Đau đầu: Tín hiệu cảnh báo những bất thường của sức khỏe
Đau đầu là triệu chứng bệnh phổ biến mà tất cả chúng ta dù ít hay nhiều, đều từng gặp phải. Phần lớn những cơn đau có thể tự khỏi khi người bệnh nghỉ ngơi và uống thuốc giảm đau, nên nhiều người có tâm lý chủ quan, không lưu tâm.
Tuy nhiên, điều này chỉ đúng khi cơn đau đầu thỉnh thoảng xuất hiện. Nếu bạn bị đau thường xuyên, đó là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm, cần chú ý đến sức khỏe của mình và đến gặp bác sĩ thăm khám kịp thời.
Đau đầu – triệu chứng có thật sự đơn giản?
Đau đầu là triệu chứng xảy ra khi các thụ thể cảm giác trên hệ thần kinh trung ương bị kích thích. Có thể do các kích thích cơ học (sự giãn mạch máu, tình trạng thiếu máu, phù nề, viêm nhiễm hoặc chén ép bởi khối u…), hoặc kích thích hóa học (do các chất trung gian hóa học của tình trạng viêm và tổn thương).
Biểu hiện đau đầu có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân phải nhờ đến các chẩn đoán hình ảnh hiện đại như chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp (CT) để xác định. Có thể chia ra thành các nhóm nguyên nhân cơ bản sau:
- Đau đầu do bệnh lý tại não: nhiễm trùng não, viêm não – màng não, khối u não, dị dạng mạch máu não, chấn thương sọ não…
- Đau đầu do bệnh lý tại cơ quan khác hoặc bệnh lý toàn thân: viêm mũi xoang, viêm tai, tăng nhãn áp, bệnh lý răng miệng, thoái hóa cột sống cổ, sốt, nhiễm khuẩn, nhiễm độc, rối loạn nội tiết, thiếu máu. Các bệnh lý mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, lupus ban đỏ…
- Đau đầu do các rối loạn tâm thần kinh: phổ biến nhất là stress, rối loạn giấc ngủ, rối loạn lưỡng cực, trầm cảm…
Ngoài ra, đau đầu có thể do tác dụng không mong muốn của một số thuốc bạn đang sử dụng như thuốc tránh thai, liệu pháp hormone, thuốc điều trị đau thắt ngực nhóm nitrate (nitroglycerin, isosorbide mono/dinitrate…), hoặc khi bạn dùng nhiều chất kích thích, cà phê, gây rối loạn giờ giấc sinh hoạt…
Đau đầu biểu hiện bằng sự đau nhức, có thể đi kèm cảm giác căng cứng, nặng nề toàn vùng đầu hoặc một khu vực, hay đặc biệt là chỉ khu trú ở một bên đầu trong bệnh lý đau nửa đầu, hay còn gọi là đau đầu vận mạch.
Đau đầu, khi nào có thể uống thuốc giảm đau và khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Video đang HOT
Nếu cơn đau đầu thỉnh thoảng xảy ra và không quá dữ dội, không kéo dài, khoảng cách giữa hai lần đau đầu cách xa nhau. Xảy ra khi bạn đang căng thẳng tâm lý, stress, mất ngủ vì công việc, thi cử hay trong thời kỳ kinh nguyệt và không đi kèm tăng huyết áp… thì bạn có thể nghỉ ngơi, thư giãn, bởi vấn đề không quá nghiêm trọng.
Hoặc đau đầu khi bạn đang có bệnh tại các cơ quan khác như viêm mũi xoang, viêm tai giữa, thì đau đầu sẽ khỏi khi các bệnh lý này được điều trị. Nếu đau đầu trong những trường hợp trên gây ra cho bạn sự khó chịu, căng thẳng, bạn có thể dùng các thuốc giảm đau quen thuộc như paracetamol, aspirin để làm dịu cơn đau.
Tuy nhiên, bạn không được lạm dụng và dùng thuốc giảm đau kéo dài thay cho việc thăm khám khi cơn đau đầu xảy ra thường xuyên; vì nguyên nhân, bệnh lý gây đau đầu không được điều trị triệt để sẽ gây nguy hiểm cho bạn, cũng như đem đến sự lệ thuộc thuốc và các tác dụng không mong muốn của thuốc.
Đặc biệt, không được dùng thuốc giảm đau khi đau đầu sau khi uống rượu bia, điều này có thể gây viêm loét và xuất huyết dạ dày, hại gan và thận của bạn vì tác hại của lượng cồn trong rượu, bia cộng hợp với tác dụng phụ của thuốc giảm đau.
