Điện thoại thông minh chắc gì giúp học tập hiệu quả?
Điện thoại di động vào lớp học, không còn là chuyện hiếm gặp. Thế nhưng, ủng hộ việc học sinh dùng điện thoại di động cũng có không ít điều đáng băn khoăn.
Điện thoại di động đang chi phối cuộc sống con người.
Bộ Giáo Dục – Đào tạo vừa ban hành Thông tư 32 dành cho các trường THCS và THPT, trong đó có quy định cho phép học sinh được sử dụng điện thoại di động trong lớp học, đã gây ra sự tranh luận xôn xao trên các diễn đàn.
Không thể phủ nhận, điện thoại di động là một công cụ mang lại tiện ích cho con người trong cuộc sống hiện đại. Điện thoại di động đã làm thay đổi thế giới. Nhất là khi điện thoại di động được nâng cấp lên kỹ nghệ điện thoại thông minh, thì nhiều người đã thấy địa cầu được kết nối với nhau gần gũi như một cái làng.
Tuy nhiên, công khai cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động trong lớp học, thì môi trường giáo dục phải đứng trước không ít hệ lụy khó lường.
Phó Giáo sư- Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoài Phương, Trưởng bộ môn Luật – Luật Kinh tế, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, nhận định: “Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT hoàn toàn không cấm việc học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học, nhưng giao quyền cho phép hay không cho phép sử dụng dành cho giáo viên. Bộ Giáo Dục – Đào Tạo giao quyền cho chính người giáo viên đứng lớp quyết định.
Trên thế giới, việc sử dụng điện thoại trong giờ học cũng có những quy định khác nhau. Chẳng hạn, như ở Nhật Bản cho phép học sinh mang điện thoại đến trường đề phòng thảm họa thiên nhiên, để tiện liên hệ. Ở Việt Nam, không phải gia đình nào cũng có điều kiện để trang bị cho con em mình một chiếc điện thoại thông minh để sử dụng trong giờ học.
Trong 18 nước chúng tôi khảo sát chỉ có hai nước là cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học là Trung Quốc và Mỹ, tuy nhiên mới đây một số bang ở Mỹ và một số tỉnh ở Trung Quốc cũng cấm cho học sinh sử dụng”.
Điện thoại di động len lỏi vào mọi hang cùng ngõ hẻm, thì người lớn cũng không thể ngăn cản trẻ em sử dụng. Cái điện thoại di động được dùng để dỗ ngọt trẻ con rất hiệu quả. Mỗi khi cầm đến điện thoại di động, thì trẻ con không còn khóc quấy hay phá phách nữa.
Và lớn hơn một chút, độ tuổi học trò cũng không thoát được cám dỗ của điện thoại di động. Thậm chí, các em độ tuổi vị thành niên còn có khả năng khám phá nhiều tính năng của điện thoại di động hơn cả các bậc phụ huynh.
Video đang HOT
Cái gì cũng có hai mặt tốt -xấu đan xen, điện thoại di động cũng vậy. Những nhà tâm lý trên thế giới đã không ngừng cảnh báo tác hại mà điện thoại di động gây ra cho lứa tuổi học trò. Cha mẹ không tiếc tiền để mua sắm điện thoại di động cho con cái, nhưng vẫn lo ngay ngáy.
Bởi lẽ, các chuyên gia cảnh báo, hầu hết trẻ vị thành niên giữ điện thoại trong tầm tay với khi ngủ để thuận tiện trả lời các tin nhắn và cuộc gọi.
Sẽ rất có hại. Trẻ vị thành niên cần một giấc ngủ sâu, đủ dài, không ngắt quãng. Việc duy trì khả năng tiếp cận với điện thoại bất kỳ lúc nào khiến cho trẻ cảm thấy áp lực. Điều này gây nhiễu giấc ngủ, dẫn đến việc phục hồi chức năng các cơ quan trong cơ thể bị gián đoạn, trẻ vị thành niên vừa giảm sút sức khỏe, trí lực, vừa trở nên dễ cáu kỉnh khi hơn.
Sử dụng nhắn tin như một phương thức giao tiếp chủ yếu có thể gia tăng lo lắng cho trẻ vị thành niên. Với việc sử dụng điện thoại thông minh, tuổi mới lớn ngày nay cũng dành thời gian cho việc giao lưu qua mạng xã hội hơn là gặp gỡ trực tiếp.
