qua thời gian vẫn không thay đổi.
"Những phẩm chất cao đẹp của người thầy ngày xưa vẫn rất quan trọng và cần thiết, vẫn rất phù hợp với các giáo viên ngày nay dù đi qua năm tháng, thậm chí cả trong tương lai.
Dù thời gian, công nghệ hay bất cứ thứ gì khác thay đổi nhưng tình cảm, nghĩa thầy trò tôi nghĩ vẫn là cái cốt. Đạo đức, cái tâm của người thầy đối với các học trò vẫn là thứ luôn được trân quý, tôn vinh".
Quan điểm của thầy giáo Cát cũng là sự nhìn nhận của PGS Phạm Quốc Thành, Phó Trưởng khoa Khoa học Chính trị, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội.
"Cùng với hiếu học, trọng chữ, trọng sự học thì tôn sư trọng đạo là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam, mang trị nhân văn sâu sắc. Truyền thống đó ngày càng được phát huy, cho dù có muôn vàn sự đổi thay trong xã hội" - thầy Thành khẳng định.
Thầy Thành cho rằng xã hội ngày càng phát triển thì việc học ngày càng quan trọng. Cùng với sự chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực thì với giáo dục, dù phương thức, phương pháp dạy và học có nhiều biến đổi, vị trí người thầy lại càng đóng vai trò thiết yếu.
"Học sinh, sinh viên, người đi học và xã hội luôn tôn kính những người thầy giỏi về chuyên môn, đẹp về nhân cách, trách nhiệm và tận tình với học trò. Điều này đòi hỏi người thầy phải luôn luôn cố gắng, phấn đấu là tấm gương cho học trò noi theo".
Đào tạo giáo viên, kiến thức thôi chưa đủ! Hiện nay mức lương giáo viên vừa tốt nghiệp ĐH vào khoảng 3,5 triệu đồng/tháng trong khi sinh viên sư phạm được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng và cả phần học phí. Bao giờ chế độ đãi ngộ của nhà giáo phản ánh đúng sức lao động với nghề, không bình quân cào bằng thì đó sẽ là lúc quan niệm "chuột chạy...