Dạy và học online: Trực tuyến nên khác với trực tiếp
Cho đến thời điểm này, khi dịch COVID-19 đã ào đến lần thứ 4, khốc liệt và dai dẳng, thì dạy học trực tuyến không còn là chuyện mới mẻ nữa, thậm chí đã trở thành một trạng thái “bình thường mới”.
Nhưng, ngay cả khi đã là điều hiển nhiên, đã được chuẩn bị trước tâm thế, thì việc triển khai dạy học trực tuyến vẫn tồn tại và phát sinh nhiều khó khăn, bất cập. Thực tế này dấy lên nỗi băn khoăn rằng liệu việc dạy học trực tuyến đã thực sự đúng hướng hay chưa?
Một học sinh – hai lớp học, hai bộ sách
Vì dịch bệnh COVID-19 kéo dài nên gia đình chị Nguyễn Thị Minh ở quận Cầu Giấy mấy tháng nay ở cảnh “bốn người ba nơi”. Anh chị ở lại Hà Nội làm việc, cô con gái lớn 6 tuổi Trần Phương Thảo gửi về nhà ông bà ngoại ở Hà Nam, cô con gái nhỏ 2 tuổi ở quê nội Thái Bình. Mọi chuyện chỉ thực sự phức tạp khi cô con gái lớn vào học lớp 1.
Khó khăn lắm chị Minh mới gửi được máy tính về quê cho con học trực tuyến, nhưng lo hơn là ông bà ngoại lại không biết về máy tính và các thao tác học online. Lo cho cháu, ông bà cuống quýt nhờ một người họ hàng đến chỉ dẫn. Sau mấy ngày toát mồ hôi, bé Thảo cũng được học trực tuyến theo chương trình của Trường Tiểu học Láng Thượng (quận Đống Đa, Hà Nội) vào các buổi tối trong tuần. Lo cháu học online chữ được chữ mất nên ông bà lại xin cho cháu được đến Trường Tiểu học Chính Lý, huyện Hòa Hậu, Hà Nam để học trực tiếp với cô giáo và các bạn vào ban ngày.
Bé Trần Phương Thảo – học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Láng Thượng (quận Đống Đa, Hà Nội) cùng ông bà ngoại học trực tuyến vào buổi tối.
Mới vào lớp 1 được vài ngày mà cô bé Thảo phải học từ sáng đến tối. Oái oăm là ở quê học một bộ sách, ở Hà Nội lại học một bộ sách khác. Nhiều hôm bé Thảo mếu máo: “Con mệt lắm, con không học nữa đâu” khiến chị Minh càng sốt ruột mà không biết phải làm sao. Tình trạng một học sinh phải học hai lớp học với hai bộ sách như bé Thảo không phải là hiếm. Hiện tại có không ít học sinh ở Hà Nội nhưng đang ở quê tránh dịch cũng trong tình cảnh dở dang như thế.
Khác với chị Minh, chị Nguyễn Thị Thúy ở Linh Đàm, quận Hoàng Mai không phải gửi con về quê, nhưng cũng quay cuồng cùng con học online. Hai cô con gái sinh đôi của chị Thuý là Phạm Nguyễn Minh Châu và Phạm Nguyễn Bảo Châu năm nay học lớp 1 Trường Tiểu học Hoàng Liệt. Ngày đi làm, tối về, anh chị có hôm không kịp ăn tối đã phải vào học trực tuyến cùng con từ 19 – 21 giờ.
Chị Thúy nhận thấy chương trình học nhẹ nhàng, chủ yếu học Toán và tiếng Việt. Trong quá trình học cô giáo đã khéo léo lồng ghép các hoạt động vừa học vừa chơi để cuốn hút các con. Nhưng vì các con chưa bao giờ có trải nghiệm đi học nên buổi học cũng chẳng khác mấy so với lúc xem tivi, YouTube. Chị Thuý bảo, khó nhất là duy trì hứng thú lâu dài cho con. Lúc đầu con hào hứng lắm, nhưng giờ thì con đã thấy chán và uể oải, hay lấy lí do đi uống nước, đi vệ sinh để thoát khỏi buổi học.
