Dấu hiệu sớm bệnh ung thư khiến 17.000 người Việt chết mỗi năm
Tại Việt Nam, ung thư phổi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nam giới và là nguyên nhân thứ hai gây tử vong do ung thư ở phụ nữ. Mỗi năm có hơn 20.000 người mắc bệnh ung thư phổi, trong đó có đến 17.000 người đã tử vong.
Ảnh minh hoạ: Internet
Theo thông tin từ Hội thảo khoa học “Những tiến bộ về chẩn đoán và điều trị ung thư phổi tại Bệnh viện Phổi Trung ương” do BV này tổ chức, tại Việt Nam, ung thư phổi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở nam giới và là nguyên nhân thứ hai gây tử vong do ung thư ở phụ nữ.
Mỗi năm có hơn 20.000 người mắc bệnh ung thư phổi, trong đó có đến 17.000 người đã tử vong, 56 người mắc mới mỗi ngày. Với tốc độ gia tăng người mắc như hiện nay, con số ấy có thể lên tới 34.000 người mỗi năm. Dự tính đến năm 2020, mỗi ngày sẽ có thêm 90 người mắc ung thư phổi.
Nguyên nhân phổ biến chính là do hút thuốc, bao gồm cả chủ động và thụ động. Ung thư phổi 90% do hút thuốc lá. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tỷ lệ hút thuốc cao nhất thế giới với 56,1% ở nam giới và 1,8% ở nữ giới. Theo đó, tỷ lệ hút thuốc lá thụ động tại Việt Nam rất cao, ước tính 67,6% người không hút thuốc bị phơi nhiễm với khói thuốc tại nhà và 49,0% phơi nhiễm tại nơi làm việc.
Theo thống kê, 30% tỷ lệ mắc khối u phổi đều liên quan tới hút thuốc dài hạn. Ngoài ra, do các chất gây ung thư có thể hấp thụ dễ dàng qua phổi, dẫn đến tổn hại hệ thống, và do đó gây ra ung thư thanh quản, ung thư thực quản, ung thư miệng, ung thư bàng quang, ung thư thận, ung thư tuyến tụy.
Nguyên nhân thứ hai dẫn đến căn bệnh ung thư phổi là do ô nhiễm môi trường. Các dữ liệu cho thấy rằng ô nhiễm không khí là một trong những lý do nghiêm trọng gây ra ung thư phổi.
Khi nào cần tầm soát ung thư phổi?
Giáo sư Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K trung ương – Phó Chủ tịch hội ung thư Việt Nam, cảnh báo khi bị ho dai dẳng, tức ngực điều trị lâu không khỏi phải nghĩ đến ung thư. Cuộc sống mỗi người ai cũng có lúc ho do viêm họng do thời tiết, viêm nhiễm nhưng nếu dùng thuốc giảm ho, kháng sinh không khỏi thì cần cảnh giác ung thư phổi, đường hô hấp.
Khoảng 80% bệnh nhân ung thư phổi có triệu chứng ho khan, ho kéo dài, khó lý giải nguyên nhân hoặc ho có đờm trắng/nhiều đờm, có khi có bội nhiễm.
Video đang HOT
Tiến sĩ Đinh Văn Lượng, Phó giám đốc Trung tâm Ung thư Phổi Quốc gia, cũng cho biết khi bệnh nhân có các triệu chứng như ho, khó thở, ho ra máu, ho đờm… thường không còn ở giai đoạn sớm.
Bên cạnh đó, người bệnh còn có thể gặp các triệu chứng khó thở khi gắng sức hoặc vận động liên tục. Ngoài ra, 40-60% người bệnh bị đau ngực.
Thạc sĩ, bác sĩ Thân Văn Thịnh, Khoa Khám bệnh – Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, cũng cho hay nhiều bệnh nhân ung thư phổi có biểu hiện đau đầu do bệnh đã di căn não, hoặc đau xương sống, sườn do di căn xương. Khi phát hiện các bệnh lý trên, đi khám, người bệnh mới phát hiện ung thư.
Ngoài các dấu hiệu trên, ung thư phổi cũng có các triệu chứng chung như mệt mỏi hoặc giảm cân không rõ nguyên nhân.
