Đi tìm chiều cao mơ ước – Kỳ 2: Hai lần kéo chân cao thêm 13cm
Đối với những người từng trải nghiệm việc kéo chân và ngay cả với bác sĩ chuyên khoa chỉnh hình, trường hợp Lê Xuân Giao (TP.HCM) là một thách thức.
Lê Xuân Giao hiện đã có thể tập thể hình trở lại với mức đẩy tạ gần 200 kg – Ảnh: LÊ VÂN
“Đơn giản vì tôi muốn vượt qua chính mình”
Lê Xuân Giao, 40 tuổi, giảng viên khoa tiếng Đức tại một trường ĐH ở TP.HCM. Cuối tháng 11-2019, anh vừa trải qua ca kéo chân thứ 2, thêm 6cm. Trước đó, năm 2010, anh đã kéo chân thêm 7cm. Như vậy, hiện Giao cao thêm 13cm, với chiều cao 1,76m, sau hai lần phẫu thuật kéo dài chân.
“Tôi chia sẻ chuyện của mình không phải vì muốn nổi tiếng hay cổ xúy kéo dài chân. Trải nghiệm bản thân, tôi mong những ai tìm hiểu việc này có thêm kiến thức để thực sự hiểu việc mình muốn làm. Tuy nhiên, kéo chân là một việc không dành cho tất cả mọi người.
Lê Xuân Giao
Theo tìm hiểu, tại hai bệnh viện chuyên khoa chỉnh hình lớn nhất Việt Nam, Giao là người kéo chân chỉnh hình dài nhất mà các bác sĩ chuyên khoa từng thực hiện. Ở Hà Nội, có một ca đang kéo chân dài nhất mà bác sĩ Lê Văn Đoàn, viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình (BV Trung ương quân đội 108), thực hiện cũng chỉ kéo dài 10cm.
Một câu hỏi luôn xoáy sâu với tôi khi thực hiện loạt bài này là: Động lực nào khiến một người lành lặn lại muốn cưa xương để kéo dài chân? Câu trả lời khác nhau qua mỗi nhân vật mà tôi tiếp xúc. Nhưng với Giao, tôi nhận được câu trả lời ngắn gọn: “Đơn giản vì tôi muốn vượt qua chính mình”.
Trước đó, Giao là học sinh Trường chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM. Anh luôn trong top 3 học giỏi nhất lớp. “Nhưng chiều cao lại luôn trong nhóm thấp nhất” – Giao hóm hỉnh nhớ lại.
Bước vào đại học, Giao học cùng lúc Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM và ngành ngôn ngữ Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Từ 2004 – 2008, Giao nhận học bổng du học ngành tiếng Đức. “Đi du học, tôi luôn cảm thấy tự ti vì trong đám du học sinh châu Âu, thậm chí châu Á, mình luôn thấp bé hơn họ. Vì vậy, tôi bắt đầu nghĩ làm sao để mình cao hơn?” – Giao kể.
“Lúc này, tôi đọc trên mạng thấy ở Hà Nội có một bạn nữ đã kéo dài chân tới 9cm và còn năn nỉ xin bác sĩ kéo thành 10cm. Nữ còn chịu đau được thì tại sao mình không làm được?” – Giao nhớ lại.
Năm 2010, Giao bắt đầu tìm hiểu bệnh viện có thể thực hiện chỉnh hình kéo chân, trước khi trở lại Đức lấy bằng tiến sĩ. Lần đầu đi kéo chân, Giao giấu gia đình. Gom góp đủ tài chính, anh lẳng lặng vào bệnh viện phẫu thuật. “Khi tôi về nhà còn bò lăn bò lết, mẹ tôi thấy vậy khóc luôn” – Giao kể.
“Tôi đã tìm hiểu rất kỹ trước khi quyết định kéo chân. Vì vậy, mọi sinh hoạt trong thời gian trị liệu phục hồi chức năng tôi đều tự làm. Mọi thứ với tôi suôn sẻ chứ không hề có khó khăn gì vượt giới hạn. Hồi đó, tôi nhớ là sau khi tháo khung khoảng cuối tháng 6-2010, đến tháng 8 – 9 cùng năm tôi đã tung tăng đi lại. Tháng 10-2010, tôi vác balô nặng 30kg để đi du học Đức 4 năm với chiều cao 1,7m” – Giao nhớ lại.