Hai con gái của chị Thúy (quận Hoàng Mai) trong giờ học trực tuyến của Trường Tiểu học Hoàng Liệt.
Không riêng ở tiểu học mà ở tất cả các cấp học, học sinh thường khó có được tinh thần tự kỷ luật khi lên môi trường online dẫn đến việc không chú tâm nghe giảng, không nắm được bài, hiệu quả giờ học không cao.
Cô Kim Thương – giáo viên dạy môn ngữ văn bậc THPT ở quận Cầu Giấy rất trăn trở khi học sinh chưa có kĩ năng kép nghe giảng – ghi bài. Giáo viên khi dạy trên lớp sẽ có những lúc giảng chậm hơn, nhấn nhá ngữ điệu, để “báo hiệu” phần nội dung quan trọng cần ghi chép. Nhưng học trực tuyến thì giáo viên vừa giảng vừa trình chiếu slide, thành ra học sinh cắm cúi ghi bài thì không nghe cô giảng và ngược lại, chăm chú nghe giảng lại không ghi được bài.
Video đang HOT
Công nghệ chỉ là phần ngọn
“Minh Hoàng vào học chưa con? Bạn 1234 là bạn nào thế, cô bảo đổi thành tên con để cô trò nhận ra nhau mà. Linh bật camera lên đi con, Linh đâu rồi?”. “Cô ơi con Linh đây, con đang ăn sáng ạ”. “Linh ơi ra học đi, tớ đang ăn phải bỏ dở, học xong lại ăn tiếp”. “Các con tập trung nào, tắt mic đi nào”. “Cô ơi tắt đi rồi bao giờ bật lên cô ơi”… Buổi học trực tuyến của cô trò lớp 3 tại một trường tiểu học công lập ở Hà Nội đã bắt đầu một cách vô cùng ồn ã. Chỉ cần nghe thôi cũng đủ thấy cô giáo phải vất vả như thế nào để ổn định lớp học để bắt đầu buổi dạy.
Học sinh tiểu học rất dễ chán nản và mệt mỏi khi học trực tuyến.
Bởi thế, nhiều thầy cô giáo than thở rằng dạy học trực tuyến (DHTT) vất vả gấp nhiều lần dạy học trực tiếp. Có quá nhiều công việc hậu trường để buổi học trực tuyến có thể diễn ra. Từ việc soạn giáo án online, tổ chức hoạt động dạy học đến giao bài, chấm chữa bài, phản hồi cho học sinh, phụ huynh trên mạng. Trước mỗi buổi học là hàng loạt thao tác không tên như đăng nhập vào phòng học, kiểm duyệt học sinh vào học, điểm danh, nhắc học sinh bật camera, bật mic…
Theo cô Phương Lan – một giáo viên THCS ở quận Tây Hồ thì không chỉ học sinh lo rớt mạng, mà giáo viên cũng lo mạng chập chờn, không vào được lớp để giảng dạy. Đa phần các trường đều mua phần mềm dạy học có đóng phí cho giáo viên, nhưng đến giờ cao điểm thì vẫn gặp tình trạng “mạng quay vòng vòng”. Rồi đến học sinh rớt mạng, cô giáo phải trả lời điện thoại, có thể phải tạm dừng để chờ học sinh vào lại lớp học. Thành ra một tiết học 45 phút nhưng thực tế thời gian dạy học chỉ được 30-35 phút.
