Đoàn kết, chống dối trá xuyên suốt diễn văn nhậm chức của Biden
Diễn văn nhậm chức của tân Tổng thống Mỹ Biden kêu gọi đoàn kết, một chủ đề quen thuộc, nhưng đã bổ sung những ý nghĩa mới vào khái niệm này.
Từ “đoàn kết” xuất hiện không dưới 10 lần trong diễn văn nhậm chức của Tổng thống Joe Biden ngày 20/1 nên không khó để nhận ra đây là chủ đề chính ông muốn hướng tới xuyên suốt bài phát biểu.
Nhưng tại một buổi lễ nhậm chức bao quanh bởi rào chắn, xe thiết giáp và sự hiện diện dày đặc của quân đội, dưới bóng của tòa quốc hội vẫn chưa hết hoang mang vì cuộc bạo loạn hai tuần trước, Biden lần này còn truyền đi một thông điệp cứng rắn chưa từng thấy.
Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trong lễ nhậm chức ngày 20/1. Ảnh: AP.
“Những tuần và tháng gần đây đã dạy chúng ta một bài học đau lòng. Có những lời nói thật và những lời nói dối, lời nói dối vì quyền lực và lợi ích”, ông tuyên bố. “Mỗi người chúng ta phải có bổn phận và trách nhiệm bảo vệ sự thật cũng như đánh bại dối trá”.
Biden nhậm chức trong bối cảnh khủng hoảng bủa vây đất nước. Theo giới phân tích, bài diễn văn nhậm chức đã mang đến gợi ý về cách mà ông sẽ xây dựng nền tảng để thực hiện các mục tiêu chính sách đề ra: Tiếp cận những người Mỹ từng không bỏ phiếu cho ông nhưng đồng thời cũng vạch ra lằn ranh với ít nhất một số bộ phận cử tri của cựu tổng thống Donald Trump.
Biden là “người hàn gắn”, nhà sử học Sean Wilentz từ Đại học Princeton nhận xét. Khả năng thể hiện sự đồng cảm của tân Tổng thống Mỹ, được thể hiện xuyên suốt chiến dịch tranh cử và trước lễ nhậm chức, khi ông làm lễ tưởng niệm cho các nạn nhân Covid-19 hôm 19/1, đã tạo ra tương phản hoàn toàn với người tiền nhiệm, giúp đưa ông tới chiến thắng.
Nhưng mong muốn hàn gắn “có thể dẫn bạn đến con đường nguy hiểm” nếu đó là tất cả những gì một tổng thống hướng tới, Wilentz lưu ý, đặc biệt khi đối mặt “các mối đe dọa với nền dân chủ Mỹ”. Như cố tổng thống Abraham Lincoln từng nói “không thể có hòa giải thực sự nếu thiếu đi công lý và trách nhiệm”.
Bài phát biểu tại lễ nhậm chức của Biden đã thừa nhận thách thức này. Ông công khai gọi “chủ nghĩa người da trắng tối thượng” là một mối đe dọa, bên cạnh “chủ nghĩa khủng bố trong nước mà chúng ta phải đối mặt và sẽ đánh bại”.
Ông nêu bật “thực tế phũ phàng, xấu xí rằng phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa bản địa bài ngoại và nỗi sợ hãi từ lâu đã chia rẽ chúng ta”.
Biden kêu gọi hạ nhiệt các cuộc tranh cãi quốc gia, nhấn mạnh “chính trị không nhất thiết phải là ngọn lửa cuồng nộ, thiêu rụi mọi thứ trên đường đi của nó”. Đây vừa có thể là lời xoa dịu nhưng cũng có thể là thông điệp cảnh báo ông gửi tới những tiếng nói đối đầu bên lề trái của đảng Dân chủ.
Tuy nhiên cuối cùng, ông đã kết hợp cả hai thông điệp lại với lời tuyên bố “chúng ta phải khước từ thứ văn hóa ở đó các sự kiện bị thao túng hoặc thậm chí ngụy tạo”.
Theo giới chuyên gia, thông điệp “đoàn kết” rất dễ trở thành một lời nói sáo rỗng hay một cái cớ để thoái thác trách nhiệm, như cách mà một số người ủng hộ cựu tổng thống Trump dùng nó để biện minh cho cuộc bạo loạn Đồi Capitol.
Nhưng Biden đã không mắc phải sai lầm này, Dylan Loewe, người từng viết diễn văn cho tân Tổng thống Mỹ, đánh giá. Trong lập luận của ông, Biden không cho rằng người dân Mỹ nên đoàn kết với cái giá là gạt các nguyên tắc sang một bên.