Việc kéo chân lần thứ hai hoàn toàn ngoài dự định. Sau khi học xong tiến sĩ và trở về TP.HCM giảng dạy ở một trường ĐH, Giao chưa từng nghĩ mình sẽ lại đi… kéo chân.
Anh Giao đã hài lòng với vóc dáng của mình sau hai lần tìm chiều cao thêm 13cm – Ảnh: LÊ VÂN
Video đang HOT
Kéo chân không dành cho tất cả mọi người
“Sau 10 năm kéo chân, tôi đi kiểm tra để tháo cây đinh nội tủy. Nhưng trong một lần đi đẩy tạ, tôi nghĩ tại sao mình không thử thách bản thân thêm một lần nữa, vì việc tăng chiều cao đối với tôi không chỉ để làm đẹp. Tôi cảm thấy điều này đã làm thay đổi tôi hơn trước rất nhiều. Trước đây, ít khi tôi tập thể hình hay chạy bộ. Nhưng bây giờ, với tôi, ưu tiên số 1 là công việc, số hai là chơi thể thao” – Giao hóm hỉnh kể lại quyết định đi kéo chân lần thứ hai vào tháng 11-2019.
“Có thể với người ngoài cuộc, họ sẽ nghĩ tôi bị điên hay quá… cuồng việc cao thấp. Nhưng riêng tôi, đó là một trải nghiệm mà tôi muốn làm trước tuổi 40, để vượt qua chính mình một lần nữa” – Giao nói.
Nhưng rào cản lớn nhất của anh là khi lại tìm tới bác sĩ Khôi lần nữa. “Đó là thách thức với cả hai bên nên tôi hoàn toàn không đồng ý với đề nghị của Giao” – bác sĩ Trần Chí Khôi nhớ lại.
Để thuyết phục bác sĩ Khôi, Giao phải gặp bác sĩ nhiều lần, chứng minh sức khỏe mình hoàn toàn tốt hơn cả khi chưa kéo chân. “Tôi đưa hết các đoạn phim tôi tập thể hình, đẩy tạ với đòn tạ từ 200 – 300kg sau 10 năm kéo chân. Tôi hoàn toàn tự tin để làm tiếp lần nữa”, Giao nói.
Cuối năm 2019, trong dịp nghỉ phép, Giao đã quyết định. Thay vì sẽ tháo đinh nội tủy sau lần kéo chân thứ nhất, anh tiếp tục cưa xương, lắp khung kéo dài chân thêm 6cm.
Nhưng sau lần phẫu thuật thứ hai này, Giao gặp một chút bất ổn. Do xương kéo dài mà các khối cơ, gân không dài kịp, hai bên chân Giao bị quặp vào bên trong suốt 3 tháng đầu. Mỗi ngày với Giao trong thời gian trị liệu, anh đều phải cố hết sức bẻ bàn chân thẳng ra, từng chút một.
“Tôi đã biết trước những biến chứng này nên chỉ tập trung luyện tập. Cũng may khi vừa trở lại trường đi dạy thì chân tôi đã hồi phục 95%” – Giao kể.
Là người từng kéo chân thành công nhiều ca nhưng bác sĩ Khôi luôn yêu cầu bệnh nhân phải cân nhắc. “Có một cô gái từng đến bệnh viện tôi kéo chân. Cô ấy quyết tâm làm sau khi được tư vấn kỹ. Tuy nhiên, sau khi mổ đặt khung kéo được ba ngày thì cô ấy đến… nằng nặc đòi tháo ra vì đau quá chịu không nổi. Nhưng lúc này thì bác sĩ cũng bó tay” – bác sĩ Khôi nhớ lại.
Trở lại cuộc sống hiện tại, tôi bất ngờ vì thực sự khó nhận ra Giao từng kéo chân khi anh nhanh nhẹn đi lại. “Nhiều người nói kéo dài quá sẽ mất tỉ lệ so với cơ thể, nhưng người châu Âu luôn có tỉ lệ chân so với thân người cao hơn người châu Á. Do đó, việc cao lên thì chân dài ra so với phần trên cơ thể với tôi là bình thường.
Bản thân tôi trải nghiệm và cảm thấy tự hào, chất lượng cuộc sống của tôi cũng khác hoàn toàn từ sự thay đổi bên trong. Trước đây tôi ít tập thể thao, nhưng từ ngày tôi kéo chân sau lần thứ nhất tới nay, tôi trở thành một gymer thứ thiệt” – Giao vui vẻ chia sẻ.
