Có chỉ tiêu nhưng không được tỉnh đặt hàng: Trường sư phạm lo vắng bóng SV
Lãnh đạo các trường đào tạo sư phạm lo ngại, nếu không được giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên, các khóa tới đây sẽ hoàn toàn vắng bóng sinh viên.
Cuối tháng 7, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản số 3242/BGDĐT-GDĐH gửi một số trường cao đẳng, đại học có đào tạo các ngành sư phạm về việc xác định số lượng chỉ tiêu các ngành đào tạo giáo viên năm 2022.
Theo đó, Bộ căn cứ nhu cầu các địa phương về đào tạo giáo viên trình độ đại học, trình độ cao đẳng chính quy năm 2022 và năng lực đào tạo của cơ sở đào tạo để xây dựng phương án xác định chỉ tiêu đào tạo năm 2022.
Công văn nêu: Các cơ sở đào tạo trực thuộc các địa phương đã có văn bản báo cáo không có nhu cầu đào tạo giáo viên hoặc thuộc các địa phương chưa báo cáo nhu cầu. Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo không có căn cứ để xây dựng phương án xác định chỉ tiêu tuyển sinh các ngành đào tạo giáo viên theo quy định.
Lo ngại sẽ hoàn toàn vắng bóng sinh viên
Lý giải về vấn đề này, cô Lương Thị Tuyến, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng Lai Châu – một trong 12 trường đến nay chưa được giao chỉ tiêu cho hay, năm học 2022 – 2023 tới đây, nhà trường đã lập đề án dự kiến số lượng 45 chỉ tiêu ngành Sư phạm Mầm non nhưng Bộ không giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên bởi theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu, địa phương hiện chỉ ưu tiên đào tạo một số ngành nghề mà tỉnh đang cần nhân lực, không có đào tạo giáo viên.
“Theo đó từ giờ đến năm 2025, tỉnh không có phương án đào tạo chế độ cao đẳng mầm non theo Nghị định 116/NĐ-CP của Chính phủ. Việc này khiến cho các giảng viên ngành Sư phạm Mầm non trường chúng tôi thấy buồn, nặng lòng, vì nhà trường đang đào tạo 2 khóa ngành Sư phạm Mầm non. Với tình hình này, có khả năng khóa tuyển sinh năm nay và các năm tới, trường sẽ không có sinh viên nữa.
Chúng tôi hiện vẫn động viên các thầy cô trong đội ngũ giảng viên yên tâm công tác, chế độ chính sách vẫn đảm bảo. Đồng thời, chúng tôi cũng có những đề nghị gửi lên Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu xem xét lại vấn đề này. Có thể không giao chỉ tiêu cho đào tạo sinh viên Việt Nam thì sẽ tạo điều kiện đào tạo với các đối tượng là du học sinh Lào”, cô Tuyến thông tin với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.
Cô Lương Thị Tuyến – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng Lai Châu. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Lai Châu.
Bàn về việc đặt hàng giáo viên theo Nghị định 116, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng Lai Châu cho hay, ban đầu khi mới áp dụng, trường gặp một số bối rối do văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa rõ. Về sau, Bộ có những hướng dẫn chi tiết, chế độ cho sinh viên ngành sư phạm được đảm bảo, đúng tinh thần Nghị định.
Điều này đồng thời với việc sinh viên khi học phải có cam kết phục vụ trong ngành giáo dục ít nhất gấp 2 lần thời gian được đào tạo, nếu không sẽ phải bồi hoàn kinh phí.
“Trong trường hợp tốt nghiệp nhưng không công tác trong ngành và không hoàn trả, sinh viên sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật, thời gian nợ học phí sẽ tính theo lãi suất ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank). Do đó, khi nhập học, nhà trường phổ biến tới sinh viên các văn bản liên quan đến việc thực hiện Nghị định 116 và yêu cầu các em cam kết, trong đó có chữ ký xác nhận của phụ huynh, đồng thời cũng yêu cầu các em về địa phương để chứng thực”, cô Tuyến cho biết.
Trước ý kiến cho rằng, liệu có xảy ra trường hợp sinh viên học theo diện đặt hàng của Nghị định 116, sau khi tốt nghiệp, các em về địa phương có tham gia thi tuyển nhưng cố tình thi trượt để không làm trong ngành giáo dục, gây thất thoát nguồn ngân sách của tỉnh đã chi cho sinh viên này học tập trước đó?
Theo cô Lương Thị Tuyến, do mới triển khai cơ chế đặt hàng được 2 năm nên nhà trường chưa tính đến tình huống này vì sinh viên chưa ra trường. Nhưng cô Tuyến đánh giá, việc này nếu xảy ra cũng sẽ có tỉ lệ rất thấp vì về cơ bản, sinh viên khi đã chọn nhập học sư phạm là muốn theo đuổi nghề dạy học, gắn bó với học trò.
