Đề xuất ngân sách của ông Trump “xa rời thực tế”
Kịch bản đóng cửa chính phủ Mỹ có nguy cơ lặp lại khi Tổng thống Donald Trump hôm 11-3 đề xuất 8,6 tỉ USD cho kế hoạch xây dựng bức tường biên giới với Mexico, cao hơn nhiều so với mức quốc hội cung cấp cho các dự án biên giới của ông chủ Nhà Trắng trong 2 năm qua.
Ngoài ra, đề xuất ngân sách cao kỷ lục 4.750 tỉ USD cho năm tài chính 2020 còn kêu gọi tăng gần 5% chi tiêu quân sự (cao hơn mức đề nghị của Lầu Năm Góc) nhưng lại cắt giảm mạnh các chương trình trong nước, như giáo dục, bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi và người nghèo. Đáng chú ý, ngân sách đề xuất cho Bộ Ngoại giao bị giảm 23% và một quan chức cấp cao nói với Reuters rằng Washington sẽ cắt giảm 13 tỉ USD tiền viện trợ dành cho nước ngoài.
Đề xuất ngân sách của Tổng thống Donald Trump được công bố tại Washington hôm 11-3. Ảnh: REUTERS
Theo tờ The New York Times (Mỹ), dự thảo ngân sách trên khó có thể tác động nhiều đến mức chi tiêu thực tế vốn do quốc hội kiểm soát, nhất là khi nó vấp phải sự phản đối phe Dân chủ đang kiểm soát hạ viện. Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, lãnh đạo phe Dân chủ tại thượng viện, gọi đề xuất ngân sách trên là “cú đấm vào mặt tầng lớp trung lưu Mỹ” nhưng cho rằng những biện pháp cắt giảm được gợi ý trong đó không gây nhiều bất ngờ. Trong khi đó, theo hãng tin Reuters, Chủ tịch Ủy ban Phân bổ ngân sách Hạ viện Nita Lowey cho rằng Tổng thống Trump đưa ra một yêu cầu ngân sách thậm chí còn xa rời thực tế hơn cả 2 đề xuất trước đó. Ngay cả khi khó qua ải quốc hội, đề xuất ngân sách trên vẫn được xem là tuyên bố về những ưu tiên trong chiến dịch tái tranh cử của ông Trump vào năm 2020 nhằm thu hút sự ủng hộ của cử tri.
Để vận động sự ủng hộ cho đề xuất ngân sách trên, quyền giám đốc Văn phòng quản lý và ngân sách Nhà Trắng nhấn mạnh kế hoạch có nhiều biện pháp cắt giảm chi tiêu hơn bất kỳ chính quyền nào trong lịch sử. Đáp lại, Ủy ban Ngân sách liên bang trách nhiệm – một tổ chức phi lợi nhuận về chính sách công tại Washington – nhận định đề xuất này sẽ làm nợ công đất nước tăng thêm 10.500 tỉ USD trong vòng 1 thập kỷ.
Video đang HOT
Theo Nguoilaodong
Mỹ tăng cường kiếm tiền từ đồng minh
Chính quyền ông Donald Trump muốn sử dụng chuyện chi phí như một đòn bẩy để yêu cầu các đồng minh làm những gì Washington đòi hỏi ở nước ngoài
Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump không ít lần phàn nàn những quốc gia có binh sĩ Mỹ đồn trú không trả đủ tiền cho chuyện này. Giờ đây, ông chủ Nhà Trắng muốn có sự "công bằng" và thậm chí muốn kiếm thêm tiền từ việc hỗ trợ đồng minh.
Trang tin Bloomberg hôm 8-3 dẫn một số nguồn tin cho biết chính quyền ông Trump đang yêu cầu bất kỳ quốc gia nào có lực lượng Mỹ trú đóng phải trả toàn bộ chi phí cho sứ mệnh này. Ngoài ra, Washington còn đòi hỏi thêm ít nhất 50% khoản tiền này cho "đặc quyền" được có lính Mỹ ở đó.
