Đến từng thôn, bản vận động học sinh trở lại trường
Nhiều thầy, cô giáo dạy học ở miền núi tỉnh Quảng Trị cho hay, thường niên, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán là họ phải lặn lội đi vận động học sinh ra lớp.
Do nhiều học sinh sau kỳ nghỉ Tết đã ở nhà hẳn để phụ giúp cha mẹ những công việc trên nương rẫy, một số trường hợp cá biệt còn ở nhà để lập gia đình…
Trò chuyện với chúng tôi, thầy giáo Bùi Công Thành, Trường TH&THCS xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông nói rằng, các thầy, cô giáo tranh thủ lúc nghỉ Tết, vào mùng 4 và 5, đã đến các bản làng vận động học sinh ra lớp.
Bởi lẽ nếu không làm thế thì sẽ có rất ít học sinh trở lại trường lớp đúng thời gian quy định, có nhiều em nghỉ kéo dài tới 1 tuần đến nửa tháng sau mới đi học trở lại, thậm chí có không ít em bỏ hẳn việc học nếu như thầy, cô giáo không chịu khó đến tận nhà và kiên trì vận động.
So với các xã khác trên địa bàn, Hướng Hiệp tương đối gần với đồng bằng, đường sá đi lại cũng có phần thuận lợi hơn. Tuy nhiên, xã có khoảng 10 thôn, thì cũng có những thôn rất xa, như Khe Hiên, Kreng, Pa Loang… nhà cửa thưa thớt, chủ yếu nằm ven các sườn núi, đường sá đi lại vẫn còn nhiều khó khăn.
Từ sáng sớm ngày mùng 4 Tết, thầy Thành đã cùng với các đồng nghiệp của mình lội suối băng rừng đến những thôn này để thăm Tết học trò, gia đình của các em và vận động các em trở lại trường theo đúng thời gian đã quy định.
Thầy Thành và đồng nghiệp lặn lội đến các bản làng vận động học sinh trở lại lớp sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Thầy Thành kể lại, tròn 9 năm trước, ngay sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế ngành Giáo dục Tiểu học, thầy đã xung phong về dạy điểm trường lẻ A Sau thuộc Trường Tiểu học A Vao. Đây là điểm xa nhất của xã, ở khu vực biên giới Việt – Lào cách trường chính 22 cây số, việc đi lại phải lội suối băng rừng.
Video đang HOT
“Xác định những nơi như thế này sẽ vô cùng khó khăn, song trong thực tế còn diễn ra ngoài sức tưởng tượng của em. Ngày đó bản làng rất nhiều không: không điện thắp sáng, không nước sạch, không đường đi và tất nhiên là không sóng điện thoại”, thầy Thành nhớ lại. “Sau khi đã quen với khó khăn ở đây 1 năm, em tiếp tục tình nguyện, lần lượt nhận nhiệm vụ ở các điểm trường lẻ khác, như điểm trường Pa Lin, Tân Đi cùng ở xã A Vao”.
Thầy Thành kể tiếp: “Những nơi này vẫn là những lối mòn nhỏ hẹp, hết sức trơn trượt vào mùa mưa việc đi lại cũng chỉ bằng cách duy nhất là đi bộ. Sau giờ lên lớp, cả thầy và trò đều vất vả lo cái ăn, từ việc mò con cá, con ốc dưới suối đến việc vào rừng hái bông chuối và măng rừng. Đã vậy, ở đó hằng ngày vào tầm 4h chiều là mây mù đã giăng kín khắp nơi. Nhiều lúc đứng cách nhau chỉ chừng 10 mét, nhưng không thể thấy mặt nhau”.
Sau 6 năm bám trụ, hy sinh, cống hiến tuổi xuân cho học trò nghèo ở các điểm trường lẻ nơi rẻo cao A Vao, do hoàn cảnh gia đình neo người, bố mẹ thường xuyên ốm đau không có ai chăm sóc tuổi già, nên lãnh đạo Phòng GD-ĐT huyện Đakrông đã chủ động điều chuyển công tác thầy Thành về dạy học ở Trường Tiểu học Hướng Hiệp.
Dẫu vậy, đoạn đường từ đây đến quê nhà ở Gio Linh vẫn còn khá xa. Trong ánh nắng ấm nhuốm vàng của ngày đầu năm, chúng tôi khẽ hỏi thầy Thành, rằng có khi nào thầy cảm thấy chồn chân trên những miền đất khó như thế này không?!
Thầy cười hiền, trả lời: “Không! Bởi nếu thế tôi đã về quê để làm việc khác. Bao năm qua tôi đã gắn bó với học trò nghèo ở những nơi này, tình cảm của các em và đồng bào dân bản đã trở thành máu thịt trong tôi, không thể chia rời được!”.
