Lễ nhậm chức của ông Biden sẽ đặc biệt chưa từng thấy
Lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden giữa những lo ngại an ninh và đại dịch Covid-19 sau một cuộc bầu cử “sóng gió” hiếm thấy. Người tiền nhiệm của ông Biden sẽ không tham dự sự kiện này.
Ông Joe Biden tuyên thệ nhậm chức Phó tổng thống Mỹ năm 2013. (Ảnh: EPA)
Theo kế hoạch, lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden sẽ diễn ra vào trưa ngày 20/1 bên ngoài Điện Capitol hay trụ sở quốc hội Mỹ. Thông thường, lễ tuyên thệ nhậm chức của các tân tổng thống Mỹ là một sự kiện lớn với những nghi thức hoành tráng và thu hút sự chú ý không chỉ trong nước mà còn ở tầm quốc tế. Vào dịp này, người dân trên khắp nước Mỹ sẽ đổ về thủ đô Washington để chứng kiến và cảm nhận không khí của buổi lễ.
Tuy vậy, lễ tuyên thệ nhậm chức năm nay của Tổng thống đắc cử Joe Biden và Phó tổng thống đắc cử Kamala Harris sẽ không giống với bất cứ lễ nhậm chức nào trong lịch sử Mỹ.
Thắt chặt an ninh và phòng dịch chưa từng thấy
Giới chức Mỹ đã tăng cường an ninh cho lễ nhậm chức của ông Biden ở thủ đô Washington DC lên mức chưa từng có tiền lệ sau vụ hàng trăm người biểu tình bạo loạn ở trụ sở quốc hội hôm 6/1. Giới chức an ninh địa phương lo ngại nguy cơ các vụ tấn công, bạo loạn có thể xảy ra trước và trong thời gian ông Biden tuyên thệ nhậm chức. Tuần trước, quân đội Mỹ xác nhận có khoảng 25.000 binh sĩ Vệ binh Quốc gia được triển khai ở Washington để bảo vệ lễ nhậm chức . Khu vực Điện Capitol được bao bọc bởi hàng rào cao hơn 2m.
Washington thắt chặt an ninh trước thềm lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden. (Ảnh: Getty)
Thị trưởng Washington DC Muriel Bowser đã kêu gọi các chính quyền địa phương khuyên người dân tránh đổ về lễ nhậm chức của tân tổng thống nhằm ngăn xảy ra bạo loạn.
Công viên quốc gia đóng cửa từ ngày 15/1 đến 21/1. Các tuyến đường ở trung tâm Washington và các ga tàu điện ngầm sẽ bị đóng cửa. Airbnb cũng đang hủy tất cả các đặt phòng để ngăn người dân đổ về thủ đô.
“Rõ ràng, chúng ta đang ở tình huống chưa từng có tiền lệ”, bà Bowser nhận định tuần trước. Cùng với Washington, toàn bộ 50 tiểu bang của Mỹ cũng được đặt trong tình trạng báo động nguy cơ xảy ra bạo lực trước hoặc vào ngày nhậm chức của ông Biden.
Lễ nhậm chức vắng người tiền nhiệm
Tổng thống Donald Trump tuyên bố ông sẽ không dự lễ nhậm chức của ông Biden. Với quyết định này, ông sẽ trở thành tổng thống sắp mãn nhiệm đầu tiên trong hơn 100 năm qua không dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm. Trong lịch sử Mỹ, chỉ có 3 tổng thống không dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm là ông John Adams, John Quincy Adams and Andrew Johnson.
Thậm chí, ông Trump cho biết, ông sẽ rời Washington vào sáng ngày nhậm chức bằng chuyên cơ Không Lực Một. Một số nguồn thạo tin nói rằng, ông Trump đang tính tổ chức một buổi lễ tạm biệt hoành tráng tại căn cứ không quân Andrews trước khi bay đến khu nghỉ dưỡng của gia đình ở Palm Beach, Florida.
Tổng thống Trump sẽ rời Washington vào sáng 20/1 và không dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm. (Ảnh: Reuters)
Theo truyền thống, lẽ ra ông Trump sẽ mời ông Biden thăm Nhà Trắng một vài ngày sau cuộc bầu cử tháng 11. Vào buổi sáng ngày nhậm chức, tổng thống sắp mãn nhiệm sẽ mời tổng thống đắc cử dùng trà tại Nhà Trắng trước khi cả hai cùng di chuyển đến lễ nhậm chức. Tuy nhiên, đến nay, ông Trump không tiến hành bất cứ nghi thức nào kể trên.
Cấp phó của ông, Phó tổng thống Mike Pence đã “bù đắp” những thiếu hụt đó với việc gọi điện chúc mừng Phó tổng thống đắc cử Kamala Harris – phụ nữ da màu đầu tiên trở thành phó tổng thống Mỹ. Ông Pence cũng đồng thời cam kết sẽ có một quá trình chuyển giao quyền lực suôn sẻ cho chính quyền Biden – Harris.
Lễ nhậm chức của ông Biden sẽ không còn cuộc diễu hành với những đám đông cổ vũ lên tới hàng trăm nghìn người, cũng sẽ không có dạ hội sau lễ tuyên thệ.
Lễ nhậm chức trực tuyến
Với các biện pháp an ninh chưa từng có ở thủ đô Washington, cách của phần lớn người Mỹ để xem lễ nhậm chức của ông Biden là theo dõi qua truyền hình và các phương tiện thông tin đại chúng khác. Các hãng truyền thông lớn của Mỹ dự kiến sẽ phát truyền hình trực tiếp về sự kiện này. Chiến dịch của ông Biden và Ủy ban nhậm chức tổng thống cũng dự kiến sẽ livestream sự kiện.