Các chuyên gia lưu ý khi có tất cả dấu hiệu này chưa chắc người bệnh đã mắc ung thưnhưng cần lưu ý đến những dấu hiệu lạ và tiến hành kiểm tra ngay để loại trừ căn bệnh, từ đó sớm được điều trị.
HOÀ THUẬN
Theo Tiền phong
Bác sĩ chữa ung thư: 'Khó nhất là lúc thông báo bệnh nhân bị ung thư'
Làm việc hơn 11 giờ mỗi ngày trong suốt 8 năm qua, bác sĩ Thịnh luôn tâm niệm bệnh viện là nhà còn bệnh nhân là người thân.
Thạc sĩ, bác sĩ Thân Văn Thịnh 35 tuổi, đang làm việc tại Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội. Đây là bệnh viện tuyến cuối chữa ung thư ở miền Bắc. Mỗi ngày, bệnh viện khám khoảng 500 đến 600 bệnh nhân và điều trị hơn 3.000 bệnh nhân nội trú. Hiện, bệnh ung thư phổ biến nhất ở nữ là ung thư vú, ung thư cổ tử cung và nam giới là ung thư đường tiêu hóa, phổi, gan.
Một ngày, bác sĩ Thịnh làm việc từ 7h sáng đến 5h chiều và thăm khám cho hơn 100 bệnh nhân. Thời gian đông bệnh nhân nhất vào khoảng 8 đến 10h sáng hoặc 13h30 chiều. Số lượng bệnh nhân đông, bác sĩ luôn dặn dò phải ưu tiên người già và trẻ nhỏ được khám sớm.
Hàng ngày, bác sĩ Thịnh khám tại phòng bệnh và tham gia các ca tiểu phẫu, sinh thiết. Ngoài ra, bác sĩ còn hỗ trợ chuyên môn tại bệnh viện đồng thời giảng dạy ở các trung tâm y tế.
"Tôi xem bệnh viện ung bướu như ngôi nhà thứ hai", anh chia sẻ. "Bệnh nhân đến với tôi cũng như người nhà".
Thạc sĩ, bác sĩ Thân Văn Thịnh tại phòng làm việc. Ảnh: Thùy An
"Ung thư trong tiềm thức của mọi người là án tử", bác sĩ Thịnh chia sẻ.
Hầu hết bệnh nhân chỉ cần nghe nói mình mắc bệnh ung thư đều mang tâm lý hoang mang, dễ bị kích động và không chấp nhận sự thật. Tuy nhiên, những người khỏe mạnh bình thường thì rất ngại đi khám khiến bệnh bị phát hiện ở giai đoạn quá muộn. Bởi vậy, với anh, điểm khác biệt nhất của bác sĩ ung bướu là tạo niềm tin cho bệnh nhân và người nhà ngay từ quá trình thăm khám, sàng lọc bệnh.
Hơn 8 năm làm nghề, bác sĩ Thịnh cho rằng cần ưu tiên chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân từ lúc khám bệnh. Đó là sự giảm nhẹ về tâm lý và giảm nhẹ áp lực bệnh tật. "Đây là nghệ thuật chăm sóc bệnh nhân của mỗi người", anh nói.
Bác sĩ ung bướu ngoài chuyên môn còn tự rèn dũa khả năng đoán tâm lý người bệnh để biết ai sẵn sàng điều trị, ai lưỡng lự. Đối với bệnh nhân cần điều trị nhưng từ chối vào viện, anh không ngại cho số điện thoại cá nhân để giúp đỡ. Nhiều bệnh nhân đổi ý, nghe theo lời khuyên của bác sĩ mà sống thêm được nhiều năm. "Thậm chí những cuộc gọi của bệnh nhân muộn 1, 2h sáng tôi cũng sẵn lòng nghe và chia sẻ với họ", bác sĩ Thịnh cho biết.
Bác sĩ khám bệnh tuy không can thiệp sâu như bác sĩ phẫu thuật nhưng là bước đầu tiên quan trọng để cứu sống tính mạng người bệnh. Bệnh nhân khám bệnh sẽ được chỉ định xét nghiệm máu, chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ, siêu âm... Khi có kết quả, bác sĩ trực tiếp đưa ra tư vấn để bệnh nhân được chữa trị kịp thời, gia tăng cơ hội sống. Do đó bác sĩ khám bệnh cũng chính là người đầu tiên thông báo cho bệnh nhân tin dữ là "anh/chị/ông/bà đã bị ung thư".
