Dạy – học trải nghiệm: Dù trực tuyến vẫn hấp dẫn
Bắt đầu năm học 2020 – 2021, học sinh lớp 6 có thêm môn học mới Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (HĐTNHN) theo Chương trình GDPT 2018.
Một học sinh lớp 6 tại TPHCM đang học môn HĐTNHN bằng hình thức trực tuyến.
Mặc dù dạy trực tuyến có những khó khăn, nhưng các giáo viên luôn nỗ lực, đổi mới, sáng tạo để mỗi tiết học đều trở nên hấp dẫn với trò.
Môn học đề cao sự sáng tạo
Cô Bùi Thị Thủy – giáo viên Trường THCS Đa Phước (huyện Bình Chánh, TPHCM) cho rằng, HĐTNHN là môn học định hướng lối suy nghĩ, rèn luyện thái độ cho HS trong các hoạt động của tập thể, của nhóm, của cá nhân.
“Giáo viên là người định hướng, cùng hoạt động tìm hiểu với học sinh. Để tiết học diễn ra thuận lợi cần có sự định hướng của GV trong tiết học trước để học sinh có sự chuẩn bị và được chủ động. Ở các tiết học, để khởi động tôi thường cho các em nghe một bài hát để tạo không khí vui vẻ, thoải mái. Khi nêu một vấn đề, tôi thường cho các em xem clip hoặc đưa một tình huống dưới dạng kể chuyện hoặc tranh vẽ…
Sau đó, học sinh sẽ nhận xét về tình huống, vấn đề đó. Từ đó các em đưa ra những kinh nghiệm của bản thân về tình huống. Giáo viên sẽ là người nhận xét, định hướng, hoàn thiện và phát triển cho học sinh các kỹ năng…”, cô Bùi Thị Thủy chia sẻ.
Video đang HOT
Nói về quá trình triển khai môn học này tại trường, cô Lê Thị Diệp – Trưởng nhóm Ngữ văn khối 6, Trường THCS Nguyễn Trãi (Q. Gò Vấp, TPHCM) cho biết, đầu tiên giáo viên được học (tập huấn) với các giảng viên của Sở GD&ĐT, được hướng dẫn rất cụ thể nội dung và phương pháp dạy. Tiếp theo, giáo viên học, nghiên cứu nội dung đó trên sách giáo khoa. Đồng thời, sở GD&ĐT gửi luôn định hướng khung chương trình môn HĐTNHN để giáo viên dựa vào đó thiết kế các hoạt động của lớp học cho phù hợp với đối tượng học sinh lớp 6.
“Ở Trường THCS Nguyễn Trãi, giáo viên làm chủ nhiệm lớp 6 và một số các thầy cô là giáo viên cốt cán đều được cử đi học lớp bồi dưỡng dạy môn học này. Bắt đầu năm học, do tình hình dịch bệnh phải dạy học trực tuyến nên trường giao cố định cho 2 giáo viên chuyên về môn học này dạy chung cho các học sinh trong khối lớp 6.
Tôi dự giờ một số buổi, thấy giáo viên và học sinh tương tác theo một số chủ đề khá nhịp nhàng trong giờ học. Điều thú vị nhất ở môn học này là yêu cầu học sinh được làm nhiều, học sinh được thực hành nhiều, học sinh được chia sẻ nhiều hơn…”, cô Lê Thị Diệp chia sẻ.
Buổi dạy môn HĐTNHN bằng hình thức trực tuyến của cô Bùi Thị Thủy (Trường THCS Đa Phước, huyện Bình Chánh, TPHCM).
Trực tuyến vẫn hấp dẫn
Sau một thời gian dạy học môn HĐTNHN tại Trường THCS Lý Thánh Tông (Q.8, TPHCM), thầy Nguyễn Long Giao – Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, đây là môn học ứng dụng vào thực tế, phát huy năng lực của học sinh vì thế nhà trường đã trang bị phòng học thông minh, phòng học STEM, trang bị nhiều phần mềm dạy học hiện đại để triển khai.