Nói về tình trạng học sinh nghỉ học dài ngày và có tình trạng bỏ học sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, thầy giáo Phạm Công Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, cũng chia sẻ rằng, tình trạng này khá phổ biến trong những năm qua. Riêng trên địa bàn Hướng Hóa còn có nguyên nhân đặc thù khác, là thời điểm sau Tết trúng vào mùa thu hoạch cây đót.
Các em vào rừng mỗi ngày có thể hái được từ 30 – 40kg đót tươi. Với giá bán 4.000 đồng/kg, mỗi em cũng kiếm được hơn 100 nghìn đồng/ngày, đây là số tiền không hề nhỏ đối với mỗi gia đình ở miền núi.
Do đó, nhiều em thường rủ nhau tạm thời nghỉ học để kiếm tiền giúp cha mẹ, nhưng sau đó thì nghỉ hẳn và khó vận động các em trở lại học được. Năm nay, ngay từ mùng 3 Tết Nguyên đán, nhà trường đã chủ động tổ chức các thầy, cô giáo vào đến tận từng bản làng để vận động các em trở lại trường theo đúng thời gian đã quy định.
Nhiều năm đứng lớp, làm công tác chủ nhiệm hay hiệu trưởng nhà trường như thầy Thành, thầy Hiền và rất nhiều thầy, cô giáo khác, họ đều đã đạt được nhiều danh hiệu cao quý trong ngành Giáo dục. Song, với họ, tinh thần trách nhiệm với nghề và trái tim thương yêu học trò mới là chìa khóa vạn năng để đưa các em đến được tương lai tươi đẹp!
Người gieo chữ trên đỉnh Trường Sơn
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, người con gái Vân Kiều Nguyễn Thị Yến sớm ấp ủ hoài bão lớn lên sẽ làm cô giáo dạy chữ cho con em dân tộc mình.
Với suy nghĩ đó, khi học hết bậc phổ thông, Yến quyết tâm theo học tại Trường Đại học Sư phạm Huế. Năm 2015, Yến tốt nghiệp ra trường rồi về giảng dạy tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú và Tiểu học xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Ước mơ của người con gái Vân Kiều đã sớm trở thành hiện thực.
Cô giáo Yến cùng học trò thư giãn sau giờ học. Ảnh: Đức Trí
Mỗi khi nghĩ lại câu chuyện hơn 5 năm gieo chữ cho đồng bào dân tộc Vân Kiều ở xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, trong lòng cô giáo Nguyễn Thị Yến lại trào dâng những cảm xúc khó tả... Chia sẻ với chúng tôi, Yến nói: "Ngày mình trở về đây dạy học cho các em nhỏ Vân Kiều, gia đình ai cũng vui mừng và hạnh phúc, mình cũng rất vui vì đã quyết định đến với trẻ em đồng bào nơi đây trong những ngày gian khó nhất".
Sau những trận lũ lịch sử hơn một tháng qua xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Bình thì bản Sắt, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh được xem là địa bàn ngập sâu và sạt lở nặng nề nhất. Nhưng nhờ có BĐBP và chính quyền địa phương tổ chức di dời toàn bộ 34 hộ dân, trong đó có điểm trường do cô Yến phụ trách, giờ đây, lớp học tại bản Sắt chỉ mới được dựng nhà tạm để cho các em lên lớp trong những ngày mưa bão.
Con đường đến điểm trường tại bản Sắt những ngày này vẫn còn đọng hàng tấc bùn bởi sự tàn phá của bão lũ. Cô Yến phải dậy thật sớm, mất nhiều giờ đi bộ quãng đường dài 8km, qua nhiều ghềnh thác, hiểm trở mới đến địa điểm dạy học. Ngày Yến lên đây, bà con dân bản Sắt còn nhiều bỡ ngỡ, những lúc như vậy, Yến vừa là người đứng lớp, vừa là người phiên dịch, học trò vừa là người học chữ, vừa là người dịch chữ.
Đồng bào Vân Kiều ở đây sống biệt lập trong vùng trũng heo hút giữa đại ngàn Trường Sơn, cách xa trung tâm xã hàng chục km đường rừng, trình độ dân trí thấp, nên để đem cái chữ đến với trẻ em nghèo quả là điều không đơn giản.
Mỗi lần cùng BĐBP đến nhà vận động con em đi học là họ lại nói: "Ở nhà rồi vào rừng hái bắp chuối, bắt con hươu, con nai còn có cái mà ăn, chứ đi học chữ thì lấy cái chi mà ăn?". Những lần như vậy, Yến phải kiên trì cùng cán bộ Biên phòng cắm bản phân tích, giải thích để họ hiểu được sự quan trọng của việc học cái chữ, cho đến khi cái đầu người Vân Kiều gật gù ra vẻ hiểu rồi thì cô mới đứng dậy ra về.