Ông David Ochmanek, nhà nghiên cứu tại Tổ chức Rand Corp (Mỹ), cho biết Đức hiện chi trả 28% chi phí cho lính Mỹ đóng ở đây, tương đương 1 tỉ USD/năm. Số tiền này sẽ tăng vọt nếu được tính theo công thức "chi phí cộng 50%" này, tương tự như khoản chi của Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tổng thống Mỹ đã theo đuổi ý tưởng trên từ nhiều tháng nay, khiến quá trình thương thảo với Seoul về tình trạng 28.000 lính Mỹ tại Hàn Quốc suýt sụp đổ. Sau nhiều vòng đàm phán cam go, 2 đồng minh này hôm 8-3 ký thỏa thuận chính thức, theo đó Hàn Quốc đồng ý tăng khoản tiền phải trả cho sự đồn trú của lực lượng Mỹ lên thêm 8,2% - tức từ 960 tỉ won năm 2018 lên 1,04 ngàn tỉ won (920 triệu USD) năm nay.
Ông Victor Cha, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ), nhận định rằng ngay cả khi mong muốn áp dụng công thức "chi phí cộng 50%" với Hàn Quốc không thành, chính quyền ông Trump đã phát đi thông điệp đến các đồng minh khác.
Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kang Kyung-wha (phải) và Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Harry Harris hôm 8-3 ký thỏa thuận về việc Seoul tăng đóng góp tài chính cho sự triển khai binh sĩ Mỹ tại nước này Ảnh: Reuters
Cụ thể, Washington xem đây là cách thức thúc ép những nước thành viên khác của NATO nhanh chóng tăng cường chi tiêu quốc phòng - một vấn đề bị ông Trump sử dụng để công kích các đồng minh này kể từ khi vào Nhà Trắng. Dù cho rằng sức ép của mình đã khiến các nước này tăng hàng tỉ USD cho ngân sách quốc phòng, ông Trump vẫn phàn nàn về tốc độ gia tăng "chậm chạp" hiện nay.
Giới chức Mỹ thận trọng cho biết động thái trên chỉ là một trong số những ý tưởng đang được xem xét để thúc ép đồng minh chi tiêu thêm. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ không khỏi lo ngại chúng có thể khiến các đồng minh của Washington phật lòng giữa lúc có sự hoài nghi về cam kết của ông Trump đối với họ.
Một nỗi lo khác là một số quốc gia sẽ gia tăng tranh luận về việc có muốn lính Mỹ đóng ở nước mình hay không. Không ít người dân tại Đức và Nhật Bản không thích sự hiện diện quân sự của Mỹ và làn sóng phản đối sẽ mạnh thêm nếu Mỹ đưa ra một tối hậu thư về tiền bạc như thế.
Đại sứ Mỹ tại Liên minh châu Âu, ông Gordon Sondland, biện hộ rằng đòi hỏi chi trả thêm là để các nước có điều kiện tham gia chia sẻ gánh nặng tài chính nhiều hơn. Không dừng lại ở đó, theo lời một số quan chức Mỹ, chính quyền ông Trump muốn sử dụng chuyện chi phí như một đòn bẩy để yêu cầu các đồng minh làm những gì Washington đòi hỏi ở nước ngoài.
Để phục vụ mục đích này, các quan chức Lầu Năm Góc được yêu cầu lập ra 2 công thức. Một công thức sẽ tính xem các đồng minh nên trả bao nhiêu tiền. Công thức thứ hai sẽ xác định xem có thể giảm giá bao nhiêu nếu các đồng minh lựa chọn chính sách hợp ý Washington. Ngoài ra, Mỹ còn đang cân nhắc có nên yêu cầu các nước trang trải những phần mà trước đây họ không chi trả, như lương cho binh sĩ, chi phí cho các chuyến thăm cảng của tàu sân bay hoặc tàu ngầm...
Đáp lại, những người chỉ trích cho rằng chuyện tiền bạc khiến người ta hiểu sai về những lợi ích mà việc triển khai quân đội ở nước ngoài mang lại cho Mỹ. Ông Douglas Lute, cựu Đại sứ Mỹ tại NATO, nhấn mạnh Washington duy trì căn cứ ở nước ngoài vì chúng phục vụ lợi ích của nước này. Chẳng hạn như Mỹ dựa vào trung tâm y tế khu vực Landstuhl ở Đức để điều trị lính Mỹ bị thương ở Iraq và các điểm nóng khác.
Hoàng Phương
Theo Nguoilaodong
Ông Trump dọa chặn một số hãng truyền thông tổ chức tranh luận bầu cử Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 4/3 đe dọa sẽ ngăn chặn một số hãng truyền thông "đưa tin giả" tổ chức các cuộc tranh luận cho các ứng cử viên đảng Cộng hòa trong cuộc tổng tuyển cử. Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: atlfmonline.com) Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 4/3 đe dọa sẽ ngăn chặn một số hãng truyền thông...