Tuy nhiên, cô Lương Thị Tuyến cũng lo ngại vấn đề đầu ra của sinh viên trong trường hợp địa phương giao thừa, thiếu chỉ tiêu, hoặc việc giao chỉ tiêu không phù hợp, không đúng với nhu cầu tuyển dụng thực tế, không có dự báo nguồn tuyển dụng trong thời gian 3 – 4 năm tương ứng của một khóa đào tạo.
Theo cô Tuyến, nếu để việc này xảy ra, trách nhiệm thuộc về địa phương đặt hàng. Nhìn rộng ra, những khó khăn trong việc triển khai hiệu quả cơ chế đặt hàng ràng buộc nhiều bên liên quan gồm sinh viên, cơ sở đào tạo, Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan tham mưu.
Video đang HOT
Ý kiến từ các cơ sở đào tạo sư phạm cho rằng Nghị định 116 khi thực hiện còn có những khó khăn nhất định. Ảnh minh họa: A.N
“Vừa rồi, Bộ Chính trị đã giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ năm 2022 – 2026, riêng năm học 2022 – 2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Tôi rất kỳ vọng động thái sẽ tạo thuận lợi hơn cho các tỉnh triển khai việc khắc phục việc thiếu giáo viên cục bộ.
Điều này cũng là cơ hội cho các trường đào tạo có thêm chỉ tiêu tuyển sinh, thầy cô yên tâm công tác, cống hiến. Qua đó, giúp các bạn sinh viên có việc làm trong môi trường mình đã đam mê, theo đuổi”, cô Tuyến bày tỏ.
Chưa đảm bảo công bằng giữa các cơ sở đào tạo
Chung tình trạng như Trường Cao đẳng Cộng đồng Lai Châu, đến thời điểm hiện tại, các khối ngành sư phạm thuộc Trường Đại học Quảng Nam chưa được giao chỉ tiêu đặt hàng giáo viên theo Nghị định 116.
Thông tin với phóng viên, đại diện Trường Đại học Quảng Nam cho hay, năm học 2022-2023, nhà trường vẫn tiến hành tuyển sinh bình thường với chỉ tiêu đào tạo theo nhu cầu xã hội; lượng sinh viên đăng ký vào ngành sư phạm khá nhiều, nhất là ngành Giáo dục Mầm non, Giáo dục Tiểu học.
Đánh giá về việc đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116, cô Phạm Nguyễn Hồng Ngự – Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Quảng Nam cho rằng việc ra đời của Nghị định 116 mang sự nhân văn, có ý nghĩa, nhất là với những trường đại học địa phương – đặc thù là có đa số sinh viên hoàn cảnh gia đình khó khăn và chính các địa phương cũng thiếu đội ngũ giáo viên các cấp. Tuy nhiên việc Nghị định này tương đối khó khăn, nhiều vấn đề phát sinh chưa có hướng giải quyết.
“Tôi rất mong các cấp lãnh đạo, quản lý ngành giáo dục, sắp tới có những biện pháp đồng bộ và triệt để hơn. Mới đây, Bộ Chính trị giao thêm chỉ tiêu gần 66 nghìn biên chế giáo viên trên cả nước trong giai đoạn 2022-2026, điều này sẽ là yếu tố quan trọng để các địa phương quyết liệt hơn việc đặt hàng giáo viên theo Nghị định 116/NĐ-CP của Chính phủ”, cô Phạm Nguyễn Hồng Ngự nêu quan điểm.
Thắc mắc THPT Việt Đức tuyển thêm 98, Chu Văn An thêm 50 HS so chỉ tiêu công bố
Sau khi hạ điểm chuẩn trúng tuyển vào lớp 10, Trường THPT Việt Đức có thêm 98 học sinh, THPT Chu Văn An có 50 em dôi dư so với chỉ tiêu Sở GD Hà Nội công bố.
Sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố điểm chuẩn trúng tuyển bổ sung vào lớp 10 với các trường Trung học phổ thông chuyên và không chuyên trên địa bàn năm học 2022-2023, đã có ý kiến phản ánh đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh một số trường công lập đã tuyển thêm học sinh vào lớp 10 so với chỉ tiêu được Sở công bố trước đó.
Độc giả băn khoăn, việc giao chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường này được Sở Giáo dục và Hà Nội tính toán ra sao mà giờ tăng thêm chỉ tiêu. Cơ sở vật chất các trường có đáp ứng với việc tăng thêm có nơi vượt đến 98 học sinh so với chỉ tiêu công bố công khai trước đó.
Phụ huynh cũng nêu lên dẫn chứng về việc, để đưa ra được con số chỉ tiêu cho từng trường thì trước đó, chắc chắn Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phải dựa trên những đánh giá về điều kiện của các trường. Tại sao đến sau cùng, Sở lại đồng ý với việc các trường bổ sung thêm lượng thí sinh nhiều hơn chỉ tiêu công bố như vậy?