Trung tá Trần Văn Sành, cán bộ Đồn Biên phòng Làng Mô, BĐBP Quảng Bình được phân công cắm chốt tại bản Sắt tâm sự: "Với đồng bào nơi đây thì chúng tôi phải phối hợp tuyên truyền bằng nhiều hình thức và không phải một ngày, hai ngày là được mà phải kiên trì từ ngày này sang ngày khác và cuối cùng chúng tôi cũng thành công".
Lớp học ở bản Sắt có 15 học sinh độ tuổi từ 6 đến 8 tuổi. Những buổi dạy học trên lớp, thấy em nào học còn yếu, chưa thông thạo cái chữ thì tối đến cô giáo Yến lại tình nguyện ở lại, đến nhà luyện thêm cho các em. "Học ở nhà không có bảng, cô trò phải trải chiếu ngồi tạm ở nền nhà để học. Dưới ánh đèn thắp sáng từ ngọn đèn dầu, nghe thấy tiếng học sinh đọc chữ lòng tôi dâng lên niềm hạnh phúc nghẹn ngào, nó xóa tan mọi mệt mỏi, nhọc nhằn trong tôi" - Cô giáo Yến tâm sự.
Những thiếu thốn, khổ cực về vật chất, cô Yến đều có thể chịu đựng được, nhưng mỗi lần đứng lớp, nhìn thấy các em học sinh lấm lem bùn đất, người thâm tím vì lạnh giá làm Yến không cam lòng. Những lúc như vậy, cô chỉ biết đốt một đống lửa thật to để sưởi ấm những đôi chân tím tái vì lạnh, xua đi cơn lạnh giá khi gió mùa đông bắc thổi thốc từng hồi.
Cứ như vậy, ròng rã hàng tháng qua, cùng ăn, cùng ở, cùng gieo mầm chữ cho những học sinh ở bản Sắt mùa mưa lũ, đã có lúc, cô giáo Yến cũng thấy chạnh lòng vì hoàn cảnh gia đình mình quá khó khăn. Yến lấy chồng và đã có hai con trai, cháu bé đang học mẫu giáo, chồng Yến cũng là người Vân Kiều và là giáo viên dạy học ngay tại xã Trường Sơn.
Cô giáo Yến dạy học cho các em nhỏ ở bản Sắt, xã Trường Sơn. Ảnh: Đức Trí
Khi cơn bão 13 đổ bộ, gia đình Yến phải mượn 1 phòng của nhà trường để ở tạm ít ngày, chờ cơn bão đi qua. Dù cuộc sống còn vất vả, khó khăn, nhưng Yến luôn tự nghĩ, tình yêu mình dành cho các em học sinh nơi đây quá đỗi lớn lao, nó luôn giữ chặt trái tim cô với lũ học trò lấm lem nơi mảnh đất này, đến mức không thể rời xa.
Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Từ Thị Hà, Hiệu trưởng Trường Dân tộc bán trú và Tiểu học xã Trường Sơn cho biết: "Cô giáo Yến là giáo viên trẻ nhưng rất năng động và tâm huyết với nghề, sẵn sàng nhận nhiệm vụ đến các bản làng xa xôi, gian khó để dạy học. Sau trận lũ lịch sử vừa qua, chính cô Yến là một trong những người đầu tiên kêu gọi các nhà hảo tâm cứu trợ khó khăn cho người dân bản Sắt". Còn ông Hồ Song, ở bản Sắt, xã Trường Sơn không giấu được xúc động nói: "Cô Yến rất tốt bụng, lại tận tình dạy dỗ học sinh không kể ngày đêm nên bà con dân bản thương cô Yến lắm".
Nhìn lại các thế hệ học sinh của đồng bào Vân Kiều ngày càng trưởng thành, nhiều học sinh đạt thành tích cao trong học tập, là học sinh giỏi, trong lòng cô giáo Yến lại dâng lên niềm hạnh phúc vô bờ. Cô bảo, đó chính là món quà quý giá nhất cho những năm tháng đáng nhớ trong cuộc đời dạy học của mình nơi vùng cao biên giới.
Giáo viên vùng cao Nghệ An quấn xích vào lốp trở lại trường sau Tết Đến ngày dạy học sau lễ nghỉ Tết Nguyên đán, những giáo viên vùng cao lại phải vượt đường vào cắm bản để tiếp tục sự nghiệp gieo chữ. Con đường trơn trượt đầy bùn đất đã buộc họ phải quấn xích vào lốp xe mới có thể vào tới điểm trường. Sáng nay (17/2), theo lịch của Sở Giáo dục và Đào...