Bên cạnh đó, cuộc sống “một kết nối” khiến trẻ ít tiếp xúc với các thành viên trong gia đình, và làm gia tăng cảm giác cô đơn, đồng thời cũng làm giảm sự tự tin, tăng sự lệ thuộc vào cha mẹ do trẻ không phát triển được các kỹ năng sống cần thiết.
Trước đây, điện thoại di động bị nhiều trường học cấm tuyệt đối, cũng gây không ít khó khăn cho phụ huynh. Bởi lẽ, giờ tan học bao người xe chen lấn, nếu không gọi được điện thoại cho con thì việc đón đưa rất phức tạp.
Bây giờ, Bộ Giáo Dục – Đào Tạo ủng hộ học sinh sử dụng điện thoại di động trong lớp lại tạo ra một quan ngại khác. Bởi lẽ, ở nhà thì phụ huynh giám sát con cái dùng điện thoại di động có giờ giấc và có chọn lọc, nhưng ở trường lại cho dùng điện thoại di động thoải mái thì không biết sẽ ra sao.
Với tư cách Trưởng phòng Giáo dục chính trị sinh viên học sinh của Sở GD-ĐT TP.HCM, ông Trịnh Duy Trọng cho biết: “Ngành giáo dục TP.HCM không cấm việc sử dụng điện thoại hay các trang thiết bị phục vụ trong giờ học. Chúng tôi giao quyền sử dụng các thiết bị này cho mỗi nhà trường và các thầy cô giáo. Thông tư 32 là một hướng mở và theo kịp xu hướng hiện nay. Chúng ta cần phải hiểu rõ Thông tư 32 là sử dụng điện thoại trong giờ học phải được sự cho phép của giáo viên”.
Ngược lại, Phó Hiệu trưởng trường THPT Hùng Vương- TPHCM là ông Lê Quang Huy lại băn khoăn: “Chúng ta cần làm rõ vấn đề: thời gian các em học sinh dùng điện thoại để tra cứu tài liệu phục vụ học tập có phải chiếm đa số không hay chỉ chiếm một khoảng thời gian rất ngắn, còn phần lớn thời gian là các em sử dụng điện thoại vào các mục đích khác.
Quan điểm của chúng tôi là đồng tình cho học sinh dùng điện thoại trong học tập nhưng các em phải chiến thắng chính mình, làm chủ được bản thân, không bị lôi cuốn vào game, vào Facebook…”.
Những chuyên gia tâm lý e ngại điện thoại di động ảnh hưởng xấu đến học sinh.
Phụ huynh có tán đồng quan điểm với Thông tư 32 của Bộ Giáo Dục – Đào Tạo không? Mỗi người một ý khác nhau, nhưng ông Nguyễn Đình Độ – Hiệu trưởng trường THPT Thành Nhân, TPHCM kể một ví dụ đáng suy ngẫm: “Mùa tuyển sinh đầu cấp vừa rồi, có phụ huynh trước khi quyết định cho con em nhập học ở trường chúng tôi đã đặt câu hỏi: “Thầy có cho học sinh sử dụng điện thoại trong trường không?”, tôi trả lời là trường tôi không cho học sinh sử dụng điện thoại tự do trong trường. Không ngờ, vị phụ huynh ấy thốt lên: “Thế thì tốt quá, quý quá”.
Học sinh THPT dùng điện thoại di động để tìm kiếm tài liệu học tập, lý do ấy có thể tạm chấp nhận. Còn học sinh THCS thì còn quá ít tuổi để không bị lôi kéo vào những chương trình giải trí hấp dẫn trên điện thoại di động.
Khi học sinh chỉ chăm chú vào điện thoại di động, thì bài giảng của giáo viên không khác gió thổi mây bay. Đã cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động trong lớp học, thì biện pháp kiểm soát là một thách thức.
Ông Phạm Tất Thắng- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội) chia sẻ: “Theo tôi, đây là thay đổi cần thiết và phù hợp với cách học tập hiện nay, khi ngành giáo dục có xu hướng tận dụng những lợi ích của công nghệ.
Thông tư không hướng dẫn cụ thể mà hàm ý giao nhiệm vụ quản lý cho giáo viên. Điều này có thể làm khó giáo viên vì ở đô thị lớn hầu hết các lớp học có 40 đến 60 học sinh, trong giới hạn tiết học 45 phút/tiết, giáo viên phải làm rất nhiều thao tác. Giờ lại giao cho họ thêm nhiệm vụ hướng dẫn học sinh dùng điện thoại di động để học tập thì hơi khó.