“Mặc dù phải học trực tuyến thời gian qua, nhưng học sinh khối 6 rất thích. Học sinh cảm thấy thoải mái, hứng thú, không áp lực khi học môn HĐTNHN. Các em tích cực tương tác, chia sẻ các kinh nghiệm của bản thân. Tôi nghĩ rằng, nếu đi học trực tiếp thì học sinh còn thích hơn nữa. Đặc biệt dạy môn học này giáo viên phải sáng tạo, phải thường xuyên đổi mới hoạt động giảng dạy của mình để đưa ra những ý tưởng mới nhằm giúp các em khai thác những gì mình sẵn có, gắn kiến thức được học vào thực tiễn cuộc sống…” – Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thánh Tông chia sẻ.
Trao đổi về những khó khăn khi phải dạy môn HĐTNHN bằng hình thức trực tuyến, cô Bùi Thị Thủy cho rằng, học sinh không thể thực hành các hoạt động trải nghiệm ngoài trời, không có các hoạt động tập thể, làm việc nhóm trực tiếp và không có hoạt động mang tính thực hành…
Ngoài ra đường truyền mạng không ổn định nên việc học đôi khi cũng bị gián đoạn, làm mất sự hứng thú, tập trung vào môn học. Bên cạnh đó, việc dạy môn học này cũng có những thuận lợi là học sinh được học các hoạt động trải nghiệm thông qua các mô hình, các phần mềm, các ứng dụng hỗ trợ giúp các em tăng cường khả năng sử dụng CNTT, rèn luyện tính tự học, tự tìm tòi, tự nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của giáo viên…
Cô Bùi Thị Thủy chia sẻ thêm, trường có group giáo viên chủ nhiệm lớp 6 là những người trực tiếp giảng dạy môn HĐTNHN, mục đích của nhóm để chia sẻ những khó khăn của giáo viên. Các thành viên trong nhóm và BGH sẽ cùng nhau giải quyết các khó khăn mà giáo viên gặp phải. Giáo viên trong nhóm sẽ cùng chia sẻ các nguồn tài liệu, phân chia soạn giáo án PPT để giảm bớt khối lượng công việc.
Theo cô Lê Thị Diệp, sắp tới khi học sinh đi học trực tiếp trở lại thì tùy vào sự phân công của nhà trường về lịch dạy môn học này cho học sinh. Nếu để giáo viên chủ nhiệm môn này thì cũng hay. Đây cũng là dịp để cô trò có thể ngồi quây quần để tạo thêm sự gắn kết, giúp thông hiểu nhau nhiều hơn. “Tuy nhiên, để một giáo viên độc lập dạy môn này thì quy củ hơn. Bởi một số giáo viên chủ nhiệm mà dạy môn chính như Toán, Văn, Anh thì thời gian cũng hơi bận”, cô Lê Thị Diệp nêu ý kiến.
“Môn học rất thú vị. Em có thể bày tỏ một số suy nghĩ, diễn đạt của mình. Cô giáo thường đưa ra một số tình huống, tụi em có thể đứng dậy múa hay thực hiện một động tác, ý tưởng nào đó, hoặc có thể phản biện một chủ đề nào đó… Do đó, học sinh tụi em được trình bày ý kiến của mình nhiều hơn…”. – Em H.V. Hòa (Học sinh lớp 6 Trường THCS Đa Phước, huyện Bình Chánh, TPHCM)
Thẩm định sách giáo khoa mới lớp 3, lớp 7 và lớp 10
Chiều 5/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khai mạc Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa lớp 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Ảnh mih họa
Công tác tổ chức thẩm định sách giáo khoa biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của lớp 3, lớp 7 và 10 được Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai trong tháng 9 và tháng 10/2021. Theo lộ trình, các lớp này sẽ áp dụng việc dạy học theo chương trình mới từ năm học 2022-2023.
Năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận được 48 bản mẫu sách giáo khoa của 11 môn học/hoạt động giáo dục lớp 3 gửi về thẩm định. Trong đó, môn Toán có 5 bản mẫu; mỗi môn Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên - Xã hội, Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Công nghệ có 3 bản mẫu; mỗi môn Mĩ thuật, Hoạt động trải nghiệm có 4 bản; Tin học có 7 bản và Tiếng Anh có số lượng bản mẫu nhiều nhất với 10 bản.
