Giấc mơ Australia xa vời vì mắc kẹt trong dịch
Hàng chục nghìn sinh viên quốc tế đăng ký vào các trường đại học Australia gần 2 năm trước vẫn chưa thể nhập cảnh. Sức khỏe tinh thần của họ bị ảnh hưởng vì chờ đợi trong mỏi mòn.
Khi Sovia Gill (23 tuổi, Ấn Độ) nghe tin Australia sẽ mở cửa biên giới quốc tế từ tháng 11, cô choáng ngợp trong sự nhẹ nhõm đến mức bật khóc.
Tuy nhiên, lúc đọc hết tin tức, tâm trạng của nữ du học sinh nhanh chóng chuyển sang thất thần khi nhận ra công dân và thường trú nhân là các đối tượng được ưu tiên.
“Thật đau lòng”, Gill, theo học thạc sĩ ngành Kỹ thuật tại ĐH South Queensland, cho biết cô đã học online từ tháng 2/2020.
“Tiếp theo là điệp khúc sinh viên sẽ quay lại vào năm sau. Đó là những gì chúng tôi đã nghe trong gần 2 năm qua. Tôi đã hết hy vọng”, cô nói với SCMP.
Tòa nhà tứ giác tại ĐH Sydney, Australia. Nhiều sinh viên quốc tế hy vọng các hạn chế đi lại được nới lỏng để có thể đặt chân đến trường đại học của họ. Ảnh: AP.
Mắc kẹt
Sau khi đóng toàn bộ học phí cho trải nghiệm hạn chế ở trường đại học, Gill không mấy tin tưởng rằng cô sẽ sớm được đặt chân đến xứ sở chuột túi.
“Tôi không có Internet ổn định và các tài nguyên khác ở quê. Tôi mất vài giờ để tải một bài giảng dài hàng tiếng đồng hồ. Những ngày thi, tôi phải vào thành phố để có thể truy cập mạng. Tôi từng nghĩ tất cả chỉ là tạm thời nên tiếp tục thích ứng. Nhưng một học kỳ nữa sắp kết thúc. Tôi đang đấu tranh để vượt qua”.
Gil nói thêm: “Bạn bè nhận được thị thực muộn hơn tôi vài tháng đều đã ở Canada, Pháp, Anh và Mỹ. Tôi cảm thấy bị phản bội. Tôi nghĩ sinh viên quốc tế chỉ là một nguồn thu nhập của nền giáo dục Australia. Những gì chúng tôi nhận được hoàn toàn không khiến họ bận tâm”.
Gill là một trong số hàng chục nghìn sinh viên quốc tế theo học tại các trường đại học của Australia. Họ đang hồi hộp chờ đợi sự chấm dứt của đại dịch sau gần 2 năm mắc kẹt trong nước.
Khoảng một nửa sinh viên quốc tế tại Australia đến từ Trung Quốc và Ấn Độ. Ảnh: Reuters.
Video đang HOT
Khi Australia phong tỏa biên giới vào tháng 3/2020 để phòng dịch Covid-19, nhiều sinh viên quốc tế như Gill chọn tiếp tục học trực tuyến.
Những người khác trì hoãn việc học với hy vọng các hạn chế về đại dịch sẽ giảm bớt vào kỳ tiếp theo. Theo số liệu của chính phủ, khoảng 130.000 sinh viên quốc tế vẫn đang chờ đợi để được nhập cảnh Australia.
Theo kế hoạch nới lỏng kiểm soát biên giới cực kỳ nghiêm ngặt của Canberra, sinh viên quốc tế sẽ chỉ được phép vào quốc gia này với số lượng hạn chế trước khi kết thúc năm học. Theo kế hoạch thí điểm được phê duyệt vào tháng trước, bang New South Wales dự kiến đưa 500 sinh viên quốc tế đến đất nước này trên các chuyến bay riêng trước Giáng sinh.
