Con đường không dễ dàng để có thị trường chung
Ngày 31/12/2015, Cộng Đồng Kinh Tế ASEAN ( AEC) chính thức ra đời. Để đạt mục tiêu thành lập một thị trường chung theo mô hình Liên minh châu Âu (EU), các chuyên gia cho rằng AEC còn phải vượt qua nhiều thách thức.
Cộng đồng Kinh tế ASEAN. (Ảnh: 123rf.com)
Khu vực Đông Nam Á với 634 triệu dân là khối thương mại đứng hàng thứ ba tại châu Á, sau Trung Quốc và Ấn Độ. Xét về tiềm năng, Cộng đồng kinh tế ASEAN có thể trở thành đối tác xuất khẩu cũng như nhập khẩu đứng hàng thứ tư trên thế giới, sau Trung Quốc, EU và Mỹ.
Hiện nay trao đổi thương mại giữa các nước trong ASEAN chiếm gần 25% tổng xuất nhập khẩu của khu vực này và sẽ tăng khoảng 10% mỗi năm. ASEAN đang hy vọng vào năm 2020, tỷ lệ xuất nhập khẩu trong nội khối AEC sẽ lên tới 30%.
Giấc mơ của ASEAN về một thị trường chung duy nhất, theo mô hình EU đã được thai nghén từ lâu. Tuy đã được chính thức ra đời, nhưng với AEC để có thể phát triển theo mô hình EU, giới chuyên gia cho rằng AEC cần có được một số yếu tố cơ bản cũng như phải vượt qua không ít thách thức lớn.
Lãnh đạo các nước thành viên ASEAN trong cuộc gặp ngày 22/11/2015 tại Kuala Lumpur. (Ảnh: AFP)
Trước tiên, Ban Thư ký ASEAN đặt tại Jakarta, thủ đô Indonesia, theo đánh giá chung là còn nhỏ bé, ngân sách hoạt động và nhân lực hạn chế, đặc biệt là không có thẩm quyền như Ủy ban Châu Âu đóng trụ sở tại Brussels với vai trò gần như là chính phủ của châu Âu. Còn trong AEC, thẩm quyền vẫn thuộc về các bộ chủ quản của từng nước và chưa tạo được nhiều thuận lợi cho việc phối hợp khi cần phải xử lý một vấn đề chung.
Video đang HOT
Yếu tố thứ hai là chưa có được sự hài hòa, đồng nhất về luật pháp bên trong ASEAN. Kể từ 1/1/2016, AEC bước vào hoạt động với một loạt luật lệ khác nhau trong các lĩnh vực: tiêu dùng, bảo hộ trí tuệ, luật về công ty, đất đai, bất động sản, đầu tư…
Cho đến nay ASEAN vẫn chưa có mạng lưới ngân hàng chung cũng như một đơn vị tiền tệ có thể được coi là đồng tiền chung. Thậm chí một số đồng tiền quốc gia không thể chuyển đổi, giữa các nước ASEAN chưa có thỏa thuận chống đánh thuế hai lần, thỏa thuận về nhập cư.
Một số trở ngại khác như mọi quyết định phải có được sự đồng thuận chung, áp dụng nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau… được coi là khiến ASEAN chưa có được một cơ chế thực thụ để giải quyết các vấn đề như khủng hoảng nảy sinh.
Bên cạnh đó, hiện còn có những yếu tố khác mà theo giới chuyên môn đánh giá là còn ít nhiều cản trở sự phát triển một cộng đồng kinh tế chung như: còn thiếu quyết tâm chính trị, (như Thái Lan đang khủng hoảng về cơ chế lãnh đạo, Malaysia đối mặt với nạn tham nhũng…), tư tưởng “dân tộc chủ nghĩa” trong lĩnh vực kinh tế vẫn còn.
Do vậy, việc áp dụng lộ trình giảm hàng rào thuế quan và đặc biệt là hàng rào phi thuế quan, cải thiện cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải giữa các nước, thực hiện một chính sách kỷ cương để buộc các thành viên tuân thủ những cam kết, được coi là những trở ngại không nhỏ mà các nước AEC cần vượt qua.
Trước mắt, theo nhận định của ông John Pang, chuyên gia trường Nghiên cứu quan hệ quốc tế Rajaratnam, ở Singapore, có lẽ AEC sẽ “không mang lại ngay những những thay đổi triệt để”.
Vấn đề chính là AEC cần thu hút được đầu tư nước ngoài và thực thi những hoạt động hợp tác cụ thể thành công.
Quý Cao (theo RFI)
Theo Dantri
Cộng đồng Kinh tế ASEAN - Những câu hỏi nóng cho 2016
Trước sức ép cạnh tranh của thị trường hơn 650 triệu dân, liệu doanh nghiệp Việt Nam đã có sự chuẩn bị để đón nhận cơ hội cũng như đương đầu thách thức, đây là nội dung được quan tâm khi lộ trình hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đang đến rất gần với các nước thành viên; trong đó có Việt Nam.