Đối với lớp 7, có 47 bản mẫu sách giáo khoa của 12 môn học/hoạt động giáo dục được gửi về Bộ để thẩm định. Trong đó, môn Tiếng Anh có 9 bản mẫu; môn Tin học 5 bản mẫu; mỗi môn Toán, Hoạt động trải nghiệm - Hướng nghiệp, Mĩ thuật có 4 bản mẫu; các môn học còn lại, mỗi môn đều có 3 bản mẫu.
Đối với lớp 10, Bộ nhận được 57 bản mẫu sách giáo khoa của 15 môn học/hoạt động giáo dục. Trong đó, môn Tiếng Anh có 9 bản mẫu; Tin học có 5 bản; mỗi môn Toán, Ngữ văn, Hoạt động trải nghiệm - Hướng nghiệp, Công nghệ có 4 bản; các môn còn lại, mỗi môn có 3 bản.
Các thành viên của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa là những nhà giáo, nhà quản lý giáo dục, nhà khoa học giàu kinh nghiệm, uy tín, được lựa chọn kỹ lưỡng. Trong đó, ít nhất 1/3 số thành viên là nhà giáo đang giảng dạy môn học, hoạt động giáo dục ở cấp học tương ứng.
Từng thành viên trong mỗi Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa lớp 3, 7, 10 đã được nhận bản mẫu sách giáo khoa của lớp học tương ứng để thẩm định đọc, viết nhận xét cá nhân trước thời điểm họp thẩm định tập trung ít nhất 15 ngày, thậm chí gần 2 tháng (đối với lớp 10).
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: thẩm định sách giáo khoa là công việc quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến nhiều thế hệ học sinh. Để làm tốt hoạt động thẩm định sách giáo khoa, từng thành viên trong Hội đồng phải nắm chắc Chương trình giáo dục phổ thông 2018, từ chương trình tổng thể đến chương trình môn học mà Hội đồng sẽ thẩm định.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định rõ các yêu cầu, tiêu chuẩn, tiêu chí mà sách giáo khoa cần đảm bảo trong Thông tư 33 Quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa. Trong đó, sách giáo khoa cần đảm bảo đúng đường lối, chính sách của Nhà nước; đảm bảo tính liên thông giữa các cấp học, môn học, khối học; đảm bảo tinh giản, thiết thực, cập nhật và có tính kế thừa những ưu điểm của các bản sách giáo khoa hiện hành.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lưu ý: Mỗi tác giả có quan điểm và cách thể hiện sách giáo khoa khác nhau nhưng tất cả đều phải đảm bảo tính chuẩn mực, khoa học, sư phạm. Đây là sản phẩm xuất bản có tính đặc thù, mỗi cuốn sách có hàng triệu học sinh mỗi thế thệ sẽ sử dụng. Với số lượng bản mẫu nhiều, khối lượng kiến thức lớn, đặc biệt đối với lớp 10 độ khó còn tăng lên, Thứ trưởng đề nghị các Hội đồng nghiên cứu kỹ lưỡng từng câu chữ, kênh chữ, kênh hình của bản mẫu để loại bỏ tối đa những "hạt sạn" ngay từ vòng thẩm định 1. Những bản mẫu "Đạt nhưng cần sửa chữa" hoặc "Không đạt", Hội đồng cần trao đổi rõ để tác giả sách giáo khoa hiểu và chỉnh sửa phù hợp.
Đồng hành, chia sẻ với công việc của Hội đồng thẩm định, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức lấy ý kiến góp ý độc lập từ các nhà khoa học, giáo viên... cho các bản mẫu sách giáo khoa, thêm kênh phản biện, giúp Hội đồng thực hiện tốt nhất hoạt động thẩm định, đánh giá chất lượng cuốn sách.
GS Huỳnh Văn Sơn phân tích cách đánh giá theo Thông tư 22, áp lực thi cử sẽ giảm Giáo sư Huỳnh Văn Sơn: "Khi điểm số không phải là yếu tố duy nhất như thước đo, chúng ta sẽ giảm đi gánh nặng về điểm số, áp lực kết quả thi cử". Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT về đánh giá học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông sẽ bắt đầu có hiệu lực với học sinh lớp 6 bắt đầu...