Giáo viên tích cực đổi mới, sáng tạo sẽ có những giờ học hay, tiết học tốt
Đó là bộc bạch của cô Nguyễn Thị Thu Hằng – Giáo viên Trường Tiểu học Nông nghiệp ( huyện Gia Lâm, Hà Nội), tác giả đoạt giải cuộc thi Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác năm học 2020-2021.
Cô Nguyễn Thị Thu Hằng bên học trò thân yêu.
Lan tỏa những việc làm tốt, hành động đẹp
Tham gia cuộc thi viết về “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác” năm học 2020-2021 với tác phẩm “Cô giáo Đỗ Thị Hoàng Mai: Một tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác”, cô Nguyễn Thị Thu Hằng chia sẻ: Tôi rất bất ngờ, vui, tự hào và vinh dự khi biết bài viết của mình đã được BTC cuộc thi đánh giá và ghi nhận.
Theo cô Hằng, cuộc thi được tổ chức và triển khai sâu rộng tới đông đảo cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong các trường học ở thành phố Hà Nội nói chung và huyện Gia Lâm nói riêng là dịp để mỗi nhà giáo học sinh rèn luyện đạo đức, lối sống văn hóa, phong cách, tác phong làm việc theo tấm gương của Bác. Cuộc thi cũng giúp cho các nhà trường tìm những tấm gương điển hình tiêu biểu trong các phong trào thi đua để kịp thời động viên, khích lệ và lan tỏa những việc làm tốt, hành động đẹp tới bạn bè, đồng nghiệp.
Cô Nguyễn Thị Thu Hằng.
Ở ngôi trường Tiểu học Nông nghiệp, bên cạnh các thầy cô giáo đang ngày đêm miệt mài, tận tụy với công việc, tâm huyết với nghề không thể không kể đến cô giáo Đỗ Thị Hoàng Mai, một giáo viên luôn tràn đầy nhiệt huyết, hăng say chuyên môn, có uy tín với đồng nghiệp, được phụ huynh và học sinh tin yêu. Cô giáo Hoàng Mai là một nhân vật có thật, việc thật đã được cô Nguyễn Thị Thu Hằng “phác họa” sâu sắc trong tác phẩm dự thi của mình.
Cô Hằng bày tỏ: Bản thân tôi và cô Mai là chị em sống cùng tổ dân phố và đồng nghiệp được hơn chục năm nên tôi hiểu và nắm được rất rõ sự nhiệt tình, tâm huyết, yêu nghề, mến trẻ của cô. Tôi rất ngưỡng mộ và khâm phục tài năng và sự sáng tạo không mệt mỏi của cô Mai trong công việc. Ngoài ra, cô luôn là người dạy học truyền cảm hứng và tan tỏa sự sáng tạo của mình tới đồng nghiệp trong và ngoài nhà trường.
Học theo Bác để không ngừng đổi mới, sáng tạo
Video đang HOT
Tốt nghiệp trường Đại học Thể dục thể thao Từ Sơn – Bắc Ninh, năm 1997 cô Nguyễn Thị Thu Hằng nhận công tác tại trường THCS Bát Tràng. Từ năm 2003 đến nay, cô công tác tại Trường Tiểu học Nông nghiệp.
Viết về tấm gương nhà giáo tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác, bản thân cô Hằng cũng luôn nỗ lực đổi mới, phát huy năng lực, lòng yêu nghề để dạy học, rèn luyện học sinh đạt chất lượng, hiệu quả. Nhiều năm, cô được công nhận là Chiến sĩ thi đua cấp huyện, Giáo viên dạy giỏi cấp huyện, đạt danh hiệu “Người tốt, việc tốt” huyện Gia Lâm, là Chủ tịch công đoàn tiêu biểu…
Nhìn nhận về tầm quan trọng của sự đổi mới, sáng tạo, tâm huyết, học và làm theo lời Bác với nghề dạy học, cô Hằng cho biết: Việc đổi mới, sáng tạo với mỗi giáo viên vô cùng cần thiết; đòi hỏi người giáo viên phải thực hiện thường xuyên và liên tục. Giáo viên có tích cực đổi mới và sáng tạo trong từng tiết học thì mới có được những tiết học hay, giờ học tốt; học sinh mới tích cực, tự giác tham gia các hoạt động. Qua đó, giáo viên sẽ đạt được mục tiêu của bài học. Chất lượng dạy học ngày một nâng cao.
Cô Nguyễn Thị Thu Hằng đổi mới, sáng tạo trong các giờ dạy thể dục.
Theo cô Hằng, làm việc gì cũng vậy, nếu chúng ta tâm huyết thì sẽ đạt hiệu quả công việc cao. Người giáo viên tâm huyết trong giảng dạy thì sẽ luôn sáng tạo, đổi mới không ngừng để làm mới các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học phù hợp với nội dung chương trình, sách giáo khoa nhất là trong thời điểm chúng ta đang thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Cô Hằng bộc bạch: “Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta đã đi xa nhưng những câu chuyện, những bài học, những việc làm, những cử chỉ, hành động của Bác lúc sinh thời đã có ý nghĩa giáo dục sâu sắc cho các thế hệ người dân Việt Nam. Việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách của Bác không những giúp cho giáo viên có đạo đức tốt, lối sống giản dị, chân thật mà còn có tác phong làm việc khoa học, nghiêm túc… Đó là những phẩm chất không thể thiếu của mỗi giáo viên. Chúng ta cần tiếp tục phấn đấu, học tập và làm theo lời Bác để để gìn giữ và phát huy những truyền thống tốt đẹp của nghề giáo mà các thế hệ cha anh đã để lại”.