Đau đầu nguy hiểm khi bệnh nhân có bệnh tim mạch như đau thắt ngực, loạn nhịp tim, bệnh van tim, tăng huyết áp ác tính, tiền sử đột quỵ…
Đau đầu ở những bệnh nhân này có thể là dấu hiệu của tai biến mạch máu não (nhồi máu não, xuất huyết não). Đau đầu ở những bệnh nhân vừa bị tai nạn ảnh hưởng vùng đầu, hay đơn giản là có va đập vùng đầu trong các hoạt động thường nhật mà bệnh nhân thậm chí còn không chú ý như té ngã, đụng đầu có thể là triệu chứng của tụ máu màng cứng, cần được can thiệp bằng các thủ thuật y khoa ngay. Nếu đau đầu nằm trong những trường hợp sau, bạn không được dùng thuốc giảm đau để trì hoãn, khỏa lấp cơn đau, mà cần đến gặp bác sĩ ngay:
- Cơn đau đầu xuất hiện đột ngột, dữ dội gây chóng mặt, choáng váng.
- Đau đầu cùng với triệu chứng buồn nôn, nôn mửa, nhìn nhòe và có điểm mù.
- Đau đầu đi kèm triệu chứng thần kinh: méo miệng, khó nói chuyện, khó cử động, yếu hoặc liệt cơ, co giật…
- Đau đầu đi kèm triệu chứng tim mạch: huyết áp tăng cao bất thường, đau vùng ngực.
- Đau đầu thường xuyên không rõ nguyên nhân, càng ngày càng nặng hơn, khoảng cách giữa các cơn đau đầu gần nhau hơn. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo của các bệnh lý tiềm ẩn, nhưng rất nguy hiểm. Có thể gây tử vong, tàn phế như dị dạng mạch máu não (gây nguy cơ đột quỵ), u não, tụ máu màng não…
- Triệu chứng đau nửa đầu. Đây là bệnh lý cần được theo dõi và điều trị. Có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm nếu thuộc thể nặng, để tình trạng kéo dài.
Lời khuyên cho bệnh nhân
Bất cứ dấu hiệu bất thường nào cũng là lời cảnh báo cho sức khỏe của bản thân bạn. Đau đầu cũng vậy, tuy có thể chỉ là triệu chứng nhất thời hay ảnh hưởng của các bệnh lý khác, nhưng cũng cần chú ý và đi đến bác sĩ thăm khám, khi đã loại trừ các nguyên nhân ảnh hưởng, nhưng tình trạng không cải thiện. Không dùng thuốc giảm đau kéo dài để giải quyết đau đầu, vì thuốc giảm đau luôn luôn chỉ điều trị triệu chứng, không giải quyết được căn nguyên, thậm chí nó còn che lấp các dấu hiệu nguy hiểm.
Đau đầu cũng có thể do lối sống không tốt gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bạn trong thời gian dài, vì vậy cần xây dựng một lối sống, chế độ dinh dưỡng khoa học và khỏe mạnh:
- Duy trì chế độ làm việc, nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý. Stress, mất ngủ sẽ tạo ra gốc tự do, có thể gây tổn thương, giết chết tế bào thần kinh của bạn cũng như ảnh hưởng rất nhiều cơ quan trong cơ thể.
- Không nên làm việc liên tục, nhất là những người làm việc nhiều trên máy tính, nên có khoảng 15-20 phút nghỉ ngơi sau 2-3 giờ làm việc.
- Uống đủ nước. Tránh dùng nhiều chất kích thích như cà phê, rượu bia, thuốc lá.
- Tập thể dục, thể thao phù hợp để cải thiện sức khỏe thể chất, tinh thần. Đi bộ, thiền, yoga là những bộ môn thích hợp cho người hay đau đầu.
- Bổ sung vitamin từ việc dùng đa dạng nhiều loại trái cây, rau củ quả.
- Tinh thần cần thoải mái, tránh căng thẳng, lo âu thái quá. Có thể thư giãn bằng các biện pháp như massage, tắm nước ấm, xông hơi bằng tinh dầu thiên nhiên.
Bệnh phình mạch não - sát thủ giấu mặt
Túi phình càng lớn, nguy cơ vỡ càng cao, khi lớn hơn 5 mm hay hình thái túi không đều, cần phải điều trị.
Phó giáo sư Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Thần kinh, ngày 19/10 cho biết phình động mạch não rất hay gặp. 3-5% dân số bị phình động mạch não. Tuy nhiên, hầu hết túi phình động mạch não không vỡ, không có triệu chứng hay dấu hiệu bệnh. Chỉ khoảng 0,25% người mang túi phình động mạch não sẽ vỡ.