Các bang Victoria và South Australia đã đệ trình kế hoạch thí điểm tương tự để được liên bang phê duyệt nhằm chào đón một số lượng nhỏ học sinh. Các tiểu bang khác bao gồm Queensland và Western Australia vẫn chưa vạch ra bất kỳ kế hoạch nào để đưa sinh viên trở lại.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục Australia Alan Tudge cho biết ông hy vọng hàng chục nghìn sinh viên có thể trở lại vào năm tới, nhưng chưa đưa ra bất kỳ thời gian biểu hoặc kế hoạch cụ thể nào cho số lượng lớn người đến.
Trong động thái giải quyết trở ngại lớn đối với sự trở lại của sinh viên Trung Quốc và Ấn Độ, Australia vào tháng này đã tuyên bố công nhận vaccine Sinovac và AstraZeneca. Hai quốc gia này chiếm khoảng một nửa tổng số sinh viên quốc tế ở Australia với hơn 250.000 người nhập học vào năm 2020-2021.
Chờ đợi trong vô vọng
Victoria Cao (đến từ Việt Nam) nhận được thị thực vào tháng 7/2020 để theo học ngành Tài chính tại ĐH Newcastle. Cô đã trì hoãn việc học của mình 4 lần và cảm thấy thất vọng khi vẫn mắc kẹt trong tình trạng lấp lửng ở quê hương.
“Chúng tôi vẫn phải trả toàn bộ học phí dù không thể học trong khuôn viên trường. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự nghiệp tương lai mà còn khiến sức khỏe tinh thần của chúng tôi giảm sút vì chờ đợi trong vô vọng”, Cao nói.
Lĩnh vực giáo dục quốc tế của Australia đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch, với doanh thu năm nay giảm xuống còn 26,7 tỷ AUD (19,6 tỷ USD) so với hơn 40 tỷ AUD năm 2019.
Gần 550.000 sinh viên quốc tế đăng ký học tại Australia trong năm 2020-2021, giảm mạnh so với 750.000 trước khi đại dịch xảy ra. Sau Trung Quốc và Ấn Độ, sinh viên đến từ Nepal, Việt Nam, Malaysia, Brazil, Colombia, Indonesia, Philippines và Hàn Quốc chiếm tỷ trọng đăng ký học cao nhất.
Nhiều sinh viên quốc tế tuyệt vọng vì mắc kẹt ở quê hương 2 năm qua. Nhiều người chọn học online, trong khi số khác trì hoãn để chờ đợi. Ảnh: Reuters.
Catriona Jackson, giám đốc điều hành của các trường đại học hàng đầu Australia, đồng cảm với hoàn cảnh của các sinh viên quốc tế bị mắc kẹt ở quê hương.
“Đó là tình huống khó khăn cho hơn 132.000 sinh viên đại học và sau đại học ở bên ngoài đất nước. Tuy nhiên, nhiều sinh viên đã bắt đầu học tập, nghiên cứu trực tuyến với ý định nhập cảnh ngay khi hạn chế đi lại cho phép. Họ đã rất kiên cường”, bà nói.
Jackson cho biết các trường đại học đang cung cấp loạt dịch vụ hỗ trợ về học phí trực tuyến, khó khăn tài chính và trợ giúp tinh thần cho học sinh, sinh viên quốc tế.
“Trước đại dịch, chúng tôi thu hút học giả từ hơn 140 quốc gia khác nhau. Sức hấp dẫn của nền giáo dục Australia vẫn mạnh mẽ hơn bao giờ hết nhờ các trường đại học chất lượng kết hợp với phong cách sống đáng trải nghiệm”, Jackson khẳng định.
Vicki Thomson, giám đốc điều hành của Nhóm 8 Đại học, quy tụ các trường đại học hàng đầu Australia, cho biết thông báo gần đây về các chương trình thí điểm và công nhận vaccine rộng rãi hơn sẽ mang lại cho sinh viên quốc tế sự chắc chắn và tin tưởng.
“Chúng tôi hiểu rõ sự thất vọng đi kèm với sự không chắc chắn. Tuy nhiên, giống như tất cả quốc gia trong khu vực, chúng tôi muốn đảm bảo sự an toàn cho tất cả sinh viên, cả quốc tế và trong nước, cùng với nhân viên trường đại học và cộng đồng rộng lớn hơn”, ông nói.
