Hành trình cân não “hô biến” trái tim người phụ nữ vào cơ thể nam thợ hồ
Nam bệnh nhân làm nghề thợ hồ tại TPHCM may mắn nhận được trái tim hiến tặng của người phụ nữ chết não tại Hà Nội. Sau 1 tháng phẫu thuật ghép tim, bệnh nhân đã khoẻ mạnh và chuẩn bị xuất viện.
Ảnh minh họa
Trái tim người phụ nữ chết não sống khỏe trong cơ thể nam thợ hồ
Hơn 1 tháng kể từ ngày may mắn nhận được trái tim hiến tặng của người phụ nữ chết não tại Hà Nội, nam bệnh nhân làm nghề thợ hồ tại TP HCM đã khỏe mạnh, chuẩn bị xuất viện.
Trường hợp may mắn trên là anh Bùi Thanh P. (47 tuổi) vừa được thực hiện thành công ca ghép tim tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Anh Văn P. bị suy tim nặng từ 8 năm trước, tình trạng ngày càng diễn tiến nặng, dù đã điều trị tích cực đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn nhưng không hồi phục được chức năng. Người bệnh phải sử dụng thuốc vận mạch, tuy nhiên biến chứng từ tình trạng suy tim khiến anh bị tai biến nhẹ, sự sống chỉ còn đếm ngược từng ngày. Bệnh nhân thường xuyên phải nhập viện, đã có chỉ định ghép tim.
Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện cuộc ghép tim cho người bệnh
Sau khi vận động thành công gia đình nữ bệnh nhân tại Hà Nội bị tai nạn giao thông chết não hiến tim, tối 13/5/2020 chuyến bay đặc biệt đã "hỏa tốc" chuyển trái tim của người phụ nữ chết não vào Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM. Ngay lập tức, các bác sĩ triển khai quy trình tiếp nhận, thực hiện chỉ định ghép cho bệnh nhân P. vì đủ các tiêu chuẩn y khoa theo quy định.
PGS.TS.BS Trần Quyết Tiến, Phó giám đốc bệnh viện cho biết: "Đây là ca đầu tiên bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện ghép tim sau khi được Bộ Y tế chứng nhận là đơn vị có đủ tiêu chuẩn thực hiện phẫu thuật ghép tim từ người cho chết não. Về mặt chuyên môn, bệnh nhân bị suy tim, trên bệnh lý cơ tim giãn nở đã điều trị nội khoa, đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn, hy vọng sống gần như không còn".
PGS Lương Ngọc Khuê (ngồi thứ 3 từ trái sang) đánh giá cao chuyên môn của Bệnh viện Chợ Rẫy trong cuộc ghép tim thành công do bệnh viện làm chủ kỹ thuật
Hai bệnh nhân cho và nhận có độ tuổi bằng nhau, kích thước, độ tương thích khá cân bằng, trái tim của người nữ cho người nam. Giữa người cho và người nhận có sự bất tương đồng về nhóm máu (người cho nhóm máu O, bệnh nhân nhóm máu A). Nhóm máu O có thể cho các nhóm máu khác nên về nguyên tắc y khoa điều này vẫn phù hợp. Sau 3 giờ kể từ khi thực hiện cuộc ghép, trái tim của người hiến đã đập trong lồng ngực của người nhận.
BS Nguyễn Thái An, Trưởng khoa Hồi sức Phẫu thuật Tim, Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ: "Thuận lợi lớn nhất là việc ngay trong dịch Covid-19 nhưng đã được sự hỗ trợ của các cơ quan ban ngành tạo điều kiện cho việc vận chuyển trái tim hiến tặng từ cửa phòng mổ tới tận cầu thang máy bay, các thủ tục được triển khai chặt chẽ nhưng diễn ra nhanh chóng. Sau 6 giờ kể từ khi tiếp nhận, trái tim được vận chuyển thành công vào phòng mổ, bệnh viện Chợ Rẫy. Cuộc phẫu thuật ghép tim cho người bệnh đã diễn ra thành công".