Để làm rõ các thắc mắc của phụ huynh, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với những trường được phản ánh là tuyển thêm học sinh so với chỉ tiêu từng được Sở Giáo dục và Hà Nội công bố.
Do "đặc thù" tuyển sinh mỗi năm mỗi khác
Theo phản ánh, tại Trường Trung học phổ thông Chu Văn An, sau khi hạ điểm chuẩn trúng tuyển vào lớp 10, trường này có thêm 50 thí sinh trúng tuyển so với chỉ tiêu được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố trước đó.
Trao đổi với phóng viên, cô Trần Thị Tuyến - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Trung học phổ thông Chu Văn An xác nhận có sự việc như trên. Đồng thời, cho rằng, Trường Trung học phổ thông Chu Văn An trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nên mọi việc đều làm theo quy định của Sở với các quy trình rõ ràng.
Trường Trung học phổ thông Chu Văn An. Ảnh: Trung Dũng
Cô Tuyến thông tin thêm: "Toàn bộ công tác tuyển sinh của trường hoàn toàn công khai, minh bạch trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đầu tiên, chúng tôi sẽ căn cứ theo tình hình hiện tại của nhà trường và đề xuất chỉ tiêu tuyển sinh với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Sau đó, Sở sẽ nghiên cứu dựa trên cơ sở thực tế của nhà trường về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất và đưa ra quyết định phê duyệt về chỉ tiêu tuyển sinh.
Sau khi có quyết định tuyển sinh thì Sở sẽ thành lập các ban và hội đồng để thực hiện công tác tuyển sinh.
Tiếp đó, khi có điểm của kỳ thi vào lớp 10, nhà trường được tham gia một cuộc họp với Sở để xác định mức điểm tuyển sinh của từng trường và từng đối tượng. Khi tính điểm này nhà trường cũng phải dựa vào mức chỉ tiêu tuyển sinh trước đó và theo độ lọc ảo trên hệ thống.
Cuối cùng, Sở Giáo dục và Đào tạo cân nhắc dựa trên những số liệu đó sẽ đưa ra quyết định về mức điểm trúng tuyển vào trường".
Lý giải về nguyên nhân việc số lượng thí sinh trúng tuyển cao so với chỉ tiêu được công bố, cô Tuyến cho rằng, do việc tuyển sinh tại trường mỗi năm lại có một "đặc thù riêng".
Vị này nhấn mạnh, có năm hết đợt tuyển sinh nhà trường vẫn bị thiếu chỉ tiêu. Nhưng cũng có năm, chỉ một vài ngày sau khi thông báo tuyển sinh thì số lượng đăng ký đã vào "ồ ạt".
Năm nào số lượng thí sinh ít biến động do phụ huynh đến rút hồ sơ không nhiều thì may ra năm đó việc tuyển sinh mới ổn định. Còn năm nào biến động lớn thì nhà trường cũng phải "chạy đôn, chạy đáo".
"Ban đầu, nhà trường sẽ tổ chức tuyển sinh theo mức điểm được Sở Giáo dục và Đào tạo công bố nhằm khảo sát hồ sơ đăng ký.
Khi có kết quả thi và thông quá trình lọc hồ sơ, chúng tôi tiếp tục báo cáo về lượng học sinh đã nhập học trực tuyến, Sở sẽ hỏi ý kiến nhà trường là có hạ điểm hay không.
Phần được nhà trường hạ điểm và có lượng thí sinh dôi dư so với chỉ tiêu trước đó là thuộc vào những lớp, những đối tượng trong trường chưa đủ thí sinh.
Bởi lẽ, Trường Trung học phổ thông Chu Văn An không như các trường chỉ có một hệ khác, mà ở đây có rất nhiều hệ.
Nếu ở các trường chỉ có một hệ, khi thí sinh dôi dư nhiều quá thì buộc phải tăng lớp, nhưng ở đây sẽ không phải tăng lớp mà số lượng trên sẽ được phân bổ vào trong các hệ còn thiếu thí sinh.
Về điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên thì cơ bản nhà trường vẫn đảm bảo theo chỉ tiêu đề ra. Trường cũng đã xác định rất rõ việc, hiện có 57 lớp thì giờ cơ cấu cũng chỉ 57 lớp", Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Chu Văn An nói.
Bảng điểm chuẩn trúng tuyển bổ sung vào lớp 10 THPT Công lập, THPT chuyên, lớp 10 chương trình thí điểm song bằng tú tài do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố cho thấy Trường THPT Chu Văn An và THPT Việt Đức có trong danh sách các trường hạ điểm chuẩn. Ảnh: Chụp màn hình
Theo cô Tuyến, danh sách chính thức về lượng thí sinh trúng tuyển vào Trường Trung học phổ thông Chu Văn An đã được nhà trường chốt sau đợt phúc khảo vào ngày 30/7.