Lưu ý thông tư này là giải pháp mang tính khuyến khích đổi mới phương thức dạy học, áp dụng công nghệ vào học tập chứ không phải yêu cầu mang tính bắt buộc. Nhà trường và phụ huynh cần quan tâm hơn đến cách thức quản lý để chặn các web xấu độc, hướng các con dùng điện thoại để học tập thay vì sa đà vào các trò giải trí. Tôi thấy đây là xu hướng khó tránh khỏi vì việc học ngày nay đang tích hợp rất mạnh mẽ với công nghệ. Cái chúng ta cần quan tâm là quản lý và sử dụng thế nào thôi”.
Cho học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ học, có lẽ khó phân tích rạch ròi đúng – sai. Tuy nhiên, một cuộc khảo sát gần đây cho thấy có tới 59% học sinh nam và 64% học sinh nữ đã từng bị bắt nạt qua mạng.
Đáng lo ngại là nhiều trẻ vị thành niên không lường được tác hại và hậu quả của bắt nạt trên mạng. Có đến 25% trẻ vị thành niên cho rằng sẽ không bị phát hiện hay bắt quả tang khi thực hiện bắt nạt, chửi bới trên mạng internet.
Sử dụng điện thoại trong giờ học cần ý thức tự giác của học sinh
Đó là ý kiến của nhiều đại biểu đưa ra tại buổi tọa đàm "Học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học - Nên hay không?" do báo Tiền Phong phối hợp với Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (HIU), Trường THPT Hùng Vương (TPHCM) tổ chức ngày 25/9.
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh T.D
Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, từ trước đến nay các quy định của ngành không cấm học sinh sử dụng điện thoại di động nói riêng và các thiết bị công nghệ nói chung trong giờ học mà giao quyền và trách nhiệm cho mỗi giáo viên, nhà trường trong việc quản lý sử dụng. Trước khi Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT về diều lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông ra đời, nhiều trường THCS và THPT trên địa bàn TPHCM đã cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ học theo sự cho phép và định hướng của giáo viên.
PGS. TS Trần Mạnh Hà, Phó hiệu trưởng trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng cho rằng, ứng dụng Công nghệ thông tin vào các lĩnh vực trong đời sống, giáo dục là không thể ngăn cản. Việc sử dụng điện thoại trong giờ học nên được xem là thiết bị hỗ trợ học tập cho học sinh.
Cô Lê Thị Phượng, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn An Ninh (quận 10) bày tỏ, học online hiện nay đang là xu thế học tập mới trên thế giới. Hình thức học tập này đòi hỏi khả năng tự thân của học sinh và các biện pháp quản lý của giáo viên. Trong đó, kiến thức sách giáo khoa chỉ đáp ứng vừa đủ nhu cầu học tập của học sinh, khi cần mở rộng và chuyên sâu kiến thức học sinh cần các nguồn tài liệu học tập trên mạng. Vì vậy, tận dụng tiện ích của các thiết bị công nghệ là cần thiết và phù hợp tình hình thực tế hiện nay.
Đồng quan điểm, thầy Lê Quang Huy, Phó hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương (quận 5) cho rằng, trong thời đại kỹ thuật số, sử dụng thiết bị thông minh là nhu cầu tất yếu không thể phủ nhận. Vấn đề ở chỗ giáo viên cần giúp học sinh kiểm soát được thời gian sử dụng, làm chủ thiết bị chứ không phải bị thiết bị làm chủ, lôi kéo vào các mục tiêu không phù hợp.
Theo đại diện các trường trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong, Nguyễn An Ninh, có một số tiết học tại các trường như tiết Anh văn ở trường Nguyễn An Ninh thì cho học sinh dùng điện thoại di động, hoặc như tại trường chuyên Lê Hồng Phong, một số tiết học cho học sinh dùng điện thoại mà các em cũng không có nhu cầu dùng, chỉ ghi nhận những chỗ nào không hiểu rồi về tra lại sau.