Với một lượng kiến thức như cũ, trong một giờ dạy co cụm về mặt thời gian, cách biệt và xé lẻ về mặt không gian, liệu giáo viên có giảng hết bài, liệu học sinh có tiếp thu được hết nội dung không? Dù rất áp lực, nhưng để đảm bảo kiến thức thi cuối năm, thi chuyển cấp thì giáo viên cũng không thể tự ý cắt xén hay bỏ bớt nội dung bài học. Và vì thế, thời khoá biểu vẫn “nặng” như học trực tiếp. Thực tế có khối lớp ở Hà Nội vẫn học cả ngày, có lớp học 7 buổi/tuần, trong đó có ngày học 2 buổi, gây căng thẳng và áp lực cho cả cô cả trò.
Để bài giảng điện tử thay cho bảng đen phấn trắng tạo nhiều hứng thú cho cả người dạy và người học thì các thầy cô phải bỏ thời gian và công sức soạn giáo án điện tử, tìm thêm tài liệu, chèn hình ảnh, clip minh họa cho bài giảng. Tuy nhiên không phải thầy cô nào cũng am hiểu về công nghệ thông tin, sử dụng thành thạo các phần mềm áp dụng trong dạy học, có khả năng soạn giáo án điện tử hấp dẫn để khơi gợi hứng thú. Khi kĩ năng sử dụng công nghệ thông tin của các giáo viên không đồng đều sẽ dẫn đến hiệu quả DHTT giữa các lớp có sự chênh lệch và người thiệt thòi chính là các em học sinh.
Các thầy cô giáo mất nhiều thời gian và công sức tìm cách dạy học trực tuyến sao cho hiệu quả.
Phân tích kĩ để thấy, ngay cả khi giải quyết được vấn đề công nghệ, kĩ thuật không có nghĩa là đã giải quyết được vấn đề DHTT. Bởi theo Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu – giảng viên Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, việc thay đổi về mặt kĩ thuật, công nghệ chỉ là phần ngọn, sự thay đổi đồng loạt tư duy nền tảng về DHTT mới là phần gốc.
Tức là phải thay đổi từ cách soạn giáo án, cách thức tổ chức bài giảng đến việc kiểm tra đánh giá. Thay vì những bài giảng truyền thụ kiến thức lớp lang thì giáo án phải chuyển thành những nội dung nghiên cứu để giao việc cụ thể cho người học tự tìm hiểu, tự giải quyết nhiệm vụ học tập. Vai trò của người dạy trên lớp là nắm bắt, định hướng, giải đáp thắc mắc, chốt lại kiến thức dựa trên hoạt động của người học.
Nhìn vào thực tế nước ta hiện nay có thể thấy rằng chúng ta đang sử dụng những phần mềm giảng dạy mới để thiết kế giờ dạy dựa trên giáo án truyền thống, dựa trên cách thức tổ chức bài giảng truyền thống và cả việc kiểm tra đánh giá cũng theo nếp cũ. Chính sự thay đổi không đồng nhất dẫn đến việc DHTT với cả người dạy và người học vẫn cứ nặng nề, vất vả.
Trực tuyến cần khung chương trình và cách truyền đạt khác
Mới đây, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết Bộ đã chỉ đạo các cấp học rà soát điều chỉnh nội dung dạy học, đảm bảo chương trình nhưng tinh giản nội dung. Trước đó, Bộ cũng đã có Công văn 3280 về việc hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học cấp THCS, THPT trong điều kiện dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Học sinh lớp 9 tiếp nhận bài giảng trên Đài PT-TH Hà Nội.
Trước việc liên tục điều chỉnh, giảm tải nội dung kiến thức, chương trình để phù hợp với việc DHTT, nhiều thầy cô giáo có ý kiến rằng đã đến lúc phải xây dựng riêng chương trình DHTT song song với chương trình dạy học trực tiếp. Trong đó nêu rõ giáo viên cần đảm bảo những kiến thức trọng tâm gì, những yêu cầu cơ bản nào học sinh cần đạt được để giờ học trực tuyến nhẹ nhàng, hiệu quả và linh hoạt.