Là giáo viên dạy môn Giáo dục thể chất, qua nhiều năm công tác, cô Hằng luôn tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, đồng thời thường xuyên và tích cực đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp dạy học cho phù hợp với từng đối tượng học sinh.
“Mỗi giờ lên lớp, tôi thường tổ chức cho học sinh tham gia các bài khởi động hấp dẫn, các trò chơi sinh động, các động tác thể dục theo nhạc nhẹ nhàng giúp cho học sinh được thư giãn và cảm thấy yêu thích môn học”- cô Hằng chia sẻ.
“Những tấm gương được tôn vinh trong các bài viết đã giúp tôi và đồng nghiệp nhìn nhận và đánh giá lại những việc mình đã làm. Từ đó tạo động lực để chúng tôi tiếp tục rèn luyện, học tập và phấn đấu, không ngừng đổi mới sáng tạo trong giảng dạy, tâm huyết với nghề cùng với nhà trường hoàn thành nhiệm vụ năm học”- cô Nguyễn Thị Thu Hằng nhìn nhận.
Để trường học thực sự là nơi hạnh phúc
Trường học hạnh phúc là ngôi trường mơ ước mà ở đó chỉ có niềm vui thầy trò, bạn bè dành cho nhau.
Thời gian qua, nhiều nhà trường đã thay đổi để xây dựng nên những giờ học hạnh phúc, trường học hạnh phúc. Tuy nhiên để xây dựng được một ngôi trường hạnh phúc đích thực lại không hề đơn giản, đòi hỏi cái tâm thực sự của người quản lý cho đến mỗi giáo viên, nhân viên trong nhà trường.
Lan tỏa một phong trào
Cụm từ "Trường học hạnh phúc" không còn xa lạ với nhiều thầy giáo, cô giáo và học sinh. Lấy cảm hứng từ mô hình Happy School của UNESCO, mô hình Trường học hạnh phúc bắt đầu triển khai thí điểm ở nước ta vào tháng 4/2018 và nhanh chóng được nhân rộng trong nhiều nhà trường khi ngày 22/4/2019, người đứng đầu ngành Giáo dục đã phát động phong trào "Triển khai kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo vì một môi trường hạnh phúc".
Đến nay việc xây dựng "Trường học hạnh phúc" đã góp phần tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động, thu hút sự chung sức của cả thầy và trò cùng tham gia, từ đó nâng chất lượng giáo dục.
Trường học hạnh phúc là nơi thầy cô, học sinh cũng như phụ huynh đều cảm thấy hạnh phúc trong quá trình dạy và học. (Ảnh minh họa).
Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Ân (Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam), Trường học hạnh phúc là nơi thầy cô, học sinh cũng như phụ huynh đều cảm thấy hạnh phúc trong quá trình dạy và học. Đó là nơi tình yêu thương giữa các nhà giáo với nhau, giữa thầy và trò, giữa học sinh với nhau được trân trọng và bồi đắp hằng ngày.
Ngoài ra, Trường học hạnh phúc phải là nơi an toàn cho các hoạt động dạy và học của thầy trò, không tồn tại cách hành xử bạo lực, không diễn ra các hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, không có những sự việc xúc phạm danh dự, nhân phẩm, tính mạng nhà giáo và học sinh.
Trường học hạnh phúc là nơi bên cạnh việc lưu tâm truyền thụ kiến thức, kỹ năng, thái độ cho học sinh, còn chú trọng giáo dục cảm xúc cho các em. Mọi xúc cảm riêng biệt, cá tính sáng tạo của thầy và trò được tôn trọng, chứ không bị áp đặt một cách máy móc, rập khuôn theo phương cách giáo dục xưa cũ. Mục tiêu các hoạt động của nhà trường không chỉ nhằm làm cho giáo viên và học sinh cảm thấy hạnh phúc trong quá trình dạy và học, mà còn từ nơi khởi đầu đó hạnh phúc sẽ lan tỏa đến phụ huynh học sinh và toàn xã hội.
Một trường học hạnh phúc có 21 tiêu chí. Nhưng cốt lõi có 3 tiêu chí quan trọng đó là: Yêu thương, an toàn và tôn trọng. Làm tốt 3 tiêu chí này, mỗi người sẽ thấy hạnh phúc và hạnh phúc thực sự, chứ không phải sự ép buộc.
Để mỗi ngày đến trường là một ngày vui
Tại Hà Nội, ghi nhận thực tế tại các trường học trên địa bàn Thành phố thời gian qua cho thấy, tùy điều kiện và lứa tuổi học sinh, những tiêu chí trên đã được triển khai thành các nội dung cụ thể, phù hợp. Việc xây dựng "Trường học hạnh phúc" vừa trở thành nhu cầu tự thân, vừa là mục tiêu để các thành viên trong nhà trường phấn đấu.