Theo đó, số lượng trúng tuyển chính thức được công bố là 745 thí sinh. Trước đó, theo bảng chỉ tiêu được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố là 665 thí sinh (chưa bao gồm chỉ tiêu Hệ song bằng Tú tài A - level).
Trường đã báo cáo và được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đồng ý
Theo tìm hiểu của phóng viên, không chỉ tại Trường Trung học phổ thông Chu Văn An, tình trạng số lượng thí sinh trúng tuyển cao hơn chỉ tiêu được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố được ghi nhận cũng đang xảy ra tại Trường Trung học phổ thông Việt Đức.
Cụ thể, theo tìm hiểu của phóng viên, tại trường này sau khi hạ điểm chuẩn, số lượng dôi dư ra so với chỉ tiêu Sở công bố trước đó là 98 thí sinh.
Xác nhận về việc này, cô Nguyễn Bội Quỳnh - Hiệu Trưởng Trường Trung học phổ thông Việt Đức cho biết, con số dôi dư như phóng viên phản ánh là chính xác.
Cô Quỳnh thông tin thêm rằng, về quy trình làm việc giữa Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội với nhà trường trong việc nâng, hạ số lượng thí sinh trúng tuyển như thế nào đã được thực hiện theo đúng trình tự.
Cụ thể về việc này, lãnh đạo Trường Trung học phổ thông Việt Đức cho rằng: "Sau khi các thí sinh có điểm thi, nhà trường sẽ báo cáo số lượng trúng tuyển về Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.
Sau đó, dựa trên điều kiện cơ sở vật chất, nhà trường tiếp tục xin ý kiến và được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đồng ý công nhận thêm số lượng thí sinh dôi dư nói trên".
Trường Trung học phổ thông Việt Đức. Ảnh: Trung Dũng
Lý giải về nguyên nhân của việc này, cô Quỳnh cho rằng, khi được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội duyệt chỉ tiêu tuyển sinh cho năm học 2022-2023 thì Trường Trung học phổ thông Việt Đức được ấn định là 745 chỉ tiêu.
Tuy nhiên, sau khi các thí sinh có điểm thi, trường này nhận thấy nếu Trường Trung học phổ thông Việt Đức không hạ điểm mà lấy 42 điểm bằng với điểm chuẩn trúng tuyển của Trường Trung học phổ thông Phan Đình Phùng thì trường này sẽ thiếu khoảng hơn 200 học sinh.
"Ngoài ra, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm chỉ có 2 trường Trung học phổ thông, nhưng năm nay số lượng thí sinh thi vào 10 lại rất nhiều nên chúng tôi không thể để nhà trường bị thiếu hơn hai trăm học sinh được.
Vì thế nhà trường đã đề xuất là hạ mức điểm trúng tuyển xuống mức là 41,75. Chỉ chênh lệch nhau 0,25 điểm nhưng sẽ có nhiều học sinh có cơ hội được đi học.
Bên cạnh đó, quan điểm của phụ huynh năm nay về việc cho con thi vào trường chuyên trong cũng đã có nhiều thay đổi, nên có nhiều học sinh đỗ vào trường chuyên nhưng không đi học trường chuyên mà gửi hồ sơ vào trường. Đó là những nguyên nhân dẫn đến con số thí sinh dôi dư ra như vậy.
Còn với tất cả số lượng thí sinh trúng tuyển, nhà trường cũng đã dán danh sách công khai ở bảng tin trong sân trường.
Điểm chuẩn trúng tuyển của Trường Trung học phổ thông Việt Đức như thế nào chúng tôi đã báo cáo và đều được sự đồng ý của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội", cô Quỳnh cho hay.
Đề cập về điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên để đáp ứng với lượng thí sinh nhiều hơn so với chỉ tiêu công bố, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Việt Đức khẳng định: "Nhà trường chắc chắn phải đảm được điều kiện về cơ sở vật chất cho việc học tập cho tất cả các học sinh".
Để làm rõ thêm các vấn đề liên quan đến sự việc này, phóng viên đã nhiều lần liên hệ và để lại tin nhắn cho ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nhưng đều không nhận được bất cứ sự phản hồi nào.
Chuẩn bị giáo viên cho năm học mới: Giải pháp tổng thể, dài hơi Thực hiện phương châm: 'Nơi nào có học sinh, nơi đó có giáo viên', ngoài việc phân bổ chỉ tiêu hợp lý, các địa phương cần tuyển dụng đúng và đủ số lượng giáo viên; đồng thời tổ chức sáp nhập điểm lẻ phù hợp điều kiện thực tế. Cùng với đó, quan tâm chăm lo đến chế độ, chính sách đội ngũ...