Còn nếu cứ đem khung chương trình học truyền thống ra để tinh giản theo hướng cắt gọt, bớt xén để phù hợp với DHTT sẽ ảnh hưởng đến ý nghĩa tổng thể của chương trình học. Thực tế, trong quá trình giảng dạy, các thầy cô đều có ý kiến rằng việc tinh giản mới chỉ là cắt giảm số lượng bài học chứ chưa cắt giảm nội dung yêu cầu cần đạt của từng bài. Ví dụ, với bài học này, khi dạy trực tiếp cần đảm bảo 6 nội dung kiến thức, thì dạy online chỉ cần đảm bảo 4 nội dung kiến thức. Và khi kiểm tra đánh giá cũng chỉ yêu cầu học sinh đáp ứng được 4 đơn vị kiến thức đó mà thôi.
Một thực tế nữa là trong khi các thầy cô rất vất vả DHTT, khi mà nhiều học sinh chưa có thiết bị công nghệ để học, thì hàng loạt bài giảng phát sóng trên truyền hình – nguồn học liệu bổ ích lại bỏ phí. Ghi nhận trên địa bàn Thủ đô hiện nay có một số trường đã tạo điều kiện cho học sinh học kiến thức mới trên truyền hình, sau đó nhà trường sẽ lên lịch học tiếp nối để ôn luyện và củng cố kiến thức. Như thế, giáo viên sẽ lên lớp ít số tiết hơn, giảm áp lực dạy và học. Tuy nhiên, số trường học áp dụng cách làm này chưa nhiều.
Trong bối cảnh dạy và học hiện nay, điều cần thiết nhất ở cấp chiến lược là vạch được con đường rõ ràng, thông suốt cho DHTT để vừa phát huy được ưu thế của phương pháp dạy học này, vừa có thể linh hoạt thay thế một phần quá trình dạy học trực tiếp đối với với môn học, hoạt động học phù hợp. Tránh DHTT kiểu “mùa vụ, có dịch COVID-19 thì dạy, hết dịch lại dừng”.
Học sinh lớp 10 trường chuyên vượt qua bỡ ngỡ, tìm cách tiếp nhận 'núi kiến thức' qua học online
Mặc dù có bao câu chuyện bi hài về học trực tuyến nhưng nhiều lớp học vẫn rất sôi nổi, trong đó học sinh đã chủ động tìm ra cách học tập hiệu quả.
Đứng trước cột mốc thay đổi từ bậc THCS lên THPT, nhiều học sinh lớp 10 hẳn sẽ tràn ngập sự bỡ ngỡ, lo lắng. Hơn thế, do dịch bệnh nên các em buộc phải bắt đầu năm học đầu cấp bằng hình thức trực tuyến. Vậy các em đã làm gì để vượt qua khó khăn, thích ứng với điều kiện học tập mới?
Dương Quốc Việt - học sinh lớp 10 Pháp 2 của Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam
Với số điểm xuất sắc, em Dương Quốc Việt may mắn đỗ vào lớp 10 Pháp 2 của Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam. Đây là năm học đặc biệt khi ngay từ buổi học đầu tiên ở môi trường mới Việt đã phải bắt đầu bằng hình thức trực tuyến.
Việt chia sẻ: "Điều khó khăn nhất đối với em có lẽ là việc học tập. Chương trình học của cấp ba có rất nhiều thứ thay đổi so với cấp hai, cùng việc phải học online từ những bài học đầu tiên khiến em rất lo lắng, không biết mình có thể tiếp thu lượng kiến thức khổng lồ ấy như thế nào trong môi trường trực tuyến.
Học trực tuyến khó khăn nhất là việc tương tác với các bạn cũng như thầy cô. Vì thế em tranh thủ những lúc rảnh, tìm hiểu trước bài học, sau đó, mỗi giờ học nếu giáo viên đưa ra vấn đề em có thể xung phong trả lời ngay được.