Lễ nhậm chức của ông Biden sẽ diễn ra vào ngày 20/1 ở phía tây Điện Capitol. Chủ đề của buổi lễ là “America United” (tạm dịch: Đoàn kết nước Mỹ), đây là một trong những thông điệp xuyên suốt trong chiến dịch tranh cử của ông Biden.
Tại buổi lễ, ông Biden dự kiến sẽ có bài diễn văn về tầm nhìn chiến dịch đối phó đại dịch Covid-19, các chính sách nhằm giúp hàn gắn nước Mỹ, xây dựng lại một nước Mỹ tốt đẹp hơn.
"Đại dương" rắc rối ông Biden phải đương đầu sau thời ông Trump
Trên tất cả các mặt, thế giới hiện tại là một nơi nguy hiểm hơn nhiều so với 4 năm trước, khi ông Trump vừa nhậm chức Tổng thống, CNN bình luận.
Chính quyền mới của ông Biden phải đối mặt với vô vàn thách thức sau lễ nhậm chức ngày 20.1 năm sau (ảnh: AP)
Chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên ngày càng phát triển. Bất chấp những lá thư qua lại và "mối quan hệ cá nhân tốt đẹp" với ông Kim Jong Un mà ông Trump nói, vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng đang là vấn đề khiến Mỹ và Hàn Quốc đặc biệt lo ngại.
Việc ông Trump vội vàng quyết định rút quân khỏi Afghanistan và Iraq sẽ khiến ông Biden "đau đầu" ở Trung Đông.
Tiếp theo là dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh ở Mỹ và còn vô vàn những rắc rối khác. Tất cả dồn lên đôi vai của người đàn ông vừa bước sang tuổi 78.
Trong bối cảnh quốc tế được giới chuyên gia nhận xét là "đáng sợ" này, không có gì ngạc nhiên khi ông Biden chọn cho mình một nội các dày dạn kinh nghiệm. Ông Biden không muốn gì hơn lúc này là lập tại trật tự, nơi Mỹ luôn đi đầu trong quan hệ quốc tế.
Ông Biden sắp chọn Bộ trưởng Quốc phòng cho chính quyền của mình. Nhiều người cho rằng vị trí này sẽ dành cho Michele Flournoy hoặc Jeh Johnson - hai quan chức từng làm việc ở Lầu Năm Góc dưới thời ông Obama.
Điều may mắn đối với ông Biden là ông được các đồng minh thân cận hết sức ủng hộ, đặc biệt là các nước thuộc khối NATO.
Ngoài ra, có một vài mục tiêu khá đơn giản mà ông Biden sẽ làm ngay sau khi nhậm chức Tổng thống. Đầu tiên là tái gia nhập Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, tiếp theo, ông Biden sẽ đảo ngược quyết định rời Tổ chức Y tế (WHO) của chính quyền ông Trump.
Trung Quốc là một trong những "bài toán" khó giải nhất đối với ông Biden (ảnh: Asia Times)
Một trong những vấn đề khiến ông Biden "đau đầu" nhất đó là quyết định giảm số lượng binh sĩ Mỹ tại Afghanistan từ 4.500 xuống còn 2.500 vào giữa tháng 1 năm sau.
Không tổng thống nào muốn sau khi rút quân lại phải tái gửi quân đến Trung Đông. Ông Trump muốn rút quân ở cả Iraq và ông Biden hiểu rõ điều gì sẽ xảy ra nếu quân đội Mỹ làm vậy.
Năm 2011, chính quyền Obama rút toàn bộ quân đội Mỹ ra khỏi Iraq. Ba năm sau, Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS kiểm soát phần lớn Iraq và ông Obama phải gửi hàng nghìn binh sĩ trở lại chiến trường.
Ông Biden cũng sẽ cân nhắc việc tái tham gia thỏa thuận hạt nhân với Iran. Theo các chuyên gia, Iran chưa khiến Mỹ lo ngại bằng tầm ảnh hưởng lan rộng của Trung Quốc lúc này.
Việc kiềm chế sức mạnh đang trỗi dậy của Trung Quốc, bảo vệ tốt các đồng minh châu Á, ngăn cản Bắc Kinh biến Biển Đông, Biển Hoa Đông thành "ao làng" nhưng vẫn giữ được quan hệ kinh tế, thương mại ổn định là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn đối với chính quyền của ông Biden.
Tuy nhiên, nhiều chính trị gia Lưỡng viện Mỹ đang đặt nhiều niềm tin vào kinh nghiệm và bản lĩnh ngoại giao của ông Biden.
Cuối cùng, ông Biden và nội các phải xử lý dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh ở Mỹ và toàn cầu.
Sẽ mất thêm nhiều tháng để vắc xin Covid-19 chính thức được sử dụng ở Mỹ. Từ giờ đến thời điểm đó, ông Biden phải tìm mọi cách ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh, song song với khôi phục nền kinh tế đang rơi vào trì trệ.
Thách thức đáng ngại nhất chờ đợi ông Biden sau lễ nhậm chức? Loạt thách thức từ kiểm soát dịch COVID-19, vực dậy nền kinh tế, hàn gắn nước Mỹ... đang là những vấn đề mang tính cấp thiết, cần chính quyền Biden giải quyết. Nước Mỹ đang đối mặt với rất nhiều vấn đề, được cho là đang ở thời điểm chia rẽ sâu sắc nhất trong lịch sử. Trọng trách đặt ra đối với...