Đối với những sinh viên như Ariana Bejikin Gregory (đến từ Bangladesh), thật khó để cảm thấy lạc quan về kế hoạch của chính phủ Australia. Cô đã chờ đợi 15 tháng để được đặt chân tới khuôn viên ĐH Adelaide.
Gregory cho biết: “Tôi không tin vào bất kỳ lời hứa hay khẳng định nào. Họ không đưa ra kịch bản thực tế. Làm sao người ngoài cuộc có thể cảm thấy tích cực nếu chính phủ thậm chí không thể đảm bảo những điều tốt nhất cho chính công dân của mình!”.
“Tôi cảm thấy mình giống như con rối và họ là người điều khiển”, cô nói.
Các nước nhận du học sinh Việt Nam trở lại thế nào?
Giữa tháng 8, một số du học sinh Việt Nam của ĐH Elmhurst (Illinois, Mỹ) nhập học và là những sinh viên quốc tế đến trường này sớm nhất học kỳ mùa thu. Thời điểm này, du học sinh Việt đã trở lại nhiều nước trên thế giới.
Du học sinh VN tham dự buổi tiệc ngoài trời cùng các sinh viên quốc tế trước khi bắt đầu năm học tại ĐH Elmhurst (Mỹ) - ĐH ELMHURST
Mỹ, Canada mở rộng cửa
Cũng như ĐH Elmhurst, tất cả trường ĐH khác trên nước Mỹ đang đón chào tất cả sinh viên (SV) quốc tế để bắt đầu học kỳ mùa thu (tháng 9). Nước Mỹ đã mở rộng cửa trở lại đối với du học sinh kèm theo chiến lược tiêm vắc xin rộng khắp cho các SV quốc tế đến đây học tập.
Theo một bài viết đăng tải trên New York Times ngày 24.8, số lượng thị thực du học mà Đại sứ quán Mỹ cấp ở các nước đã trở lại gần như tương đương với năm 2019, sau khi giảm mạnh vào năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Cụ thể, theo dữ liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ, trong năm nay, Đại sứ quán Mỹ tại các nước đã phê duyệt gần 117.000 thị thực SV diện F-1 (du học sinh học toàn thời gian) vào tháng 5 và 6, tương đương 90% số thị thực du học được cấp vào năm 2019. Năm ngoái, số lượng SV quốc tế tại Mỹ theo visa F-1 và M-1 (du học sinh học nghề, nghiên cứu, phi học thuật) đã giảm 20% xuống còn 1,25 triệu người, trong khi số lượng SV mới giảm 72%.
Trả lời Báo Thanh Niên , bà Monica Damberg-Ott, quyền Trưởng phòng Văn hóa thông tin, Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM, cho biết cấp thị thực 100% cho các SV hội đủ điều kiện, và đại dịch Covid-19 cũng sẽ không thay đổi điều đó.
Nhiều du học sinh Việt Nam cũng đã sang Canada để bắt đầu học kỳ mùa thu. Từ tháng 6.2021, chính phủ Canada đã thông báo mở cửa biên giới giai đoạn 1, cho phép người nước ngoài nhập cảnh khi Canada đã hoàn tất được số lượng tiêm vắc xin cần thiết. Trong đó, du học sinh là đối tượng được phép nhập cảnh vào nước này. Du học sinh đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin Pfizer, Moderna, AstraZeneca/COVISHIELD, Janssen (Johnson & Johnson) sẽ không phải cách ly tại ký túc xá. Du học sinh chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm chưa đủ liều sẽ được đăng ký để hoàn tất tiêm chủng trước khi bắt đầu học kỳ mùa thu.
Tuy nhiên, theo Đại sứ quán Canada, chính phủ Canada quy định du học sinh chỉ được cấp thị thực nếu trường học được cấp mã DLI (cơ sở giáo dục được chỉ định). Đây là danh sách các trường đã được chính phủ cho phép được đón SV quốc tế.