Theo Loewe, câu chủ chốt trong bài phát biểu chính là lời tuyên bố rằng vào những thời điểm quan trọng của lịch sử Mỹ “chúng ta có đủ những người đoàn kết để đưa chúng ta tiến lên”.
Bài diễn văn nhằm mục đích “bổ sung một số nội dung vào định nghĩa của từ ‘đoàn kết’”, Julia Azari, nhà khoa học chính trị tại Đại học Marquette ở Milwaukee, Mỹ, bình luận. Tổng thống Biden đã dùng nó để chỉ ý thức về mục tiêu quốc gia chung và sau đó là để “mô tả những ai nằm ngoài điều đó”.
Định nghĩa “đoàn kết” theo cách này “có thể bao gồm rất nhiều người” nhưng thêm yêu cầu về “một tập hợp các giá trị được chia sẻ”.
“Nó có nghĩa rằng bạn không thể ngồi vào bàn thương lượng và sử dụng những lời nói dối. Nói dối là phản dân chủ, chủ nghĩa dân tộc da trắng là phản dân chủ”, Azari cho hay. Bài diễn văn của Biden “đã tạo ra một ranh giới xung quanh khái niệm đoàn kết” và mời người nghe suy nghĩ “ranh giới đó là gì”.
Thông điệp của Biden đã gây ấn tượng mạnh với rất nhiều người ủng hộ ông.
“Tôi cảm thấy được hàn gắn”, Deborah Driver, giáo viên trung học 67 tuổi, người tình nguyện tham gia chiến dịch tranh cử của Biden và xem buổi lễ nhậm chức từ nhà riêng ở Fort Washington, Maryland, chia sẻ. “Giọng điệu của Joe, sự chân thành của ông ấy, nó phù hợp hoàn hảo với nỗi đau và nỗi giận dữ mà rất nhiều người dân đang cảm thấy”.
“Đây là nền dân chủ của chúng ta”, Driver nói, nhấn mạnh vào từ “chúng ta”. “Tất cả mọi người phải trân trọng nó, dù bạn da màu, da trắng, da xanh hay bất kể màu gì. Chúng ta phải đoàn kết. Chúng ta phải là người Mỹ”.
Freddie Jenkins, 69 tuổi, đến từ một cộng đồng dân cư da màu ở ngoại ô Charleston, Nam Carolina, cho biết ông đã sẵn sàng chứng kiến đất nước tiến về phía trước và Jenkins tin tân Tổng thống Biden có thể giúp sức.
Ngoài những người ủng hộ mình, Biden dường như còn truyền thông điệp tới ít nhất một số đảng viên Cộng hòa bằng cách vẽ ra lằn ranh “khu biệt rõ Trump và chủ nghĩa Trump là một ngoại lệ”, Eric Schickler, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học California ở Berkeley, nhận xét.
Việc Biden có thể thông qua các chương trình nghị sự của mình tại quốc hội hay không sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc liệu các đảng viên Cộng hòa có đoàn kết chống lại ông hay không, như họ đã làm với cựu tổng thống Obama. Tuy nhiên, khác biệt mấu chốt là, Biden nhậm chức với sự chia rẽ nặng nề ở phe đối lập vì Trump. Điều này tạo ra một cơ hội tiềm tàng cho tân Tổng thống.
Khi mà Trump hy vọng vẫn có thể là một thế lực gây ảnh hưởng lớn đối với đảng Cộng hòa, bài diễn văn của Biden rõ ràng nhắm tới khoét sâu thêm chia rẽ trong nội bộ phe đối lập, bình luận viên David Lauter và Tyrone Beason từ Los Angeles Times đánh giá.
Schickler lưu ý rằng Biden không “vẽ đường chia rẽ” bằng cách nhấn vào những chi tiết chính sách cụ thể. Thay vào đó, thông điệp ông ngụ ý là “chúng ta có thể bất đồng về chính sách nhưng chia sẻ một loạt các giá trị”.
Điểm lễ nhậm chức của Biden. Video: NYTimes.
Bài diễn văn cho thấy “một nỗ lực nhẹ nhàng đưa càng nhiều Mỹ đến ý tưởng về chân lý chung càng tốt”, không phải bằng cách làm họ xấu hổ hay “buộc họ phải thừa nhận rằng họ đã sai lầm” mà “mời họ đến một tương lai, ở đó các giá trị chung được chia sẻ”, Rob Stutzman, nhà tư vấn đảng Cộng hòa đến từ Sacramento, nhận xét.
Thông điệp này cũng có thể “được đón nhật bởi rất nhiều đảng viên Cộng hòa”, Alex Conant, cựu cố vấn hàng đầu cho Thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Florida Marco Rubio, nói. “Không phải chỉ mỗi các đảng viên Dân chủ mới cảm thấy mệt mỏi vì chia rẽ”.