Bác sĩ đã làm điều ấy như thế nào?
Theo bác sĩ Trần Chí Khôi, khoa chi dưới (BV Chấn thương chỉnh hình TP.HCM), các bước trong quy trình kéo chân sẽ diễn ra như sau: Buoc 1, phau thuat vien se cat xuong (xuong chay va xuong mac cang chan hoac xuong đui) can keo dai. Buoc 2: đong đinh noi tủy đe giu xuong thang truc nhu chua gay; đinh noi tuy con co tac dung giup cho benh nhan tap đi som sau khi bo khung co đinh ngoai. Đong thoi, phau thuat vien đat mot khung co đinh ngoai co tro cu đieu chinh đuoc đo dai đe keo gian xuong theo chieu dai mong muon.
Trung binh moi ngay se keo đuoc khoang 1mm. Buoc 3: Khi đa đu chieu dai can keo, benh nhan se đuoc thao khung co đinh ngoai va tap vat ly tri lieu phuc hoi trong thoi gian cho can xuong moc. Buoc 4: Sau mot thoi gian (thuong la khoang 4-5 nam hoac lau hon tùy nguoi), xuong đa cat se đuoc tai tao lai nhu binh thuong. Bac si se theo doi chat luong xuong tai tao va mat đo tai tao cua xuong đe rut đinh noi tủy.
Benh nhan can đuoc tap vat ly tri lieu ngay sau mo đe han che toi đa hien tuong teo co cung khop. Sau 1 nam, benh nhan hoan toan hoi phuc va co the sinh hoat, choi the thao binh thuong.
**************
“Cúc vẹo” – cô gái 21 tuổi có đôi chân bị lệch đến 9cm đi tìm điều thần kỳ như thế nào?
Kỳ tới: Điều thần kỳ cho đôi chân lệch 9cm
Đi tìm chiều cao mơ ước - Kỳ 1: Quyết tâm chịu đau kéo chân cao thêm 5cm
Trước đây, một số người Việt phải qua Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan để kéo dài chân, tăng chiều cao. Gần đây, nhiều trường hợp đã phẫu thuật kéo dài chân thành công ngay ở Việt Nam, biến những giấc mơ "chân dài" thành hiện thực.
Phương Anh tập đi lại không cần khung - Ảnh: LÊ VÂN
Còn các bác sĩ đều nhiều lần khuyên cần cân nhắc thật kỹ.
35 tuổi, cô gái có biệt danh Phương Anh "mini", "bé lùn" vẫn quyết tâm đi kéo dài chân dù được cảnh báo đang ở độ tuổi dễ bị lão hóa xương, khó lành xương. Thách thức đầu tiên Phương Anh phải vượt qua khi đi kéo chân là... thuyết phục bác sĩ mổ cho mình.
Bác sĩ từ chối ba lần
Từ tháng 9 này, Phương Anh (quận 5, TP.HCM) mới bắt đầu trở lại cuộc sống bình thường mới của chính mình, nhưng không phải vì dịch COVID-19. Cởi mở chia sẻ câu chuyện đi kéo dài chân nhưng Phương Anh vui vẻ kể: "Thực ra khi mình đi làm chân như vậy gia đình phản đối dữ lắm. Hai tháng vừa qua với mình là hành trình đầy những đau đớn mà chỉ có mình và người thân mới thấu hiểu. Chuyện đã rồi, không ai trách móc gì mình".
Chiều muộn, trong phòng ngủ chừng 20 mét vuông, Phương Anh ráng đi lại quanh phòng như trong suốt gần một tháng qua cô vẫn tập đều đặn mỗi ngày. Cô mới tháo khung được vài tuần và đang tiếp tục trị liệu sau ca phẫu thuật kéo dài chân đáng nhớ trong đời. Hai chân Phương Anh sau gần 3 tháng không hoạt động nhiều đã có dấu hiệu teo nhỏ. Nếu bây giờ cô không tiếp tục tập luyện thì quá trình trị liệu phục hồi sẽ vô cùng khó khăn.