Tại Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy, Hà Nội), từ năm 2014, nhà trường đã thực hiện chương trình Thầy cô chúng ta thay đổi. Các thầy cô đã thay đổi về cách nhìn học trò, thay đổi nhìn nhận vai trò của mình không chỉ là người dạy kiến thức mà phải là nhà tâm lí nhà giáo dục, phải trở thành người mẹ thứ hai thay mặt cho gia đình cho xã hội giáo dục từng học trò thay đổi.
Thầy cô giáo phải là người truyền cảm hứng cho học sinh. Từ thay đổi của các thầy cô giáo, tạo ra nguồn cảm hứng và tạo ra sức mạnh làm cho học trò thay đổi. Các thầy cô giáo của Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm bây giờ trở thành nhà tâm lí giáo dục, trở thành người truyền cảm hứng và gánh trách nhiệm nặng nề là giúp cho mỗi trò đều tiến bộ.
Các thầy cô giáo dạy học cũng là thực hiện nếp sống văn hóa, thực hiện cách ứng xử giữa con người với con người ở thời đại mới, quan tâm đến cảm xúc của học sinh, tôn trọng học sinh, đặc biệt là tôn trọng sự khác biệt của học sinh.
"Thầy cô thay đổi thì thầy cô được hạnh phúc, thầy cô hạnh phúc thì tạo ra học sinh hạnh phúc, cha mẹ học sinh cũng hạnh phúc, và tạo ra không khí hạnh phúc cho các gia đình. Tôi hi vọng nếu điều này lan tỏa thì xã hội cũng sẽ hạnh phúc, giáo dục thay đổi" - nhà giáo Nguyễn Văn Hoà (Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm) chia sẻ.
Cô giáo Đỗ Thị Hoàng Mai (giáo viên Trường Tiểu học Nông nghiệp, huyện Gia Lâm) đã có tròn 20 năm gắn bó với học sinh lớp 1. Với vai trò là "người đi gieo hạt ước mơ", mỗi bài giảng của cô Mai không chỉ được xây dựng bằng kiến thức, trình độ chuyên môn mà còn ấp ủ trong đó những tình cảm, sự bao dung, lòng nhiệt huyết và cái tâm của một người thầy.
Là một giáo viên năng động, có lòng say mê, nhiệt huyết với nghề, qua nhiều năm tích cực nghiên cứu, áp dụng các biện pháp, đặc biệt là sự thay đổi phương pháp dạy học, cô Mai đã có những ý tưởng sáng tạo để xây dựng lớp học hạnh phúc và đã tạo dựng được nhiều giờ dạy hạnh phúc, truyền năng lượng cho các em học sinh.
Thông qua các hoạt động, cô đã giúp các em học sinh xây dựng mục tiêu cá nhân, chia sẻ những điều muốn nói để từ đó giáo viên thấu hiểu học trò của mình, giúp các em cảm thấy "mỗi ngày đến trường là một ngày vui".
Được biết, tháng 10/2020, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cùng Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội đã có kế hoạch liên tịch yêu cầu các đơn vị, trường học tiếp tục cụ thể hóa nội dung xây dựng "Trường học hạnh phúc" cho phù hợp với mỗi trường, mỗi vùng, mỗi cấp học, bậc học và ngành học để thực hiện trong năm học 2021 - 2022 và các năm học tiếp theo.
Qua đó mỗi cán bộ quản lý, nhà giáo, người lao động có ý thức và giải pháp để thường xuyên cải tiến, rút kinh nghiệm, nâng cao chất lượng công tác, giảng dạy và giáo dục của mình; mỗi tập thể có giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ, chủ động tiếp cận chủ trương, cùng nhau thực hiện các nhiệm vụ trong quá trình triển khai đổi mới một cách hiệu quả.
Ngoài ra, các đơn vị, trường học cần triển khai phong trào xây dựng "Trường học hạnh phúc" một cách thiết thực, hiệu quả, hạn chế tính hình thức; chú ý lồng ghép với các phong trào thi đua, các cuộc vận động của Ngành, trọng tâm là cuộc vận động "Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm", "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo" và xây dựng "Nhà trường văn hóa - Nhà giáo mẫu mực - Học sinh thanh lịch"...
Có thể khẳng định, mô hình "Trường học hạnh phúc" là một thông điệp, quyết tâm lớn của ngành Giáo dục, truyền đi những tín hiệu tích cực, thể hiện nỗ lực không ngừng đổi mới để đáp ứng tốt hơn những yêu cầu, đòi hỏi mà xã hội, đất nước đang đặt ra./.
Những thầy cô không ngừng sáng tạo, truyền cảm hứng cho học sinh Thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội luôn chú trọng tạo môi trường, động lực để phát huy tinh thần sáng tạo, nhiệt huyết của các giáo viên. Từ đó đã xuất hiện nhiều tấm gương nhà giáo tâm huyết, sáng tạo. Tại ngày xét duyệt giải thưởng "Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo" lần thứ 4...