Ở góc độ học sinh, em Tống Ngọc Thảo My, học sinh lớp 12A10, Trường THPT Nguyễn An Ninh (quận 10) cho rằng, thời gian học trên trường không đủ nên cần học thêm online, rèn luyện kỹ năng tiếng Anh và trao đổi, thảo luận với bạn bè. Thỉnh thoảng em có kết hợp giải trí, chơi game, nghe nhạc và tán gẫu với bạn bè nhưng phần lớn thời gian vẫn tập trung vào việc học.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến bày tỏ quan ngại về việc cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học. Ông Trương Tiến Sĩ, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn du học ASEP cho biết: "Tôi có cơ hội tiếp cận với nhiều em học sinh bị nghiện điện thoại di động. Những em này thường không tập trung khi tham gia các hoạt động nhóm. Ở các trường đại học, những sinh viên bị buộc thôi học thì phần lớn là do nghiện game. Trên thế giới, phần lớn các nước tiên tiến đều cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học. Bởi cái lợi thì chưa biết được bao nhiêu nhưng cái hại thì rất lớn. Đến trường thì phải tương tác với bạn bè, giao tiếp với thầy cô".
Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Nguyễn Đình Độ- Hiệu trưởng trường THPT Thành Nhân cho biết, nước ngoài bây giờ cũng đang thiên về xu hướng nên cấm việc sử dụng điện thoại di động trong lớp học. Điển hình như Anh, Úc, Pháp... đã cấm học sinh sử dụng điện thoại di động từ tháng 8/2019. Mặt được là tăng cường kỹ năng làm việc nhóm, quản lý thời gian... Nhưng cái không được là học sinh bị phân tán tư tưởng, bị bắt nạt, xảy ra gian lận trong thi cử, làm hạn chế năng lực tiếp xúc với thế giới xung quanh.
Mặt khác, theo PGS. TS Lương Thị Ngọc Ánh, Trưởng bộ môn Giáo dục thể chất, trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, con người không chỉ chăm lo sức khỏe về thể chất mà còn có sức khỏe tinh thần và sức khỏe xã hội. Khi Thông tư 32 ra đời, xã hội bắt đầu "sôi", tất cả thầy cô, cha mẹ đều lo lắng. Thực tế cho thấy, khi sử dụng điện thoại di động quá nhiều, sẽ bị ảnh hưởng rất lớn về sức khỏe tinh thần, thể chất, mất đi sức khỏe xã hội và làm cho con người dễ vô cảm. Học sinh cũng không ngoại lệ.
Do đó, để sử dụng điện thoại di động một cách hiệu quả nhất, theo các chuyên gia, quan trọng nhất là tính tự giác của học sinh, sau đó mới tới sự quản lý của giáo viên.
Ông Lê Thắng Lợi, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam, Bộ GD-ĐT cho biết, Thông tư 32 tạo cơ sở pháp lý giúp nhà trường, giáo viên sử dụng điện thoại để tra cứu thông tin phục vụ việc giảng dạy. Còn việc sử dụng như thế nào, tùy vào các trường. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã có phát ngôn chính thức về vấn đề này, bởi nó liên quan đến thế hệ tương lai của đất nước. Trước khi đưa ra quyết định này, Bộ GD-ĐT đã tham vấn các nhà chuyên môn, chuyên gia... rất kỹ.
Theo chuyên gia giáo dục toàn cầu Tô Thị Diễm Quyên, hiện nay trên mạng có rất nhiều app quản lý điện thoại (cài đặt sẵn thời gian sử dụng, nếu quá thời gian đó điện thoại sẽ tự tắt để nhắc nhở người sử dụng) và hầu hết phần mềm đều miễn phí. Một cách làm khác, giáo viên có thể quy định học sinh tập trung tất cả điện thoại di động vào đầu giờ, khi cần sử dụng mới phát lại cho các em để tránh việc bị lạm dụng. Ngoài ra, nên có một khóa tập huấn để giáo viên nâng cao kỹ năng quản lý học sinh sử dụng điện thoại di động.
Sử dụng điện thoại trong lớp để phục vụ học tập: Phù hợp với xu hướng dạy - học mới Ngày 25/9, tại Trường THPT Hùng Vương (Quận 5, TP.HCM) đã diễn ra buổi tọa đàm "Học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học - Nên hay Không?". Học sinh tại TP.HCM sử dụng điện thoại trong giờ kiểm tra giữa kỳ năm học 2019-2020. Ảnh minh họa Chương trình do Báo Tiền Phong phối hợp với Trường ĐH Quốc tế...