10 năm trước, Phương Anh luôn bị ám ảnh bởi mong muốn được tăng chiều cao bằng cách kéo dài chân. "Hồi năm 2010, mình lọ mọ lên mạng xem người ta làm cách nào kéo chân vì nghe thôi đã thấy sợ rồi. Lúc lên tìm hiểu thì càng sợ hơn vì thấy bảo phải cưa chân, có khi bị què luôn. Thế là bỏ ý định. Rồi sau này lấy chồng, đẻ hai đứa con một lúc, phải lo chăm con nên cũng quên mất. Thi thoảng chỉ lên xem cho vui..." - Phương Anh kể lại.
Nhưng khát khao mạnh mẽ của Phương Anh "mini" lúc đó dường như chỉ tạm ngủ quên. Cô luôn bị ám ảnh bởi chiều cao 1,45m của mình. Trong gia đình Phương Anh có ba chị em thì cô thấp nhất. Cũng vì chiều cao bẩm sinh, Phương Anh chọn đi học làm nail rồi mở tiệm tại nhà. "Mình nghĩ với chiều cao của mình đi xin việc cũng khó. Với lại khi thử đi xin việc vài chỗ, tuy người ta không đến nỗi đánh giá gì nhưng cứ thấy họ nhìn mình hơi lâu một chút là thấy rụt rè hẳn" - Phương Anh nhớ lại.
"Mình vẫn theo dõi và cập nhật quá trình kéo chân mới nhất trên mạng. Trước đây, người ta nói sau khi kéo chân phải nằm một chỗ từ 9 tháng đến 1 năm mình thấy sợ. Còn bây giờ chỉ vài tuần sau mổ là đi lại được nên ước mơ năm xưa lại trỗi dậy. Vậy là mình tìm hiểu và tìm đến một bác sĩ ở Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM xin được kéo chân" - Phương Anh kể.
"Mình nhớ như in câu đầu tiên bác sĩ nói khi mình đến xin kéo chân: Thôi về đi, đừng kéo chân chỉ vì muốn mặc quần áo đẹp!" - Phương Anh nhớ lại. Mãi tới lần thứ 4, sau ba lần bác sĩ từ chối, Phương Anh vẫn quyết tâm mới được bác sĩ nhận lời mổ.
"Mình nói với bác sĩ là em không chỉ mê làm đẹp đâu, đó là tâm nguyện suốt đời em từ bé tới giờ. Dù đau đến mấy em vẫn làm được" - Phương Anh chia sẻ.
Những người đang trong thời gian kéo chân tại một bệnh viện - Ảnh: NVCC
Đừng kéo chân chỉ vì muốn mặc quần áo đẹp. Bạn chỉ thực sự đẹp khi cảm thấy hài lòng với bản thân mình, chứ không phải vì cái chân dài hay ngắn.
Bác sĩ Trần Chí Khôi (khoa chi dưới Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM)
Như bị liệt nửa người!
Trước đó, Phương Anh đã tính ra Hà Nội làm, nhưng sau tìm hiểu ở TP.HCM cũng có bác sĩ làm nên cô đã tìm đến Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM để tham vấn.
Vượt qua "tường lửa" là những lời giải thích về cuộc đại phẫu thuật cẳng chân hoặc đùi để kéo dài chân từ bác sĩ, Phương Anh vẫn quyết định thực hiện cuộc mổ. Rồi cuối tháng 6 vừa qua, Phương Anh cùng người giúp việc đến bệnh viện để kéo chân.
"Dù đã thuyết phục chồng là bác sĩ ấy giỏi, chưa từng có ca nào biến chứng, nhưng tôi vẫn sợ ông xã phân vân khi ký vào giấy cam kết trước mổ. Nên tôi cùng người giúp việc vào viện, chỉ đến lúc mổ xong tôi mới cho chồng vào" - Phương Anh kể lại.
Chồng Phương Anh khi chứng kiến vợ sau mổ, hết thuốc tê đã thực sự bị suy sụp. "Tôi không nghĩ là làm đẹp lại đau đến thế. Nhìn vợ đau đến toát mồ hôi và sốt liên tục, tôi vừa giận vừa lo" - chồng Phương Anh nhớ lại.
"Nhưng đó mới chỉ là đoạn đầu của cơn ác mộng mà tôi đã trải qua", Phương Anh tiếp lời. Sau cuộc mổ đầu tiên, cô cảm giác như bị liệt nửa người. Liên tục trong vài tuần đầu tiên, cô hầu như mất ngủ với những nỗi lo mới.