Bác sĩ đang kiểm tra lại xét nghiệm để phán đoán tình trạng bệnh nhân. Ảnh: Thùy An
"Là bác sĩ ung bướu, khó khăn nhất là thông báo họ bị mắc bệnh ung thư", anh nói.
Mỗi bệnh nhân sẽ có những chỉ định xét nghiệm riêng. Hầu hết mọi người đều sẽ có kết quả trong ngày. Bệnh nhân mắc u lành hoặc có triệu chứng ban đầu ung thư sẽ được tư vấn ngay hướng điều trị. Riêng với trường hợp bị ung thư, bác sĩ phải chuẩn bị sẵn tâm lý cho mình trước rồi mới đủ can đảm thông báo đến người bệnh.
Đối với bác sĩ Thịnh, anh thường dành 5 đến 10 phút trò chuyện với bệnh nhân và người nhà. Anh hỏi thăm công việc để tìm hiểu về thu nhập và hỏi về gia đình con cái để nắm được suy nghĩ và giảm nhẹ tâm lý cho người bệnh, giúp họ có cái nhìn khác về ung thư.
"Ai cũng muốn sống, nhưng kỳ vọng sống của mỗi người khác nhau", anh tâm sự. Có người mẹ trẻ bị ung thư mong sống lâu hơn để đứa con nhỏ kịp nhớ mặt, người mẹ già mong đủ sức khỏe chụp cùng con trong tấm ảnh gia đình ngày cưới hay mẹ từ chối xạ trị để cứu đứa con trong bụng. Do đó, người bác sĩ phải biết được mong muốn của bệnh nhân thì mới giúp được họ vượt qua bệnh tật.
Ngoài bệnh nhân, bác sĩ cũng phải có cách để trấn an tinh thần cho cả gia đình. Khi thông báo kết quả, anh thường mời cả bệnh nhân và người nhà cùng lắng nghe, giúp họ hiểu đầy đủ thông tin về bệnh và cùng nhau chiến đấu với căn bệnh đáng sợ này.
Ngoài công việc khám bệnh, anh còn tham gia vào ca mổ, tiểu phẫu. Với tâm lý sợ động dao kéo và sự đau đớn khi xạ trị, nhiều bệnh nhân bỏ bệnh viện và tin vào bài thuốc trị bách bệnh bên ngoài.
Anh luôn khuyên bệnh nhân có ý thức về sức khỏe và tầm soát ung thư sớm. Nhiều bệnh ung thư chỉ cần xét nghiệm thường quy, siêu âm, nội soi, chụp X-quang là có thể phát hiện bệnh và chữa khỏi hoàn toàn.
"Quan trọng nhất là họ tin tôi, tin vào y học", anh chia sẻ. Ung thư phát hiện sớm đều có thể chữa khỏi hoàn toàn.
Bác sĩ đang giải thích tình trạng bệnh nhân trên chụp phim. Ảnh: Thùy An
Vợ anh Thịnh cũng là bác sĩ nên anh luôn tự hào khi có hậu phương tin tưởng và ủng hộ. Ban ngày làm việc, đêm về anh dành thời gian cho vợ và hai con nhỏ.
Anh thích đọc truyện, nấu ăn, thậm chí hát ru cho con. Anh nói rằng giờ đi ngủ là lúc anh thấy cuộc sống hạnh phúc và bình yên nhất. Mái ấm gia đình giúp anh có động lực lấy lại tinh thần để bắt đầu một ngày làm việc hiệu quả.
Thùy An
Theo VNE
Bác sĩ 38 tuổi bị ung thư ruột giai đoạn cuối chỉ vì bỏ qua dấu hiệu này Khi nam bác sĩ 38 tuổi tỉnh dậy, nghe tin mình bị mắc căn bệnh quái ác này, anh rất hối hận vì đã bỏ qua các dấu hiệu ban đầu cảnh báo bệnh. Ung thư ruột là một khối u ác tính gây tỷ lệ sống sót cho người mắc rất thấp. Nó thường xảy ra ở trực tràng và thường bị...