Bác sĩ Hệ cho biết phình động mạch não chưa vỡ rất hiếm khi biểu hiện lâm sàng. Do vậy, người bệnh thường không đi khám bệnh. Thực tế, người bệnh được chẩn đoán có (hay mang) túi phình động mạch não chưa vỡ thường khi chụp cắt lớp sọ não, chụp cộng hưởng từ sọ não. Lý do chụp cắt lớp hoặc chụp cộng hưởng từ sọ não chủ yếu do đau đầu, xuất huyết não do vỡ phình động mạch não.
"Chụp cắt lớp hoặc chụp cộng hưởng từ sọ não phát hiện được túi phình vỡ gây xuất huyết và phát hiện được túi phình động mạch não chưa vỡ. Khoảng 10-30% người bệnh có nhiều túi phình động mạch não", bác sĩ Hệ nói.
Ngoài ra, người bệnh được chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ do chấn thương sọ não, do tai biến mạch máu não, do liệt dây thần kinh sọ, do động kinh, do tăng áp lực trong sọ, do dị dạng mạch não khác trong sọ... Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức ghi nhận lý do chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ sọ não hay gặp nhất là đau đầu và chấn thương sọ não.
Khi chẩn đoán xác định người bệnh mang phình động mạch não chưa vỡ, bác sĩ sẽ đánh giá nhiều yếu tố để đưa ra khuyến cáo, tư vấn về cách thức điều trị. Vì phình động mạch não rất hiếm khi vỡ nên chỉ điều trị khi người bệnh có nhiều nguy cơ vỡ túi phình.
Những yếu tố ảnh hưởng tới tỷ lệ vỡ túi phình bao gồm kích thước túi phình, vị trí túi phình, hình thái túi phình, tiền sử bệnh, tiền sử gia đình và tuổi của người bệnh.
"Túi phình càng lớn, nguy cơ vỡ càng cao", bác sĩ Hệ nói.
Theo bác sĩ Hệ, nếu túi phình lớn hơn 5 mm, nguy cơ vỡ cao nên bác sĩ thường khuyến cáo cần can thiệp. Một số tác giả cho rằng, đường kính túi phình lớn hơn 3 mm cũng nên can thiệp. Ngoài ra, những trường hợp nên can thiệp gồm: Hình thái túi phình không đều, người bệnh đã từng bị xuất huyết não... Nếu người bệnh trẻ, nên can thiệp. Nếu người bệnh cao tuổi (trên 70), xu hướng nên bảo tồn.
Bác sĩ Hệ đọc phim của bệnh nhân chụp sọ não. Ảnh: KIm Oanh.
Phình động mạch não chưa vỡ được điều trị bằng phẫu thuật (kẹp túi phình) hoặc nút mạch. Đây là hai phương pháp điều trị thường quy ở nhiều cơ sở y tế. Tỷ lệ thành công của hai phương pháp này tương đương nhau. Phương pháp nút mạch chi phí cao hơn do hầu hết dụng cụ, vật tư được nhập khẩu.
Nếu không điều trị, người bệnh mang túi phình động mạch não sẽ khám định kỳ 6 tháng một lần trong những năm đầu tiên và khám định kỳ 12 tháng một lần trong những năm tiếp theo. Khi khám lại, người bệnh sẽ được chụp cắt lớp vi tính mạch, hoặc chụp cộng hưởng từ mạch để đánh giá kích thước và hình thái túi phình. Nếu túi phình lớn hơn, to hơn, bờ túi phình thay đổi thì nên can thiệp.
Trong thời gian theo dõi khám định kỳ, người bệnh được khuyến cáo không được hút thuốc (cả thuốc lá và thuốc lào đều làm tăng nguy cơ vỡ túi phình), tránh huyết áp cao hoặc điều trị huyết áp, kiểm soát huyết áp thật tốt, điều trị mỡ máu cao, tránh uống rượu, không nên dùng phương pháp tránh thai bằng uống thuốc ngừa thai.
Nhằm giúp người dân hiểu rõ hơn về cách phòng, chăm sóc, theo dõi và điều trị các bệnh lý Dị dạng mạch máu não, ngày 31/10, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sẽ tổ chức chương trình Khám và tư vấn miễn phí bệnh lý Dị dạng mạch máu não.
Tham gia chương trình, ngoài được các chuyên gia tư vấn miễn phí, 5 người bệnh có chỉ định chụp cắt lớp vi tính đầu tiên, đặt lịch trước qua Tổng đài 19001902 sẽ được chụp cắt lớp vi tính miễn phí.
Sự thật về uống cà phê giúp giảm đau đầu Chắc bạn cũng biết, caffeine là một xanthine ancaloit có thể tìm thấy được trong các loại hạt cà phê, trong chè, hạt côla, quả guarana và (một lượng nhỏ) trong hạt ca cao. Tùy vào lượng caffeine tiêu thụ, mà cà phê có thể làm giảm cơn đau đầu hoặc gây ra cơn đau đầu - ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK Caffeine là...