Liệu lời kêu gọi đoàn kết của Tổng thống Biden có thể giúp ông hàn gắn quốc gia và đưa đất nước vượt qua chia rẽ đảng phái hay không vẫn sẽ là câu hỏi bỏ ngỏ trong vài tháng tới. Tuy nhiên, bài diễn văn hôm 20/1 đã làm sáng tỏ con đường mà ông mong muốn sẽ đi, theo bình luận viên Lauter và Beason.
Đài Loan được mời dự lễ nhậm chức của Biden
Đại diện của Đài Loan tại Mỹ được mời tới dự lễ nhậm chức của Biden hôm 20/1, đánh dấu lần đầu tiên kể từ năm 1979.
Hsiao Bi-khim, người đứng đầu Văn phòng Văn hóa và Kinh tế Đài Bắc tại Mỹ, hôm 20/1 đăng Twitter video cho thấy bà dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden.
"Rất vinh dự được đại diện cho người dân và chính quyền Đài Loan tại đây, trong lễ nhậm chức của Tổng thống Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris. Dân chủ là ngôn ngữ chung của chúng ta và tự do là mục tiêu chung của chúng ta", bà Hsiao cho hay.
Hsiao Bi-khim, đặc phái viên của Đài Loan tại Mỹ, đứng trước quốc hội Mỹ, nơi diễn ra lễ nhậm chức của Tổng thống Joe Biden hôm 20/1. Ảnh: Twitter/Hsiao Bi-khim .
Cơ quan đối ngoại Đài Loan cho biết đây là lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, một phái viên Đài Loan được ban tổ chức lễ nhậm chức "chính thức mời". Đảng Dân tiến cầm quyền mô tả đây là "bước đột phá mới trong 42 năm".
Đảo Đài Loan tách khỏi Trung Quốc sau cuộc nội chiến năm 1949. Trung Quốc luôn xem hòn đảo là một phần lãnh thổ chờ thống nhất, kể cả phải sử dụng vũ lực. Bắc Kinh cản trở mọi giao thiệp chính thức của Đài Loan và nỗ lực cô lập ngoại giao đối với hòn đảo có 23 triệu người sinh sống.
Dưới thời chính quyền tổng thống Jimmy Carter năm 1979, Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan và chuyển sang công nhận Bắc Kinh cũng như chính sách "Một Trung Quốc". Tuy nhiên, Mỹ vẫn là đồng minh không chính thức quan trọng nhất của Đài Loan và là nhà cung cấp vũ khí cho hòn đảo.
Từ năm 1979, các tổng thống Mỹ thường đi theo con đường ngoại giao thận trọng đối với Đài Loan nhằm tránh chọc giận Bắc Kinh và không khuyến khích Đài Loan chính thức tuyên bố độc lập. Tuy nhiên, điều đó đã thay đổi đáng kể dưới thời tổng thống Donald Trump, người có quan hệ nồng ấm hơn với hòn đảo, trong khi theo đuổi chính sách cứng rắn với Trung Quốc.
Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã có cuộc điện đàm chưa từng có tiền lệ với Trump sau khi ông đắc cử năm 2016, động thái khiến Bắc Kinh tức giận. Trump cũng tăng cường bán vũ khí và tiếp xúc ngoại giao với Đài Loan. Một trong những hành động chính sách đối ngoại cuối cùng của chính quyền ông là dỡ bỏ các hạn chế hạn chế ngăn quan chức Mỹ và Đài Loan giao thiệp.
Chính sách của Biden với Đài Loan hiện chưa rõ ràng, song sự hiện diện của Hsiao tại lễ nhậm chức cho thấy sự tiếp nối những thay đổi chính sách của người tiền nhiệm.
Jim Risch, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện của đảng Cộng hòa, hoan nghênh lời mời Hsiao tới lễ nhậm chức. "Tôi tán dương chính quyền mới về lời mời này và khuyến khích họ xây dựng dựa trên những tiến bộ đạt được trong quan hệ Mỹ - Đài Loan để phản ánh những thách thức và thực tế địa chính trị mà chúng ta phải đối mặt", ông đăng Twitter.
Biden thay đổi bài trí Phòng Bầu dục Tân tổng thống Mỹ bài trí lại Phòng Bầu dục sau khi nhậm chức, gồm thay chân dung cố tổng thống Andrew Jackson và thêm một số tượng bán thân. Bức chân dung của Andrew Jackson, tổng thống thứ bảy của Mỹ, đã bị loại bỏ và thay thế bằng chân dung của nhà khai quốc Benjamin Franklin. Cựu tổng thống Donald Trump...