Sau mỗi ý kiến em nhận được góp ý của thầy cô và các bạn, điều đó sẽ giúp em ghi nhớ kiến thức lâu hơn, tư duy phản biện cũng nhạy bén hơn".
Ngoài ra, Việt cảm thấy rất may mắn vào lớp 10 em có những người bạn tốt và thầy cô giáo rất nhiệt tình, luôn sẵn sàng giải đáp những thắc mắc của học trò. Nam sinh này luôn mong ngóng đại dịch sớm qua đi để em có thể tới trường gặp gỡ thầy cô cùng bạn bè.
Em Nguyễn Ngọc Minh Tâm - lớp 10 Địa của Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam
Cùng chung tâm trạng như Việt, nữ sinh Nguyễn Ngọc Minh Tâm - lớp 10 Địa của Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam cho biết bản thân là một người trầm tính nên em gặp khó khăn trong việc hoà nhập với môi trường mới và làm quen với bạn mới.
"Khi chính thức trở thành học sinh lớp 10 của trường Amsterdam em cũng rất áp lực vì đa số anh chị, các bạn học sinh đều tự tin và cởi mở. Năm học mới bắt đầu bằng hình thức trực tuyến nhưng có lẽ điều may mắn nhất với em là em đã quen một số bạn trong lớp từ trước nên dễ dàng nói chuyện, thân thiết hơn.
Trong giờ học em cũng tăng cường và tận dụng mọi cơ hội để cùng trao đổi, tranh luận cũng như tương tác với các bạn, nhờ đó em cũng tự tin hơn mỗi lần phát biểu trong lớp học online.
Dù vậy, đối với em, tất cả mọi thứ ở trường mới đều vô cùng bỡ ngỡ và xa lạ. Hy vọng 1.000 ngày sắp tới học ở THPT sẽ giúp em trở nên hòa đồng và tự tin hơn".
Đỗ Hà Linh -học sinh lớp 10 Sinh của Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam
Còn Đỗ Hà Linh -học sinh lớp 10 Sinh của Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam chia sẻ: "Em cảm thấy mình may mắn hơn những bạn khác vì em đã tự có cho mình những trải nghiệm ở những năm cấp hai tại trường, đã hiểu về trường và biết một chút về các câu lạc bộ.
Nhưng khi vào cấp ba, em vẫn cảm thấy mông lung vì có nhiều điều mà em cần học hỏi với nhiều bạn mới, giáo viên mới.
Như mọi năm, chúng em sẽ được đến Club Fair - Hội chợ các Câu lạc bộ để tự mình trải nghiệm trực tiếp các hoạt động, văn hóa của từng tập thể. Khi nghe tin Club Fair 2021 diễn ra online, chúng em đã có phần hụt hẫng, nhưng lúc biết rằng chúng em vẫn có thể có những trải nghiệm như hội chợ offline qua Website Club Fair 2021 và Gather Town - một nền tảng mà em chưa từng trải nghiệm, em đã gạt hết những lo lắng ấy! Và đúng như em đã mong đợi, việc tham gia hai nền tảng online của Club Fair 2021 đã mang lại cho em rất nhiều những cảm xúc, cũng như hiểu biết hơn về hơn 40 Câu lạc bộ tại trường mình đang theo học".
Ở thời điểm hiện tại, cả nước vẫn đang cố gắng đồng lòng để vượt qua đại dịch. Vậy nên các bạn học sinh đều tin rằng, theo thời gian, những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh đến môi trường giáo dục sẽ sớm được cải thiện.
Giờ học ở biển của cậu học trò làm thuê trên tàu cá Cả lớp đang say sưa học trực tuyến, bất chợt bị cắt ngang bởi âm thanh ồn ào của tiếng sóng biển. Rồi màn hình hiển thị cảnh trời biển, sóng nước dập dềnh kèm theo âm thanh: "Chào cô, em xin phép vào học muộn". Giờ học của em Nguyễn Đức Chiến, học sinh lớp 12A8 trường THPT Kỳ Anh bắt đầu...