Sau hơn 1 tháng được ghép ngày 16/6, anh Thanh P. cho biết, đến nay sức khỏe đã bình phục rất tốt. "Tôi ăn uống ngon miệng, ngủ ngon, đi lại bình thường, không còn mệt như trước cuộc phẫu thuật. Tôi xin cảm ơn người đã hiến tặng cho tôi trái tim, cảm ơn lòng nhân hậu sẵn sàng sẻ chia sự sống của người quá cố và gia đình đây là món quà quá quý giá tôi may mắn nhận được. Xin cảm ơn các bác sĩ đã nỗ lực thực hiện thành công cuộc ghép cho tôi".
BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ: "Ghép tim đã được thực hiện tại Bệnh viện Chợ Rẫy từ 4 năm qua với sự hỗ trợ của Bệnh viện Việt Đức. Sau 4 ca đầu được ghép thành công, Bộ Y tế đã quyết định cho phép bệnh viện Chợ Rẫy làm chủ kỹ thuật ghép tim. Sau 1 tuần có quyết định, ca thứ 5 đã được triển khai tại bệnh viện. Ngay trong mùa dịch Covid-19, hoạt động ghép tim cho người bệnh đã đảm bảo an toàn tuyệt đối trước các nguy cơ lây nhiễm theo chỉ đạo của Bộ Y tế. Cùng với việc điều trị cho bệnh nhân Covid-19, ca ghép tim thành công cho thấy nỗ lực của toàn bệnh viện và ngành y tế. Thời gian tới Chợ Rẫy sẽ tiếp tục xây dựng để phát triển thành trung tâm ghép tạng lớn tại khu vực phía Nam".
Trái tim của nữ bệnh nhân chết não đang mang đến sức sống mới cho người thợ hồ
PGS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế chia sẻ: "Ca ghép tim trên là kỹ thuật hiện đại, khẳng định sự thành công của bệnh viện Chợ Rẫy nói riêng và ngành y tế Việt Nam nói chung. Bệnh viện Chợ Rẫy là cơ sở y tế đầu tiên tại khu vực phía Nam triển khai ghép tim sau khi nhận chuyển giao kỹ thuật từ Bệnh viện Việt Đức. Đây là sự phối hợp đồng bộ của các chuyên khoa và sự phối hợp nhịp nhàng của các bệnh viện dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế mục tiêu chăm sóc tốt nhất cho sức khỏe của cộng đồng đặc biệt là những ca bệnh không còn khả năng điều trị ngoài việc ghép các bộ phận tương đồng từ đồng loại".
Bệnh nhân cùng vợ cảm ơn người hiến tặng tim và các bác sĩ đã nỗ lực thực hiện thành công cuộc ghép
Theo PGS Lương Ngọc Khuê, các kỹ thuật ghép tạng tại Việt Nam đã tiệm cận với thế giới với tay nghề của bác sĩ ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, nguồn tạng hiến trong cộng đồng còn rất hạn chế nên số người bệnh được ghép chưa được nhiều, số người chờ tạng ghép ngày càng tăng cao. Ông kêu gọi cộng đồng chia sẻ sự sống khi chẳng may qua đời để cứu tính mạng những người đang lâm nguy vì suy tạng giai đoạn cuối.
Thạc sĩ Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác Xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: "Đến nay, các ca bệnh ghép tạng bước đầu đã được Bảo hiểm Y tế chi trả với các khoản trong danh mục bảo hiểm. Ở trường hợp bệnh nhân Bùi Thanh P. vừa được ghép tim thành công, tổng chi phí cho cuộc ghép gần 500 triệu đồng, trong đó bảo hiểm chi trả gần 200 triệu đồng, phần còn lại do gia đình thanh toán. Thời gian tới, phía bệnh viện sẽ vận dụng các chính sách tham gia bảo hiểm đủ 5 năm để người bệnh được chi trả 100% chi phí khi đi khám chữa bệnh".
5 ca ghép phổi thành công của Việt Nam Việt Nam đã thực hiện thành công 5 ca ghép phổi, trong đó một ca ghép từ người hiến còn sống, bốn ca từ người chết não. Trong số này, Bệnh viện Việt - Đức thực hiện 3 ca, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Bệnh viện Quân y 103 mỗi viện một ca. Các cuộc phẫu thuật đều diễn ra...