"Tôi không sợ những biến chứng vì nghĩ bác sĩ rất lành nghề và có nhiều người làm thành công rồi. Nhưng những nỗi lo khác ập đến. Bàn chân sau mổ bị căng cứng, không cử động được. Tôi hầu như phải nằm, ngồi với cùng một tư thế. Các bài tập trị liệu phục hồi thì hầu như không thực hiện được vì tôi quá đau. Mọi sinh hoạt đều phải do hai người chăm sóc, con cái thì gửi cho cha mẹ, không dám gặp con vì sợ tụi nhỏ lo" - Phương Anh nhớ lại.
Lúc này, chồng Phương Anh vừa giận vừa lo lắng nhưng ở bên động viên và giúp cô vượt qua các bài tập trị liệu phục hồi. Đầu tiên chỉ là co duỗi đầu gối, cổ chân, bàn chân... Sau đó là tập đứng với khung, nạng.
"Những bước đi đầu tiên khi cổ chân còn bị cứng đau thấu trời. Mới tháo khung hai tuần đầu, chân mình teo quá như sắp gãy làm mình không dám đứng hay cử động nhiều. Bác sĩ nói cố gắng cho cổ chân đè xuống mặt đất. Còn lúc mới mổ xong bị cứng cổ chân bác sĩ trị liệu phải tới bẻ lại, đau la thấu trời luôn. Khoảng hai tháng sau tháo khung thì bàn chân mới chạm đất được. Đến nay hai tháng mười ngày rồi mới đi được. Có anh kia làm trước mình một tháng mà đến giờ còn chưa đi được" - Phương Anh kể.
"Khi mang khung cố định thì ăn miếng cơm cũng không ngon, ngồi không được, đứng không xong. Nằm lâu thì sợ teo chân, teo mông. Tư thế ngủ không đêm nào thẳng giấc được 2-3 tiếng. Cơn đau làm mình tỉnh giấc. Có khi mệt quá, cái đầu mình muốn ngủ rồi mà cơ thể mình không ngủ được vì quá đau. Lúc đó mình co duỗi chân cũng không được. Muốn vô nhà vệ sinh phải có người khiêng, người khúc trên, người khúc dưới. Ra cũng phải có người rinh. Cảm giác như mình bị liệt nửa người dưới. Ai đó từng nói kéo chân đau lắm. Mình trải qua rồi" - Phương Anh thổ lộ.
"Sau ca mổ, lúc thuốc tê tủy sống hết tác dụng thì cảm giác đau đến trước, nhưng bệnh nhân vẫn bị mất vận động hai chân, thêm nữa do khung cố định ngoài nặng nề làm bệnh nhân không nhấc được đôi chân" - bác sĩ Trần Chí Khôi, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, người đã thực hiện kéo chân ở TP.HCM nhiều năm, lý giải.
"Bây giờ có hối hận không? Nói thiệt thì không hẳn vì mình đã trải qua đau đớn rồi, không lẽ tháo ra, nối ngắn chân lại? Còn nếu chưa làm mà thấm cảnh ấy thì mình sẽ không làm. Bây giờ bác sĩ nói cho kéo giùm luôn mình cũng không kéo nữa" - Phương Anh nói.
Hiện Phương Anh đã hoàn thành cuộc mổ kéo dài chân, cao thêm 5cm. Hai chân cô có khoảng 30 cái sẹo khi lắp khung cố định để kéo xương. Giờ đây, ngay cả việc dự tính ban đầu là mổ xong sẽ đi xóa sẹo Phương Anh cũng chưa dám nghĩ tới. "Nghe dao kéo là thốn tới tim rồi, thôi kệ, từ từ tính..." - Phương Anh chia sẻ.
* Tên nhân vật đã được đổi theo yêu cầu.
Ngay cả với bác sĩ chuyên khoa chỉnh hình, trường hợp của Lê Xuân Giao (TP.HCM) là một thách thức.
Kỳ tới: Hai lần kéo chân dài thêm 13cm
Những phương pháp tăng chiều cao hiệu quả, an toàn Nghiên cứu khoa học, chiều cao không chỉ bị ảnh hưởng bởi yếu tố di truyền mà chế độ dinh dưỡng khoa học, chơi thể thao hợp lý sẽ còn là phương pháp tăng chiều cao hiệu quả. Câu nói "nhất dáng, nhì da, thứ 3 là tóc" là tiêu chuẩn đánh giá cái đẹp từ thời ông cha ta. Đến nay câu...