Chế biến cá đóng hộp xuất khẩu tại nhà máy KTCFOOD. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)
AEC là sự hội nhập của các quốc gia thành viên ASEAN thành một khối sản xuất, thương mại và đầu tư, tạo ra thị trường chung của khu vực có GDP đạt khoảng 2.000 tỷ USD và trở thành nền kinh tế đứng thứ 7 thế giới.
Mặt khác, khi AEC hình thành, thuế nhập khẩu sản phẩm và dịch vụ từ các nước thành viên sẽ giảm về 0%, tất cả các lĩnh vực kinh tế sẽ được mở cửa; đồng thời tạo nên sự hòa nhập khu vực một cách toàn diện, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ cho các nền kinh tế thành viên.
Tuy nhiên, kết quả khảo sát của Viện nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore (ISEAS) công bố, có đến 63% doanh nghiệp Việt Nam cho rằng AEC không có ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.
Mặt khác, hầu hết Chính phủ và doanh nghiệp các nước ASEAN từ lâu đã chuẩn bị sẵn sàng cho lộ trình hội nhập. Điển hình, các chính phủ nước thành viên ASEAN đã chuẩn bị thực hiện các điều luật quốc tế với những biện pháp để tận dụng cơ hội, bảo vệ và hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp vừa và nhỏ nước mình. Ngoài ra, các nước này cũng dự doán và có giải pháp xử lý thách thức thông qua sự lắng nghe chuyên gia, doanh nghiệp đúng mức.
Tiến sỹ Trương Minh Huy Vũ, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS), Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng, khi đánh giá về tác động của AEC cần đặt trong bối cạnh hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam với những Hiệp định Thương mại tự do song phương và đa phương khác.
Vì vậy, doanh nghiệp cần hiểu rõ AEC là một tiến trình hội nhập kinh tế khu vực chứ không phải là một thỏa thuận hay hiệp định với các cam kết ràng buộc thực chất; trong đó, AEC tạo cho doanh nghiệp cơ hội mở rộng nhiều thị trường và động lực phát triển mới, nhưng cũng mang lại nhiều thách thức về năng lực cạnh tranh.
Cụ thể, doanh nghiệp sẽ phải cạnh tranh trong bối cảnh chênh lệch trình độ phát triển giữa các quốc gia trong nội khối ASEAN ở nhiều lĩnh vực như: hàng hóa, dịch vụ, lao động, quản lý dòng vốn và thu hút đầu tư...
Hiện tại, thương mại nội khối ASEAN vẫn còn rất hạn chế, chỉ chiếm 24% tổng giao dịch thương mại quốc tế của khối này, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ 60% của Liên minh châu Âu.
Bên cạnh đó, tiến trình hình thành và phát triển AEC vẫn còn tồn tại nhiều rào cản như cơ sở hạ tầng không đồng đều, chi phí vận tải, thương mại mang tính cạnh tranh hơn bổ sung, đầu tư trực tiếp nội khối thấp...
Mặc dù AEC đã thống nhất để cho 4 nền kinh tế kém phát triển hơn trong khối là Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar được "ân hạn" tới năm 2018 mới phải dỡ bỏ hàng rào thuế quan so với 6 nước còn lại. Tuy nhiên, những quan ngại hội nhập kinh tế sẽ không thu hẹp mà có khả năng làm gia tăng bất bình đẳng về thu nhập trong khu vực là hoàn toàn có cơ sở, các chuyên gia nhấn mạnh.
Tiến sỹ Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES) cho biết, thách thức lớn nhất đối với Việt Nam là từ nay đến năm 2018 phải loại bỏ thuế quan đối với 7% dòng thuế nhạy cảm (khoảng 400 dòng thuế).
Những dòng thuế này, trước đây được xếp vào danh mục nhạy cảm cao, nghĩa là những mặt hàng Việt Nam có năng lực cạnh tranh thấp, muốn duy trì mức thuế bảo hộ cao để doanh nghiệp và các ngành sản xuất có thời gian nâng cao sức cạnh tranh.
Tuy nhiên, khảo sát thực tế, trong thời gian qua có những mặt hàng Việt Nam được hưởng mức bảo hộ rất cao bằng cả biện pháp thuế và phi thuế, nhưng không cải thiện được năng lực cạnh tranh sẽ đối mặt với khó khăn, gồm ôtô, đường, sắt, thép...
Trước những thách thức AEC, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần đẩy nhanh nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế; trong đó, các Bộ, ngành nên tập trung vào lĩnh vực thuận lợi hóa thương mại, giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian giao dịch, giảm chi phí hành chính, qua đó cắt giảm chi phí đầu vào, nâng cao sức cạnh tranh.
Riêng đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đã đến lúc các doanh nghiệp không thể đứng ngoài tiến trình hội nhập kinh tế, mà phải nhập cuộc và tham gia một cách chủ động hơn thông qua việc cập nhật thông tin, đổi mới quản trị, chiến lược kinh doanh.../.
Theo Vietnam
Đang có nhiều người nghĩ đơn giản về AEC Nửa tháng nữa, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ chính thức mở cửa. Nhưng lo lắng về việc tận dụng tối đa các cơ hội từ AEC vẫn đang được các chuyên gia kinh tế lẫn hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đề cập. Vì đơn giản, cơ hội không được tận dụng thì sẽ chuyển thành thách thức....