Du học sinh mắc kẹt tại Việt Nam do dịch Covid-19 học trực tuyến - ĐẬU TIẾN ĐẠT
Úc mở cửa từ đầu năm 2022?
Đại sứ quán Úc tại Việt Nam vừa có thông cáo cho biết nước này đã sẵn sàng thực hiện các bước tiếp theo để mở cửa trở lại với thế giới một cách an toàn.
Với tỷ lệ đã tiêm chủng liều đầu tiên đạt hơn 78%, tỷ lệ đã tiêm 2 liều trên toàn quốc đạt 55% và đang trên đà đạt 70% ở một số khu vực trong tuần tới, chính phủ Úc đã và đang hoàn thiện các kế hoạch để các gia đình Úc có thể đoàn tụ, người lao động Úc có thể đi du lịch trong ngoài nước, và có thể hướng tới việc chào đón du khách trở lại nước này.
Cụ thể, theo thông cáo, trong vòng vài tuần tới, nhiều vùng của Úc sẽ chuyển sang giai đoạn B và sau đó là giai đoạn C trong kế hoạch quốc gia để nước này tái mở cửa một cách an toàn.
Việc tái mở cửa biên giới của chính phủ Úc cũng bắt đầu đi kèm với những chính sách đón SV quốc tế trở lại đất nước này. Mới đây, theo thông cáo từ chính quyền bang News South Wales (NSW), khoảng 500 SV quốc tế đến từ một số nước được tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin sẽ bắt đầu được trở lại bang NSW từ cuối tháng 12 năm nay theo một kế hoạch thí điểm của chính phủ bang. Các SV này do các trường ĐH lên danh sách và khi được chấp thuận, SV sẽ tự tìm mua vé máy bay. Khi đến Úc, SV buộc phải trải qua 2 tuần cách ly tại cơ sở cách ly Redfern.
Tiến Đạt, du học sinh ngành truyền thông, ĐH Daekin (Victoria, Úc), cho biết các du học sinh đều rất mong đợi ngày quay trở lại trường sau 1 năm phải học trực tuyến khá nhàm chán.
Theo Tiến Đạt, ngày 4.10 vừa qua, lãnh đạo trường có email cho toàn bộ SV quốc tế. Theo đó, nhà trường cho biết sẽ có kế hoạch mở lại các cơ sở trường theo lộ trình của chính phủ bang Victoria ở thời điểm cuối năm 2021 và 2022. Theo đó thì từ khi bắt đầu học kỳ 3 (5.11), tất cả cơ sở của ĐH Deakin sẽ mở cửa cho những SV đã được tiêm chủng đầy đủ (ở tại nước Úc). Tuy nhiên, trong thời gian còn lại của năm 2021, SV sẽ tiếp tục học trực tuyến. Từ ngày 31.1.2022, nhiều lớp học, hội thảo và các hoạt động học tập thực hành sẽ được tổ chức trực tiếp. Hoạt động trong khuôn viên trường sẽ trở lại đầy đủ nhất có thể từ đầu năm 2022 cho những người được tiêm đủ vắc xin.
"Cho đến lúc này, kế hoạch cho phép du học sinh quay trở lại học tập tại Úc vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng. Em nghĩ Úc nên có chính sách linh hoạt hơn để du học sinh quay lại học tập. Chẳng hạn yêu cầu cách ly 2 tuần khi du học sinh qua học vẫn hợp lý hơn so với việc "đóng kín" như hiện tại", Tiến Đạt chia sẻ.
Những đại học Mỹ 'vừa túi tiền' với sinh viên quốc tế Nếu học tại Minesota (Moorhead) hoặc South Dakota, du học sinh chỉ cần trả khoảng 26.000 USD mỗi năm (hơn 600 triệu đồng) cho mọi chi phí. Ảnh minh họa Nếu không có hỗ trợ tài chính, du học sinh Mỹ phải chi trả học phí, lệ phí tuyển sinh cùng tiền ăn ở, sách vở, đi lại và nhiều khoản phí khác....